Vụ án tham ô đất đai ở Gò Vấp xét theo luật nước ngoài

Nhã Trân, phóng viên đài RFA

Vụ án tiêu cực đất đai tại Gò Vấp, mới được xét xử vài ngày trước, gây xôn xao dư luận sau khi toà tuyên án tử hình một thường dân trong khi chỉ ra án giam cho các quan chức liên can. Nhằm tìm hiểu luật pháp của một nước khác đối với một vụ án tương tự, Nhã Trân trao đổi với Thẩm phán Nguyễn Trọng Nho, Chánh án Toà thượng thẩm quận Cam, California, đồng thời cũng là Giáo sư Luật tại hai đại học Luật của Mỹ.

PhamThiTuyetLan150.jpg
Bà Phạm Thị Tuyết Lan lãnh án tử hình. Photo courtesy SGGP Online

Nhã Trân: Thưa ông Thẩm phán Nguyễn Trọng Nho, ở Mỹ, một vụ án tương tự như vụ án tiêu cực đất đại tại Gò Vấp, Việt Nam được xử như thế nào?

Thẩm phán Nguyễn Trọng Nho: Tôi không biết rõ chi tiết về vụ án. Nhưng nếu chỉ nói về tội danh của những người chủ mưu và những người tòng phạm, luật pháp Hoa Kỳ thông thường đều xử họ giống nhau, và hình phạt giống nhau.

Tất nhiên đó là nói một cách tổng quát, còn thường thường, khi ấn định hình phạt thì vị chánh án sẽ xem xét những dữ kiện về tội phạm, tức là những bằng cớ về tội của mỗi một cá nhân, yếu tố gọi là yếu tố giảm khinh của mỗi cá nhân, yếu tố gia trọng để ấn định bản án nhiều hay ít.

Nhã Trân: Thưa, luật pháp của Hoa Kỳ có quan niệm là người nào được hưởng lợi nhiều hơn thì tội sẽ nặng hơn? Ví dụ trong vụ vừa rồi ở Việt Nam, bà Lan, người chiếm phần lớn số tiền tham ô, thì phải bị xem là có tội nặng hơn những người đồng mưu, vì những người ấy được chia phần tiền ít hơn?

Thẩm phán Nguyễn Trọng Nho: Mức độ trừng phạt tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố. Thế nhưng, nói một cách tổng quát thì những người tòng phạm và chính phạm đều, thường thường, bị xử giống nhau.

Dĩ nhiên, toà án sẽ xét về những yếu tố liên hệ cá nhân trong việc vi phạm luật: trong quá khứ người đó đã làm những gì, cơ hội phạm tội và chức năng của người đó. Bên này những người làm trong công quyền mà phạm các tội biển thủ công quĩ, hoặc gian nhân hiệp đảng với người dân để phạm tội thì thừơng có tội nặng hơn.

Dĩ nhiên, toà án sẽ xét về những yếu tố liên hệ cá nhân trong việc vi phạm luật: trong quá khứ người đó đã làm những gì, cơ hội phạm tội và chức năng của người đó. Bên này những người làm trong công quyền mà phạm các tội biển thủ công quĩ, hoặc gian nhân hiệp đảng với người dân để phạm tội thì thừơng có tội nặng hơn.

Nói chung thì toà án sẽ nhìn những người nhân viên công quyền với con mắt khắt khe hơn, nếu cùng với người dân thường phạm tội, vì nhân viên công quyền có trách nhiệm bảo vệ công quĩ, bảo vệ tài sản công cộng, bảo vệ quyền lợi công ích. Nếu những nhân viên công quyền lại sử dụng cương vị, khả năng, quyền lực để phạm luật thì có thể bị xử nặng hơn là những người dân, gian nhân hiệp đảng với họ.

Nhã Trân: Bên Mỹ, tội móc ngoặc với quan chức chính quyền để thực hiện các hành vi tham ô tài sản có bị xử tử hình không thưa ông?

Thẩm phán Nguyễn Trọng Nho: Bên Mỹ, tử hình chỉ dành cho những tội phạm thật là đặc biệt, như tội giết người. Còn tội tham nhũng thì không bị xử tử hình.

Nhã Trân: Thưa ông Chánh án, khi bị phát hiện và truy tố, nếu các can phạm hoàn lại số tiền chiếm đoạt thì có được cứu xét, gia giảm mức án hay không?

Thẩm phán Nguyễn Trọng Nho: Trong một vụ án có hai phần. Một là xử để đi đến quyết định là người đó có tội hay không có tội. Phần thứ hai là quyết định để xem phải trừng phạt người đó như thế nào.

Lúc xét xử mức độ trừng phạt, chánh án sẽ xem rằng, sau khi vụ việc bị phát hiện và xử, người phạm tội có dấu hiệu gì tỏ ra ăn năn, hối hận, muốn làm điều gì để chuộc lại tội lỗi của họ. Nếu có những điều đó thì, tuy không chắc chắn 100%, những điều đó có thể được xem xét và có thể là một trong những yếu tố đưa đến quyết định mức phạt.

Nhã Trân: Xin được hỏi ông xưa nay những vụ móc ngoặc, bao che để tham ô tài sản nhà nước như vụ này có thường xuyên xảy ra ở Hoa Kỳ, tức là người dân móc ngoặc với quan chức nhà nước để tham ô tài sản quốc gia?

Thẩm phán Nguyễn Trọng Nho: Tôi không thấy những vụ biển thủ công quĩ lớn lao, mà thường chỉ có các vụ lặt vặt thôi.

Nhã Trân: Mức án tối đa cho những vụ như thế là gì thưa ông?

Hệ thống chính quyền bên này gọi là check and balance. Ba cơ quan khác hẳn nhau, là hành pháp, lập pháp và tư pháp, có nhiệm vụ riêng biệt, hoàn toàn độc lập với nhau và có quyền kiểm soát lẫn nhau.

Thẩm phán Nguyễn Trọng Nho: Tuỳ theo vi phạm luật liên bang hay tiểu bang, vì luật liên bang và mỗi tiểu bang có những điểm khác nhau. Tuy nhiên gần như chắc chắn là không có vấn đề tử hình cho những người như thế.

Nhã Trân: Theo lời ông Thẩm phán thì Mỹ ít xảy ra những vụ móc ngoặc, bao che để tham ô tài sản nhà nước. Điều ấy có phải vì luật pháp nghiêm minh, hay vấn đề quản trị guồng máy chính quyền được thực hiện tốt, theo nhận xét của ông?

Thẩm phán Nguyễn Trọng Nho: Hệ thống chính quyền bên này gọi là check and balance. Ba cơ quan khác hẳn nhau, là hành pháp, lập pháp và tư pháp, có nhiệm vụ riêng biệt, hoàn toàn độc lập với nhau và có quyền kiểm soát lẫn nhau.

Ví dụ hành pháp mà làm gì sai thì lập pháp ra những điều luật để sửa chữa hạn chế quyền của hành pháp, nếu hành pháp vượt qua phạm vi của hiến pháp thì toà án sẽ ra những án lệnh để chỉnh đốn lại các hành động của hành pháp, hay khi lập pháp vi phạm hiến pháp thì tòa án cũng có quyền can thiệp. Khi một cơ cấu sai phạm thì 2 cơ cấu kia có quyền lên tiếng.

Đó là những cơ cấu, những machinism để nó self-correcting, tức là tự sửa chữa. Thêm vào đó còn có một cơ cấu thứ tư, không phải công quyền mà rất đặc biệt, đó là cơ cấu về thông tin và báo chí. Các cơ quan ngôn luận, thông tin bên này hoàn toàn độc lập với 3 ngành hành pháp, lập pháp và tư pháp.

Vì vậy nếu có một sai lầm, có một vi phạm luật pháp bởi một cơ quan công quyền nào đó, thì họ cũng chỉ có thể che dấu một phần nào thôi, đến một lúc nào thôi, không thể nào lâu được vì đến một lúc nào đó các cơ quan kia sẽ nhìn ra thấy, hoặc báo chí sẽ nhìn ra được.

Tôi không nói tổ chức xã hội ở đây tuyệt hảo, nhưng nó rất là qui củ, trong sáng và rõ rệt và nó có những cơ quan kiềm chế lẫn nhau, mọi người có thể nhìn thấy được và phán xét được, thành ra những điều tham nhũng như vậy ít xảy ra ở đất nước này.

Nhã Trân: Chân thành cảm ơn ông Thẩm phán Nguyễn Trọng Nho, đã dành cho đài Á Châu Tự Do cuộc phỏng vấn này.