Dư luận nghĩ gì về các biện pháp phòng chống tham nhũng của TT Nguyễn Tấn Dũng?

Nhã Trân, phóng viên đài RFA

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng vừa ký một quyết định liên quan đến việc bài trừ tiêu cực, là ra qui hoạch cho Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về công tác phòng, chống tham nhũng.

MoneyCorruption200.jpg
AFP PHOTO

Biên tập viên Nhã Trân của đài chúng tôi tổng hợp thông tin và thu thập ý kiến của người dân về nghị định mới của chính phủ Việt Nam để trình bày cùng quí thính giả.

Quyết định mới nhất về phòng, chống tham nhũng được ký vào ngày 24 tháng 1, 2007, có mục tiêu đẩy mạnh công tác bài trừ tham ô trên cả nước. Văn bản nêu rõ mọi vấn đề liên quan đến chức năng và hoạt động của Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng như cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn, qui chế hành động.

Trách nhiệm trọng yếu của định chế này là tham mưu và giúp Ban Chỉ đạo Trung ương cũng như Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng thực hiện công tác.

Sai phạm cố ý

Tham ô, tiêu cực không phải là vấn đề mới mẻ ở Việt Nam. Tệ trạng này đã xảy ra từ nhiều thập kỷ, và được xem là một trong những vấn nạn lớn của đất nước. Báo chí thỉnh thoảng loan tải những vụ nổi bật. Nhà cầm quyền, trong ít năm vừa rồi, cũng phải lên tiếng sau khi những vụ tiêu cực lớn nhất và đầy tai tiếng nổ ra, như vụ PMU 18, cảng Thị Vải, quan ăn đất ở Đồ Sơn, Việt Nam Airlines…

Theo tháng năm, lãng phí, thất thoát không ngừng tiếp diễn. Mới đây, đoàn thanh tra Chính phủ vừa cho tiến hành thanh tra Công ty Phát triển và Kinh doanh Nhà, và Công ty Kho bãi thuộc Tổng công ty địa ốc Sài Gòn, sau các dấu hiệu cho thấy có sai phạm cố ý qua cách định giá nền đất thiếu trung thực khi đền bù cho các hộ bị giải toả nhà ở khu đô thị An Phú-An Khánh.

Tham nhũng đương nhiên là có rồi chứ dễ gì mà không được. Cũng chỉ vì ích lợi riêng của người ta thôi. Nhiều khía cạnh lắm. Cái gì cũng có thể là tham nhũng hết. Không chức năng nào mà không ăn. Đa số mặt đều có chuyện đó hết.

Mắt thấy, tai nghe một số vụ tham ô, nhiều người dân cho rằng tiêu cực đã tràn lan trong xã hội, như bà Hồng, một cư dân quận Gò Vấp thành phố HCM:

“Tham nhũng đương nhiên là có rồi chứ dễ gì mà không được. Cũng chỉ vì ích lợi riêng của người ta thôi. Nhiều khía cạnh lắm. Cái gì cũng có thể là tham nhũng hết. Không chức năng nào mà không ăn. Đa số mặt đều có chuyện đó hết”.

Công luận cho thấy quần chúng đã chán ngán với các tiêu cực trong guồng máy nhà nước. Bức xúc của người dân lâu nay được thể hiện qua các chỉ trích. Mới đây nhất, một số người có sáng kiến kêu gọi dân chúng lập quĩ chống tham nhũng, là góp tiền để thưởng những ai khám phá, tố cáo các sai phạm của quan chức.

Đề nghị này, xuất phát trong dân gian, có thể xem là một cảnh báo cho chính quyền, vì thể hiện mức độ bất mãn với tiêu cực và tâm trạng hoài nghi với khả năng bài trừ tham nhũng của chính phủ.

Hoài nghi

Trong bối cảnh này, việc thành lập Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và quyết tâm của chính phủ, là đẩy mạnh công tác phòng, chống tiêu cực qua nghị định qui hoạch chức năng, nhiệm vụ của văn phòng gieo một tia hy vọng cho một số người, điển hình là ông Xuân, một giáo viên quận 3 Sài Gòn:

“Việt Nam thừa tham nhũng. Bây giờ đã lập ra Ủy ban Trung ương chống tham nhũng. Việt Nam đổi mới nên cũng sợ nếu không làm tốt thì bị thế giới coi thường, thế nên bắt đầu tấn công vào tham nhũng hồi năm ngoái. Hình như có mấy ông lớn bị nhốt tạm mấy tháng điều tra. Còn họ có vây cánh nào thì mình chưa biết”.

Ngoài một thiểu số như người giáo viên được hỏi, tin tưởng rằng nhà cầm quyền sẽ tấn công tham ô, thất thoát từ đây để phù hợp với hướng đi mới của đất nước, phần lớn người dân tỏ vẻ hoài nghi vào khả năng của cơ quan bài trừ tệ nạn. Cô Hoa, một nữ y tá ở Nha Trang, giải thích lý do:

“Tham nhũng xảy ra hàng mười mấy năm nay rồi. Khó bài trừ được là vì nhiều khi ngay cả mấy quan chức cao cấp dính líu vào. Nhiều khi người ta quét lớp tép riu ở dưới thôi, chứ không dám tố cáo những người làm lớn mà tham nhũng.

Diệt tham nhũng thì rất tốt, nhưng rất khó. Nếu mấy ông lớn không dính líu vào tham nhũng thì mới có thể thúc đẩy người khác làm tốt. Trước giờ, mỗi lần có thủ tướng mới lên thì chính phủ lại hứa sẽ bài trừ tham nhũng, nhưng đến khi mãn nhiệm kỳ thì đâu lại vào đó. Thủ tướng mới lên cũng lại hứa như thế…”.

Trong tâm trạng thao thức chờ kết quả hành động của Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, công luận cho rằng, tiêu cực nếu được bài trừ chắc chắn sẽ cải thiện đời sống của quần chúng, lành mạnh hoá xã hội, củng cố lại đất nước, và không kém quan trọng, là vực lại lòng tin của người dân đối với sự trong sạch của chính quyền, lâu nay đã xuống dốc đến mức đáng ngại.