Nam Nguyên, phóng viên đài RFA
Qua báo chí, chính quyền Việt Nam nói gì về vấn đề dân chủ nhân quyền và chiến dịch bắt bớ trấn áp những người bất đồng chính kiến. Đây là đề tài chúng tôi chúng tôi chọn đọc báo trên mạng hôm nay.

Theo dõi tin tức báo chí trong nước, tham khảo thêm các nguồn thông tin độc lập của các hãng thông tấn quốc tế, người đọc báo có cảm giác y hệt thời kỳ 1986 trước khi đảng cộng sản họp đại hội toàn quốc lần thứ 6 gọi là đại hội đổi mới.
Lúc ấy đã xảy ra một chiến dịch an ninh truy quét bắt bớ văn nghệ sĩ chế độ cũ và tất cả những thành phần có thể có những ý kiến chính trị cởi mở kiểu phương tây. Chừng như Đảng cộng sản muốn tình hình thực sự an toàn trước khi tiến hành đổi mới.
21 năm sau, Việt Nam đã và đang hội nhập sâu hơn với cộng đồng thế giới, đạt được nhiều thắng lợi về kinh tế, chính thức tham gia tổ chức thương mại thế giới và chuẩn bị tổ chức bầu cử quốc hội khoá 12.
Những phản ứng trái ngược
Thế nhưng, cùng với sự háo hức của những người tự ứng cử và những ý kiến kêu gọi sự đổi mới để có một quốc hội mạnh, chính phủ mạnh, lại có sự kiện trùng hợp về chiến dịch bắt bớ trấn áp những người bất đồng chính kiến, chủ trương dân chủ đa nguyên đa đảng.
Buổi sáng ngồi uống cà phê, đây là đề tài chúng tôi nói chuyện với nhau, việc bắt để khởi tố linh mục Nguyễn Văn Lý ở Huế cũng như LS Đài LS Nhân ở Hà Nội. Nói với nhau vậy thôi chứ việc này dường như đã được sửa soạn trước và sẽ xẩy ra. Có thể có một số người họ dính sâu vô việc này thì họ nóng ruột sôi nổi, còn chúng tôi có thể nói là không bị sốc.
Theo lời một nhà báo nghỉ hưu ở Saigon thì người dân cũng được thông tin về vụ linh mục Nguyễn Văn Lý, LS Nguyễn Văn Đài, LS Lê Thị Công Nhân qua các thông báo chính thức. Nhà báo này đưa ra nhận định của mình:
“Buổi sáng ngồi uống cà phê, đây là đề tài chúng tôi nói chuyện với nhau, việc bắt để khởi tố linh mục Nguyễn Văn Lý ở Huế cũng như LS Đài LS Nhân ở Hà Nội. Nói với nhau vậy thôi chứ việc này dường như đã được sửa soạn trước và sẽ xẩy ra. Có thể có một số người họ dính sâu vô việc này thì họ nóng ruột sôi nổi, còn chúng tôi có thể nói là không bị sốc.”
Những điều mà quí thính giả vừa nghe có thể là ý kiến của nhiều người trong nước, mà đa phần thời gian bận rộn của họ không có chỗ cho những vấn đề tôn giáo và nhân quyền.
Nó hoàn toàn trái ngược với dư luận phẫn nộ và bất bình trên thế giới, tương tự như sự phản đối của cộng đồng người Việt thể hiện vào ngày 15/3 tại Washington, khi phó thủ tướng Việt Nam Phạm Gia Khiêm đến thủ đô Hoa Kỳ, trong chuyến đi kéo dài 6 ngày.
Làn sóng bắt giữ
Theo tin các hãng thông tấn quốc tế, Trong cuộc hội kiến ông Phạm Gia Khiêm ở Bộ ngoại giao Hoa Kỳ hôm 15/3, sau cái bắt tay ngoại giao và nụ cười tươi, bà ngoại trưởng Condoleeza Rice đã bày tỏ sự quan tâm của chính phủ Hoa Kỳ đối với làn sóng bắt giữ những người bất đồng chính kiến ở Việt Nam.
Phát ngôn nhân bộ ngoại giao Hoa Kỳ còn nhấn mạnh với báo chí rằng, các vấn đề nhân quyền là ưu tiên hàng đầu trong cuộc thảo luận của ngoại trưởng Mỹ và phó thủ tướng kiêm bộ trưởng ngoại giao Việt Nam. Một loạt các vụ trấn áp những người có chính kiến khác với Nhà nước, diễn ra từ ngày mùng một Tết Đinh Hợi, với sự kiện linh mục Nguyễn Văn Lý bị Nhà nước cưỡng bách tống xuất khỏi Nhà Chung Tổng Giáo Phận Huế, đem đi an trí ở họ đạo Xóm Củi cách xa Huế hơn 20km. Sau đó là lệnh truy nã giáo sư Nguyễn Chính Kết, một người trí thức tranh đấu nhân quyền, giáo sư hiện đang viếng thăm Hoa Kỳ.
Trong hai tuần lễ đầu tháng ba nhiều nhân vật tranh đấu dân chủ nhân quyền khác bị hăm doạ như trường hợp ông Trần Văn Hoà ở Quảng Ninh, Phạm Văn Trội ở Hà Tây. Đặc biệt nhân vật được giới truyền thông quen tên là Kỹ Sư Đỗ Nam Hải cư trú ở Saigon, đã bị đe doạ đánh tiếng là sẽ bị bắt nếu không ngừng các hoạt động cổ vũ dân chủ.
Những sự kiện vừa nói là mới diễn ra, chưa kể những trường hợp đã thành án hoặc đang giam cứu như nhà báo Nguyễn Vũ Bình, các ông Huỳnh Nguyên Đạo, Trương Quốc Huy, Nguyễn Hoàng Long, Nguyễn Tấn Hoành, Đoàn Huy Chương và nhiều chức sắc các tôn giáo. Ngoài vụ an trí linh mục Lý, trong tuần lễ đầu tháng 3/2007 nhà cầm quyền Việt Nam đã bắt giam luật sư Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân về tội danh tuyên truyền chống Nhà nước Việt Nam.

Một trường hợp khác cũng đặc biệt không kém, luật sư Lê Quốc Quân từ Mỹ trở về Việt Nam sau khoá tu nghiệp về dân chủ, đã bị bắt tại Nghệ An. Những người bị bắt đều là thành phần trẻ và trưởng thành trong nền giáo dục xã hội chủ nghĩa.
Khi trả lời đài ACTD, ông Vũ Cao Quận 75 tuổi một cựu chiến binh ở Hải Phòng phát biểu: "Cả cuộc đời chinh chiến người ta nói chúng tôi gan dạ, nhưng tôi phải ngã mũ chào lớp trẻ như Lê thị Công Nhân và một số anh em khác nữa.
Đằng trước tuổi trẻ của họ còn là sự nghiệp, tri thức, tiền bạc, hạnh phúc riêng tư mà dám dấn thân vào cuộc đấu tranh cho dân chủ thế này thì chúng tôi nhĩ về các cháu với lòng kính trọng.”
Vấn đề dân chủ, tôn giáo, nhân quyền
Ngoài các thông cáo chính thức liên quan tới các vụ bắt bớ người bất đồng chính kiến, tờ Thanh Niên Online ngày 14/3 có bài ghi lại buổi làm việc ngày 6/3 tại Hà Nội giữa thứ trưởng công an Nguyễn Văn Hưởng và phó đại sứ Hoa Kỳ Jonathan Aloisi, đề tài cuộc gặp gỡ cũng là vấn đề tôn giáo nhân quyền.
Tờ báo trích dẫn lời thứ trưởng Nguyễn Văn Hưởng nói rằng, hiến pháp Việt Nam qui định thể chế chính trị Việt Nam chỉ có một đảng. Bất cứ ai đòi lập một đảng khác là bất hợp pháp. Ông Hưởng nhấn mạnh đến sự kiện những người bí mật kích động, lôi kéo người khác vào tổ chức của họ và đề ra mục tiêu là lật đổ Nhà nước hiện hành. Theo ông Hưởng những người này vi phạm pháp luật Việt Nam.
Chúng tôi hỏi ý kiến luật sư Trần Vũ Hải ở Hà Nội về vấn đề hiến pháp Việt Nam qui định chỉ có một đảng. Luật sư Hải phát biểu:
“Tôi chưa thấy bản hiến pháp nào ở Việt Nam nói là không cho lập đảng chính trị. Có thể cấm đảng chính trị chống lại Nhà nước, nhưng đảng không chống thì chắc là không thể cấm. Như vậy người ta nói hiến pháp qui định chỉ có một đảng thì thật là tôi chưa rõ. Tôi cho rằng đây là một vấn đề tranh luận mà là tranh luận lý thú.
Nhà trí thức luật gia có thể đặt vấn đề và yêu cầu điều kiện tranh luận thì không được áp bức. Theo luật pháp Việt Nam thì chỉ có quốc hộiu mới có quyền giải thích luật, còn giải thích hiến pháp thì chưa qui định, bây giờ người ta đang nói tới lập toà án hiến pháp.”

Những rắc rối về vấn đề dân chủ tôn giáo nhân quyền ở Việt Nam được tô đậm thêm với sự kiện xảy ra sáng thứ năm 15/3. Công an TP.HCM đã bắt giữ bà Therese Jebson đại diện sáng hội Rafto Na Uy, và người phiên dịch, khi họ đến Thanh Minh Thiền Viện để thăm thượng toạ Thích Quảng Độ, viện trưởng viện hoá đạo giáo hội phật giáo Việt Nam thống nhất.
Công an sau khi thẩm vấn đã trả tự do cho bà Therese Jebson và cô phiên dịch người Na Uy gốc việt. Sáng hội Rafto là tổ chức đã trao giải nhân quyền 2006 cho hoà thượng Thích Quảng Độ. Từ Thanh Minh Thiền Viện hoà thượng Thích Quảng Độ phát biểu:
“Tôi buồn nhiều, tôi buồn ở chỗ tôi xấu hổ cho dân tộc đất nước tôi không còn một chút gì là tính người, không còn chút gì văn hoá lịch sự văn minh.”
Trong một phạm vi khác, không phải là tự do tôn giáo hay nhân quyền, nhưng là vấn đề dân chủ để phát triển. Báo Tuổi Trẻ Online ngày 9/3/2007 đăng ý kiến của tiến sĩ Lê Đăng Doanh liên quan tới cuộc bầu cử quốc hội sắp tới.
Nhà kinh tế nổi tiếng của Hà Nội nói rằng, dân chủ trước hết là dân chủ đối với những ý kiến khác mình, chứ một nền dân chủ ‘gọi dạ bảo vâng’không thể đưa đất nước Việt Nam tiến lên trong thời đại hội nhập, cạnh tranh gay gắt hiện nay. Quan điểm về dân chủ của tiến sĩ Lê Đăng Doanh được nhiều người cho rằng nếu đem áp dụng ở bất cứ lãnh vực nào cũng là hữu lý.