Độc tài vẫn cứ dẫm chân tại chỗ


2007.11.29

Trần Thanh Hiệp & Nguyễn An, RFA

Trái với sự mong đợi của dư luận chung, Tòa án nhân dân phúc thẩm Hà Nội, trong phiên xử ngày 27-11-2007 đã không hủy án sơ thẩm để tha bổng hai nhân vật tranh đấu ôn hòa cho dân chủ ở Việt Nam là Luật sư Nguyễn Văn Đài và Luật sư Lê Thị Công Nhân mà chỉ giảm thời gian ngồi tù từ 5 xuống 4 năm cho Luật sư Đài và từ 4 xuống 3 năm cho Luật sư Công Nhân.

tranthanhhiep150.jpg
Luật sư Trần Thanh Hiệp. RFA file photo.

Được Chương trình Việt ngữ Đài Á Châu Tự Do yêu cầu cho biết phản ứng, Luật sư Trần Thanh Hiệp, chủ tịch Trung Tâm Việt Nam về Nhân quyền, trụ sở đặt tại Paris, đã đưa ra một loạt nhận định để đi tới kết luận rằng ở Việt Nam “Độc tài vẫn cứ dẫm chân tại chỗ.” Cuộc phỏng vấn do Nguyễn An thực hiện. Cũng xin nhắc lại rằng quan điểm của luật sư Hiệp không nhất thiết phản ánh quan điểm của đài Á Châu Tự Do.

Nguyễn An: Với kinh nghiệm hành nghề lâu năm từng cãi trong nhiều vụ án chính trị ở miền Nam trước đây và với công trình theo dõi ở hải ngoại tình hình nhân quyền ở trong nước từ mấy thập niên qua, Luật sư đã cảm nghĩ như thế nào trước bản án ngày 27-11-2007 của tòa án nhân dân phúc thẩm Hà Nội chỉ giảm án chứ không như mọi người chờ đợi là tha bổng hai bị cáo đã kháng án sơ thẩm là Luật sư Nguyễn Văn Đài và Luật sư Lê Thị Công Nhân?

Trần Thanh Hiệp: Tôi cứ tưởng là với bản án sẽ tuyên của tòa phúc thẩm của Hà Nội, xét xử lại vụ Nguyễn Văn Đằi và Lê Thị Công Nhân, tôi sẽ có dịp trình bày sâu rộng về một chân trời mới luật học đã mở ra tại Việt Nam sau hơn nửa thể kỷ nhân quyền, dân quyền bị chà đạp. Nhưng không ngờ là phán quyết vừa tuyên của cái tòa án cấp cao này của Hà Nội đã làm cho tôi vừa phẫn nộ lại vừa thất vọng trong kinh ngạc.

Bản án ngày 11-05-2007 của tòa sơ thẩm Hà Nội là một phán quyết chỉ có thể làm cho giới luật học phải hổ thẹn. Vậy mà nó lại được tòa phúc thẩm của thủ đô của một nước có trên 80 triệu dân chấp nhận hầu như toàn bộ.

Tôi không nghĩ rằng trình độ luật học của chế độ xã hội chủ nghĩa ở trong nước hãy còn quá chậm tiến. Vậy tất đã phải có những yếu tố ngoại luật học nào đó đã làm cho công lý bị dày xéo một cách ngang nhiên như thế. Có thể nói bản án ngày 27-11-2007 của tòa phúc thẩm Hà Nội đã ngang ngược thách đố công luận quốc nội cũng như quốc tế.

Nguyễn An: Có phải vì vậy mà luật sư đã thấy phẫn nộ không?

Trần Thanh Hiệp: Không phải chỉ có thế. Mà chính là vì chúng ta, những người dân, đã phải nhìn thấy cảnh chướng tai gai mắt, mhân viên công an hung hãn xô đẩy, đánh đập, lăng mạ đồng bào chẳng khác gì bọn sai nha thời xưa hay mã tà thời thực dân, hay mật vụ thời phát xít.

NguyenVanDaiCongNhanGhep150.jpg
Hai Luật sư Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân tại phiên tòa phúc thẩm hôm 27-11-2007. AFP PHOTO

Ai cho quyền công an bây giờ, thời dân chủ, còn lộng hành như trong loạn kiêu binh thời vua Lê chúa Trịnh, nếu không phải là những người cầm quyền tự phong, nghĩa là không được dân bầu mà tự bầu để cho mình quyền làm ra đủ thứ luật chẳng còn gì là pháp luật theo đúng nghĩa của chữ này nữa? Mà chỉ có pháp quyền trần trụi. Thật là đau lòng và không thể không phẫn nộ.

Nguyễn An: Về mặt pháp lý, theo luật sư, Tòa phúc thẩm đã áp dụng pháp luật như thế nào để vẫn duy trì hình phạt tù và quản chế hai luật sư Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân? Như vậy chả hóa ra công trình biện hộ của năm luật sư là vô ích và chỉ đáng để đòi được chút long khoan hồng mà thôi hay sao?

Trần Thanh Hiệp: Tôi tưởng câu hỏi này của qúy đài đã được chính tòa phúc thẩm Hà Nội trả lời rồi. Các luật sư, để bênh vực cho hai đồng nghiệp của họ là Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân, đã phân công để vạch trần ra rằng dù muốn áp dụng luật quốc tế hay luật quốc nội, dù cân nhắc theo lý hay theo tình, thì hai luật gia này cũng đều vô tội, cần phải được trả lại tự do.

Phía công tố cũng như tòa phúc thẩm đã chẳng đưa ra được một lý lẽ nào có giá trị thuyết phục, chỉ một mực khẳng định xuông rằng các bị cáo đã có tội. Nhưng vì biết tiếp thu pháp luật tốt nên đã giảm bớt hình phạt cho ho. Tức là trước công luận, đã không hề có tranh luận thực sự giữa bên công tố của nhà cầm quyền và bên bào chữa của dân.

Các lý lẽ, luận cứ sắc bén của các luật sư đã chỉ như nước đổ đầu vịt, tòa nghe rồi bỏ đó, và một bản án tiền chế đã được đem ra tuyên đọc trên cơ sở điều 88 của luật hình sự tàn dư thời chuyên chế toàn trị mà công luận cả trong nước lẫn quốc tế đã lên án và đòi huỷ bỏ.

Tòa phúc thẩm Hà Nội, qua phán quyết ngày 27-11-2007 trong vụ Nguyễn Văn Đài-Lê Thị Công Nhân rõ ràng là đã áp đặt một thứ công lý đảng trị chứ không hề thực hiện nền công lý nhân quyền dân chủ mà cả thế giới đòi hỏi cho Việt Nam, cho văn minh tiến bộ của loài ngưới.

Nguyễn An: Bức tranh công lý đen tối của luật sư, nếu đúng là đã phản ánh thực trạng của pháp luật Việt Nam hiện nay, thì không còn hy vọng gì cải thiện được số phận tù tội cho hai luật gia trẻ tuổi Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân nữa hay sao?

Trần Thanh Hiệp: Tôi thấy có một chút hy vọng, nhưng rất mong manh. Đó là nhà cầm quyền Hà Nội, để che dấu mặc cảm không muốn mang tiếng chịu áp lực quốc tế, hay để làm giá trao đổi quyền lợi, quyền lực cho độc tài, sẽ tự quyền đơn phương áp dụng biện pháp tố tụng “giám đốc thẩm” còn gọi là “phá án” để xét lại phán quyết của tòa phúc thẩm.

Hà Nội hoặc sẽ có thể rút bớt nhiều hơn nữa hình phạt tù và quản chế cho hai luật sư Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân, hoặc, tại sao không, sẽ hủy bỏ hẳn vụ án này nếu Hà Nội thấy được đền bù tương xứng.

Nguyễn An: Xin cảm ơn luật sư Hiệp.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.