Việt Nam nỗ lực khuyến khích đầu tư nuớc ngòai, nhưng vẫn còn những điều xảy ra khiến giới đầu tư quốc tế lo ngại. Giới đầu tư ngoại quốc ở Việt Nam ghi nhận những cố gắng của Nhà Nước nhằm giải tỏa những hạn chế mậu dịch để sửa soạn gia nhập Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới WTO, nhưng họ cũng mong rằng Việt Nam sẽ giải tỏa cả những hạn chế về mặt đầu tư nữa.
Bấm vào đây để nghe cuộc trao đổi này
Rightclick to download this audio
Điển hình là trường hợp của một công ty lớn của ngoại quốc về ngành quảng cáo, bị kẹt giữa những chỉ thị của nhà cầm quyền cấp trung ương trái ngược với những chỉ thị tại cấp địa phương. Chúng tôi trao đổi về vấn đề này với ông Trần Sơn Nam, tư vấn của Đài Á Châu Tự Do.
Việt Long: Thưa ông, mới cách đây hơn một tuần, bà Josette Sheeeran Shiner, Phó Đại Diện Thương Mại của Mỹ có tuyên bố trong thời gian viếng thăm Việt Nam là Mỹ ủng hộ Việt Nam gia nhập Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới (WTO), nhưng về thời điểm thì điều đó còn tùy thuộc ở Việt Nam. Phải chăng bà Shiner ngụ ý rằng tuy được sự ủng hộ của Mỹ, nhưng Việt Nam còn phải có khả năng thỏa mãn nhiều điều kiện khác nữa mới gia nhập đươc WTO vào năm tới như mong muốn ?
Trần Sơn Nam: Tôi xin thưa rằng, tất cả vấn đề Việt Nam hội nhập với thế giới bên ngoài về mặt kinh tế gồm cả hai phần, giải tỏa những hạn chế về mậu dịch cũng như những hạn chế về đầu tư nữa. Sau nhiều năm điều đình, Việt Nam đã ký với Mỹ bản Hiệp Định Thương Mại Song Phương, đây là bước đầu để tiến tới việc gia nhập WTO.
Về mặt đầu tư cũng vậy, trong hơn một thập niên vừa qua, Việt Nam đã tung ra nhiều biện pháp đổi mới để thu hút đầu tư từ ngoại quốc vào, tuy nhiên cũng còn nhiều thiếu sót vì không dám dứt khoát với lề lối và chủ trương gọi là "kinh tế chỉ huy" của những chế độ Cộng Sản. Gọi là "đổi mới" nhưng thực ra, do những nguyên nhân nội tại về mặt cơ chế và chính trị của Việt Nam, giới đầu tư ngoại quốc, dầu có muốn đầu tư vào Việt Nam, cũng còn bị nhiều hạn chế. Vì vậy mà những giới này thường bày tỏ mối lo ngại của họ về những điều kiện làm ăn ở Việt Nam mà người ta thường gọi là môi trường đầu tư.
Việt Long: Điển hình cho những điều ông vừa nói, thì mới đây một công ty lớn của ngoại quốc về ngành quảng cáo hoạt động ở Việt Nam từ hai năm nay đang gặp nhiều khó khăn, khiến giới quan sát quốc tế tỏ vẻ lo ngại về vấn đề này. Ông vui lòng trình bày thêm chi tiết.
Trần Sơn Nam: Thưa, đây là trường hợp của công ty J Walter Thompson (gọi tắt là JWT), thuộc tổ hợp WPP có cơ sở tại Anh Quốc và Mỹ, một công ty có chi nhánh hoạt động ở hầu hết các nước lớn trên thế giới chuyên về ngành quảng cáo. Ở Việt Nam, họ là đại diện quảng cáo cho những đại công ty của Mỹ như Ford, Pepsi v.v…Thị trường quảng cáo ở Việt Nam trong năm ngoái, do kinh tế phát triển khả quan, có thể ước lượng là trên dưới 900 triệu dollars, nhưng mà gần 1 ngàn công ty quảng cáo nhỏ của Việt Nam chỉ thu hút đươc chừng 15%.
Cách đây 2 năm, công ty JWT được Ủy Ban Nhân Dân thành phố Hồ Chí Minh cho phép trực tiếp hoạt động mà không cần phải qua trung gian những công ty địa phương. Ngoài ra JWT cũng trở thành một công ty đầu tiên với vốn hoàn toàn ngoại quốc được hoạt động trong ngành quảng cáo. Chính ngoại lệ này đã làm cho nhà cầm quyền cấp trung ương để ý.
Việt Long: Họ để ý là tại sao? Vì nếu Việt Nam chưa đủ khả năng về ngành này thì để cho một công ty ngoại quốc đi trước rồi Việt Nam lần lần học hỏi cũng có thể được chứ, phải không, thưa ông?
Trần Sơn Nam: Thực ra trên nguyên tắc, theo quan điểm của Bộ Kế Hoạch và Phát triển cũng như của Bộ Văn Hóa và Thông Tin, ở cấp Trung Ương Hà Nội thì Ủy Ban Nhân Dân thành phố Hồ Chí Minh không có quyền cấp giấy phép cho công ty JWT vì điều này đi ngược với một điều khoản trong bản Hiệp Định Thương Mại Song Phương được ký kết giữa Mỹ và Việt Nam năm 1991. Theo điều khoản này thì phải 7 năm sau khi bản hiệp định được phê chuẩn, một công ty quảng cáo với 100% vốn ngoại quốc mới được phép hoạt động. Hai Bộ ở cấp Trung Ương kể trên nhiều lần đã yêu cầu cấp địa phương hủy bỏ giấy phép đã cấp cho JWT, nhưng đều vô hiệu.
Việt Long: Nếu cấp Trung Ương ở Hà Nội có quan điểm hợp pháp và hợp lý, thì thành phố Hồ Chí Minh dựa vào đâu để không chịu hủy giấy phép?
Trần Sơn Nam: Thực ra, cấp địa phương đã dựa vào quan điểm của một số chuyên gia ngoại quốc theo đó tuy bản Hiệp Định Mỹ-Việt có nói tới thời hạn 7 năm, nhưng bản hiệp định không cấm trường hợp chính phủ Việt Nam cho phép một công ty với vốn ngoại quốc hoạt động trước thời hạn nếu thấy cần. Để trả lời cho lập luận này, theo tin các giới am hiểu tình hình cho biết, thì ngày 2 tháng 7 vừa qua, Thủ Tướng Phan Văn Khải đã ra lệnh cho UyBan Nhân Dân thành phố Hồ Chí Minh phải điều chỉnh lại ngay những hoạt động của JWT theo đúng như những chỉ thị của hai Bộ liên hệ đã được trình bày ở trên.
Việt Long: Như thế thì nhìn chung tình hình giữa trung ương và địa phương ở Việt Nam về chuyện đầu tư ra sao, và Việt Nam cần làm điều gì để thu hút mạnh đầu tư, thưa ông?
Trần Sơn Nam: Giữa cấp trung ương và cấp địa phương ở Việt Nam có chuyện lủng củng, điều đó từ nhiều năm nay giới quan sát quốc tế cũng đã rõ, tuy nhiên người ta mong rằng, sau nhiều cố gắng đổi mới, nhà cầm quyền Việt Nam cần phải nhìn rõ thấy sự thực là không thể trông mong giới đầu tư ngoại quốc tiếp tục đầu tư nhiều vào Việt Nam nếu những chuyện "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược" còn đặt mọi người vào những trường hợp khó xử, không lối thoát, như trường hợp của công ty JWT.