Đảng CSVN nhóm họp Hội nghị trung ương 5

Nguyễn Khanh, phóng viên đài RFA

Hội Nghị lần thứ 5 ban chấp hành trung ương khóa 10 của Ðảng Cộng Sản Việt Nam đã khai mạc hồi sáng nay. Trong phòng ghi âm của của chúng tôi đang có mặt anh Nguyễn Khanh, và có lẽ nhờ anh cho biết những tin đã thu thập được liên quan đến Hội Nghị Trung Ương.

Party10Meeting200.jpg
Đại hội Đảng lần thứ 10 khai mạc tại Hà Nội hôm 18-4-2006. AFP PHOTO

Nhiều vấn đề quan trọng

Hội nghị lần này là một trong những hội nghị rất quan trọng, nếu không muốn nói là quan trọng nhất khi so với những hội nghị đã từng diễn ra trước đây.

Ðó là nhận xét của các nhà quan sát từ Hà Nội khi được yêu cầu cho ý kiến về hội nghị lần thứ 5 ban chấp hành trung ương vừa khai diễn sáng nay ở Hà Nội.

Một trong những lý do được các nhà quan sát chú ý đến là hội nghị lần này kéo dài tới 10 ngày, từ hôm nay đến ngày 14 mới kết thúc, thay vì chỉ họp khoảng 1 tuần lễ như những lần hội nghị trước đây.

Giới theo dõi chính trị của Việt Nam cũng nói rằng họp càng lâu, chứng tỏ càng có nhiều điều cần phải giải quyết hoặc chưa thể giải quyết vì không đạt được sự đồng thuận của giới lãnh đạo trong bộ chính trị.

Vấn đề được nói đến nhiều nhất và được quan tâm nhất là chuyện nhân sự và cải cách hành chính. Ðây là điều chính ông Tổng Bí Thư Nông Ðức Mạnh nói đến trong diễn văn khai mạc hội nghị.

Trước ngày hội nghị diễn ra, có tin nói Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ cắt giảm số bộ trưởng từ 22 người xuống còn 11 người, đồng thời muốn đưa ông Bộ Trưởng Giáo Dục Nguyễn Thiện Nhân lên làm Phó Thủ Tướng.

Dự định của ông Dũng gặp một vài chống đối vì nếu cắt giảm số bộ trưởng để bộ máy hành chính đỡ cồng kềnh mà lại tăng số người làm Phó Thủ Tướng từ 3 lên 4 người thì chưa hẳn đã là điều hay.

Cũng có tin nói ông Dũng ủng hộ ông Thiện Nhân làm Phó Thủ Tướng, nhưng ý kiến của ông Dũng không được các ủy viên trung ương ủng hộ, vì họ e ngại như thế cánh miền Nam chiếm được nhiều ưu thế quá.

Mới sáng nay, một vài nhà báo nước ngoài đang làm việc ở Hà Nội nhắc tôi rằng đừng quên “yếu tố vùng miền” rất quan trọng tại Việt Nam, và dù có thế nào đi chăng nữa thì điều thường được gọi là “truyền thống chính trị” của Việt Nam vẫn phải được tôn trọng.

Tranh cãi về nhân sự lãnh đạo

Trà Mi: Như vậy, chưa hẳn ông Nhân sẽ lên làm Phó thủ tướng?

Nguyễn Khanh: Có thể tạm coi là như vậy. Theo tôi hiểu thì đã có người thắc mắc là ông Nhân mới ra Hà Nội làm việc chưa được bao lâu, trong khi nếu có thêm ghế Phó Thủ Tướng thì người nên được cân nhắc chính là ông Hoàng Trung Hải, một nhân vật được xem là có tiềm năng, được lòng mọi người.

Giới thạo tin ở Hà Nội còn nói ông Hải “đã được bồi dưỡng và trong diện qui hoạch”, tức là đã sẵn sàng để nắm ghế Phó Thủ Tướng, trong khi ông Nhân thì chưa.

Trà Mi: Một nhân vật khác cũng được nói đến là ông Lê Ðức Thúy, Thống Ðốc Ngân Hàng Nhà Nước cũng sẽ ra đi. Tin này chính xác như thế nào?

Nguyễn Khanh: Có lẽ tôi phải rất dè dặt, trả lời là 50/50. Lý do là vì có những nguồn tin nói chuyện ông Thúy ra đi là điều sẽ xảy ra, nhưng mới đây tôi lại được nghe từ một nguồn khác là dù ông Thúy bị bên thanh tra xác định có sai trái trong việc điều hành, nhưng chỉ bị khiển trách, nhận một hình thức kỷ luật ở một mức độ nào đó và sẽ tiếp tục vai trò hiện giờ.

Thành ra chưa biết được. Vả lại nên nhớ là ông Thủ Tướng Dũng đang đi thăm Ấn Ðộ ngày mai mới về, nên chuyện nhân sự sẽ không được bàn đến cho đến khi có mặt ông Dũng.

Trà Mi: Cám ơn anh Nguyễn Khanh.