Lần đầu tiên, một Phó giáo sư bị rút học vị vì không trung thực


2007.01.30

Mặc Lâm, phóng viên đài RFA

Câu chuyện về những mảnh bằng vô giá trị của một số người có bằng Tiến Sĩ tại Việt Nam chưa ngã ngũ thì lại thêm nhiều vị Giáo Sư, Phó Giáo Sư bị tố cáo là khai man và đạo văn. Mới đây một Phó Giáo Sư bị rút lại học hàm vì đã có hành vi gian dối khi báo cáo với hội đồng chức danh. Mời quý vị theo dõi bài viết sau đây của Mặc Lâm về vấn đề nhức nhối của xã hội này.

TrinhXuanDung150.jpg
Ông Trịnh Xuân Dũng, Hiệu Trưởng Trường Cao Ðẳng Du Lịch Hà Nội. Photo courtesy Vietnam Net.

Những lúc gần đây dư luận tại Việt Nam bỗng nhiên tập trung chú ý vào những vụ bằng cấp Tiến Sĩ, Thạc Sĩ mà nhiều tờ báo phanh phui là có vấn đề, hay nói trắng ra là bằng giả, không có giá trị.

Dư luận đòi hỏi phải làm rõ vụ việc bức xúc đến nỗi Bộ Giáo Dục và Đào Tạo phải ra văn bản trấn an và hứa sẽ chấn chỉnh lại vấn đề này. Bộ Giáo Dục cũng hứa sẽ ban hành những quy định cụ thể về yêu cầu tối thiểu của một luận án tốt nghiệp, trong đó bắt buộc nghiên cứu sinh phải chứng tỏ có đề tài mới, đóng góp mới.

Không có khả năng

Mặc dù được trấn an như vậy nhưng dư luận không biểu đồng tình vì nhiều nguyên do, mà một trong những nguyên do dư luận đưa ra phát xuất từ hội đồng bảo vệ luận án.

Trong một bài phỏng vấn hồi gần đây trên tờ Tuổi Trẻ, Tiến Sĩ Đỗ Trần Cát, Tổng Thư Ký Hội Ðồng Chức Danh Giáo Sư Nhà Nước đã đưa ra những nhận xét chính xác về tình trạng này, ông cho rằng hầu hết những người được đề cử vào hội đồng đều không có khả năng đúng với đòi hỏi của một thành viên trong hội đồng bảo vệ luận án Tiến Sĩ.

Hơn thế nữa, Tiến Sĩ Cát nói thêm những người trong hội đồng lại bị những sức ép từ một phía nào đó nên phải cho điểm cao cho nghiên cứu sinh mà khả năng thực của những người này hoàn toàn không đáng để được nhận lãnh.

Đào tạo một người tiến sĩ mà muốn có khả năng tương đương với quốc tế thì người đó phải có khả năng tiếng Anh thật giỏi.

Một điều phổ biến thứ hai là đại đa số nghiên cứu sinh không thông thạo ngoại ngữ kể cả những người có bằng tiến sĩ từ những đại học danh tiếng nước ngoài. Báo chí phát hiện nhiều trường hợp nghiên cứu sinh tu nghiệp và lấy bằng Tiến Sĩ của Mỹ nhưng lại viết và nói tiếng Anh không được.

Những trường hợp này chỉ có thể kết luận là họ mua bằng hoặc bằng giả mà thôi. Tiến Sĩ Trần Văn Hiển đang giảng dạy tại Đại Học Clear Lake Houston khi được hỏi về tình trạng này ông cho biết: “Đào tạo một người tiến sĩ mà muốn có khả năng tương đương với quốc tế thì phải có có khả năng tiếng Anh thật giỏi.”

Gian dối

Sau những điều tiếng gây nên trong giới Tiến Sĩ, dư luận tập trung đến Giáo Sư/Phó Giáo Sư và tình trạng của giới này cũng không khá gì hơn. Mới đây báo chí đưa ra nhiều vụ Giáo Sư/Phó Giáo Sư có gian trá trong việc xin phong danh hiệu.

Một tổng biên tập của một tạp chí lớn có nhiều công trình khoa học bị tố cáo là ăn cắp công trình của người khác. Và rồi trong giới y học lại xảy ra việc một Tiến Sĩ đã mượn công trình của người khác để nộp hồ sơ xin phong danh hiệu phó Giáo Sư cho mình, đó là trường hợp của Tiến Sĩ Nguyễn Thị Hoài An đang công tác tại Bệnh Viện Trung Ương Tai Mũi Họng.

Bà An khai tăng thêm số năm trong vai trò Tiến Sĩ, khai tham gia giảng dạy tại trường Đại Học Y Khoa Hà Nội nơi mà bà không hề có một giờ lên lớp nào, đồng thời bà còn tiếm danh trên ba quyển sách y học, cũng như kê khai môt số sách của bà chưa hề dược xuất bản từ trước đến nay.

Tất cả những hành động khó coi của những người được mệnh danh là hiền tài của đất nước này như những giọt nước cuối cùng làm tràn ly nước kiên nhẫn của dư luận và dẫn đến việc Hội Ðồng Chức Danh mới đây đã ra quyết định thu hồi học hàm Phó Giáo Sư đối với ông Trịnh Xuân Dũng, Hiệu Trưởng Trường Cao Ðẳng Du Lịch Hà Nội do không trung thực và vi phạm tiêu chuẩn đạo đức nhà giáo.

Ông Trịnh Xuân Dũng là người đầu tiên tại Việt Nam bị tước danh hiệu Phó Giáo Sư. Chúng tôi hỏi ý kiến của sử gia kiêm đại biểu quốc hội Việt Nam Dương Trung Quốc về vấn đề này, ông cho biết: “Tôi cho rằng với sự phát triển của ngành giáo dục và khoa học thì phải nói rằng trong thời gian vừa có những tình trạng chạy chức danh.”

Phản ứng từ những người Việt trong nước chúng tôi có dịp tiếp xúc tin rằng nếu luật pháp đã tỏ ra không được hiệu quả trong một thời gian dài đối với những người khai man bằng cấp, thì bây giờ, chính dư luận là sức mạnh lôi những mảng tối đó ra ánh sáng. Ít nhất về chuyện này, dư luận đã chứng tỏ được sức mạnh của mình.

(Xin theo dõi toàn bộ trong phần âm thanh bên trên)

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.