Cuba thời hậu Castro sẽ ra sao?

Nguyễn Khanh, phóng viên đài RFA

Từ đầu tuần đến giờ, tin liên quan đến tình trạng sức khỏe của lãnh tụ Cuba Fidel Castro được coi là một trong những tin đáng chú ý nhất, chẳng khác gì những diễn biến quân sự đang xảy ra ở Trung Ðông.

FidelCastro150.jpg
Hình ảnh lãnh tụ Cuba Fidel Castro từ nhỏ đến năm 2006. AFP PHOTO>> Xem hình lớn hơn

Fidel Castro, con người của huyền thoại, còn sống hay đã chết? Câu hỏi được đặt ra, nhưng câu trả lời thì rất mù mờ vì tất cả các tin tức ghi nhận được đều dựa vào các bản tin phổ biến trên đài truyền hình Habana, nói rằng lãnh tụ của Cuba phải vào nhà thương, cuộc giải phẫu đã hoàn tất, mọi chuyện đều tốt đẹp, và công tác điều hành chính quyền được tạm thời trao cho em trai của lãnh tụ là Tướng Raul Castro.

Trong 47 năm qua, đây là lần đầu tiên ông Fidel quyết định chuyển giao quyền lãnh đạo cho người khác, cho dù chỉ là tạm thời như giới truyền thông Habana loan tải.

Dù thế nào đi chăng nữa, các tin được phổ biến đã buộc mọi người phải nghĩ ngay đến câu hỏi Cuba thời hậu Castro sẽ ra sao? Ngay tại thủ đô Washington của Hoa Kỳ, các viên chức hoạch định chính sách cũng đã gặp nhau để bàn thảo những gì cần phải làm, trong đó việc quan trọng nhất là làm sao có thể cổ võ cho một nước Cuba dân chủ sau ngày Fidel Castro ra đi.

Cuba, dân chủ, chính sách của Hoa Kỳ là những đề tài chúng tôi sẽ nói đến trong mục Câu Chuyện Thời Sự Tuần Này. Khách mời của Ban Việt Ngữ là ông Frank Calzon, Chủ Tịch tổ chức mang tên Trung Tâm Vận Ðộng Cho Một Nước Cuba Tự Do.

Ngoài cương vị của một nhà tranh đấu, ông Calzon còn bán chính thức là cố vấn cho Nhà Trắng và cho Bộ Ngoại Giao Mỹ về chính sách đối với Cuba. Giới thạo tin ở Washington cũng cho hay là qua nhiều đời Tổng Thống, tiếng nói của ông lúc nào cũng được hành pháp Mỹ lắng nghe, và hầu như chưa có đề nghị nào ông được ra bị bác bỏ cả.

Rõ ràng Fidel Castro muốn theo bước của lãnh tụ Bắc Hàn Kim Il Sun, là người trước khi chết trao mọi quyền hành lại cho con trai mình. Với trường hợp của Cuba thì bây giờ chưa rõ Fidel Castro sống chết như thế nào, nhưng em trai của ông ta đang điều khiển guồng máy lãnh đạo.

Như thường lệ, cuộc phỏng vấn do Nguyễn Khanh thực hiện.

Nguyễn Khanh: Xin cám ơn ông đã cho Đài Á Châu Tự Do chúng tôi cuộc phỏng vấn đặc biệt ngày hôm nay. Biết là ông rất bận rộn nên tôi xin đi ngay vào vấn đề. Câu hỏi đầu tiên của tôi là tin tức mới nhất mà ông ghi nhận được như thế nào?

Ông Frank Calzon: Những gì chúng tôi biết được là qua tin tức được nhà nước Cuba loan báo, cho hay lãnh tụ độc tài Fidel Castro phải vào nhà thương giải phẩu, và bây giờ em trai của ông ta là Tướng Raul Castro đang tạm thời điều hành quốc gia.

Rõ ràng Fidel Castro muốn theo bước của lãnh tụ Bắc Hàn Kim Il Sun, là người trước khi chết trao mọi quyền hành lại cho con trai mình. Với trường hợp của Cuba thì bây giờ chưa rõ Fidel Castro sống chết như thế nào, nhưng em trai của ông ta đang điều khiển guồng máy lãnh đạo.

Nguyễn Khanh: Ông Fidel Castro phải vào nhà thưong hôm 31 tháng Bảy, ngay ngày hôm sau tức là ngày mùng 1 tháng 8, tạp chí Time có bài viết với ngụ ý cho rằng có thể Tướng Raul là người chủ trương đổi mới, muốn bắt liên hệ với Mỹ. Một vài nhà quan sát ở Washington cũng dè dặt nói với tôi như thế. Ông nghĩ thế nào về điều này?

Ông Frank Calzon: Tôi cho rằng ngay lúc này, không ai có thể quả quyết Tướng Raul là người chủ trương đổi mới. Chúng ta cần phải chú ý đến sự kiện Fidel Castro chưa chết, Fidel Castro chỉ đang nằm trong nhà thương, em trai của ông ta đang đóng vai lãnh đạo tạm thời. Chúng ta phải chờ xem chuyện gì xảy ra rồi mới nói được. Theo tôi tất cả mọi dự đoán đều vẫn còn quá sớm.

Nguyễn Khanh: Nghe ông nói, tôi có cảm tưởng ông không cho Tướng Raul một cơ hội trở thành một con người khác, ít nhất là khác anh ruột của ông ta...

Ông Frank Calzon: Tại sao ông nghĩ tôi phải cho Tướng Raul một cơ hội? Ông nhìn lại xem, bao nhiêu năm rồi, anh em ông ta có cho nhân dân Cuba cơ hội nào đâu.

Nguyễn Khanh: Tôi có thể đặt câu hỏi khác được chứ?

Ông Frank Calzon: Vâng, ông cứ hỏi.

TranDucLuongRaulCastro200.jpg
Ông Raul Castro (phải) bắt tay Chủ tịch Việt Nam Trần Ðức Lương tại Hà Nội hôm 27-4-2005. AFP PHOTO

Nguyễn Khanh: Cả thế giới đang thắc mắc, không hiểu những gì sẽ xảy ra ở Cuba sau khi ông Fidel Castro không nắm quyền. Nói cho đúng thì đây là điều đã được nghĩ đến từ lâu rồi, nhưng lần này, có những dấu hiệu cho thấy có thể trở thành sự thật. Nếu ông Fidel Castro thật sự ra đi thì theo ông, những thử thách nào, những cơ hội nào sẽ chờ đón người dân Cuba?

Ông Frank Calzon: Người dân Cuba muốn thấy quốc gia mình thay đổi, giống như các nước cộng sản Ba Lan, Cộng Hoà Tiệp trước đây, hoặc như Chi Lê, như Tây Ban Nha, những nước từng bị cai trị bởi chế độ độc tài, cho đến khi chính quyền mới tôn trọng người dân hơn, chính quyền mới công nhận quyền hoạt động chính trị của dân, công nhận quyền tự do phát biểu của dân.

Đó chính là những gì nhân dân Cuba đang mong đợi. Liệu có thành sự thật hay không thì một phần còn tùy vào thái độ của quân đội. Nhưng quan trọng nhất vẫn là phải đợi ngày Fidel Castro không còn nắm quyền nữa. Bây giờ, ông ta mới nằm nhà thương thôi và có khả năng ông ta sẽ nắm quyền trở lại thì vẫn chưa có gì thay đổi ở Cuba.

Tôi muốn trở lại câu hỏi ông đặt ra về trường hợp Tướng Raul. Ông ta là một viên tướng cực kỳ bảo thủ, cực kỳ cứng rắn. Người dân Cuba ai ai cũng biết điều này cả. Chính vì thế, tôi không nghĩ Tướng Raul là một người có đầu óc cấp tiến, muốn đổi mới. Cũng chính vì thế, tôi không tin là nhà cầm quyền Cuba sẽ đổi mới trong những ngày tháng tới, còn chuyện xa hơn nữa thì rất khó đoán biết.

Nguyễn Khanh: Nói cách khác, ông chưa thấy tương lai dân chủ cho Cuba?

Ông Frank Calzon: Ông thấy thay đổi lãnh đạo từ người cha độc tài xuống con ở Bắc Hàn có đem lại dân chủ cho người dân không? Ông cũng thấy thay đổi lãnh đạo từ cha độc tài Papa Doc xuống cho con là Baby Doc có đem lại dân chủ cho Haiti không? Trường hợp của Cuba, tôi chưa thấy có gì thay đổi cả, ngoại trừ điều ngày xưa ông anh độc tài nắm quyền, bây giờ thì ông em bảo thủ nắm quyền.

Nguyễn Khanh: Tôi được biết trong những ngày vừa qua, ông có nói chuyện với các viên chức lãnh đạo Hoa Kỳ, và hình như ông có gặp cả Tổng Thống George W. Bush nữa. Điều đó có đúng không?

Ông Frank Calzon: Ðiều ông biết hoàn toàn đúng. Tôi liên hệ rất chặt chẽ với hành pháp. Mới hôm qua, Bộ Ngoại Giao Mỹ nói rõ là chính sách của Washington với Habana không bao giờ thay đổi, cho đến khi Cuba có tự do, có dân chủ, có nhân quyền, có đổi mới về kinh tế.

Tôi muốn trở lại câu hỏi ông đặt ra về trường hợp Tướng Raul. Ông ta là một viên tướng cực kỳ bảo thủ, cực kỳ cứng rắn. Người dân Cuba ai ai cũng biết điều này cả. Chính vì thế, tôi không nghĩ Tướng Raul là một người có đầu óc cấp tiến, muốn đổi mới. Cũng chính vì thế, tôi không tin là nhà cầm quyền Cuba sẽ đổi mới trong những ngày tháng tới, còn chuyện xa hơn nữa thì rất khó đoán biết.

Khi nào những điều này chưa xảy ra, chính phủ của Tổng Thống Bush sẽ không thay đổi chính sách đang áp dụng với Cuba. Cho đến khi nào những nhân vật bất đồng chính kiến được trả tự do, lúc đó, chính phủ của Tổng Thống Bush mới đặt lại vấn đề chính sách với Cuba.

Nguyễn Khanh: Hình như Tổng Thống Bush đồng ý cấp ngân khoản cho đề án cổ võ dân chủ cho Cuba, yểm trợ trực tiếp cho các nhà tranh đấu đang sống ở Cuba. Chắc ông liên hệ thường xuyên với những nhân vật tranh đấu này chứ ạ?

Ông Frank Calzon: Tổng Thống Bush đã chấp thuận bản đề nghị cổ võ dân chủ cho Cuba mà tôi góp phần soạn thảo, nhưng như ông biết, ở Mỹ Tổng Thống không phải là vua, Tổng Thống phải tham khảo ý kiến quốc hội, phải nghe xem dư luận dân chúng nghĩ gì. Mặc dù đây là một đề nghị rất quan trọng, nhưng cũng phải mất một thời gian nữa mới có thể đi vào thực hiện.

Về chuyện các nhà dân chủ ở Cuba mà ông hỏi thì mặc dù Fidel Castro đang nằm nhà thương, nhưng ông phải hiểu là công an vẫn làm việc, chứ không có vào nhà thương nằm chung với lãnh tụ của họ. Nhà cầm quyền Cuba có một lực lượng gọi là Lực Lượng Công An Phản Ứng Nhanh, có quyền bắt giữ bất kỳ ai họ muốn.

Dù Fidel Castro đang nằm nhà thưong, người dân Cuba vẫn có thể vào nhà tù bất cứ lúc nào. Nhà nước Cuba có thể bắt giữ họ về tội tuyên truyền cho kẻ thù, về tội trả lời phỏng vấn báo chí nước ngoài, có thể cáo buộc họ tội gây nguy hiểm cho chế độ. Cũng như ở các nước cộng sản khác, người dân không cần phải ra mặt chống đối, không cần phải có hành động chống đối, chỉ bị nghi ngờ thôi là đã đủ để vào tù.

Đó là lý do tại sao ngay từ đầu, tôi nói là vẫn còn quá sớm để bảo là Cuba sẽ đổi mới. Tôi cũng có thể tiết lộ với ông là chính Tổng Thống Bush nói với tôi rằng phải đợi đến khi nào có những bằng chứng thật rõ rệt xác nhận Cuba đổi mới chính trị, đổi mới dân chủ, lúc đó, chính sách của Hoa Kỳ đối với Cuba mới thay đổi.

Nguyễn Khanh: Xin cám ơn ông Frank Calzon.

Thông tin trên mạng:

- Center for a Free Cuba - Columns by Frank Calzon