Theo tin mới nhất của hãng thông tấn Pháp AFP thì trong lúc Thủ Tướng Phan Văn Khải viếng thăm Ðông Kinh thì tại Sài Gòn một nhân viên cao cấp của tòa Ðại Sứ Nhật Bản ở Việt Nam cho biết là theo những tiêu chuẩn mới của chính sách viện trợ ODA thì từ nay sự cam kết viện trợ của Việt Nam sẽ tùy thuộc vào nhiều điều kiện trong đó có vấn đề nhân quyền. Trần Sơn Nam có bài nhận định sau đây về chiều hướng thay đổi chính sách này.
Bấm vào đây để nghe tiết mục này
Rightclick to download this audio
Thủ Tướng Việt Nam, ông Phan văn Khải, trên đường về sau chuyến công du viếng thăm Trung Quốc đã đến Ðông Kinh để thảo luận với nhà cầm quyền Nhật Bản về mối quan hệ song phương giữa hai nước. Nhật Bản từ trước đến nay vẫn là nước viện trợ hàng năm nhiều nhất cho Việt Nam qua chương trình gọi là ODA.
Chương trình này được coi như một loại vốn hỗ trợ cho việc xây dựng và tái thiết hạ tầng cơ sở của Việt Nam. Riêng trong năm 2003, với tổng số cam kết viện trợ cho Việt Nam của những định chế quốc tế và một số nước là 2,8 tỷ dollar thì con số cam kết của Nhật Bản lên tới hơn 800 triệu. Dĩ nhiên là khi Thủ Tướng Phan Văn Khải tới Nhật Bản thì vấn đề viện trợ cho Việt Nam cũng được đặt ra. Nhưng điều khác lạ là đúng vào lúc này, một nhân viên cao cấp của tòa Ðai Sứ Nhật Bản ở Hà Nội, ông Mitsuru Kitano, lại lên tiếng cho biết là rồi đây theo chính sách mới của Nhật Bản về chương trình ODA, sự cam kết viện trợ của Nhật Bản cho Việt Nam sẽ tùy thuộc vào 5 yếu tố trong đó có những nguyên tắc như: tôn trọng nhân quyền, và những bước tiến của nhà cầm quyền Việt Nam nhằm thực hiện dân chủ và kinh tế thị trường.
Nếu tin này được xác nhận một cách rõ ràng hơn thì đây là một sự kiện đánh dấu một bước ngoặc quan trọng của chính sách viện trợ của Nhật Bản đối với những nước trong vùng Ðông Nam Á. Người ta còn nhớ là trước đây, Nhật Bản luôn luôn tỏ vẻ dè dặt, không muốn đặt vấn đề nhân quyền mỗi khi phải quyết định viện trợ nước này hay nước khác.
Tỷ dụ điển hình cụ thể nhất về thái độ này là trường hợp chương trình viện trợ của Nhật Bản cho Miến Ðiện. Trong nhiều năm liền, mặc dầu Mỹ và Liên Hiệp Âu Châu đã có những biện pháp kinh tế chế tài đối với chế độ quân phiệt Miến Ðiện, Nhật Bản vẫn một mực tiếp tục những chương trình viện trợ cho xứ này. Mãi đến tháng 5 năm ngoái, sau khi bà Aung San Sưu Kyi, lãnh tụ của Liên Ðoàn tranh đấu cho Dân Chủ bị bắt giữ và giam cầm, Nhật Bản mới tạm ngưng những chương trình này tuy vẫn giữ một số chương trình có tính cách nhân đạo.
Riêng trong trường hợp Việt Nam thì thực ra chương trình viện trợ của Nhật Bản cũng gặp nhiều trắc trở. Trước hết là tình trạng chung về khả năng của nhà cầm quyền Việt Nam trong việc giải ngân những khoản đã được các nước và định chế quốc tế cấp viện cam kết vì không đưa ra được những dự án đứng đắn để được giải ngân. Mức độ giải ngân luôn luôn thấp. Ngay trong năm vừa qua trong số 2,8 tỷ đã được cam kết, Việt Nam chỉ giải ngân được có 1, 5 tỷ và kết quả của tình trạng này là một số nước đã đưa ra lời tuyên bố là sang năm tới, có lẽ họ sẽ phải bớt phần cam kết của họ.
Ngoài ra, từ năm 2002, Việt Nam lại còn hạn chế việc nhập khẩu những đồ phụ tùng xe máy từ Nhật Bản vào, làm cho những công ty như Honda hay Yamaha phải tạm thời ngưng việc sản xuất của những nhà máy mà họ đã dựng lên ở Việt Nam, trong khi đó thì ai cũng biết là ngoài chương trình ODA, Nhật Bản còn là nước đứng vào hàng thứ 3 đã đầu tư trực tiếp vào Việt Nam. Việt Nam lại còn tăng cả thuế đánh vào nhiều loại xe do những công ty ngoại quốc sản xuất ở Việt Nam.
Với tất cả những diễn biến vừa được trình bầy trên đây, hiện người ta chưa biết sang năm tới, 2005, mức cam kết cấp viện của Nhật Bản cho Việt Nam có sút giảm không, nhưng theo ông Kitano thì mặc dầu từ trước đến nay trên nguyên tắc Nhật Bản đã đề cập đến vấn đề nhân quyền, nhưng việc nối liền (linkage) mức cam kết viện trợ với vấn đề nhân quyền là "một sự kiện mới". Thái độ mới này của Nhật Bản xem ra phù hợp với thái độ của Liên Hiệp Âu Châu vì tại buổi họp của những nước và định chế quốc tế cấp viện hồi tháng 12 năm ngoái, Liên Hiệp Âu Châu đã nói rõ là "việc cổ võ và bảo vệ nhân quyền phải đi đôi với những cố gắng phát triển".
Vào lúc này. trong lúc những chỉ dấu về tình trạng kinh tế ở Việt Nam cho thấy, một mặt sản xuất công nghiệp, đặc biệt trong khu công nghiệp quốc doanh, tăng trưởng chậm so với những chỉ tiêu đã được dự trù và một mặt khác giá cả về nhiểu mặt hàng lại có vẻ gia tăng, thái độ của Nhật Bản, muốn từ nay nhấn mạnh đến nhân quyền trong chính sách viện trợ có thể là một khó khăn mới cho nhà cầm quyền Việt Nam.
Tại Ðông Kinh hôm qua, Thủ Tướng Phan Văn Khải có lên tiếng kêu gọi một sự hợp tác chặt chẽ giữa các nước trong vùng để giúp đỡ những nước nghèo phát triển. Không biết ông có được nhà cầm quyền tại đây cho biết rõ thêm về đường lối mới của chính sách viện trợ của Nhật Bản mà ông Kitano đã đề cập tới ở Hà Nội không ? Và ông có câu trả lời nào đối với những lời chỉ trích mới đây của những tổ chức nhân quyền quốc tế nhân vụ nhà báo Nguyễn Vũ Bình bị y án một cách oan uổng vô lý về tội làm "gián điệp" mà không có bằng cớ?