Đạo luật về tổ chức các xí nghiệp quốc doanh được Quốc Hội Hà nội thông qua vào năm 2003 đã chính thức được áp dụng vào đầu tháng 7 năm nay. Luật này liệu sẽ giúp ích hay có ảnh huởng ra sao trên nền kinh tế Việt Nam? Việt-Long trao đổi với tiến sĩ Lê Mạnh Hùng về vấn đề này. Ông Lê Mạnh Hùng là tiến sĩ kinh tế sử, hiện làm việc tại Luân Đôn.
Bấm vào đây để nghe cuộc trao đổi này
Rightclick to download this audio
Hỏi: Ông có nhận định tổng quát thế nào về luật tổ chức các xí nghiệp quốc doanh vừa được áp dụng tại Việt Nam?
Đáp: Nhìn chung luật này cho thấy một tiến bộ đáng kể trong việc tách quyền kiểm soát trực tiếp xí nghiệp ra khỏi tay các cơ quan hành chánh và tiến lại gần hơn với các quan điểm quản lý về xí nghiệp quốc doanh tại các nước tư bản tiên tiến.
Trái với quan niệm lúc trưóc, một xí nghiệp phải có toàn bộ vốn do nhà nước cung cấp mới được coi như là của nhà nước và hoạt động theo quy chế xí nghiệp quốc doanh, luật này định nghĩa một doanh nghiệp nhà nước là một doanh nghiệp trong đó vốn của nhà nước chiếm đa số chi phối chứ không bắt buộc phải là 100%. Điều này có lẽ là để sửa soạn cho việc cổ phần hóa, bán một phần cổ phần của các xí nghiệp này cho tư nhân nhưng chính quyền vẫn giữ quyền kiểm soát.
Hỏi: Ngoài định nghĩa căn bản đó thì luật này nêu lên những quy tắc chính yếu nào?
Đáp: Theo gương luật của Pháp và của những nước Tây Âu khác, luật này đưa ra một quy tắc tổ chức chung cho tất cả các loại xí nghiệp quốc doanh mà nay gọi chung là Doanh Nghiệp nhà nước, từ Tổng Công ty đến các công ty con. Để tránh việc các cơ quan hành chánh chủ quan can thiệp trực tiếp vào việc làm ăn của các doanh nghiệp này, mỗi doanh nghiệp có một Hội Đồng Quản Trị, đại diện cho sở hữu chủ, tức là nhà nước và trên nguyên tắc, vạch ra chiến lược làm ăn của xí nghiệp cũng như chịu trách nhiệm về thành quả này đối với nhà nước.
Tuy nhiên Hội Đồng Quản Trị không trực tiếp điều hành xí nghiệp. Nhiệm vụ này được trao cho Tổng Giám Đốc. Hội Đồng Quản Trị bổ nhiệm và miễn nhiệm TGĐ, xác định lương bổng và mức tiền thưởng đối với TGĐ nhưng không can thiệp vào công việc làm ăn của Xí nghiệp. TGĐ, là người đièu hành cao nhất của Xí nghiệp. TGĐ đại diện cho công ty theo pháp luật, ký kết các hợp đồng kinh tế, quyét định chính sách hoạt động của xí nghiệp dựa trên những mục tiêu được HĐQT đề ra.
Trên nguyên tắc kể cả chính phủ trung ương cũng như các Ủy Ban Nhân Dân địa phương cũng không có quyền can thiệp vào hoạt động của TGĐ và HĐQT. Sau khi các cơ quan này bổ nhiệm HĐQT rôì thì các việc hoạt động của xí nghiệp ra khỏi tầm can thiêp của họ. Đây có thê nói la một tiến bộ lớn đối với quy chế cũ, trong đó các bộ và cơ quan chủ quản thường xuyên can thiệp vào hoạt động của các công ty.
Hỏi: Như vậy ông có cho rằng đây là bứơc tiến rõ rệt, cụ thể của Việt Nam về mặt đổi mới kinh tế không?
Đáp: Việc đưa ra luật mới này về Doanh Nghiệp Nhà nước là một tiến bộ đáng kể trong việc đổi mới hệ thống luật pháp kinh tế của Việt Nam. Vấn đề là những chế tài tuy đã đặt ra trong luật này nhưng vẫn còn ở mức chung chung chưa được quy định cụ thể. Ngoài ra việc đặt các xí nghiệp nhà nước vào một thành phần khác so với xí nghiệp tư nhân vẫn tạo ra một sự phân biệt đối xử cản trở tiến bộ kinh tế nói chung.