Tuần qua thế giới có một số diễn biến quan trọng được giới truyền thông quốc tế đưa ra nhiều nhận định, phân tích. Bên cạnh việc ra mắt chính quyền chuyển tiếp của Iraq, chúng tôi xin trình bày hôm nay hai sự việc có quan hệ nhiều hơn với đời sống chúng ta, đó là giá xăng dầu ngày càng lên cao và một trong những nguyên do gây ra tình trạng đó, là những vụ khủng bố tấn công vào Ảrập Xê-út.
Bấm vào đây để nghe tiết mục này
Rightclick to download this audio
Ngoài những sự nhận định, phân tích của giới truyền thông, chúng tôi xin gởi kèm một số thực chứng âm do hãng tin AP cung cấp nhằm minh họa cho các sự kiện thêm rõ nét.
Ðể lược lại tình hình, nhật báo Mỹ The Washington Post hôm qua đăng bài nhận định mang tựa đề "Khủng bố và Dầu" cho biết giá dầu thô hiện nay đã vượt qua ngưỡng 40 đôla một thùng, tức cao gấp 4 lần giá dầu hồi năm 1998 và cao gần gấp đôi giá bình quân trong mấy năm vừa qua.
Nguyên do đưa đến tình trạng đó, một phần là do nền kinh tế tăng trưởng tại vài nước lớn như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Ấn Độ và cả Nhật Bản cũng có dấu hiệu hồi phục. Phần khác là do sự lo ngại về tình hình bất ổn tại Trung Đông có thể tác động đến mức sản xuất dầu, điển hình là vụ khủng bố tấn công khu công nhân dầu khí ở Ảrập Xê-út hôm thứ Hai đã khiến giá dầu tăng vọt đến 8 đôla một thùng vào hôm thư Ba. Và nguyên do sau cùng là sự đầu cơ, khống chế giá cả của giới đầu tư chứng phiếu quốc tế.
Những nhận định của tờ The Washington Post được ông Barry Hyman, chiến lược gia của công ty đầu tư EKN ở New York, khẳng định thêm lần nữa. (audio clip)
Bên trời Âu, nhật báo Pháp Le Figaro hôm qua nhấn mạnh đến yếu tố tâm lý đã khiến giá dầu trên thế giới tăng cao. Nhà phân tích Stéphanie Marchand đặt câu hỏi là liệu tổ chức các quốc gia xuất khẩu dầu OPEC có khả năng hạ giá loại "vàng đen" này xuống không?
Trong cuộc họp tại Beirut ngày hôm qua, tổ chức này đã trấn an dư luận thế giới bằng cách hứa sẽ gia tăng sản lượng khai thác. Thế nhưng dưới con mắt họ, thì nguyên do dẫn đến tình trạng hiện nay là ở tình hình biến động ở Trung Đông và ở tình trạng quá tải ở hệ thống nhà máy lọc dầu của Mỹ. Vì thế các nước OPEC không tin chắc là gia tăng sản lượng khai thác dầu thô có làm giá trên thị trường sút giảm hay không.
Đó là điều được bộ trưởng dầu mỏ của Ảrập xê-út, ông Ali Naimi, kín đáo nêu lên trong cuộc họp báo tổ chức sau phiên họp của OPEC. Ông nói: "Giá cả hy vọng rồi sẽ bình ổn, nhưng cần thời gian. Điều cần thiết là chúng ta phải thay đổi nhận thức về tình trạng thiếu hụt trên thị trường." (audio clip)
Nhận định về tương lai, nhà phân tích Stéphanie Marchand của tờ Le Figaro đưa ra một ý kiến khá táo bạo. Đó là hiện nay, nhìn thấy cảm giác bồn chồn, bất an của thế giới về giá dầu cao, nên những kẻ nắm giữ cổ phiếu dầu tương lai không muốn bán ra. Thế nhưng hễ có bất cứ biến chuyển nào mới thì họ sẽ ào ạt bán ra, lúc đó giá dầu sẽ tụt xuống ít nhất là 5 đôla một thùng. Điều đó sớm hay muộn cũng sẽ xảy ra, và giá cả sẽ sút giảm nhanh chóng không kém lúc nó tăng.
Vừa rồi là những nhận định của giới truyền thông quốc tế về hai trong những nguyên do khiến giá dầu tăng vọt, đó là tình trạng quá tải của hệ thống lọc dầu Mỹ và nhu cầu tiêu thụ gia tăng, trong khi giới đầu tư khống chế giá cả để trục lợi.
Về nguyên do đầu tiên là tình hình bất ổn tại Trung Đông, cụ thể là vụ khủng bố tấn công tại Ảrập Xê-út hôm thứ Hai vừa qua. Diễn biến đó gây nhiều tác động tinh thần cho phương Tây nhất. Tờ báp Pháp Sud-Ouest hôm qua nêu câu hỏi rằng liệu võ khí dầu mỏ đã lọt vào tay tổ chức al-Qaeda chưa ?
Ký giả Frank De Bondt cho rằng tổ chức khủng bố này không thể tìm đâu ra mục tiêu tấn công tốt hơn là vào hoàng gia Ảrập Xê-út do chứa đựng nhiều mâu thuẫn. Trong lúc xứ này là nơi khai sáng đạo Hồi, lại là đồng minh thân cận nhất của Mỹ trong thế giới Ảrập, mà cũng là nguồn cung cấp dầu mỏ chủ yếu cho Tây phương.
Bài bình luận trên tờ Sud-Ouest cho rằng bản thân Osama bin Laden và những thuộc hạ của ông ta cũng là người Ảrập Xê-út, nên biết tận dụng tình hình mong manh của hệ thống chính trị và xã hội của xứ này để nhấn chìm nền kinh tế phương Tây vào bóng tối.
Nhận định đó cũng được trưởng đoàn dầu khí Iraq tham dự hội nghị OPEC kín đáo xác nhận. Ông Faraj Shamkhi nói với báo chí tại Beirut rằng những vụ tấn công vào các cơ sở sản xuất và chế biến dầu khí là có dụng ý tác động vào giá dầu trên thế giới.
Những ngày gần đây, trên Internet xuất hiện nhiều lời kêu gọi tín đồ Hồi giáo tấn công vào các cơ sở dầu mỏ thêm nữa. Điển hình như tác giả al-Tariq đăng trên trang Fortress Post rằng thay vì tìm cách giết những kẻ ngoại đạo, thì hãy tấn công vào các cơ sở dầu mỏ. Điều đó sẽ chấm dứt việc bọn ngoại đạo đánh cắp tài nguyên và làm giàu cho hoàng gia Xê-út, trong khi quốc gia đang bị khủng hoảng kinh tế. Tác giả này cho rằng lợi nhuận về dầu khí của Ảrập Xê-út lên tới 2 tỷ đôla mỗi ngày, không được công bố và đóng góp cho nền kinh tế quốc gia, mà lại chui vào hầu bao của hoàng thân, quốc thích nhà vua Ảrập Xê-út.
Nhật báo tài chánh The Financial Times hôm qua đăng bài bình luận mang tựa đề "Ảrập Xê-út cần thay đổi mới ổn định được", viết rằng cho tới nay thì tình hình nước này đã nhân giống được hàng ngàn Osama bin Laden mới nữa. Nền kinh tế nặng về dầu mỏ đã không tạo ra đủ việc làm cho một dân số trẻ trung, năng động và gia tăng nhanh chóng. Chủ trương kinh tế hoạch định kiểu mới hầu như cấm cản mọi mối đầu tư, trong khi lại không thể dùng người Ảrập Xê-út thay thế hàng triệu công nhân ngoại quốc, vì theo luật thì phải trả lương cho công dân Xê-út gần gấp 3 lần người nước ngoài.
Tuy nền kinh tế dầu mỏ của Ảrập Xê-út đã tập trung vào việc bảo vệ an ninh tuyệt đối chặt chẽ cho những cơ sở dầu mỏ, như lời mô tả của nhà quan sát thị trường Sarah Emerson cho biết: (audio clip)
Nhưng tờ The Financial Times cho chừng đó vẫn chưa đủ. Lý do là xã hội Ảrập Xê-út đầy những nghịch lý như sách giáo khoa thì chứa toàn những giáo điều cổ hũ, mù quáng, trong khi kỹ thuật hiện đại thì phơi bày cho giới trẻ đầy đủ những tiến bộ của thế giới bên ngoài. Trong khi đó thì hoàng gia béo phị của Ảrập Xê-út chỉ được chống đỡ bằng hai trụ cột duy nhất. Đó là sự kiểm soát chặt chẽ về tín ngưỡng của hệ thống Hồi giáo và về chính trị của hệ thống an ninh mật vụ.
Tờ báo tài chánh nhiều uy tín này kết luận rằng trong tình thế hiện nay, nếu Ảrập Xê-út muốn ổn định trở ại, thì đã tới lúc cần thực hiện nhiều thay đổi sâu đậm.
Nhận định đó cũng được tờ The Christian Science Monitor chia sẻ. Hôm qua tờ này viết rằng hoàng gia Xê-út cần giải tỏa các mối bất bình về chính trị bằng con đường dân chủ hóa, thay vì để mặc cho chúng rơi vào con đường của al-Qaeda.
Tiến trình cải tổ mà ông hoàng Abdullah cam kết thực hiện cho thấy quá chậm chạp, không đủ nhanh để đáp ứng nhu cầu cấp thiết về chính trị và xã hội. Giờ đây, cả thị trường dầu mỏ và chiến cuộc chống khủng bố toàn cầu đều tùy thuộc vào nỗ lực của hoàng gia Ảrập Xê-út nhằm đáp ứng nguyện vọng của dân chúng họ muốn có một chính quyền thật sự đại diện cho họ.
Bài nhận định đó cảnh cáo rằng tự do hóa quá ít ỏi cũng là một tiến trình đầy nguy hiểm.