GSTS Hồ Đức Hùng: “Đảng CSVN cần đóng vai trò nhất định trong tiến trình dân chủ hoá VN”

Nam Nguyên, phóng viên đài RFA

Trước cuộc bầu cử quốc hội ngày 20/5 sắp tới, báo chí Việt Nam thể hiện nhiều ý kiến về nhu cầu đổi mới và mở rộng dân chủ. Nam Nguyên phỏng vấn Giáo Sư Tiến Sĩ Hồ Đức Hùng, Viện Trưởng Viện Nghiên Cứu Kinh Tế Phát Triển, Trường Đại Học Kinh Tế TP.HCM về vấn đề này.

HoDucHung200.jpg
Giáo Sư Tiến Sĩ Hồ Đức Hùng, Viện Trưởng Viện Nghiên Cứu Kinh Tế Phát Triển, Trường Đại Học Kinh Tế TP.HCM . Photo courtesy Nguoi Lao Dong.

Nam Nguyên: Thưa Giáo Sư gần đây các vị cựu lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và chính phủ đã đưa ra nhiều ý kiến mạnh dạn kêu gọi cải cách. Theo giáo sư những sự kiện này được hiểu như thế nào?

GSTS Hồ Đức Hùng: Tôi nghĩ chuyện này là điều đương nhiên, vì lãnh đạo cao cấp dù về hưu rồi họ vẫn có những cống hiến nhất định. Những ý kiến phát biểu của những vị này tôi cho rằng có giá trị tham khảo rất lớn cho công cuộc cải cách và đổi mới nền kinh tế, hoặc về cơ cấu hoạt động của Nhà nước Việt Nam.

Nam Nguyên: Thưa Giáo sư, cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt cho rằng bầu cử không hạn chế người ngoài Đảng, cho đảng viên được tự ứng cử. Dù Đảng không chiếm đa số tuyệt đối trong quốc hội, thì Đảng vẫn được ủng hộ lãnh đạo. Ông Kiệt nói là nếu một đảng cầm quyền mà phát huy dân chủ tốt thì chứng tỏ là đảng đó mạnh. Thưa giáo sư, phát biểu của ông Võ Văn Kiệt hàm chứa ý nghĩa gì?

GSTS Hồ Đức Hùng: Quan điểm cá nhân của tôi, rất tâm đắc với nhận định này. Tôi nghĩ rằng vai trò lãnh đạo của Đảng ngày càng phải thể hiện rõ dân chủ hoá, phát huy sáng tạo đóng góp của mọi tầng lớp nhân dân.

Giai đoạn hiện nay đặc biệt đã khác trước, khác giai đoạn chiến tranh, thời kỳ đất nước mới dành độc lập. Giai đoạn hiện nay cần có sự tham gia rộng rãi về mọi ý kiến để xây dựng đất nước.

Tôi nghĩ rằng cơ cấu quốc hội Việt Nam trong thời gian tới, cũng phải mở rộng các thành phần tham gia, chứ không dừng lại ở những người có vị trí trong Đảng hay là đảng viên mà phải có những thành phần khác nhau trong xã hội.

Quan điểm cá nhân của tôi, rất tâm đắc với nhận định này. Tôi nghĩ rằng vai trò lãnh đạo của Đảng ngày càng phải thể hiện rõ dân chủ hoá, phát huy sáng tạo đóng góp của mọi tầng lớp nhân dân.

Để dần dần đi tới chỗ chuyên nghiệp hoá tổ chức quốc hội, để đại biểu của cử tri trở thành chính khách rõ ràng, chứ không phải đại biểu vừa kiêm nhiệm vai trò quản lý Nhà nước vừa đánh giá kiểm tra vai trò này. Xu hướng chuyên nghiệp hoá là xu hướng rất tốt và mang tính dân chủ, đây cũng là xu hướng của nhiều nước trên thế giới.

Thay đổi lối mòn

Nam Nguyên: Thưa Giáo sư, ông Võ Văn Kiệt cũng như nhiều nhà trí thức trong nước đã phê phán hình thức cơ cấu và hiệp thương để lựa ứng cử viên, vốn đã kéo dài từ nhiều thập niên qua. Theo Giáo sư bao lâu nữa thì mới có sự đột phá thay đổi lối mòn này?

GSTS Hồ Đức Hùng: Tôi không thể dự đoán, nhưng chắc rằng phải có một thời gian nhất định để có sự tổ chức, để xã hội quen dần với không khí dân chủ. Tức là phải đi dần vào cách lựa chọn đúng theo tâm nguyện của người dân.

Đương nhiên chúng tôi cần có sự tổ chức cho chặt chẽ. Tôi nghĩ rằng hiệp thương hiện nay chỉ là một trong những hình thức thôi, dần dần rồi sẽ mở rộng nhiều hình thức hơn, để lựa chọn đúng những người có tài có đức vào trong qúôc hội.

Nam Nguyên: Có ý kiến cho rằng nên có số dư ứng cử viên nhiều hơn để cử tri có cơ hội chọn lựa ngay tại kỳ bầu cử này. Giáo Sư nghĩ gì về vấn đề này ?

GSTS Hồ Đức Hùng: Tôi rất đồng tình điều này, nên có sự tham gia để có một số dư tương đối thì quyền chọn lựa mới rộng rãi được. Chứ không phải quá ít để trên cơ sở đó mà chọn lựa.

Nam Nguyên: Thưa Giáo sư có kỳ vọng là quốc hội khoá 12 sắp tới sẽ bàn thảo việc cải cách luật tổ chức bầu cử hay không ?

GSTS Hồ Đức Hùng: Tôi nghĩ rằng sẽ có sự đột phá lớn trong quốc hội khoá tới. Rõ ràng Việt Nam đang có xu thế về đổi mới rất lớn, chắc chắn có tác động lớn trong quốc hội, vị trí cũng như ý chí của quốc hội sắp tới.

Nam Nguyên: Cảm ơn Giáo sư Tiến sĩ Hồ Đức Hùng về các ý kiến của ông.