Cách mạng trong ly ruợu
2005.12.28
Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA
Thưa quý thính giả. Trong dịp cuối năm vui vẻ, làm sao trình bày đề tài kinh tế khô khan mà vẫn mua vui cho thính giả? Diễn đàn Kinh tế nêu yêu cầu ấy cho kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa, và kỳ này ông sẽ đặc biệt nói về chiến thắng bất ngờ của rượu chát California xảy ra 30 năm trước, và là cuộc cách mạng về rượu vang trên thế giới. Tiết mục chuyên đề này do Việt Long thực hiện với lời chúc mừng một năm 2006 yên vui và thành công cho tất cả quý thính giả.
Hỏi: Vào dịp cuối năm khi nơi nơi đều náo nức đón mừng năm mới, chúng tôi xin đề nghị là tiết mục kinh tế cũng nên góp vui mà vẫn có phần bổ ích. Vì vậy, thưa ông Nguyễn Xuân Nghĩa ta sẽ nói đến một biến cố xảy ra 30 năm về trước tại Paris mà đã châm ngòi cách mạng trong kỹ nghệ rượu chát trên thế giới. Trước tiên, xin ông trình bày cho bối cảnh của sự việc này…
Đáp: Thưa vâng, và với hy vọng là mua vui cũng được một vài trống canh! Năm 1976, Hoa Kỳ chào mừng sinh nhật thứ 200, sau khi thất bại nặng nề tại Việt Nam, và dư luận Mỹ còn bàng hoàng về vụ Watergate, rồi một nhân vật hiền lành, thậm chí phi chính trị, đã đắc cử tổng thống là ông Jimmy Carter. Năm ấy, Âu châu và có lẽ cả thế giới đã nói đến một nước Mỹ ngã bệnh và nói chung không ai chờ đợi một điều gì ngoạn mục từ Hoa Kỳ.
Vậy mà năm đó, ngay tại thủ đô Paris, một số nhân vật Pháp được coi là có thẩm quyền về rượu chát đã được mời nếm thử rượu để so sánh phẩm chất của rượu chát Pháp với rượu chát California. Điều bất ngờ và gây lúng túng thậm chí xấu hổ cho cả ban giám khảo lẫn dư luận Pháp là họ đã chấm rượu chát cả trắng và đỏ của California là hơn rượu Pháp. Nếu theo dõi thăng trầm của thị trường rượu chát trên thế giới, biến cố ấy thực sự là một bước ngoặt chấm dứt uy thế ngàn năm của rượu Pháp và báo hiệu sự bành trướng của rượu chát tại các xứ khác.
Hỏi: Câu chuyện có vẻ ly kỳ, nhưng, ông giải thích rõ hơn một chút về loại rượu ông gọi là “rượu chát” đó?
Đáp: Cơ bản là rượu cất bằng nho, Việt Nam ta gọi là rượu chát, xưa kia còn gọi là rượu vang, từ chữ “vin” của Pháp. Chúng ta học nhiều thứ và bị ảnh hưởng rất nhiều của Pháp cũng như của Tầu. Dân uống rượu ưa phản ánh điều đó ở một câu đầy hào khí văn hóa Trung Hoa và ẩm thực Pháp là “phải có vang gì với núi sông”. Vang danh là vậy! Tôi sở dĩ gọi là “bị” vì ta có thể kiểm chứng điều ấy qua câu chuyện cuối năm về kinh tế học của rượu vang.
Người Pháp chịu thua?
Hỏi: Về cuộc “đấu rượu” ông vừa nhắc tới, nước Pháp xưa nay vẫn dẫn đầu thế giới về rượu chát hay rượu vang, vì sao lần ấy lại thua? Và vì sao ông gọi đó là bước ngoặt lịch sử?
Đáp: Tôi xin bắt đầu với một giai thoại có thể khiến hải quan hay du lịch của Việt Nam cần chú ý. Có một doanh gia người Anh mở tiệm bán rượu tại khu sang trọng bên hữu ngạn sông Seine của Paris. Hơn 30 năm trước, có lần Nữ hoàng Anh chính thức thăm nước Pháp, có lẽ để cảm tạ việc Pháp hết chặn cửa Anh vào Âu châu. Tại Paris, Nữ hoàng Elizabeth Đệ nhị mở dạ tiệc khoản đãi Tổng thống Pháp khi ấy là ông George Pompidou. Sứ quán Anh mới yêu cầu nhà bán rượu đó cung cấp một số rượu vang trắng sản xuất tại Anh.
Công ty này hoàn thành thủ tục nhập khẩu và rượu được gửi tới Paris, nhưng suýt nữa không có mặt trong quốc yến của Nữ hoàng. Hải quan Pháp từ chối vì họ không có rượu vang của Anh trong danh mục hàng hóa, nhân viên cấp dưới không biết xử lý ra sao với mấy thùng rượu nằm dưới chân. Nhà bán rượu phải chạy đi chạy lại nhiều lần trong hai ngày và yêu cầu can thiệp từ nhiều nơi mới kịp đưa rượu vào bàn tiệc.
Câu chuyện có thật ấy cho thấy là dù vô địch về rượu vang, người Pháp không biết và không thèm biết về rượu vang của các xứ khác. Đã mù mờ về thị trường bên ngoài, họ còn bị ách tắc hành chính và cửa quyền với các tác nhân kinh tế trong đời sống. Sau đấy mới có vụ đại thắng mùa Xuân của rượu Mỹ tại Paris, do các tay sành rượu của Paris phê chuẩn và khi họ mở nhãn biết ra sự thật thì ân hận, giận dữ.
Ý nghĩa lịch sử của chuyện này là rượu California, Úc, New Zealand, Chile và cả Nam Phi đang chinh phục thế giới, trong khi nông gia Pháp có khi đem xe vận tải đổ nho ra đường để đòi chính quyền trợ cấp, cứu giúp.
Hỏi: Xin ông nói qua về trận đấu rượu ấy tại Paris, rồi ta sẽ đi vào phần phân tách kinh tế?
Đáp: Doanh gia người Anh ở chuyện trên mê Pháp và mê rượu Pháp. Ông ta chủ yếu bán rượu Pháp cho khách ngoại quốc tại Paris và còn mở lớp huấn luyện về cách thưởng thức rượu rồi ngạc nhiên vì Pháp chưa hề có một nơi nào như vậy trên toàn quốc, có lẽ vì dân Pháp tưởng rằng sinh ra đã biết uống rượu! Tháng Năm năm 1976, ông này tổ chức một buổi hội ngộ để luận về rượu, nhân tiện nếm thử một loại rượu trẻ mới xuất hiện trên thị trường, và phải nói là bị giới sành rượu ở Pháp coi thường, đó là rượu California.
Ông ta mời một số nhân vật Pháp có thẩm quyền về rượu chát đến nếm thử và chọn cả rượu Pháp lẫn rượu California. Theo phép chấm điểm khách quan, họ không cho giám khảo biết nhãn rượu. Khi nếm rồi chấm thì cả rượu trắng lẫn rượu đỏ California đều dẫn đầu. Mà các chai được chấm nhất thực ra không đắt, chỉ 7-8 đô la, bằng một phần năm hay một phần 10 so với các chai tương đương của Pháp. Kết luận là sự bẽ bàng của Pháp và chiến thắng bất ngờ của Cali khiến các nước khác cũng tự hỏi là vì sao mình không trồng nho cất rượu?
Phản ứng của dư luận
Hỏi: Dư luận khi đó phản ứng ra sao, truyền thông báo chí có nói gì không?
Đáp: Đây lại là một ví dụ khác của tính chủ quan kiêu mạn của thành phần ưu tú tại Pháp. Dù được mời, không tờ báo nào của Pháp gửi phóng viên ký giả tới. Nhà báo duy nhất có mặt là đặc phái viên của tuần báo Time của Mỹ. Ông George Taber ấy không ngờ là đã chứng kiến chuyện hy hữu. Tháng này ông vừa xuất bản cuốn sách kể lại chuyện 30 năm cũ và nêu ra nhiều phân tách hay lý giải rất mới về thị trường rượu trên thế giới.
Nếu không có nhà báo George Taber quan sát và tường thuật trên tờ Time, biến cố ấy có lẽ cũng như cây đổ trong rừng, tức là không tiếng vang. Nhưng nhờ bài tường thuật trên tờ Time, số đề ngày mùng một tháng Sáu, 1976, dư luận bắt đầu rúng động vì vụ đó đánh sụt vị trí thiêng liêng của rượu Pháp. Cho nên, đầu năm mình cũng… “mèo khen mèo dài đuôi” một tí: thiếu báo chí, nhiều sự việc quan trọng có thể xảy ra không âm vang mà vẫn có ảnh hưởng. Sau đấy dư luận mới ngạc nhiên và có khi bị bất ngờ, bị lỗ lã, vì những ảnh hưởng ấy.
Hỏi: Tất nhiên, ông có tham khảo cuốn sách của nhà báo Taber này và ông có nên “thành thật khai báo” là cũng thích rượu California hơn rượu Pháp dù bản thân ông đã học tại Pháp?
Đáp: Cuốn sách ấy có tựa đề là Judgement of Paris: California vs. France and the Historic 1976 Paris Tasting That Revolutionized Wine – nôm na là “Phán xét của Paris: “Trận đấu giữa California và Pháp và cuộc Nếm rượu Lịch sử năm 1976 đã dẫn tới Cách mạng Rượu vang.” Xin nói ngay là đọc rất lý thú và bổ ích trên cả hai diện, thứ nhất là uống rượu, thứ nhì là tìm hiểu về động lực kinh tế lẫn trì lực văn hóa trong sản xuất và kinh doanh.
Về câu hỏi thứ hai thì xin nói là mình vẫn uống rượu Pháp tại California vì một lý do kinh tế: cùng cấp độ về hương vị màu sắc và sự hài hòa giữa ba yếu tố ấy thì rượu California ngày nay có thể đắt gấp ba chai rượu nhập khẩu từ Pháp! Đã có một cuộc cách mạng âm thầm về rượu trên thế giới mà nhiều người không biết, nhất là người Pháp, sau 15 thế kỷ ngự trị trên đỉnh cao, hoặc chìm sâu dưới đáy chai.
Bài học ấy thực ra có thể áp dụng cho mọi quốc gia tự mê hoặc hay dối lòng mà không thấy nhiều đổi thay của thế giới. Và áp dụng ngay cho các nhà sản xuất rượu chát tại Mỹ khi rượu Mỹ càng ngày càng đắt nếu so với rượu Úc, rượu Chile hay nhiều nước mới nổi sau này.
Rượu chát trên thị trường
Hỏi: Thính giá có lẽ muốn biết ngay vì sao có chai rượu trị giá thí dụ như 10 đô la mà có chai đắt gấp 10, thậm chí đến hai ba trăm đồng? Vì thổ ngơi, kỹ thuật hay nghệ thuật cất rượu?
Đáp: Tôi xin mạn phép trả lời rất ngắn là danh tiếng cao mà sản lượng thấp khiến ta có chai rượu ba trăm bạc, bình quân thì năm chục đô la một ly! Nước Pháp có vùng sản xuất loại rượu quý ấy trên một diện tích không thay đổi kể từ thời Tây Sơn của nước ta đến nay. Vỏn vẹn có năm nhà thuộc loại thế gia vọng tộc ấy. Trong khi đó, từ chục năm nay, thế giới uống rượu vang nhiều hơn và quy luật cung cầu khiến rượu Pháp loại đó bốc lên trời.
California đi sau mà cũng có loại rượu quý tộc như vậy. Năm 1999 tại vùng Napa Valley nổi tiếng về sản xuất rượu đã có một cuộc bán đấu giá chai Screaming Eagle để giúp hội từ thiện. Chai rượu được bán cho một doanh gia đang đắc thời nhờ siêu kỹ thuật điện toán với giá nửa triệu đô la, nhấp một chút đã mất vài chục ngàn!.
Nhưng đồng thời nhà sản xuất Cali cũng nhắm vào thị trường đại chúng và chiếm thị phần lớn hơn trên thị trường thế giới. Phải nói thêm là California còn có các trung tâm nghiên cứu rượu thuộc loại nhất thế giới như Đại học U.C. tại Davis ở miền Bắc. Các nhà sản xuất, kể cả Pháp, đều gửi người tới nghiên cứu học hỏi. Ta không còn tinh thần gia truyền bí truyền thời xưa, cái gì cũng có thể học được và biết áp dụng vào thị trường thì thành công.
Hỏi: Câu hỏi cuối thưa ông, nghệ thuật cất rượu thì mình có thể học được, nhưng còn giống nho, rồi thổ nhưỡng, khí hậu lẫn các vật liệu cần thiết cho việc sản xuất hay tồn trữ nữa chứ? Chẳng lẽ xứ nào nơi đâu cũng có thể sản xuất rượu nho hay sao?
Đáp: Điều đó đúng, vì ta khó sản xuất rượu tại Bắc cực, Tây Bá Lợi Á hay sa mạc Sahara. Nhưng, từ sau 1950, xứ Israel đã áp dụng kỹ thuật cao về nông nghiệp ngay giữa sa mạc để giải quyết bài toán về khí hậu, tiêu tưới trong lồng kính có bơm phân bón. Thí dụ ấy cho thấy nhiều nước có thể trồng nho và nếu học hỏi về kỹ thuật lẫn nghiên cứu thị trường cho chính xác thì vẫn có thể góp mặt với đời, như Chile hay Úc, là hai xứ đang làm rượu California bị xóc.
Lý do là California say đòn, mua đất trồng nho với giá lên trời, quá đắt. Một số người Mỹ giàu có cứ tưởng rằng mình mà có ruộng nho và trại cất rượu là có thể thành quý tộc điền chủ như Tây. Thành thử, bài học 30 năm trước vẫn còn giá trị! Sang năm ta sẽ nói về hiện tượng đào thải này, khi đề cập tới trường hợp Việt Nam. Xin chúc mừng năm mới!
Các tin, bài liên quan
- Việt Nam: Tổng thu nhập nội địa trong năm 2005 tăng 8,4%
- Siêu thị vẫn còn được xem là nơi mua sắm xa xỉ đối với người bình dân
- Bất ổn xã hội tại Trung Quốc
- Việt Nam cần phải làm gì để gia nhập WTO vào năm 2006
- Tình trạng “đôla hóa” tại Việt Nam
- Việt Nam được lợi gì trong Hội nghị thượng đỉnh Đông Á lần thứ nhất
- Thương mại toàn cầu bị đe dọa
- Tìm hiểu thị trường cổ phần đầu tư trong nước (Phần 2)
- Mãnh lực Mỹ kim
- Ngày Việt Nam tại Berlin
- Lượng tiền người Việt gởi về nước năm nay dự đoán sẽ vượt kỷ lục năm ngoái
- Thực trạng phát triển kinh tế Việt Nam hiện nay
- Ngân hàng Thế giới: nền kinh tế Việt Nam cần có thêm một đợt cải tổ mới
- Trách nhiệm Xã hội của Quản trị
- Việt Nam và WTO (VI)
- Việt Nam và WTO (V)
- Việt Nam và WTO (IV)
- Việt Nam và WTO (III)
- Việt Nam và WTO (II)
- Việt Nam và WTO (I)
- Peter Drucker - Cha đẻ của môn Quản trị học
- Phỏng vấn Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Tư Pháp về khả năng gia nhập WTO của Việt Nam
- Nguy cơ Đại dịch
- Việt Nam cho phép các cơ sở khoa học và công nghệ được phép hoạt động chính danh
- Dự luật đầu tư trong quốc hội Việt Nam (I)