Phỏng vấn ông Đinh Đức Hữu về mỏ dầu khí mới phát hiện

Trong cuộc họp báo sáng Thứ Tư 20/10 tại Hà Nội, ông Đinh Đức Hữu Tổng Giám Đốc Công Ty Công nghệ Hoa Kỳ ATI loan báo công ty ông đã tìm thấy dầu và khí tại giếng Yên Tử 1X thuộc lô 106 thềm lục địa bắc Việt Nam. Giếng khoan thăm dò này nằm ở vị trí 70 km về phía đông cảng Hải Phòng nằm trong hải phận Việt Nam.

By line: Nam Nguyên

0:00 / 0:00

Các nhà địa chất ước tính trữ lượng của mỏ khoảng 700 tới 800 triệu thùng dầu và 40 tỷ mét khối khí. ATI là một trong ba công ty nuớc ngòai ký hợp đồng với Petrovietnam để thăm dò và khai thác dầu khí tại thềm lục địa bắc bộ.

Qua điện thoại Nam Nguyên đã đưa ra một số câu hỏi với tổng giám đốc Đinh Đức Hữu về khám phá đầy phấn khởi vừa nói, mời quí thính giả cùng tham dự:

Nam Nguyên: Thưa ông trữ lượng của mỏ dầu được khám phá ở ngoài khơi Hải Phòng so với các mỏ ở thềm lục địa phía nam thì như thế nào?

Đinh Đức Hữu: Chúng tôi chưa thể có một con số dứt khoát được ông ạ. Đây là những thăm dò ban đầu và thấy có dấu hiệu tốt. Còn để mà so sánh trữ lượng của mỏ dầu đối với phía Nam thì chắc còn phải cần thêm thời gian nữa.

Nam Nguyên: Trong cuộc họp báo, ông có nói trữ lượng có thể khoảng 700 đến 800 triệu thùng và 40 tỷ mét khối khí?

Đinh Đức Hữu: Con số đó là của các nhà địa chất cũng như những minh hải địa chất 3 chiều. Và chúng tôi cũng dựa vào kết quả của giếng khoan ban đầu. Đấy là một con số được đưa ra dựa vào các con số đấy. Còn để biết được chính xác, chúng ta phải làm, như tôi nói trong buổi họp báo rằng phải khoan rất nhiều giếng nữa mới biết được số lượng.

Nam Nguyên: Thưa ông, thông thường trên thế giới thì với mức khai thác một ngày bao nhiêu thùng, thì người ta có thể đưa vào thương mại?

Đinh Đức Hữu: Cái đó cũng còn tuỳ. Đối với những công ty lớn thì... Hoặc còn phải tuỳ vào tiêu chí nào? Điều đó cũng rất là khó nói. Nhưng ở vị trí này, ở chỗ đang làm có một số yếu tố thuận lợi là độ nước nông. Khoảng chừng trên dưới 20 đến 30 mét và gần bờ. Sau đó độ khoan của các tầng khoan không sâu, cũng 2000 đến 3000 mét thôi. Nên chi phí để khoan không quá tốn kém. Như vậy, tuy mỏ dầu này nhỏ nhưng cũng đã có tính thương mại rồi.

Nam Nguyên: Thường người ta hay nói có thể khai thác được một ngày là bao nhiêu thì mới đưa vào thương mại. Thưa ông, là nhà chuyên môn ông có thể cho thính giả RFA được biết về khái niệm đó?

Đinh Đức Hữu: Khoảng 5,000 đến 6,000 thùng là tốt và đã có khả năng rồi. Ông có thể tính, ví dụ nếu có 5,000 thùng và bán với giá 55USD một thùng thì... Một ngày, 5x6=30, cũng có khoảng 300 ngàn đôla, và một năm cũng đã có nhiều tiền rồi.

Nam Nguyên: Thế thì ông kỳ vọng gì vào tiềm năng dầu mỏ của thềm lục địa Bắc bộ?

Đinh Đức Hữu: Tôi nghĩ đây là một vùng đất có tiềm năng, nhưng cần phải bỏ rất nhiều công sức ra để làm. Đây là một vùng tiềm năng. Giếng khoan vừa rồi đã khẳng định nhiều thứ lắm.

Thứ nhất, tìm ra dầu. Như vậy chắc chắc là có dầu ở trong vùng này. Thứ hai, qua khảo sát địa chất thì tầng chứa rất và tầng chắn rất là tốt. Như vậy xác định hệ thống dầu khí ở vịnh Bắc Bộ là tốt. Bây giờ, còn lại là làm thế nào để chúng ta đầu tư một cách hiệu quả để đưa được dòng dầu lên và khai thác thương mại. Đó là một vấn đề cần nhiều công sức lắm.

Nam Nguyên: Trong trường hợp đưa vào khai thác thương mại ở vị trí 70km ngoài khơi hải phòng thì có tạo gì ô nhiễm môi trường cho vịnh Hạ Long không?

Đinh Đức Hữu: Không, vấn đề này không thể xảy ra ô nhiễm. Thứ nhất, nó nằm ngoài phạm vi vịnh Hạ Long. Thứ hai, khi khai thác dầu khí, chúng ta phải tuân thủ một số nguyên tắc về chuyên môn để bảo vệ môi trường.

Nam Nguyên: Ông có nói trong cuộc họp báo là hiện nay đã chi phí 20 triệu đôla cho việc thăm dò vừa rồi, và sẽ cần khoảng 200 triệu nữa thì mới tiến tới khai thác thương mại được. Như vậy chi phí vừa nói sẽ do ai chi trả.

Đinh Đức Hữu: Một phần lớn là do chúng tôi đóng góp vào tổ hợp này.

Nam Nguyên: Như vậy, công ty của ông sẽ được gì khi việc khai thác mỏ dầu ở vịnh Bắc Bộ trở thành hiện thực?

Đinh Đức Hữu: Theo nguyên tắc đấu thầu các lô dầu ở trên các nước, thì các nhà đầu tư phải bỏ tiền ra để làm. Sau khi có thu hoạch, thì mình tự chi trả cho mình trước, sau đó mới trả cho nhà nước.

Nam Nguyên: Như thế, khi đi vào khai thác thương mại thì các nhà đấu thầu thăm dò sẽ được quyền khai thác.?

Đinh Đức Hữu: Và được trả cho số tiền mà họ đã trả ra trước. Sau đó, phần còn lại mới chia theo phần trăm theo như hợp đồng sản phẩm với nước chủ nhà. Thông lệ đó cũng xảy ra ở nhiều nước trên thế giới.

Nam Nguyên: Thưa ông, nếu vịnh Bắc Bộ khai thác được dầu khí, thì có ích lợi và cứu được cho dự án lọc dầu Dung Quất so với vị trí địa lý ở phía nam?

Đinh Đức Hữu: Tôi không chuyên môn lắm về cái đó, nên tôi không biết. Tôi không nghiên cứu nhiều về vấn đề Dung Quất, nên tôi không biết. Tôi chỉ biết nếu mà tìm được dầu khí ở vịnh Bắc Bộ thì chắc chắn sẽ có ảnh hưởng đến nền kinh tế ở vùng đồng bằng sông Hồng là rất mạnh. Tại vì nơi đấy đồng bào mình cần năng lượng để mà chạy nhà máy...

Nam Nguyên: Thưa ông, Việt Nam xuất khẩu dầu thô, nhưng nhập khẩu xăng dầu và các phó sản của dầu hoả. Thì như vậy theo ông có nên phát triển việc chế biến dầu ở Việt Nam?

Đinh Đức Hữu: Tôi nghĩ việc phát triển chế biến dầu thì quá tốt. Hình như chính phủ Việt Nam đang làm việc ấy. Đã có 1 hoặc 2 dự án chuẩn bị đang làm, và ở Dung Quất thì sẽ đi vào hoạt động trong những năm tới này.

Nam Nguyên: Thay mặt thính giả đài RFA, xin cảm ơn Tiến sĩ Đinh Đức Hữu.

Đinh Đức Hữu: Xin cảm ơn ông.