Hôm 23/8 Tổng Cục Thống Kê ở Hà Nội công bố mức tăng chỉ số giá tiêu dùng tháng 8 là 0, 6% đưa mức tăng 8 tháng năm 2004 lên tới 8, 3%. Với thông tin này, liệu lạm phát giá trị tiêu thụ cho toàn năm sẽ vượt qua 2 con số hay không.
Mức tăng giá tháng 8 vượt ngoài dự báo của Tổ Điều Hành Thị Trường Trong Nước trực thuộc chính phủ, đưa ra hồi cuối tháng 7. Lúc đó các chuyên gia tin rằng giá cả tháng 8 sẽ không tăng nhiều và ở mức dưới 0,5%. Theo thông tin của Tổng Cục Thống Kê chỉ số các nhóm lương thực , thực phẩm, dược phẩm y tế cùng có mức tăng 0,8% trong tháng 8. Dù rằng chính phủ hạn chế xuất khẩu gạo ở mức 3 triệu rưỡi tấn, và Bộ Y Tế tiến hành nhiều biện pháp bãi bỏ độc quyền nhập khẩu và phân phối dược phẩm.
Trong tình hình hiện tại ở Việt Nam, nguồn cung cấp thực phẩm chưa hồi phục do dịch cúm gia cầm 3 tháng đầu năm, nay lại tái dịch và đã làm 3 người chết, giá dầu thế giới biến động ảnh hưởng tới xăng dầu và phó sản dầu hoả nhập khẩu, khiến cho nhiều chuyên gia thị trường không khỏi âu lo. Mục tiêu của chính phủ Phan Văn Khải là phải kiềm chế mức lạm phát giá trị tiêu thụ dưới 10%, 120 ngày còn lại của năm 2004 không phải là một thời gian dài để tính toán.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cố vấn cao cấp Bộ Kế Hoạch Đầu Tư ở Hà Nội cũng bày tỏ hy vọng là sẽ giữ được mức tăng giá trọn năm khoảng 9%: (audio clip)
Mặt khác theo báo Tuổi Trẻ số ngày 23/8, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân Hàng Thế Giới ông Martin Rama nhận định rằng, mức lạm phát hiện tại của Việt Nam khoảng hơn 7% và còn tăng nữa nhưng ông cho rằng sẽ không vượt quá hai con số. Sau khi đưa ra luận cứ, rằng giá cả tại Việt Nam gia tăng bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khách quan và chịu nhiều tác động từ bên ngoài.
Diễn trình này bao gồm dịch cúm gia cầm làm giá thực phẩm tăng nhiều, sau đó là thép, xi măng tăng ảnh hưởng dây chuyền chi phí đầu vào của một loạt hàng hoá khác. Ông Martin nhấn mạnh đến tình trạng giá dầu thế giới đang tăng, và cho rằng mức lạm phát của Việt Nam tăng từ từ và là kết quả tất yếu của những yếu tố vừa nói. Ông Martin Rama trấn an chính phủ Việt Nam rằng mức lạm phát này không có gì đáng lo ngại.
Nhưng vị trưởng nhóm chuyên gia kinh tế Ngân hàng Thế Giới đưa ra khuyến cáo là chính phủ không nên quản lý giá, vì theo qui luật của kinh tế thị trường, giá cả là do thị trường quyết định. Theo ông Martin mọi sự can thiệp quá sâu vào hoạt động của doanh nghiệp và của thị trường là điều không đúng với qui luật. Ông Martin nhắc lại là sau khi tăng giá xăng ngày 19/6/2004, chính phủ Việt Nam yêu cầu các ngành chủ chốt không được tăng giá hàng hoá và dịch vụ cung cấp. Được biết thủ tứơng Phan Văn Khải đã chỉ đạo rằng than, điện và xi măng không được tăng giá trong giai đoạn hiện nay.
Ông Martin Rama còn đưa ra hai vấn đề mà ông cho là ảnh hưởng cốt tử đến viễn cảnh kinh tế Việt Nam, đó là chính sách tài chính ngân sách và chính sách tiền tệ. Vẫn theo báo Tuổi Trẻ, ông Martin khuyến cáo chính phủ Việt Nam phải chi tiêu ngân sách hiệu quả hơn, đầu tư phát triển cần đúng lúc đúng chỗ, phải lựa chọn dự án cẩn thận và không chạy theo số lượng. Còn về lãnh vực tiền tệ Việt Nam cần phải có chính sách linh hoạt hơn, và ông cho rằng với mức trượt giá như hiện nay lãi suất của các ngân hàng thương mại không còn đủ hấp dẫn. Theo ông các ngân hàng Việt Nam cần có chính sách lãi suất hấp dẫn hơn.
Chúng tôi xin trích ý kiến một cựu chuyên gia Ngân Hàng Thế Giới, giáo sư kinh tế Nguyễn Quốc Khải tại Hoa Kỳ với các nhận xét cũng phần nào tương đồng với ông Martin Rama: (audio clip)
Thưa quí thính giả, trong vòng hai tuần lễ vừa qua, các chuyên gia Quĩ Tiền Tệ Quốc Tế và Ngân Hàng Thế Giới đều có những nhận định về tình hình lạm phát ở Việt Nam. Cả hai phía đều có sự trấn an chính phủ Việt Nam, là đừng có âu lo thái quá về chỉ số lạm phát. Theo lời ông Lê Đức Thúy Thống Đốc Ngân Hàng Nhà Nứơc Việt Nam nói với báo chí thì chuyên gia Quĩ Tiền Tệ Quốc Tế đã khảo sát thực tế và cho biết Việt Nam lạm phát cơ bản toàn năm 2004 chỉ khoảng 6%, và rằng mức lạm phát 4 tháng cuối năm sẽ giảm dần chứ không tăng.
Còn chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế Giới thì lại nhận định lạm phát đang hơn 7% và sẽ tăng thêm nhưng không vượt quá hai con số. Nhưng vấn đề sinh tử của nền kinh tế Việt Nam là chính phủ phải điều chỉnh chính sách tài chánh ngân sách và tiền tệ.