Thưa quý thính giả, tuần nay tạp chí Quan điểm Truyền thông Quốc tế xin trích thuật những nhận định của báo chí thế giới về viễn ảnh một nước Trung Quốc hiện diện trong hàng ngũ nhóm công nghiệp tiên tiến G 8, về di sản của cố Tổng thống Hoa Kỳ Ronald Reagan, và về tình hình an ninh trên hải lộ eo biển Mã Lai.
Bấm vào đây để nghe tiết mục này
Rightclick to download this audio
Kèm theo những quan điểm, nhận định của báo chí, chúng tôi xin gời thêm những thực chứng âm liên quan do hãng thông tấn AP cung cấp để minh họa các sự kiện cho thêm linh động.
(Audio clip) vừa rồi là khúc quân nhạc cử hành quốc thiều Canada chào mừng Thủ tướng Paul Martin của xứ này đến dự hội nghị thượng đỉnh nhóm G 8 diễn ra trong ba ngày tại đảo nghỉ mát Sea Island trong bang Georgia của Hoa Kỳ.
Nhóm các cuờng quốc kinh tế hàng đầu thế giới được hình thành theo sáng kiến của Tổng thống Pháp Valery Giscard d'Estaing hồi năm 1975, mời đại diện 5 nước Anh, Hoa Kỳ, Italy, Đức và Nhật Bản cùng Pháp đến lâu đài Rambouillet gần thủ đô Paris để thảo luận về tình hình kinh tế thế giới. Sau đó mới đến Canada được gia nhập và gần đây hơn, vào năm 1996, Tổng thống Mỹ Bill Clinton mời đối tác Nga Boris Yeltsin tham dự với tư cách quan sát viên.
Về việc này, nhật báo The Washington Post hôm qua cho rằng khi ấy, quốc tế lo ngại các phần tử cộng sản cũ đang tìm cách lôi kéo Nga trở lại con đường khi trước, nên nẩy ra sáng kiến cho Nga tham dự hội nghị nhóm G 7 nhằm khuyến khích Moscow hội nhập vào với phương Tây, dù Nga hoàn toàn chưa hội đủ điều kiện để là một thế lực kinh tế lớn.
Thế nhưng ngày nay, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã áp dụng những chính sách không thể gọi là dân chủ, như đe dọa, trấn áp đối lập bằng nhiều thủ đoạn, thì tờ Washington Post đặt vấn đề là tư cách thành viên nhóm G 8 của Nga có còn được tiếp tục tôn trọng hay không.
Lý do là về kinh tế thì bình quân tổng sản lượng nội địa của Hà Lan đã gấp ba lần Nga, về quân sự thì Trung Quốc mạnh hơn Nga, tính về dân số thì Ấn Độ đông hơn Nga.
Nhật báo The Washington Post cho rằng nếu vì muốn khuyến khích Nga tiến trên đường dân chủ mà cho Moscow gia nhập nhóm G 7, thì nay là lúc mà các nước thành viên chủ yếu nên xem lại việc này.
Đối diện với tầm quan trọng ngày càng gia tăng của các nước đang phát triển, hôm thứ Tư tại hội nghị thượng đỉnh nhóm G 8, các nhà lãnh đạo bắt đầu thảo luận về việc đối thoại thường xuyên hơn với các thế lực kinh tế đang lên như Ấn Độ và Trung Quốc.
Thủ tướng Canada Pau Martin thì phác họa hình ảnh một nhóm G 20. Còn Thủ tướng Italy Sivio Berlusconi thì chỉ giới hạn sự mở rộng thành nhóm G 9 hay G 10, với Trung Quốc hoặc thêm Ấn Độ nữa.
Thật ra, những sáng kiến đó đã được nêu lên từ lâu. Trước khi hội nghị khởi nhóm tại Sea Island, nhật báo tài chánh The Financial Times đăng bài nhận định của ông Matthew Goodman, phó chủ tịch tổ hợp Stonebridge International, viết rằng vai trò của Trung Quốc đã trở thành quá quan trọng, không thể bỏ qua.
Nền kinh tế Hoa Lục lớn hàng thứ 6 trên thế giới, hơn cả của hai thành viên G 8 hiện nay cộng lại, là Canada và Nga. Do mức tăng trưởng cao, nên nhu cầu về nguyên liệu và nhiên liệu của Trung Quốc tác động mạnh trên giá cả những mặt hàng đó trên thế giới, khiến các nhà hoạch định chính sách của nhóm G 8 bức xúc.
Bài nhận định trên tờ The Financial Times cho rằng chính vì thế mà cho Trung Quốc gia nhập vào nhóm sẽ giúp rất nhiều cho việc quản lý nền kinh tế toàn cầu. Hơn nữa, điều đó còn phù hợp với chủ trương mà nhiều chính phủ Hoa Kỳ theo đuổi trong suốt 3 thập niên qua. Đó là đưa Trung Quốc hội nhập vào hệ thống quy tắc của thế giới. Nhật báo Pháp Le Figaro cũng chia sẻ nhận định đó. Hôm thứ Ba, bài bình luận mang tựa đề "Sự vắng mặt to lớn của Trung Quốc" nêu lên tầm quan trọng ngày càng nhiều của Hoa Lục đối với toàn cầu, và đặc biệt là với sự thịnh vượng của nước Mỹ.
Hai nước đã trở thành hai cỗ máy kéo cho nền kinh tế thế giới, và chúng lệ thuộc lẫn nhau. Mức thâm thủng mậu dịch của Hoa Kỳ với Trung Quốc đã vượt quá 120 tỷ đôla, và ngược lại thì Bắc Kinh nắm giữ đến 10% tổng số công trái chính phủ của Washington, có nghĩa là khoảng 150 tỷ đôla.
Tình trạng đó cho thấy là nếu một ngày nào đó mà Trung Quốc bị khủng hoảng, phải bán ra tất cả số công trái đó, thì Hoa Kỳ bắt buộc phải nâng mức lãi suất lên để chống đỡ, thì tình hình kinh tế thế giới ra sao, chắc ai cũng rõ.
Tờ báo Pháp Le Figaro kết luận rằng do đó mà khi ràng Trung Quốc vào nhóm G 9 thì thế giới sẽ được lợi, nhất là vào khi Trung Quốc vẫn quan trọng hơn Nga rất nhiều.
(Audio clip) vừa rồi là đoạn thánh ca được cất lên trong tang lễ cố Tổng thống Hoa Kỳ Ronald Reagan vừa tạ thế hồi cuối tuần trước.
Nhận định về cố Tổng thống Hoa Kỳ Ronald Reagan, nhật báo Nga Nezavisimaya Gazeta viết rằng ông giữ ba kỷ lục tại Nhà Trắng. Đó là Tổng thống lớn tuổi nhất khi nhậm chức, Tổng thống đầu tiên xuất thân từ nghề diễn xuất, và là Tổng thống thọ nhiều tuổi nhất.
Đối với Nga, tờ báo xuất bản tại Moscow này cho rằng cái tên Reagan đã có một chỗ đứng vững chắc trong lịch sử mối bang giao Nga-Mỹ. Dưới thời của ông và ông Mikhail Gorbachev, cuộc đối đầu giữa hai siêu cường đã chuyển qua đối thoại.
Sự đổi thay đó khởi đầu từ hội nghị thượng đỉnh tại Reyjavik hồi mùa Hè năm 1986, khi cả hai nhà lãnh đạo đồng thanh kêu gọi hủy bỏ tất cả những loại võ khí chiến lược, tức bom hạt nhân.
Tờ Nezavisimaya Gazeta cho biết, thế nhưng cả hai ông Reagan và Gorbachev lúc đó chỉ đồng ý được thêm một điều là sẽ "tiếp tục đối thoại", khiến các trợ lý của Tổng thống Mỹ thở phào nhẹ nhõm, vì họ lo rằng người chủ Nhà Trắng sẽ đi quá xa, vượt qua "kịch bản" đã dự liệu từ trước.
Một nhận định khác về cố Tổng thống Ronald Reagan cũng được xem là quan điểm chung của phần lớn châu Âu hiện nay. Hôm qua nhật báo Pháp Libération viết rằng chưa một nhà lãnh đạo Mỹ nào mà bị bên kia bờ Đại Tây Dương chế diễu nhiều như ông Reagan.
Tuy nhiên di sản đáng giá nhất mà ông để lại là về chính trị. Ông không đích thân xô sập bức tường ô nhục Bá Linh, nhưng ông chắc chắn là có góp sức lay chuyển nó, cũng như đã đẩy mạnh cuộc chạy đua võ trang một cách nguy hiểm, đồng thời lại yểm trợ chủ trương glasnost đổi mới của ông Gorbachev.
Các chủ thuyết đó của ông Reagan được đảng Cộng hòa Mỹ lấy làm nền tảng cho phong trào tân-bảo thủ ngày nay. Nhiều đến nỗi Tổng thống Bush thừa hưởng di sản chính trị của ông Reagan nhiều hơn là của chính phụ thân ông.
Thế nhưng tờ Libération cho rằng những kẻ theo chủ thuyết Reagan ngày nay ở Nhà Trắng đã đi sai đường. Nhũng sự hồ nghi của công chúng Mỹ và sự đối nghịch ở ngoài nước Mỹ đã chứng tỏ điều đó. Và nổi bật hơn cả, là thái độ xúc động đầy kính nể của công luận Mỹ giành cho vị cố Tổng thống có vẻ như cho thấy là họ thích chính bản Reagan, hơn là phiên bản Bush.
Về vấn đề an ninh trên hải lộ huyết mạch ngang qua eo biển Mã Lai, nhật báo The Jakarta Post hôm qua viết rằng do hoạt động của bọn khủng bố ngày càng gia tăng trong vùng, nên sự quan ngại về tình trạng an toàn của eo biển Malacca cũng tăng theo. Vì thế Singapore đã đề xuất ý kiến nhờ Thủy quân Lục chiến Mỹ giúp tuần hành đường giao thông quan trọng này.
Tuy nhiên công luận Indonesia vẫn ủng hộ quan điểm của chính phủ Jakarta là không chấp nhận sự hiện diện của lực lượng võ trang ngoại quốc trong khu vực.
Dù vậy, nhật báo The Jakarta Post nhận xét rằng vùng eo biển Mã Lai là một vấn đề quốc tế và việc thông thương an toàn được luật pháp quốc tế bảo đảm. Indonesia không thể bác bỏ sự hiện diện của quân đội nước ngoài ở trong vùng này, lý do là Jakarta không những không thể chế ngự được nạn cướp biển trên hải lộ này, mà ngày càng có thêm nhiều mối đe dọa về an ninh cho eo biển, xuất phát từ Indonesia.
Tờ báo Indonesia kết luận rằng không thể bám víu vào chủ nghĩa quốc gia cực đoan mà bác bỏ sự trợ giúp của quân lực nước ngoài, trong khi mình thì không thể đảm bảo được an ninh cho eo biển.
Nhật báo Thái Lan The Bangkok Post hôm qua đăng bài quan điểm cho rằng trong khi Singapore chủ trương nhờ sức mạnh của quân lực Hoa Kỳ giúp bảo vệ an ninh trên eo biển Malacca, nhưng Malaysia và Indonesia thì do áp lực của dân số Hồi giáo nên bác bỏ, thì liệu vấn đề có thể được giải quyết giữa những quốc gia ASEAN với nhau hay không. Cụ thể là tại Diễn đàn An ninh Khu vực ASEAN sắp tới, tổ chức tại Indonesia.
Đó là một đề nghị của một học giả Mỹ và cho thấy là nếu các quốc gia ASEAN tự đứng ra đảm trách việc bảo vệ an ninh cho eo biển Malacca thì chủ quyền vài nước trong vùng vẫn phải chịu nhân nhượng, mà đây là điều không nước nào muốn.
Tuy nhiên tờ Bangkok Post nhấn mạnh rằng dù sao cũng vẫn phải tìm cho ra một giải pháp, vẫn có thể nhân nhượng nhau vì quyền lợi của tất cả các nước trong vùng.