“Bữa cơm ngoại giao” tại Nhà Trắng

Nguyễn Khanh, phóng viên đài RFA

Cách đây hai ngày, Tổng Thống Hoa Kỳ George W. Bush mời hai nhà lãnh đạo Pakistan và Afghanistan đến Nhà Trắng để dự bữa cơm mà giới truyền thông quốc tế gọi là “bữa cơm ngoại giao”.

MusharrafBushKarzai200.jpg
Tổng Thống Pervez Musharraf (trái), Tổng thống Bush (giữa) và Tổng Thống Hamid Karzai (phải) tại Toà Bạch Ốc hôm 27-9-2006. AFP PHOTO>> Xem hình lớn hơn

Quyết định mời Tổng Thống Pervez Musharraf và Tổng Thống Hamid Karzai đến dùng cơm được ông Bush thực hiện với hy vọng bắt một nhịp cầu cảm thông giữa 2 quốc gia đang nắm phần rất quan trọng cho cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu.

Vì trước đó, hai nhà lãnh đạo từng công khai chỉ trích nhau, chẳng hạn như ông Karzai than phiền khủng bố Taliban và Al-queda tiếp tục sử dụng khu vực nằm dọc biên giới hai nước làm địa bàn hoạt động, và những trường Hồi Giáo do thành phần quá khích điều khiển ở Pakistan đang trực tiếp đe dọa nền an ninh của Afghanistan.

Ông Musharraf trả đũa bằng lời tuyên bố với đại ý nói rằng nhà lãnh đạo Kabul nên nhìn thẳng vào thực tế xem đã làm được những gì, thay vì chỉ lo đổ lỗi cho người khác. Nói cách khác, theo Tổng Thống Pakistan, chính phủ nước ông đã làm tất cả những gì có thể làm, và bất ổn xảy ra chính vì những trở ngại tồn đọng ngay trên lãnh thổ Afghanistan.

Căng thẳng ngoại giao giữa Afghanistan và Pakistan là đề tài được Ban Việt Ngữ chúng tôi đưa ra thảo luận với ông Lionel Beehner, vị khách mời tuần này. Ông Beehner là thành viên của Hội Ðồng Quan Hệ Ðối Ngoại Hoa Kỳ, một tổ chức có uy tín và ảnh hưởng rất lớn với giới hoạch định chính sách tại Washington.

Như thường lệ, cuộc phỏng vấn do Nguyễn Khanh thực hiện, và chúng tôi gửi đến quý thính giả trong khuôn khổ Tạp Chí Câu Chuyện Thời Sự Hàng Tuần.

Cả hai nhà lãnh đạo đều có cùng mục tiêu là làm sao tạo được ổn định ở khu vực biên giới chung của 2 nước. Ðiểm khác biệt giữa Tổng Thống Afghanistan và Tổng Thống Pakistan là phía đối tác cần phải làm những gì để cải thiện tình hình hiện giờ, để chận đứng hoạt động khủng bố xuyên biên giới mà đám tàn quân Taliban và Al-queda đang làm.

Nguyễn Khanh: Cám ơn ông đã bỏ thì giờ nói chuyện với Ban Việt Ngữ chúng tôi. Ðến Nhà Trắng dùng cơm nhưng hai ông Musharraf và Karzai không thèm bắt tay nhau. Phải chăng đó là dấu hiệu cho thấy sự bất đồng lớn hơn chúng ta nghĩ?

Ông Lionel Beehner: Cả hai nhà lãnh đạo đều có cùng mục tiêu là làm sao tạo được ổn định ở khu vực biên giới chung của 2 nước. Ðiểm khác biệt giữa Tổng Thống Afghanistan và Tổng Thống Pakistan là phía đối tác cần phải làm những gì để cải thiện tình hình hiện giờ, để chận đứng hoạt động khủng bố xuyên biên giới mà đám tàn quân Taliban và Al-queda đang làm.

Câu hỏi hai ông đều đặt ra là trách nhiệm này thuộc về ai, về phía Pakistan hay là trách nhiệm của Afghanistan, và từ đó, đưa ra một câu hỏi khác là những bất ổn đang xảy ra vì lỗi của ai. Cũng vì thế mà trong suốt một tuần lễ vừa rồi, cả thế giới thấy ông Karzai và ông Musharraf công khai chỉ trích nhau, và từ bất đồng trở thành bất hòa.

Ngoài ra, theo tôi thì có hai sự kiện cần phải chú ý đến liên quan đến bữa cơm ở Nhà Trắng. Sự kiện thứ nhất là Tổng Thống Musharraf mới ký kết thỏa thuận hòa bình với các lực lượng phiến quân ủng hộ Taliban, để chấm dứt nhiều năm bạo lực đã xẩy ra ở vùng biên giới.

Tổng Thống Karzai coi đây là một hành động nhân nhượng, gây thêm bất lợi cho an ninh của nước ông, và quả thật là bây giờ, an ninh của Afghanistan ở các khu vực dọc theo biên giới với Pakistan mỗi lúc một bất ổn hơn trước, các vụ chạm trán quân sự diễn ra mỗi ngày một nhiều hơn.

Chuyện thứ nhì là trong tuần vừa rồi, ông Musharraf cho phát hành quyển sách trong đó tiết lộ nhiều chuyện động trời, từ chuyện Hoa Kỳ đe dọa sẽ biến Pakistan trở lại thời kỳ đồ đá nếu Chính Phủ của ông không tham dự vào cuộc chiến chống khủng bố do Washington đề xướng, và biết bao nhiêu chuyện khác nữa, chẳng hạn như chuyện cơ quan CIA của Mỹ hoạt động thế nào, hay dở ra sao.

Ðây là chuyện mà Tổng Thống George W. Bush không muốn thấy xảy ra vào lúc dân chúng Mỹ đang cân nhắc nên bỏ phiếu chọn phe Cộng Hòa hay phe Dân Chủ ở Quốc Hội.

Vì thế, theo nhận xét của tôi thì về mặt nổi, bữa ăn tối hôm thứ Tư ở Nhà Trắng nhắm vào mục đích bắt một nhịp cầu cho lãnh đạo Afghanistan và Pakistan gặp nhau để giải quyết những bất đồng, nhưng thực sự thì đây là bữa ăn hòa giải giữa 3 ông chứ không phải chỉ có 2.

Trở lại với câu hỏi ông đặt ra, nếu bảo hai ông Karzai và Musharraf không thèm bắt tay nhau thì đúng, nhưng nếu xem đó và kết luận là bữa ăn thất bại thì không hẳn.

Nguyễn Khanh: Tại sao ông lại nói như vậy?

MusharBushKarzaiDin200.jpg
Tổng thống Bush ngồi giữa, bên trái là Phó tổng Cheney và Tổng thống Karzai, bên phải là Ngoại trưởng Rice, và Tổng thống Musharraf tại “bữa cơm ngoại giao” hôm 27-9-2006. AFP PHOTO.>> Xem hình lớn hơn

Ông Lionel Beehner: Trong tuần rồi, ai cũng thấy hai ông Tổng Thống Afghanistan và Pakistan đôi lúc nặng lời với nhau, nhưng trong bữa ăn do Tổng Thống George W. Bush tổ chức, cả hai đều biết là họ cần nhau, cần phải làm việc với nhau.

Hai ông cũng biết rõ là họ không kiểm soát được tất cả mọi việc ở trong nước của họ, chẳng hạn như ông Karzai một mặt phải giải quyết với Quốc Hội, mặt khác phải giải quyết với các bộ tộc, với thành phần cực đoan. Ông Musharraf cũng thế, có rất nhiều vấn đề ông chưa thể giải quyết được, như làm sao có thể gia tăng hoạt động với Hoa Kỳ, trong lúc đa số dân có tư tưởng không thích Mỹ.

Vì thế, cả hai ông bây giờ biết rõ là có những điểm rất tế nhị về mặt chính trị mà trong cương vị lãnh đạo họ phải giải quyết, và đã đến lúc phải bỏ qua những bất đồng cá nhân để đi đến thành công cho một mục tiêu chung lớn hơn rất nhiều.

Nguyễn Khanh: Ông đã có dịp nói chuyện trực tiếp với Tổng Thống Karzai và Tổng Thống Musharaf trước khi hai ông đến Nhà Trắng dùng cơm với Tổng Thống Bush, thế theo ông, Hoa Kỳ phải làm thêm những gì nữa để ông Karzai và ông Musharraf chấp nhận làm việc với nhau?

Ông Lionel Beehner: Theo tôi thấy thì trong chuyện này khả năng của Hoa Kỳ khá giới hạn. Tôi e rằng Washington khó có thể làm hơn được những gì đã làm. Gánh nặng bây giờ là của 2 ông Karzai và Musharraf. Tôi xin đưa ra một vài thí dụ, chẳng hạn như ông Musharraf cần đưa thêm quân đến vùng biên giới, cần gia tăng hoạt động tình báo để bảo vệ an ninh cho Pakistan và cho cả Afghanistan.

Ông Karzai cũng vậy, phải nỗ lực hơn nữa để giải quyết tình hình bất ổn trong nước để Afghanistan không trở thành một Iraq thứ hai. Và quan trọng hơn là hai Chính Phủ hay chính cá nhân 2 vị Tổng Thống đừng đổ lỗi cho nhau nữa, mà phải cộng tác nhịp nhàng với nhau.

Nguyễn Khanh: Ông Bush, bà Ngoại Trưởng Condoleeza Rice đều nói Afghanistan và Pakistan đang nắm phần then chốt cho cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu. Xin hỏi ông là tình hình không mấy sáng sủa hiện giờ ảnh hưởng thế nào đến cuộc chiến?

Ông Lionel Beehner: Rõ ràng ảnh hưởng rất lớn. Mặc dù những bản nhận định quân sự được soạn thảo ở Washington có đưa ra câu hỏi là Afghanistan hay Pakistan là tuyến đầu của cuộc chiến chống khủng bố, nhưng theo tôi hiểu thì tầm quan trọng của hai nước như nhau.

Hai ông cũng biết rõ là họ không kiểm soát được tất cả mọi việc ở trong nước của họ, chẳng hạn như ông Karzai một mặt phải giải quyết với Quốc Hội, mặt khác phải giải quyết với các bộ tộc, với thành phần cực đoan. Ông Musharraf cũng thế, có rất nhiều vấn đề ông chưa thể giải quyết được, như làm sao có thể gia tăng hoạt động với Hoa Kỳ, trong lúc đa số dân có tư tưởng không thích Mỹ.

Nếu không có sự công tác chung, chúng ta không thể tiêu diệt được các lực lượng Taleban hoặc Al-queda. Các tài liệu tình báo cũng nói bọn thủ lãnh Al-queda đang lẫn trốn ở biên giới hai nước, và nếu không kết hợp thì chẳng bao giờ bắt được chúng. Cũng theo tôi hiểu thì trong thời gian tới Hoa Kỳ sẽ đưa ra kế hoạch mới, chú ý hơn đến Afghanistan…

Nguyễn Khanh: Bằng cách nào, thưa ông?

Ông Lionel Beehner: Bằng nhiều cách, từ việc sẽ đưa thêm quân vào Afghanistan để truy lùng khủng bố, tăng thêm ngân sách cho cả tình báo lẫn quân sự, và giúp Afghanistan giải quyết ổn thỏa hiện tình của họ, kể cả việc nỗ lực hơn để giúp tái thiết cho Afghanistan.

Nguyễn Khanh: Khi chưa giảng hòa được cho hai ông Tổng Thống Pakistan và Afghanistan, liệu Washington có cần điều chỉnh hay hoạch định lại chính sách không?

Ông Lionel Beehner: Tôi không biết chắc là liệu Hoa Kỳ có phải điều chỉnh lại chính sách hay không. Tôi được biết rất rõ là quan hệ cá nhân giữa Tổng Thống George W. Bush và 2 nhà lãnh đạo nước bạn rất tốt. Ngay trong giai đoạn này, chính ông Bush cũng biết là tình trạng chưa sáng sủa lắm, thì cũng đừng nên làm bất cứ điều gì có thể khiến câu chuyện trở nên rắc rối hơn.

Nguyễn Khanh: Thay mặt cho quý thính giả, xin cám ơn ông Beehner rất nhiều.