Viện trợ và Tham nhũng


2006.04.25

Kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa

Tuần qua, các định chế tài chính quốc tế có phiên họp hàng năm tại Washington DC và một vấn đề được giới lãnh đạo quốc tế đề cập tới chính là nạn tham nhũng qua viện trợ cho nước nghèo. Trong bối cảnh của những bức xúc nóng hổi tại Việt Nam về tham nhũng, điển hình là vụ PMU18, Diễn đàn Kinh tế có cuộc trao đổi sau đây cùng kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa đề cập đến nạn tham nhũng tiền viện trợ.

NguyenXuanNghia200.jpg
Kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa.

Tốt nghiệp trường HEC tại Paris, ông Nguyễn Xuân Nghĩa từng làm việc trong lãnh vực ngân hàng và là Phụ tá Tổng trưởng Tài chính phụ trách Quan thuế và Thuế vụ tại Saigon trước năm 1975, sau 1975 là chuyên viên tư vấn về cải cách kinh tế cho các tổ chức kinh tế quốc tế. Hiện cư ngụ tại California, Hoa Kỳ.

Nguyễn An: Thưa ông Nguyễn Xuân Nghĩa, theo lịch trình hoạt động thường xuyên, tuần qua, hai định chế tài chính quốc tế là Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF có phiên họp định kỳ tại trụ sở đặt tại Washington DC và lần này, vấn đề tham nhũng lại được đặc biệt chú ý. Xin ông lược trình về phiên họp này cho thính giả cùng rõ?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Hàng năm, hai định chế này thường có hai phiên họp, mùa Xuân vào hạ tuần Tháng Tư và mùa Thu vào hạ tuần Tháng Chín, với sự tham dự của giới lãnh đạo tài chính và ngân hàng của các nước, ngoài giới chức điều hành hai định chế này. Năm nay, phiên họp mùa Xuân được triệu tập tại thủ đô Hoa Kỳ trong hai ngày 22 và 23, còn phiên họp mùa Thu sẽ triệu tập ngày 18 Tháng Chín tại Singapore. Để chuẩn bị các kỳ họp ấy, họ lập báo cáo tình hình qua một số phúc trình về kinh tế tài chính thế giới với từng chủ đề được chú trọng.

Năm nay, họ công bố báo cáo thứ ba về việc theo dõi tình hình kinh tế các nước nghèo, với trọng tâm là nâng cao phẩm chất của viện trợ, cải cách ngoại thương và chế độ cai trị để đạt mục tiêu xoá đói giảm nghèo của thiên niên kỷ do Liên hiệp quốc đặt ra, trong đó nạn tham nhũng được đề cập.

Trước đấy, ngày 11 vừa qua, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới là ông Paul Wolfowitz đã công bố chiến lược giải trừ tham nhũng để cứu giúp các nước nghèo, trong đó có việc tăng cường kiểm soát viện trợ và kiểm điểm chế độ cai trị và nạn tham nhũng tại các nước nhận viện trợ. Nói chung, tham nhũng hay những vụ tai tiếng như PMU18 tại Việt Nam đã có từ lâu, còn việc các định chế quốc tế đề cập đến vấn đề này là chuyện chung, chứ chẳng phải vì Việt Nam, hoặc có dụng ý gì vì những việc đang xảy ra tại Việt Nam.

Nguyễn An: Chúng ta đi vào nội dung của đề tài, theo như ông phân tích, thì viện trợ thế nào mà để xảy ra tham nhũng? Xin ông nói rõ về thể thức trước khi ta đề cập đến vấn đề.

Nguyễn Xuân Nghĩa: Viện trợ từ các nước giàu qua các nước nghèo có nhiều mục tiêu và thể thức. Về mục tiêu, có loại viện trợ nhân đạo, thường là cho không và hướng vào một chương trình rõ rệt và ngắn hạn; bên cạnh và quan trọng hơn có loại viện trợ phát triển, nhắm vào các dự án phát triển dài hạn, được tài trợ dưới hình thức cho vay nhẹ lãi, có thời gian miễn trả tiền vốn khá lâu, gọi là “thời gian ân hạn”, và thời hạn hoàn trả hay hoàn trái kéo dài trong mấy chục năm.

Về thể thức, ta có viện trợ đa phương của các tổ chức quốc tế, vận động vốn trên thị trường tài chính và cả nguồn tài trợ của các chính phủ; và có loại song phương của từng chính phủ, gọi là ODA, cơ bản thì cũng là từ ngân sách quốc gia nghĩa là từ tiền thuế của dân mà ra. Khi viện trợ theo thể thức ODA, chính quyền của các nước giàu cũng cần các tổ chức chuyên môn quốc tế, như Ngân hàng Thế giới hay Chương trình Phát triển của Liên hiệp quốc là UNDP thực hiện cho mình về mặt kỹ thuật.

Ở bên kia, tiếp nhận viện trợ – nhất là loại phát triển, là dài hạn – là chính phủ các nước nghèo. Họ giao cho các bộ, ban ngành đón nhận và sử dụng viện trợ căn cứ trên những cứu xét và thỏa thuận với nguồn cấp viện. Thí dụ như chính phủ Hà Lan hay Thụy Điển muốn viện trợ cho Việt Nam để thực hiện một dự án nào đó thì bộ Ngoại giao, Sứ quán hay cơ quan viện trợ của họ không trực tiếp xây cầu hay mở lớp huấn luyện đào tạo cho mình mà giao cho một cơ quan chuyên môn của quốc tế có kinh nghiệm thực hiện việc ấy. Các cơ quan này mới thuê nhân viên hay công ty tiến hành theo những thỏa thuận giữa nước cấp viện và nước cầu viện.

Nguyễn An: Thế vì sao trong hệ thống có rất nhiều thành phần tham dự này lại có nạn tham nhũng?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Theo thiển ý của tôi, 80% xảy ra là vì gian ý của công chức cán bộ bên cầu viện và 20% là sự cẩu thả, thậm chí toa rập, của bên cấp viện, với các chuyên gia hay công chức quốc tế có đầy kinh nghiệm và biết rõ từng chuyện nhưng vẫn có thể nhắm mắt bỏ qua.

Nguyễn An: Ông có nhận xét hơi bất ngờ, xin ông giải thích cho rõ được không?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Viện trợ phát triển là một tiến trình chuyên môn phức tạp mà dân thọ thuế của các nước giàu không biết rõ, cơ quan ngoại giao hay viện trợ thì chú trọng đến yếu tố chính trị hoặc kết quả trên đại thể, cụ thể là số ngân khoản viện trợ và mục tiêu sử dụng để báo cáo thành quả với quốc hội hay quốc dân. Thực tế thì thi hành kỹ nghệ viện trợ ấy là việc của một số chuyên gia hay công chức của bên cấp viện và bên cầu viện, mà mục tiêu của thành phần này thường không được và cũng khó được định lượng cho chính xác.

Thành quả nói chung thì vẫn chỉ là trong năm qua đã viện trợ bao nhiêu tiền để xây cất mấy trăm cây số xa lộ hay mấy chục cây cầu. Con số càng cao thì coi như viện trợ càng nhiều, phẩm chất ra sao nhiều khi không rõ. Và trong nghề thì cả hai bên cấp viện lẫn cầu viện đều biết kỹ thuật rút ruột dự án viện trợ; vấn đề là có nói ra hay không mà thôi. Bên nhận thì có gian ý, bên cho thì đôi khi có biết cũng lờ để còn tiếp tục thực hiện dự án khác. Hiện tượng ấy mới khiến người ta nói đến giới công chức hay chuyên gia viện trợ là “quý tộc của sự nghèo khốn.” Và Chủ tịch Ngân hàng Thế giới mới muốn chấm dứt tình trạng này.

Nguyễn An: Chuyện này đâm ra không đơn giản là do gian ý của một số công chức tham ô trong các nước cầu viện mà có chân rết lan rộng hơn hay sao?

Mời các bạn tham gia mục Diễn đàn kinh tế. Mọi email xin gửi về Vietweb@rfa.org

Nguyễn Xuân Nghĩa: Đấy chỉ là chuyện thường tình của con người vì ở đâu cũng có thể nhìn ra mối lợi - mà bất chính hay chính đáng thì còn tùy hoàn cảnh, nhất là tùy khung cảnh luật lệ. Khi biết là một dự án viện trợ nào đó có thể bị sử dụng sai, nhiều khi người ta cũng bỏ qua để khỏi gây vấn đề và mất cơ hội có việc tốt lương cao. Tuy nhiên, phải nói rõ là tham nhũng dễ xảy ra trong lãnh vực viện trợ chủ yếu là do gian ý của bên cầu viện, mà bên cấp viện thì ưa nói chuyện theo ngôn ngữ ngoại giao và có than phiền thì cũng kín đáo và nhẹ nhàng thôi.

Vì vậy, từ năm 1996, Ngân hàng Thế giới đã lần đầu tiên nói đến nạn tham nhũng và nghiên cứu rất sâu rộng mà 10 năm sau, tân Chủ tịch của định chế này vẫn phải đề ra sách lược diệt trừ tham nhũng. Ông Paul Wolfowitz này là người quả quyết và dám làm nên tôi nghĩ rằng sẽ có kết quả khả quan hơn. Một điều ông vừa khẳng định là sẽ cho các công ty vi phạm tham nhũng vào sổ đen và niêm yết danh sách trên trang điện toán của Ngân hàng Thế giới.

Nguyễn An: Ông nói đến các công ty, họ làm gì trong đấy mà có thể vi phạm và bị đưa vào sổ đen?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Họ nhận lãnh thực hiện các dự án viện trợ chẳng hạn, hoặc có hành vi mua chuộc công chức của nước cầu viện để giành được hợp đồng. Những việc sai quấy ấy từ phía cấp viện sẽ bị kiểm soát gắt gao hơn .

Nguyễn An: Bây giờ, nói đến phần trách nhiệm của các nước cầu viện, vì sao dễ xảy ra tham nhũng?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Cầu viện là các nước nghèo, với cơ chế chính trị hành chánh thô sơ, có khi độc đoán, và báo chí hay dư luận lại không biết chuyện phức tạp, mà có biết cũng chẳng có quyền lên tiếng. Các nước cấp viện lại phải khéo nhân nhượng để khỏi mang tiếng kỳ thị, khắt khe. Một thí dụ ai cũng thấy là từ mấy chục năm nay, các nước cấp viện đã trút bao nhiêu tiền của vào châu Phi mà việc xóa đói giảm nghèo vẫn chưa đạt kết quả tương xứng, mà chỉ đẻ ra công chức triệu phú.

Viện trợ thường do công chức của nước giàu chuyển qua công chức của nước nghèo, qua trung gian các chuyên gia hay doanh nghiệp tư nhân nhận lãnh việc thực hiện. Người cho thì ít phải báo cáo với dân thọ thuế, nếu người nhận cũng chẳng báo cáo với dân nghèo ở trong nước thì ta dễ có môi trường lỏng lẻo cho lạm dụng ở giữa. Vì vậy mà nhiều người chủ trương là nên hạn chế viện trợ và nên giúp qua thị trường tư doanh để tránh nạn “cha chung không ai khóc” và nhất là tránh tăng cường vai trò đã quá lớn của chính quyền các nước nghèo với đường lối kinh tế bao cấp. Ta vốn biết là càng bao cấp thì công chức cán bộ càng có nhiều quyền hạn.

Nguyễn An: Đã vậy, quốc gia cấp viện nào cũng có điều kiện ràng buộc của mình với mục tiêu giành việc thực hiện dự án viện trợ cho doanh nghiệp của mình phải không?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Thông thường thì vậy và đây là điều dễ hiểu. Chính quyền một xứ viện trợ cho một xứ khác thì tất nhiên muốn doanh nghiệp của mình sẽ đấu thầu thực hiện. Với loại viện trợ đa phương thì việc đấu thầu thi công được mở rộng cho nhiều công ty có quốc tịch khác. Tuy nhiên, một điều hợp lý và cần thiết là nếu quốc gia cầu viện có khả năng thực hiện lấy thì nên giao cho doanh nghiệp của họ.

Vấn đề đặt ra là chính quyền độc tài hay bao cấp thì lại đòi giành lấy trách nhiệm thi công cho guồng máy hành chính hay công ty quốc doanh của mình và tham nhũng dễ xảy ra trong môi trường ấy. Vụ PMU18 tại Việt Nam là một thí dụ điển hình. Đâm ra dân đóng thuế của nước cấp viện lại tài trợ cho một thiểu số đảng viên cán bộ của các nước cầu viện mà cứ tưởng rằng đang giúp đỡ dân nghèo xứ ấy.

Nguyễn An: Trước sự kiện ấy, sách lược của Ngân hàng Thế giới để giải trừ tham nhũng trong viện trợ là những gì?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Trước tiên, về tinh thần thì Ngân hàng Thế giới cho rằng tham nhũng là minh chứng rõ rệt của một chính quyền bất lực, làm suy yếu cơ chế và lệch lạc thị trường. Từ tinh thần này, họ chú trọng nhiều hơn đến khả năng cai trị, gọi là governance, hay quản lý của chính quyền các nước cầu viện.

Về sách lược thì họ có nhiều bước thực hiện. Trước hết, trong nội bộ, Ngân hàng Thế giới sẽ rà soát và tăng cường tinh thần chống tham nhũng nhờ các loại viện trợ như tín dụng, tặng dữ hoặc kỹ thuật. Đồng thời, họ cũng chú trọng nhiều hơn đến các lãnh vực như cải cách luật lệ, quy chế công vụ, báo chí và tự do ngôn luận, việc tản quyền trong bộ máy hành chánh và sẽ còn tìm cách đối thoại để hợp tác với chính người dân và hội đoàn tại nơi cầu viện nhằm tạo ra thế lực đối trọng và kiểm soát chính quyền. Nôm na là viện trợ cho dân hưởng thì cần giúp chính người dân biết ra điều ấy mà đòi hỏi chính quyền phải có trách nhiệm giải trình.

Nguyễn An: Nhưng còn nạn tham nhũng xảy ra do chính các công chức trong các dự án do Ngân hàng Thế giới tài trợ thì sao?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Về các dự án thì Ngân hàng Thế giới đang áp dụng một hệ thống kiểm soát và giám định mới. Sẽ có nhiều chuyên gia chống tham nhũng được họ gửi tới làm việc với chính quyền các nước cầu viện dưới hình thức là đơn vị kiểm toán hay ủy ban diệt tham nhũng. Tiến độ là tình hình tiến triển sẽ được công bố để mọi người cùng thấy kết quả và bảo đảm là tài nguyên viện trợ không chảy qua chỗ khác.

Trong ngân hàng cũng sẽ có các toán điều tra có đủ phương tiện để tìm ra sai phạm hay kiểm điểm tình hình khi có dự án bị phê bình là có nạn tham nhũng. Theo Chủ tịch Wolfowitz thì Ngân hàng Thế giới sẽ quan niệm lại các dự án viện trợ để ghép ngay vào nội dung những biện pháp khuyến khích việc giải trừ tham nhũng.

Tôi nghĩ rằng quan trọng nhất trong ngần ấy góc cạnh vẫn là người dân các nước nghèo phải biết kiểm điểm và dám tố giác khi thấy có nạn tham nhũng trong viện trợ. Cứ nhắm mắt cúi đầu là còn khuyến khích tham nhũng.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.