Mua bán nội gian trong thị trường chứng khoán Việt Nam

Mặc Lâm, phóng viên đài RFA

Gần đây có nhiều cảnh báo về thị trường OTC, một dạng mua bán chứng khoán manh mún nhưng số thương vụ thật sự rất lớn. Vấn đề ở chỗ, nơi đây đang xuất hiện vấn đề nội gian, tiếng Anh gọi là "insider trading" tức mua bán nhờ tay trong cho tin, làm cho nhiều người đầu tư lo ngại. Mặc Lâm có bài phỏng vấn Tiến Sĩ Lê Đăng Doanh sau đây mời quý vị theo dõi.

StockBusiness200.jpg
Sinh hoạt tại thị trường chứng khoán Việt Nam. AFP PHOTO.

OTC là chữ viết tắt của Over-The-Counter dùng để chỉ sàn phi tập trung, thường mua bán các loại cổ phiếu chưa niêm yết.

Đây là nơi giao dịch chứng khoán của những tay mua bán cổ phiếu không chuyên nghiệp lẫn chuyên nghiệp, thị trường này đa dạng và đặc biệt ở chỗ thiếu sự khống chế của hành lang pháp lý nên nguy cơ tung tin đồn nhằm nâng hoặc giảm giá cổ phiếu rất cao và thường xảy ra.

OTC cũng là nơi lý tưởng để mua bán những cổ phiếu có mệnh giá nhỏ vì vậy tập trung được nhiều người, nhiều giới tham gia.

Để tìm hiểu thêm chúng tôi hỏi chuyện Tiến sĩ Lê Đăng Doanh xoay quanh vấn đề nội gian. Khi được hỏi những vấn đề nào nổi cộm nhất trong thị trường chứng khóan Việt Nam hiện nay, ông cho biết:

Mua bán nội gian

Có nhiều trường hợp rất là điển hình như khách sạn Hà Tây là những trường hợp tài sản rất quý, bán rẻ như bèo, nhưng không có ai biết, và vì vậy những ai được mua cổ phần ở đó chắc không phải là người dân bình thường.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh: Trước hết tôi có thể khẳng định thị trường có thể huy động được nguồn vốn để đầu tư ngay lập tức vào những doanh nghiệp đang hoạt động và đấy là một thể chế tuyệt vời, cần phải tiếp tục được hỗ trợ và phát triển.

Riêng thị trường chứng khoán vì còn mới nên có rất nhiều vấn đề, một trong những vấn đề này là mua bán nội gian.

Mặc Lâm: Thưa ông, việc mua bán nội gian trong thị trường chứng khoán bắt đầu từ đâu và môi trường nào đã tác động cho việc này?

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh: Việc này cũng không có gì lạ. Hiện nay Việt Nam trong quá trình cổ phần hóa chưa được công khai và minh bạch. Ai mua cổ phần, Ai đứng làm cổ đông ? đều không rõ ràng, nên khi thông tin được công bố ra thì phần lớn những người ở ngoài xã hội không hề được mua.

Mặc Lâm: Xin ông cho một trường hợp cụ thể.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh: Có nhiều trường hợp rất là điển hình như khách sạn Hà Tây là những trường hợp tài sản rất quý, bán rẻ như bèo, nhưng không có ai biết, và vì vậy những ai được mua cổ phần ở đó chắc không phải là người dân bình thường.

Vì vậy những công ty đã cổ phần hóa rồi bây giờ không muốn ghi danh trên thị trường chứng khoán. Những quan chức làm việc ở một số bộ phận biết trước những thông tin và đem những thông tin này báo trước cho họ hàng hay những người quen biết.

Mặc Lâm: Theo ông vấn đề này có phổ biến hay không? ý tôi muốn nói là có nghiêm trọng lắm hay không?

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh: Theo tôi biết thì những việc này diễn ra ở quy mô khá rộng lớn, trong đó có những người tham gia vào việc đồn thổi lên cổ phiếu này sẽ lên giá, cổ phiếu kia sẽ xuống giá...vì vậy những người đầu tư bình thường sẽ theo tâm lý bầy đàn và nó làm cho thị trường chứng khoán Việt Nam thiếu mức độ an toàn.

Tôi thấy rất hoan nghênh vì họ là những nhà đầu tư chuyên nghiệp, có vốn lớn và họ đến đây và sẽ ở lâu dài tại đây. Họ không chỉ nhằm vào những công ty đại chúng đã ghi danh đâu, mà họ nhắm vào những công ty sẽ ghi danh như những công ty đại gia như công ty viễn thông, ngân hàng thương mại hay hàng không

Những nhà đầu tư ngoại quốc

Mặc Lâm: Thưa ông, ông nghĩ thế nào về những nhà đầu tư ngoại quốc?

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh: Tôi thấy rất hoan nghênh vì họ là những nhà đầu tư chuyên nghiệp, có vốn lớn và họ đến đây và sẽ ở lâu dài tại đây. Họ không chỉ nhằm vào những công ty đại chúng đã ghi danh đâu, mà họ nhắm vào những công ty sẽ ghi danh như những công ty đại gia như công ty viễn thông, ngân hàng thương mại hay hàng không...

Mặc Lâm: Ông có nghĩ rằng họ chọn Việt Nam như một mảnh đất hứa hẹn để đầu tư hay chỉ đánh nhanh rút lẹ và kiếm những lợi nhuận nhanh gọn rồi bỏ đi như một số đánh giá của báo chí Việt Nam trong thời gian vừa qua?

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh: Tôi nghĩ thái độ của họ là nghiêm túc và có ý định ở lại Việt Nam lâu dài cho nên cái áp lực trong báo chí Việt Nam vừa qua cho rằng việc mất ổn định do các nhà đầu tư nước ngoài gây ra là không chính xác.

Mặc Lâm: Xin cám ơn ông.