Nam Nguyên Lợi ích quốc gia của Việt Nam đang bị xâm phạm nghiêm trọng, mỗi tháng con buôn đã chuyển lậu hàng triệu tấn xăng dầu vẫn được nhà nước bù giá, sang tiêu thụ ở các nước láng giềng bằng đường bộ và đường biển.
Bấm vào đây để nghe bản tin này
Rightclick to download this audio
Liều thuốc tăng giá xăng dầu ngày 19/6 vừa qua của chính phủ không đạt một trong các mục tiêu đề ra, là chống chảy máu xăng dầu qua biên giới. Theo nhận định của các chuyên gia, buôn bán xăng dầu bất hợp pháp qua biên giới hiện nay vẫn là một mặt hàng siêu lợi nhuận. Số liệu của bộ thương mại công bố mới đây cho thấy giá xăng của Việt Nam dù đã được điều chỉnh, nhưng vẫn thấp hơn 3 ngàn đồng một lít so với thị trường Kampuchea, rẻ hơn 1.500 đồng so với giá bên nước Lào. Giá dầu hôi kerosene của Việt Nam chỉ sấp sỉ một nửa giá ở Phnompenh và bằng 60% giá ở Trung Quốc. Giá Diesel cũng vậy trong khi ở Việt Nam 4.850 đồng một lít, thì ở Battambang và Siêm Rệp Kampuchea gần 6.800.
Chính vì vậy con buôn tiếp tục dùng các thủ đọan tinh vi để chuyển hàng bằng xe thồ qua biên giới các tỉnh miền tây tiếp giáp Kampuchea. Nhưng quan trọng hơn cả là nạn vận chuyển bằng đường biển, mỗi tàu đánh cá có thể chở 40 ngàn lít dầu ra khơi bán lại cho các tàu buôn lậu chờ sẵn. Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, cố vấn cao cấp bộ kế họach đầu tư nhận định về tình trạng này: “Bờ biển Việt Nam khá dài, họ chở dầu ra khơi bán và khỏi cần đánh bắt cá gì nữa….”
Đường biển khó kiểm soát, đường bộ cũng vậy, giám đốc sở thương mại Kiên Giang ông nguyễn Thanh Sơn báo cáo trong hội nghị chuyên ngành đuợc tổ chức hôm 20/7 tại TP.HCM rằng, ở tỉnh ông nạn chảy máu xăng dầu qua biên giới khá phức tạp cả trên bộ lẫn trên biển.
Theo ông Sơn ước tính, mỗi ngày con buôn chở xe thồ qua biên giới Campuchia khỏang 15 ngàn lít xăng dầu, trong khi ròng rã 6 tháng đầu năm, ngành chức năng chỉ bắt được 10 ngàn lít xăng và 2 ngàn lít dầu. Người dân ở vùng biên tiếp giáp Kampuchea cho rằng việc vuôn lậu qua biên khá dễ dàng vừa do địa hình vừa do nạn chung chi và được làm ngơ: (audio clip)
Giám Đốc Sở Thương Mại Kiên Giang còn cho biết đã có hiện tượng các ghe tàu đánh cá đổ 30, 40 ngàn lít dầu để ra khơi đánh bắt hải sản, nhưng chủ yếu để bán lại cho các đầu mối ở sát biên giới. Những họat động tinh vi như thế khó lòng chặn bắt.
Theo các thông tin khác, ở tỉnh Tây Ninh trên tòan tuyến biên giới có tới 35 cây xăng, các địa điểm này họat động nhộn nhịp do tập trung bạn hàng đổ xăng để chuyển lậu qua Kampuchea. Đường biên giới tiếp giáp ở đây qua lại dễ dàng, dân chúng hai bên có truyền thống trao đổi mua bán từ lâu đời. Trả lời báo chí trong nước, ông Võ Thanh Phong chi cục trưởng quản lý thị trường nói rằng xăng dầu vận chuyển qua biên giới là nằm ngòai tầm tay của quản lý thị trường. Ông Phong cho rằng chức năng kiểm soát biên giới là thuộc về hải quan và công an biên phòng.
Qua các phát biểu trong hội nghị ngày 20/7 tại TP.HCM, các đại diện địa phương và ngành chức năng cho thấy là các qui định pháp luật hiện nay không có tác dụng tích cực chống buôn lậu xăng dầu. Không thể ngăn cản các trạm xăng dầu bán cho khách hàng, nhất là trong cơ chế thị trường hiện nay.
Theo Việt Nam Express, trong hội nghị còn có chuyện tổng giám đốc công ty xăng dầu Petec Nguyễn Minh Trực đề nghị là nhà nước nên cho dân tự do bán xăng dầu sang các nước láng giềng, tạo điều kiện thu nhập cho khu vực dân cư vùng biên. Vẫn theo tin này thứ trưởng thương mại Phan Thế Ruệ đã giận dữ cắt lời ông Trực, vì theo thứ trưởng Ruệ, Petec là doanh nghiệp được nhà nước bù lỗ nhiều, nhưng người lãnh đạo lại phát biểu những câu đi ngược lại chính sách và lợi ích nhà nước.
Trong hội nghị ông Phan Thế Ruệ xác định là từ nay chính phủ không còn bù giá mà thả nổi giá xăng cho thị trường điều chỉnh, dù là sẽ làm từ từ. Còn mặt hàng dầu do ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều ngành sản xuất nên nhà nước còn tạm bù giá, sau đó sẽ chuyển dần theo giá thị trường thế giới. Ông Ruệ cũng phủ nhận chuyện sắp đánh thuế nhập khẩu xăng dầu 25%, hiện nay mặt hàng này miễn thuế.
Bức xúc về vấn đề chảy máu xăng dầu qua biên giới, thứ trưởng Phan Thế Ruệ cho biết bộ thương mại sẽ làm việc với các tỉnh, và có thể sẽ đóng cửa bớt các cây xăng ở vùng biên giới. Chưa hiểu các biện pháp sắp tới có giải quyết được tận gốc vấn đề buôn lậu xăng dầu hay không. Nhưng các chuyên gia kinh tế thừa nhận rằng, theo cơ chế thị trường hễ cứ có chênh lệch giá giữa các vùng thì tất nhiên sẽ có buôn lậu để kiếm lời. Giải pháp tổng thể theo họ, là để mặt bằng giá điều chỉnh tự nhiên, nhưng nhà nước phải có sách lược nâng cao mức sống người dân lên một cách phù hợp.