Vụ án đường dây chạy quota hàng dệt may xuất sang Mỹ đang ngày càng được mở rộng. Số đối tượng bị bắt vì liên quan đến vụ việc sẽ không chỉ dừng lại ở những nhân vật như Lê Văn Thắng, Mai Thanh Hải, Nguyễn Việt Phú, Đặng Vũ Quang... vv, mà rất có thể còn có những nhân vật cao cấp hơn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Người dân trong nước nghĩ sao? Việt Long của đài chúng tôi hỏi chuyện một bạn trẻ, cư dân Hà Nội.
By line: Việt Long
Việt Long: Chào bạn. Những người ở xung quanh bạn có nói nhiều về chuyện quota dệt may bị tham nhũng không?
Đáp: Nói nhiều chứ ạ. Gần như là đi đâu cũng nghe thấy có những cái lời bàn tán. Đặc biệt là báo chí thì hăng lắm, em thấy báo chí họ săn và đưa tin rất là ghê!
Hỏi: Rất ghê là ghê thế nào cơ?
Đáp: Vâng. Ngay khi mà báo chí họ đăng tin Lê Văn Thắng khai với công an về một chuyên viên tên là Mai Thanh Hải con của ông thứ trưởng có tên viết tắt là MVD đó, thì dư luận đã biết ngay là ông Mai Văn Dâu rồi. Và cái hôm 30 tháng 9 mà Hải bị bắt đấy, thì xung quanh nhà riêng của ông Dâu ở 35 phố Liên Trì, phố Liên Trì nằm ngay gần hồ Ha Le ấy anh, thì đã có rất nhiều phóng viên của các báo họ chực sẵn từ sáng cơ.
Thế nhưng đến lúc chiều thì khi công an bắt, họ cũng chẳng chụp được ảnh hay phỏng vấn gì cả, vì công an họ lui đít ô tô vào sát tận nhà ông Dâu mà, bắt Hải là họ tống lên xe ngay. Em thấy dường như là công an họ đã chuẩn bị rất chu đáo và ngay cả Mai Thanh Hải cũng đã đoán được là mình sẽ bị bắt trong ngày hôm đó nên không thấy Hải có phản ứng gì cả.
Hỏi: Thế thì dư luận của người dân họ nói thế nào?
"Gần như là đi đâu cũng nghe thấy có những cái lời bàn tán. Đặc biệt là báo chí thì hăng lắm, em thấy báo chí họ săn và đưa tin rất là ghê!"
Đáp: Dạ, tất nhiên là dư luận rất quan tâm. Sau khi mà Hải bị bắt thì chẳng cần theo dõi tiếp người ta cũng đoán được là ông thứ trưởng Mai Văn Dâu có liên quan đến vụ này rồi, thế nhưng người ta vẫn rất chịu khó mua báo, kể cả những người mà thường ngày không có thói quen đọc báo thì đợt vừa rồi cũng rất chịu khó theo dõi tiếp diễn tiến của vụ án. Có lẽ là họ còn đợi xem xem là bên cạnh ông Dâu có còn ai nữa không?
Hỏi: Thế theo bạn thì có những ai nữa ?
Đáp: Cũng khó mà trả lời được, vì em cũng chỉ là một người dân bình thường như bao người khác thôi mà. Thế nhưng ai cũng thấy một điều là những cái chuyện mua bán, ăn chặn đồi bại này nó đã tồn tại từ rất lâu rồi, và nếu như quả thật ông Dâu có liên quan đến vụ này thì không loại trừ khả năng là bên cạnh đó còn có không ít những nhân vật khác nữa, bởi vì dẫu sao ông Dâu cũng chỉ là một thứ trưởng của một bộ, dù muốn thì chắc rằng cũng không thể một tay che lấp mặt trời được.
Hỏi: Thế ngoài cái việc quan tâm xem có còn ai bị bắt hay không thì dư luận còn chú ý đến điều gì nữa?
Đáp: Mọi người quan tâm nhất là liệu vụ án này nó có được điều tra đến tận cùng và xét xử thích đáng những kẻ phạm tội hay không thôi. Bởi vì qua cái vụ Năm Cam ấy, thì mọi người cũng thấy là tuy nhà nước cũng có phần quyết tâm tiêu diệt những tệ trạng xã hội, nhất là tham nhũng, thế nhưng cuối cùng khi xét xử thí vẫn còn nương nhẹ cho các quan chức, vẫn còn chưa đáp ứng được sự mong đợi của nhân dân.
Hỏi: Bạn có thể nói rõ hơn được không?
Đáp: Vâng. Ví dụ như Tổng giám đốc Đài Tiếng Nói Việt Nam kiêm tổng thư ký hội nhà báo, ủy viên Trung ương Đảng, ông Trần Mai Hạnh đó anh, rồi thì Phạm Sỹ Chiến, phó viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Trung tướng Bùi Quốc Huy, thứ trưởng Bộ Công an, cũng là ủy viên Trung ương Đảng đấy, thì đều được xử rất nhẹ so với tội trạng. Ngay cả cái tội làm lộ bí mật quốc gia của Trần Mai Hạnh ấy cũng được cho qua, vì lý do là đã quá thời hạn truy cứu rồi. Nhưng buồn cười nhất là không hiểu sao mấy ông này lại được quyền chọn nơi thi hành án theo sở thích của mình đấy. Đi tù mà cứ như là đi an dưỡng ấy, đúng là chuyện lạ! Rồi vụ Lã Thị Kim Oanh nữa, 2 ông thứ trưởng rốt cuộc cũng chỉ bị tù treo, đám ngân hàng thì thậm chí còn chẳng hề bị làm sao. Dân nhiều người họ bất bình lắm, báo chí cũng đăng tải không ít những ý kiến phản đối, nhưng rồi thì đâu vẫn vào đó ấy mà.
"Buồn cười nhất là không hiểu sao mấy ông này lại được quyền chọn nơi thi hành án theo sở thích của mình đấy. Đi tù mà cứ như là đi an dưỡng ấy, đúng là chuyện lạ!"
Hỏi: Quay trở lại với vụ án mua bán quota này, báo chí trong nước nói rằng Mai Thanh Hải là một tay chơi có tiếng, bạn có nghe gì không?
Đáp: Vâng, mà không hiểu tiền ở đâu ra mà lắm thế?! Nhưng nói rằng Hải nổi tiếng thì cũng chưa hẳn đã đúng đâu anh ạ, dạng như Hải trong giới ăn chơi ở Hà Nội bây giờ thì cũng chưa có gì là ghê gớm lắm. Nhiều đứa còn chơi phũ hơn ấy chứ. Cũng không ít thành phần là con ông cháu cha, chức quyền tiền bạc thì thường đi liền với nhau mà. Em không nói là tất cả, nhưng những dạng con ông cháu cha lợi dụng chức quyền của bố mẹ để làm bậy như Hải bây giờ thì ở Hà Nội đâu có thiếu.
Hỏi: Thế chuyện Mai Thanh Hải mà lại có một chỗ làm rất là đàng hoàng trong Bộ Thương Mại đề mà mua bán quota, trong khi đó thì rất nhiều sinh viên giỏi ra trường không thể xin được việc làm, thì có phải là điều bất ngờ với mọi người không?
Đáp: Nói là bất ngờ thì... em nghĩ là không đâu. Việc sinh viên giỏi ra trường chỉ vì không có tiền đút lót nên thất nghiệp trong khi dạng con ông cháu cha, dù có dốt nát đến mấy nhưng vẫn toàn ngồi chỗ thơm đã là cái chuyện bình thường từ lâu lắm rồi . Xã hội họ cũng kêu nhiều lắm rồi, nó như là căn bệnh kinh niên ấy mà, nên nhiều khi đau đấy, tức đấy nhưng mọi người cũng vẫn cố chịu đựng. Còn tệ trạng tham nhũng thì ở đâu cũng có, ở cấp nào cũng có, đụng vào đâu là cũng thấy có tham nhũng. Quả thật những cái tệ trạng này nó làm kìm hãm sự phát triển của xã hội, băng hoại đạo đức, ai ai cũng bất bình. Nhưng cái điều bất ngờ và có lẽ cũng là khiến dư luận phẫn nộ nhất là không ngờ bọn nó lại ăn dầy, ăn tham và táng tận lương tâm đến thế.
Hỏi: Ăn dầy và ăn tham là ăn thế nào?
Đáp: Em đọc báo thấy nói rằng trong khi tiền lương trả cho người gia công sản phẩm chỉ là một đồng, thì nhiều lúc do bị bắt bí, nhất là đối với những mặt hàng mà người Mỹ họ chuộng đấy, cái tiền mà doanh nghiệp phải trả để mua quota từ tay Hải và Thắng là lên đến tận hai mươi đồng, tức là gấp hai mươi lần tiền lương công nhân. Thật nằm ngoài sức tưởng tượng của mọi người. Không ngờ là trên đời này lại có những cái chuyện cướp bóc trắng trợn và bất công kinh khủng đến như vậy. Mà anh không biết chứ, nói chung là đời sống của những công nhân dệt, may ở Việt Nam vất vả lắm.
Bạn nghĩ gì về vụ tham nhũng quota dệt may? Xin email về Vietnamese@www.rfa.org
Hỏi: Chúng tôi ở ngòai này thì lại nghe nói là đời sống công nhân giờ có khá hơn rồi đấy chứ?
Đáp: Đúng là có một số ít nơi như vậy. Nhưng nói chung thì đa số là lương vẫn rất thấp, nếu đều việc thì tháng hơn bù tháng kém cũng chỉ trung bình vào khoảng bốn năm trăm nghìn một tháng là cùng thôi. Đấy là chưa kể nhiều lúc hết việc ấy, thì phải luân phiên nhau nghỉ, đương nhiên lúc nghỉ thì cùng lắm là chỉ được hưởng 70% lương, thậm chí là nhiều cơ sở, hay nhà máy là không hề có lương. Làm việc thì toàn ca kíp, mà toàn phải làm thêm giờ thôi, ngày toàn là 10 tiếng. Những công nhân sống ngay tại thành phố thì còn đỡ, những người ngoại tỉnh lên thuê trọ thì khổ lắm. Lương thấp nên chỉ có thể thuê trọ ở những nơi rất tồi tàn. Anh có tưởng tượng được là trong một cái phòng chừng 06 mét vuông mà có đến 4-5 người ở hay không, mà phòng lại chỉ có một cái giường đôi hay một tấm phản, mùa đông ngủ chung như vậy thì còn đỡ, chứ mùa hè thì chắc là chết nóng... vv. Ôi, còn nhiều cái nữa lắm. Khó mà tưởng tượng hết được.
Hỏi: Lại trở lại chuyện quota, thì Bộ Thương Mại Việt Nam vừa mới ra một loạt biện pháp, chẳng hạn như là chỉ cấp quota qua đường bưu điện, không cho doanh nghiệp tiếp xúc với công chức xét duyệt, thì liệu đó có là giải pháp tiêu diệt được tiêu cực không?
Đáp: Em nghĩ là có, nhưng không phải là do nó là giải pháp tối ưu đâu, mà bởi vì công an đang điều tra, vụ việc đương nóng hổi, dư luận đang rất quan tâm nên tạm thời những con sâu, con mọt chắc chắn rằng dù có to gan, tham ăn đến mấy cũng sẽ phải dừng lại để nghe ngóng tình hình. Thế nhưng mà sau này thì chắc đâu sẽ lại vào đấy, chúng sẽ lại tiếp tục đục khoét, cướp ngày. Không có Mai Thanh Hải, Lê Văn Thắng... thì sẽ lại nảy nòi ra những bọn khác, có khi còn kinh khủng hơn nữa ấy chứ, cơ chế xin-cho là như vậy. Hơn nữa ngay cả các quan chức Bộ Thương Mại cũng nói rằng dù là giải pháp gì thì cũng phải phụ thuộc vào tính tự giác của các công chức. Nhưng mà ai cũng biết là cái đám tham nhũng thì lấy đâu ra tự giác, lương tâm cơ chứ? Nếu có còn chút tỉnh táo nào thì chúng cũng chỉ tìm cách mà giấu diếm tội lỗi, kéo bè kéo cánh và vơ vét thêm mà thôi. Làm gì có chuyện quan tham ra đầu thú bao giờ đâu. Chưa hề có.
"Ai cũng biết là cái đám tham nhũng thì lấy đâu ra tự giác, lương tâm cơ chứ? Nếu có còn chút tỉnh táo nào thì chúng cũng chỉ tìm cách mà giấu diếm tội lỗi, kéo bè kéo cánh và vơ vét thêm mà thôi. Làm gì có chuyện quan tham ra đầu thú bao giờ đâu."
Hỏi: Thế chẳng lẽ không có cách nào để tiêu diệt tham nhũng hay sao? Nhà nước Việt Nam đã tìm rất nhiều biện pháp, kêu gọi, lên án ghê lắm cơ mà?
Đáp: Tất nhiên là có chứ, ai cũng biết sự thành bại của việc chống tham nhũng là do nhân dân quyết định, nhà nước cũng nói như vậy. Thế nhưng cho đến bây giờ đã có cơ chế nào để người dân tham gia chống tham nhũng đâu? Ngay cả cái chuyện đơn giản nhất là công khai tài sản các quan chức, rậm rịch mãi mà cũng thấy có thực hiện gì đâu?
Việt Long: Xin cảm ơn