Mặc Lâm, phóng viên đài RFA
Từ hàng chục năm nay, chính sách đối ngoại của Việt Nam đối với hai nước Trung Quốc và Đài Loan luôn là mối băn khoăn không dứt của Hà Nội. Là nước lớn, Trung Quốc luôn đưa ra những đòi hỏi đôi khi đi đến chỗ khó giải quyết dẫn Việt Nam đến thế bị động và khó xử trước một đối tác kinh tế quan trọng là đảo quốc Đài Loan.

Mới đây chính quyền Việt Nam dưới áp lực của phía Trung Quốc, đã buộc phải hủy bỏ cuộc tham dự của một phái đoàn Đài Bắc đến Hà Nội tham dự hội nghị về dự thảo Luật Cạnh Tranh tại Việt Nam. Mặc Lâm có bài về vấn đề này mời quý vị theo dõi.
Những va chạm chính trị giữa Trung Quốc và Đài Loan luôn luôn âm ỉ và khó có cơ may kết thúc trong ngắn hạn, không những làm cho người dân của đảo quốc không yên tâm, mà cả những nước có liên hệ kinh tế với nước này cũng thường bị dính líu vào những tranh chấp bởi danh nghĩa chủ quyền và chính sách ngoại giao của hai nước.
Trung Quốc đã nhiều phen bao vây Đài Loan bằng chính sách ngoại giao khi bằng cách này hay cách khác kêu gọi hoặc vận động nhiều nước đang có bang giao với Đài Loan, cắt đứt quan hệ ngoại giao với nước này.
Đổi lại là những viện trợ hay trao đổi kinh tế. Đòn phép đó đã tỏ ra hiệu quả khi danh sách của các nước quan hệ với Đảo quốc ngày càng ngắn lại và Trung Quốc chiếm thế thượng phong trong thời gian gần đây, đặc biệt sau khi nước này có những thành tựu kinh tế vượt mức.
Việt Nam cũng không ngoại lệ. Mặc dù không có bang giao chính thức với Đài Loan, nhưng những hợp đồng kinh tế của Đảo quốc đối với Việt Nam luôn đứng trong danh sách hàng đầu của những nước có đầu tư cao nhất. Số tiền mà doanh nghiệp Đài Loan đổ vào Việt Nam đã hơn 10 tỷ đô la và hiện nay con số này vẫn chưa có nước nào qua mặt.
Trong hội nghị APEC vào tháng 11 năm ngoái, Việt Nam đã rất khó xử khi bị Trung Quốc yêu cầu không cho phép phái đoàn Đài Loan tham dự hội nghị tại Hà Nội. Tuy hiên trong thời gian này Việt Nam đã có lý do chính đáng để từ khước vì Hà Nội cho rằng Đài Loan là đối tác quan trọng trong lĩnh vực kinh tế với Việt Nam nên sự vắng mặt của phái đoàn Đài Bắc sẽ anh hưởng trực tiếp đến đầu tư của nước này.
Trung Quốc khó lòng không chấp nhận lập luận hợp lý đó và có lẽ đây là một dịp hiếm hoi Việt Nam không chấp hành yêu cầu của người anh em khổng lồ phương Bắc.
Quyết định giờ chót
Mới đây theo tin tờ The Strait Timescủa Singapore thì Hà Nội buộc phải từ chối sự có mặt của một phái đoàn doanh nhân Đài Loan tham dự hội thảo về Luật Cạnh Tranh được tổ chức tại Việt Nam.
Quyết định đưa ra vào giờ chót này theo lời của tờ báo thì phát xuất từ sức ép của Bắc Kinh. Trung Quốc cảm thấy bị qua mặt khi Việt Nam đánh giá cao đảo quốc Đài Loan trong khi Bắc Kinh luôn lên tíêng xác nhận Đài Loan chỉ là một tỉnh của Trung Quốc mà thôi.
Chúng tôi hỏi bà Cao Chin May, hiện là Phó Đại Diện Phòng Thương Mại Đài Loan tại Thành Phố Hồ Chí Minh, về những ý kiến riêng của bà, bà May cho biết:
“Tôi thật sự không có ý kiến gì về bài báo của The Strait Times vì tôi chưa được đọc bài báo này. Có thể văn phòng ở Hà Nội biết về vụ việc này.”
Thưa bà, Đài Loan với số lượng đầu tư gấp 10 lần Trung Quốc bà có hiểu tại sao chính quyền Việt Nam lại phân biệt đối xử với Đài Loan như vậy không?
“ Vâng thực tế là như vậy nhưng tôi không thể trả lời câu hỏi này vì tôi không phải là chính quyền Việt Nam. ”
Chúng tôi hiểu được sự ngần ngại của bà Cao vì cách trả lời để giữ việc kinh doanh phát triển là một khía cạnh rất chuyên nghiệp của các đại diện kinh doanh Đài Loan ở nước ngoài.
Vì thế nên khuynh hướng được coi là thân Mỹ và Tây phương, mà đại diện là ông Phan văn Khải và phó Thủ tướng Vũ Khoan, đang bị coi là quá lạc quan về mối quan hệ với Mỹ. Do đó khuynh hướng thân Trung Quốc, đại diện là ông Nguyễn Tấn Dũng, đang được coi là thắng thế.
Trở lại quyết định của Hà Nội. Việc từ chối đã dẫn đến sự tức giận của Đài Loan và nước này cảnh báo họ sẽ cắt ngân sách yểm trợ kỹ thuật cho hội nghị về Luật Cạnh Tranh cũng như những kinh nghiệm mà Đài Loan có được sau hơn 50 năm kinh doanh. Bài báo của Singapore nhấn mạnh đến con số đầu tư của Đài Loan và dự đoán sẽ có một sự thay đổi nào đó của doanh nghiệp Đài Loan sau quyết định này.
The Strait Times còn cho biết vào tháng Tư vừa qua, một phái đoàn doanh nghiệp được bộ trưởng Kinh Tế Đài Loan dẫn đầu đã âm thầm viếng thăm Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hà Nội và phái đoàn đã có tuyên bố mạnh mẽ rằng mọi ngăn cấm Đài Loan trong những hội nghị kinh tế diễn ra trong khu vực sẽ ảnh hưởng đến đầu tư của đảo quốc này trong tương lai.
Như vậy là Đài Loan đã đoán biết việc Trung Quốc sẽ làm áp lực với Việt Nam về hội nghị này nhưng liệu Việt Nam có đủ bản lĩnh để đối phó với những áp lực mà Đài Loan hăm dọa sẽ đặt lên nền kinh tế của mình sau này hay không?