Mẫu mực Trung Quốc
2006.11.14
Nguyễn Xuân Nghĩa & Việt Long, RFA
Hôm Thứ Ba 14 tháng 11, nhân dịp tham dự Thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế Thái bình dương APEC, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào chính thức thăm viếng Việt Nam. Ba ngày sau sẽ là Tổng thống George W. Bush. Nhân cơ hội này, dư luận Việt Nam có thể so sánh giá trị của hai mô thức phát triển Trung Quốc và Hoa Kỳ. Diễn đàn Kinh tế tìm hiểu về vấn đề trên qua phần trao đổi sau đây cùng kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa trong tiết mục chuyên đề do Việt Long thực hiện.
Việt Long: Thưa ông Nguyễn Xuân Nghĩa, nhân tham dự Thượng đỉnh APEC, hôm nay Thứ Ba 14, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào sẽ cầm đầu phái đoàn Trung Quốc thăm viếng Việt Nam. Ngày 17 thì đến lượt Tổng thống Hoa Kỳ George W. Bush với một phái đoàn hùng hậu cả ngàn người trong một chuyến viếng thăm kéo dài bốn ngày, được coi là một chuyến công du dài ngày nhất của ông Bush tại một quốc gia trong sáu năm làm Tổng thống của ông.
Nguyễn Xuân Nghĩa: Trong dịp này, một số người đã so sánh giá trị của hai mô thức phát triển của Trung Quốc và Hoa Kỳ và nhiều người Việt tất nhiên cũng muốn biết về những hay dở của hai mô thức ấy. Chúng tôi xin đề nghị là ta sẽ tìm hiểu về vấn đề trên vì, dù sống trên đất Mỹ, từ đã lâu rồi, ông vẫn theo dõi tình hình Trung Quốc và ảnh hưởng của xứ này đối với Việt Nam.
Thưa vâng, vấn đề sở dĩ đặt ra với dư luận thế giới vì hai tuần trước đây, Trung Quốc rầm rộ tổ chức một thượng đỉnh quy mô để gặp gỡ lãnh đạo của 50 nước Châu Phi với sự tham dự của 1.700 phái đoàn và mấy trăm nhà báo. Đây là dịp Bắc Kinh biểu dương tư thế và quảng cáo giá trị của mô thức Trung Quốc với các nước nhược tiểu. Khi ấy, dư luận Mỹ chưa quan tâm vì nước Mỹ đang ở vào tuần cuối của cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ.
Tuy nhiên, mùng một tháng 11, tờ The International Herald Tribune tại Paris có bài viết của giáo sư Wei-Wei Zhang về sức quyến rũ của mô thức Trung Quốc. Bài viết được tờ báo liên doanh của New York Times và Washington Post tại Âu châu quảng bá và đáng chú ý vì kết luận rằng mô thức Trung Quốc có nhiều ưu điểm hơn mô thức Hoa Kỳ. Bây giờ, vấn đề càng hấp dẫn khi nguyên thủ hai nước sẽ thăm viếng Việt Nam nhân Thượng đỉnh APEC được tổ chức tại Hà Nội. Về đại thể, tôi thiển nghĩ đây chỉ là màn tuyên truyền của Bắc Kinh hướng vào các nước Phi châu và chúng ta còn có dịp trở lại thượng đỉnh Phi-Hoa này.
Việt Long: Xin hỏi ngay ông là vì sao một nhật báo Mỹ lại đăng tải một bài ông cho là có nội dung tuyên truyền cho Trung Quốc và đánh giá thấp Hoa Kỳ?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Nội việc ấy cũng làm nổi lên hai cách ứng xử. Hoa Kỳ là xứ cởi mở, trong ý nghĩa là không ai có độc quyền chân lý. Vì vậy, báo chí Mỹ có quyền tự do mà ta khó gặp tại Trung Quốc là một độc tài và đầy mặc cảm. Cụ thể là còn rất lâu mới thấy báo chí Hoa Lục đăng bài ca tụng tư tưởng một xứ khác hoặc phê phán nhược điểm trong mô thức của họ. Nhờ tinh thần cởi mở ấy mà dân Mỹ học bài nhanh và dám sửa đổi khi lầm lẫn, như cuộc bầu cử tuần qua cho thấy.
Có chi tiết khác cũng cần nói là thói quen tạm gọi là "tự vụt", tự đả kích, của trí thức Mỹ, nhất là đả kích chính quyền như trường hợp của tờ New York Times. Vì vậy, nên "trừ bì" gia giảm, và cứ lý luận là đến báo Mỹ cũng còn ngợi ca Trung Quốc hay Việt Nam và chỉ trích Hoa Kỳ thì có khi ta lầm đấy!
Việt Long: Về bài viết của vị giáo sư trên tờ báo mà ông vừa nhắc tới, ta có thể thấy được những gì?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Ông Wei-Wei Zhang này - không rõ là có thể phiên âm ra Chương Vi Ngụy được chăng - là một thông dịch viên cũ của Đặng Tiểu Bình và hiện là nhà nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Á châu tại Genève của Thụy Sĩ, giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Thanh Hoa của Trung Quốc. Bài viết của ông ta chỉ là tiếng phèng ngợi ca Trung Quốc nhân Thượng đỉnh của lãnh đạo Bắc Kinh với các nước châu Phi để tranh giành thế lực cho Trung Quốc.
Việt Long: Ông có vẻ coi thường một bài tham luận được báo chí Mỹ đăng tải. Nội dung bài đó như thế nào mà ông kết luận như vậy?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Xã hội Mỹ cởi mở, chả ai có quyền kiểm duyệt được ai, vì vậy báo chí Mỹ có thể đăng tải đủ thứ, ta không nên coi đó là tiêu chuẩn thanh lọc đương nhiên về giá trị. Về nội dung, tác giả nêu ra sáu đặc trưng của mô thức Trung Quốc mà thật ra ta có thể gặp ở nhiều nơi, kể cả các xứ độc tài và nghèo đói kinh niên.
Sáu đặc điểm ấy là, thứ nhất, "dân vi quý". Tức là hiện đại hóa xứ sở mà lấy dân làm đầu, và tìm chân lý qua thành quả thực tiễn chứ không lụy vào ý thức hệ. Đặc điểm ấy thì xứ nào cũng có thể tự khoe vậy, kể cả và nhất là Hoa Kỳ. Thứ hai, "luôn thử nghiệm đúng sai", trước là ở đơn vị nhỏ sau mới áp dụng ra nơi khác. Đặc điểm chỉ là khảo hướng cơ bản của khoa học, vấn đề bên dưới là khi sai thì ai trả nợ? Ai bị thiệt, và có quyền lên tiếng không?
Thứ ba, "cải cách tiệm tiến", là tránh kế hoạch toàn diện và lập tức mà phải dựa trên các định chế bất toàn săn có rồi cải sửa dần. Đây có thể là khác biệt giữa mô thức Trung Quốc với lối chữa bệnh kinh tế như điện giật của Liên Xô hay Liên bang Nga. Nhưng cái giá phải trả mà Bắc Kinh đang tính ra dù chưa nói ra là các định chế và con người bất toàn đều ứng phó với hoàn cảnh tiệm tiến để trục lợi và cản trở việc cải cách, là vấn đề trầm trọng của xứ này.
Việt Long: Qua ba đặc điểm đầu tiên, ông đã tỏ vẻ hoài nghi, thế còn những nét đặc trưng khác?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Đáng hoài nghi nhất là đặc điểm thứ tư, tác giả gọi là "nhà nước phát triển", là một nhà nước mạnh giữ lấy vai trò đề xuất và xây dựng đồng thuận quốc dân để hiện đại hoá xứ sở trong ổn định kinh tế và chính trị. Đặc điểm then chốt này của mô thức Trung Quốc là làm cách mạng từ thượng tầng xuống. Nó là phép ngụy biện của vua chúa lãnh tụ tự xưng anh minh muốn chủ động xây dựng hạnh phúc cho toàn dân. Mao Trạch Đông hay Tần Thủy Hoàng cũng nói vậy.
Đặc điểm thứ năm là "học hỏi có chọn lọc" cũng chẳng là sáng tạo hay đặc thù Trung Quốc. Mọi dân tộc đều học nhau và càng đi sau thì càng học được các nước đi trước, kể cả Hoa Kỳ sau khi đã học hỏi Âu châu và ngày nay vẫn còn học hỏi từ nhiều xứ khác. Ưu điểm duy nhất của nét đặc trưng ấy là các nước nghèo hãy tìm điều hay mà học và chân lý kinh tế không chỉ tỏa ra từ hai thủ đô Bắc Kinh hay Washington.
Việt Long: Trước khi đi qua phần phê phán mô thức Trung Quốc và Hoa Kỳ, xin ông trình bày nốt đặc điểm sau cùng của mô thức Trung Quốc theo cách giới thiệu của vị học giả này.
Nguyễn Xuân Nghĩa: Đặc điểm ấy là "chọn lựa trình tự và ưu tiên đúng". Đây là điểm son của Đặng Tiểu Bình, một lãnh tụ xuất sắc sau khi là nạn nhân của sự chủ quan duy ý chí cộng sản. Ông ta khéo mò chân dưới nước để tìm đường qua sông và tiến hành cải cách từ việc dễ nhất rồi dùng thành quả này để lấy trớn cải cách việc kế tiếp. Tuy nhiên, phần mía ngọt dễ ăn thì họ đã ăn rồi, nay đến lượt thế hệ thứ tư mới gặp đốt mía vừa cứng vừa sâu do thế hệ Đặng Tiểu Bình và Giang Trạch Dân để lại. Bài toán này, mô thức Trung Quốc giải quyết không nổi.
Việt Long: Ông có thể nêu thí dụ cụ thể về những đốt mía hay những khâu ông cho là nan giải?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Trong 25 năm, từ cuối 1978 đến 2003, Trung Quốc lần lượt cải cách nông nghiệp rồi đô thị, mở các tỉnh duyên hải ra thị trường bên ngoài rồi các tỉnh nằm sâu trong lục địa, cải cách về kinh tế rồi đến chính trị. Ngày nay, nông dân bất mãn vì lợi tức hết tăng và đất đai bị trưng thu vì tiến trình đô thị hoá và liên doanh với nước ngoài. Họ đang biểu tình hàng vạn mà thiên hạ ít biết hay không nói.
Ngày nay, các tỉnh duyên hải đang chống lại nỗ lực tái phân lợi tức của ông Hồ Cẩm Đào cho các tỉnh bị khoá trong lục địa. Ngày nay, các định chế và nhân sự bất toàn của Trung Quốc đã củng cố được quyền lực thành sức mạnh kinh tế và thế lực chính trị để cản trở nỗ lực cải sửa việc cải cách. Ngày nay, lãnh đạo Bắc Kinh đang loay hoay với bài toán kinh hãi là làm sao phát triển quy luật thị trường mà không bị khủng hoảng chính trị trong một xứ quá lớn mà không chấp nhận dân chủ và thể chế liên bang.
Người ta dễ dàng phê phán thậm chí trừng phạt những sai quấy của mô thức Hoa Kỳ, như qua đợt bầu cử vừa qua chẳng hạn. Nhưng nói đến việc sửa sai mô thức Trung Quốc thì ai cũng sợ, kể cả ông Hồ Cẩm Đào, vì không khéo thì sẽ loạn to.
Việt Long: Thế vì sao mà thế giới lại ngợi ca mô thức ấy và dù sao Trung Quốc cũng đang thành một cường quốc kinh tế của thế giới, ông có đồng ý như vậy không?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Mô thức Trung Quốc được ca tụng vì một hiện tượng kinh tế gọi là "hồ hởi sảng" - irrational exhuberance. Nam Hàn hay Malaysia và nhiều xứ khác cũng từng áp dụng trước Trung Quốc mô thức chuyển hoá tiệm tiến và từng bị khủng hoảng rồi cũng phục hồi nhờ họ dân chủ hoá trước Trung Quốc. Nhờ lãnh thổ lớn và dân số đông nên Trung Quốc có sức nặng kinh tế mấy nước kia không có, vì vậy mới được giới đầu tư hồ hởi ca tụng.
Tuy nhiên, do kích thước quá lớn của Trung Quốc, giới đầu tư dễ bị tâm lý mà kinh tế học gọi là "ỷ thế làm liều" -moral hazard- như khi mua cổ phần của một ngân hàng lớn của Hoa lục gần đây. Vì nghĩ rằng một tổng công ty nhà nước hay một xứ đông dân nhất thì không thể để xảy ra khủng hoảng nên thị trường mới lấy loại rủi ro bất thường mà tưởng là an toàn vì tin là cuối cùng ai đó sẽ phải cấp cứu.
Trong xã hội Mỹ, không ai là không thay thế được và tập đoàn lớn nhất cũng có thể phá sản mà nhà nước khó lấy công quỹ ra cấp cứu. Nói chung, ai ưa thích ổn định thì coi sự đổi thay như tại Mỹ là xáo trộn. Còn các lãnh tụ độc tài Á Phi thì thấy mô thức Trung Quốc hấp dẫn vì nó biện minh cho chế độ độc tài mà họ gọi là anh minh.
Việt Long: Câu hỏi cuối ở đây, thưa ông, nếu phải chọn lựa thì Việt Nam nên chọn mô thức nào?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Kinh nghiệm nào của thế giới cũng đều đáng học, cái khó là khi áp dụng trong chi tiết vì hoàn cảnh mỗi nơi mỗi khác. Thứ hai, giải pháp kinh tế nào cũng có phần được phần thua, trước mắt và về dài, cho giới phần này hay giới khác. Vì vậy, khi thấy người ta khen mô thức này kia là có lợi, dân ta nên tự hỏi ngay là có lợi cho ai, bao giờ cái lợi ấy mới thấm đến mình? Mà cái hại là những gì, ai chịu và có biết được không?
Một quy luật nên nhớ là trong kinh tế ta dễ thấy cái được mà khó đếm ra cái mất. Một chế độ dân chủ, dù theo mô thức Mỹ, Nhật, Đức hay Tầu ở Đài Loan thì cũng cho người dân nhìn ra và tính được sự được thua đó để lên tiếng và đòi sửa sai. Mô thức Trung Quốc thì không.
Sau cùng, giá trị mọi mô thức đều tùy vào nền tảng văn hoá từng xứ. Việt Nam có nếp văn hoá và lịch sử tai hại là cứ thắng ngoại xâm Trung Quốc rồi là lãnh đạo lại cai trị xứ sở theo lối Tầu. Vì vậy, nhiều người Hà Nội mới thấy mô thức Trung Quốc hấp dẫn trong khi xứ Iran thì hết lời đả kích mô thức này! Qua thế kỷ 21 rồi, thế giới đã đổi thay và hết còn là không gian hai chiều giữa Ta và Tầu, nên mình cần tự giải phóng tư duy để tìm ra kinh nghiệm khác mà ứng dụng cho xã hội, căn cứ trên những thách đố sau này chứ không phải là thành tích sau lưng. Mà thật ra mô thức Hoa Kỳ chưa chắc đã là giải pháp nên áp dụng trọn gói!
Các tin, bài liên quan
- Bầu cử tại Hoa Kỳ và Việt Nam
- Việt Nam qua nhận xét của một doanh gia Nhật Bản
- WTO trong tay, người Việt phải làm gì ?
- Việt Nam đã sẵn sàng cho sân khấu toàn cầu
- Lao động Dư dôi
- Chất lượng hàng hóa Việt Nam đầy rẫy vi phạm
- Doanh nghiệp Việt Nam trước ngưỡng cửa WTO
- Định giá Doanh nghiệp
- Thủ tục thành lập doanh nghiệp ở Việt Nam vẫn phức tạp và tốn kém