Nhiều doanh nghiệp Việt Nam sẽ bị giải thể


2004.08.26

Chính phủ Việt Nam một lần nữa ra chỉ thị tăng tốc cổ-phần- hóa để giải quyết gánh nặng quốc doanh thua lỗ, theo chương trình này nhiều doanh nghiệp sẽ bị giải thể nếu không thể tiến hành cổ phần hóa.

Việt Nam hiện đang duy trì gần 4.300 doanh nghiệp nhà nước với tổng vốn xấp xỉ 190 ngàn tỷ đồng tương đương 12 tỷ đô la, nhưng tổng số nợ phải trả phải thu lại lên tới 300 ngàn tỷ tức hơn 19 tỷ đô la. Đây là con số thống kê chính thức được loan báo hồi trung tuần tháng ba năm nay tại Hà Nội, và là một hồi chuông báo tử cho khu vực kinh tế quốc doanh, nếu như chính phủ không thực hiện đổi mới kịp thời trước thềm hội nhập.

Nhận định về thực trạng này giáo sư kinh tế Nguyễn Quốc Khải ở Hoa Kỳ, một cựu chuyên gia Ngân hàng Thế Giới cho rằng: (audio clip)

Trong tình hình như vừa nói thì Việt Nam lấy đâu cho nguồn cung cấp ngân sách nhà nước. Trong một hội nghị về đổi mới doanh nghiệp hồi đầu năm, Thủ tướng Phan Văn Khải được bộ tài chánh báo cáo rằng, năm 2003 khu vực quốc doanh nộp thuế thu nhập chỉ khoảng 8 ngàn tỷ đồng, nguồn thu ngân sách còn lại là do người dân gánh chịu từ thuế tiêu thụ đặc biệt và các loại thuế gián thu.

Theo các chuyên gia trong nước, chỉ khoảng 1.500 trong số 4.200 doanh nghiệp nhà nước báo cáo có lãi với mức cao hơn lãi suất ngân hàng. Tuy nhiên đây cũng là lãi giả vì đa số doanh nghiệp được cấp đất, bao cấp bảo hộ, nên mới sinh lợi. Thực ra đem tiền vốn nhà nước cấp khỏi làm ăn gởi ngân hàng còn khá hơn.

Chính vì vậy ông Phan Văn Khải phải nhìn nhận sự thực và phát biểu rằng, nếu không đổi mới sẽ dẫn đến đổ vỡ tràn lan doanh nghiệp nhà nước.

Vấn đề còn lại là Việt Nam sẽ cải tổ như thế nào, hiện nay tiến độ rất chậm so với kế hoạch do nhiều lực cản. Ông Hà Đăng, Trợ Lý của Tổng Bí Thư Nông Đức Mạnh, tuyên bố trên báo chí rằng, một số cán bộ hoạch định chính sách chùn tay thiếu mạnh dạn trong việc đề suất các chính sách cụ thể vì họ lo ngại cổ phần hóa sẽ tư nhân hóa nền kinh tế.

Ông Nguyễn Xuân Nghĩa, chuyên viên kinh tế ở nam California, một cộng tác viên Ban Việt Ngữ đưa ra nhận định khá bi quan cho điều ông gọi là sự cải cách nửa vời ở Việt Nam. Xin được lưu ý đây là quan điểm cá nhân của chuyên gia: (audio clip)

Giờ đây, với sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Phan Văn Khải, Việt Nam đặt mục tiêu tới năm 2007 sẽ chỉ duy trì 1 ngàn doanh nghiệp nhà nước, còn lại toàn bộ là cổ phần hóa, nếu doanh nghiệp nào không thực hiện được thỉ sẽ phải giải thể.

Tại cuộc hội thảo tái cơ cấu tài chính doanh nghiệp và cổ phần hóa tại Việt Nam diễn ra hôm 20/8 tại Hà Nội, ông Phạm Viết Muôn phó ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp cho biết, đến hết năm 2005 cơ bản sẽ hoàn thành việc cổ phần hóa 1.700 doanh nghiệp nhà nước. Theo ông Muôn 7 tháng đầu năm 2004 cả nước tiến hành cổ phần hóa được 265 doanh nghiệp và sắp xếp 700 doanh nghiệp nhà nước. Theo kế hoạch thì 2004 và 2005 mỗi năm phải cổ phần hóa khoảng 1 ngàn doanh nghiệp, điều này e rằng khó đúng tiến độ.

Ngày 24/8 Thủ tướng Phan Văn Khải đã ban hành tiêu chí phân loại công ty nhà nước và công ty thành viên hạch tóan độc lập thuộc tổng công ty nhà nước. Văn bản vừa nói có mục đích thu hẹp doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, tạo hành lang pháp lý để khai thông cổ phần hóa. Trong các doanh nghiệp cổ phần hóa có vốn trên 20 tỷ đồng thì nhà nước sẽ nắm giữ 50% vốn cổ phần.

Lần này nhà nước quyết định giải thể 3 tổng công ty Da Giày, Sành Sứ Thủy Tinh và Nhựa để tiến hành cổ phần hóa. Ngoài ra còn có thí điểm cổ phần hóa ở Tổng Công Ty Vinaconex Bộ Xây Dựng, Tổng Công Ty Điện Tử Tin Học Bộ Công nghiệp, Tổng Công Ty Thương Mại Xây Dựng Bộ Giao Thông. Lãnh vực đáng chú ý nhất là Ngân Hàng Ngoại Thương Vietcombank và Ngân hàng Phát Triển Nhà Đồng Bằng Cửu Long được chọn để cổ phần hóa.

Tuy vậy kế hoạch cổ phần hóa Vietcombank sẽ bị chậm 15 tháng nghĩa là phải sang 2006 mới thực tế có bán cổ phần cho các nhà đầu tư. Trong kế hoạch hiện nay chính phủ dự kiến mở cửa hạn chế đối với ngành hàng không, nghĩa là chỉ cổ phần hóa khâu dịch vụ , nhà nước duy trì sở hữu toàn bộ máy bay của Hàng Không Việt Nam. Về cảng biển , những cảng mới sẽ xây dựng theo hình thức công ty cổ phần, trong đó nhà nước giữ một phần vốn, cảng Vân Phong ở Khánh Hoà có thể là nơi đầu tiên xây dựng theo hình thức vừa nói.

Việc cổ phần hóa và cải cách doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam ngoài ý nghĩa giải phẫu các khối u hủy hoại nền kinh tế để tự cứu mình, còn là một trong các điều kiện mà Việt Nam phải đáp ứng nếu muốn được tham gia vào Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.