Amnesty International: Việt Nam vẫn tiếp tục bóp nghẹt quyền tự do ngôn luận


2007.05.24

Đỗ Hiếu, phóng viên đài RFA

Tổ chức Amnesty International, tức ân xá quốc tế, hôm qua từ Luân Đôn Anh Quốc vừa phổ biến trên tòan cầu bản phúc trình thường niên về tình trạng dân chủ và nhân quyền tại một số quốc gia khắp năm châu.

InternetPolice150.jpg
AFP PHOTO

Riêng đối với Việt Nam, Amnesty International nhấn mạnh rằng, chế độ cầm quyền vẫn tiếp tục bóp nghẹt quyền tự do ngôn luận, hạn chế quyền tự do báo chí và cấm đoán mọi cuộc tập họp của dân chúng trong nước.

Vẫn theo tổ chức này thì các sinh hoạt tôn giáo, những tiếng nói dân chủ, việc truy cặp internet đều bị theo dõi, kiểm soát và xử lý khắc nghiệt.

Amnesty International cho biết, tại Việt Nam hiện nay còn có trên 250 nhân vật bất đồng chính kiến bao gồm lãnh đạo tin thần, nhà đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền, nhà văn, nhà báo, đại diện giới công nông, đồng bào sắc tộc bị giam cầm hoặc bị quản chế, sau các phiên xử án vội vàng, vô lý, khó hiểu và bất công.

Trong câu chuyện với Ban Việt Ngữ đài Á Châu Tự Do chúng tôi, từ Luân Đôn, bà Nathalie Hill, phó giám đốc đặc trách Châu Á của Amnesty International phát biểu như sau:

“ Tại Việt Nam, những nhân vật bất đồng chính kiến, các tù nhân chính trị và tôn giáo kể cả những ai truy cặp internet để thảo luận hay trình bày quan điểm của mình về dân chủ và nhân quyền đều bị hăm dọa, sách nhiễu, bắt bớ và phạt tù và thường bị chánh quyền cáo buộc tội vi phạm an ninh quốc gia, gây rối loạn xã hội hay mưu toan lật đổ chế độ.”

Ân xá Quốc tế khẳng định rằng, mọi người đều có quyền tìm kiếm và có được thông tin cũng như tự do bày tỏ ý kiến một cách ôn hoà mà không cần phải sợ sệt hay bị cản trở, xử lý. Internet là tuyến đầu trên mặt trận đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền giữa lúc các chính phủ độc tài đang nỗ lực đàn áp những tiếng nói đối lập trên mạng.

Ban hành những quy định mới

Báo cáo của Amnesty International có đoạn nhấn mạnh rằng, nhà nước Việt Nam đã ban hành nhiều quy định mới nhằm gia tăng các biện pháp phong tỏa, kiểm soát việc sử dụng internet, dựng những bức tường lửa, theo dõi và ghi chép lý lịch những người vào xem tin tức, góp ý, trao đổi trên mạng lưới thông tin toàn cầu này.

Ân xá Quốc tế khẳng định rằng mọi người đều có quyền tìm kiếm và có đựơc thông tin cũng như tự do bày tỏ ý kiến một cách ôn hoà mà không cần phải sợ sệt hay bị cản trở. Internet là tuyến đầu trên mặt trận đấu tranh cho nhân quyền giữa lúc các chính phủ độc tài đang nỗ lực đàn áp những tiếng nói đối lập.

Những nhận định do Amnesty International loan báo cũng vừa được báo chí thông nước phổ biến và cho hay là bộ bưu chính, viễn thông mới ra thông tư chỉ đạo các sở bưu chính, viễn thông địa phương theo dõi tình hình cung cấp và sử dụng thẻ dịch vụ internet phone, hợp pháp và bất hợp pháp trên địa bàn trách nhiệm của mình.

Việc khảo sát phải đảm bảo tính bí mật cũng như nội dung tiến hành thanh tra. Đối tượng của đợt thanh tra là các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ điện thoại internet, các đại lý internet, như cà phê, khách sạn, nhà nghỉ.

Những tỉnh thành có lưu lượng điện thoại internet bị cho là trái pháp luật cao như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đồng Nai sẽ được lực luợng thanh tra nhà nước đặc biệt lưu ý vì bị cho là có nội dung độc hại.

Một trong những quốc gia độc đoán

Mặt khác, trong cuộc trao đổi với RFA chúng tôi, ông Julien Pain, trưởng văn phòng internet, Reporters Sans Frontieres, tức tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới từ Paris, Pháp cũng nói rằng Việt Nam là một trong những quốc gia độc đoán, khắc nghiệt nhất đối với các tiếng nói yêu chuộng tự do, dân chủ.

Ông Julien Pain nói tiếp, chế độ độc tài, tòan trị ở Hà Nội luôn xem internet là kẻ thù nguy hiễm, vì thế trong những báo cáo thường niên do các tổ chức quốc tế đúc kết thì hầu như năm nào Việt Nam cũng xếp cuối bảng vì đã hạn chế các sinh hoạt báo chí, khóa miệng đối lập, giam cầm vô lý những nhân vật bất đồng chính kiến và nhà đấu tranh cho tự do tôn giáo, tự do ngôn luận.

Theo RSF, thay vì có chính sách cởi mở hơn theo trào lưu tiến hóa của thế giới, sau khi đã gia nhập WTO và được xóa tên khỏi danh sách CPC tức là những quốc gia cần đặc biệt quan tâm về sinh họat tôn giao, thì Việt Nam lại đi thụt lùi, tức là tiếp tục lao vào con đường phi dân chủ, bóp nghẹt báo chí, xử phạt những lãnh tụ tôn giáo, những người cầm bút, đấu tranh ôn hòa cho quyền làm người.

Thông tin trên mạng:

- Download the Amnesty International Report 2007

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.