LHQ ca ngợi các nỗ lực của Việt Nam trong việc đối phó với cúm gia cầm

Nguyễn Khanh, phóng viên đài RFA

Cuối tuần trước, Hội nghị Thượng đỉnh Quốc tế về cúm gia cầm tổ chức tại Bắc Kinh đã hoàn tất tốt đẹp, với bản thông cáo ghi lời cam kết của các nước tham dự hội nghị cùng nhau đẩy mạnh các nỗ lực phòng chống, để cúm gia cầm không trở thành đại dịch.

0:00 / 0:00
DavidNabarro150.jpg
Tiến sĩ David Nabarro, điều phối viên về chống cúm gia cầm của Liên Hiệp Quốc. UN Photo/ Mark Garten

Sau khi hội nghị kết thúc, Tiến sĩ David Nabarro, điều phối viên về chống cúm gia cầm của Liên Hiệp Quốc đã dành cho Tạp chí Câu Chuyện Thời Sự Trong Tuần của đài RFA cuộc phỏng vấn đặc biệt sau đây.

Nguyễn Khanh: Chào Tiến sĩ Nabarro. Xin chúc mừng ông và mừng hội nghị thượng đỉnh Bắc Kinh thành công mỹ mãn. Số tiền 1 tỷ 900 triệu dollars được các nước đóng góp để phòng chống cúm gia cầm quả là một số tiền lớn và đầy bất ngờ phải không ạ?

Ts David Nabarro: đúng, điều đó hoàn toàn đúng. Thượng đỉnh Bắc Kinh là một hội nghị rất đặc biệt, có nhiều quốc gia tham dự. Hội nghị được thực hiện chủ yếu bởi chính phủ Trung Quốc, Liên Minh Châu Âu và Liên Hiệp Quốc.

Công tác sửa soạn không thôi cũng đã mất nhiều tháng trời. Tại thượng đỉnh, tất cả mọi nước, mọi tổ chức đều đồng ý phải có những chương trình hoạt động ở cấp toàn cầu để ngăn chận dịch cúm gà, đặc biệt là những nước đang phải đối phó với dịch bệnh. Các quốc gia này kêu gọi sự trợ giúp của thế giới để ngăn chận, không cho dịch bệnh lây lan hơn nữa, không để cúm gà trở thành đại dịch gây nguy hiểm cho nhân loại.

Số tiền 1 tỷ 9 mà các nước và các tổ chức đồng ý đóng góp quả là một số tiền không nhỏ, nếu không muốn nói là rất lớn, nhưng vẫn chỉ là khoản tiền rất bé, không thấm thía gì nếu chúng ta so sánh với những thiệt hại mà thế giới phải gánh chịu nếu trận đại dịch cúm gà xảy ra ở mức độ toàn cầu.

Chiến lược phòng chống cúm gia cầm

Nguyễn Khanh: Với số tiền có được, những kế hoạch, chiến lược nào sẽ được thực hiện?

Ts David Nabarro: Các nước tham dự thượng đỉnh đồng ý hai chiến lược. Thứ nhất là bằng mọi cách, các nước phải cải tiến các dịch vụ trong lãnh vực thú y, điều này đòi hỏi phải tăng cường đảm bảo an toàn khi nuôi gia súc, đặc biệt chú trọng đến gia cầm và những người có liên hệ trực tiếp với gia cầm.

Ðây là điều rất quan trọng, phải thực hiện ngay vì chương trình thú y ở nhiều nước cần phải cải tiến. Chiến lược thứ hai là đảm bảo an toàn y tế cho mọi người dân, và tất cả các nước đều phải có những kế hoạch phòng chống nếu đại dịch xảy ra.

Nguyễn Khanh: khi nói đến phòng chống dịch bệnh, tôi có cảm tưởng là mỗi nước phòng chống một kiểu, không đồng bộ với nhau. Xin hỏi Tiến Sĩ là liệu có nên đưa ra một kế hoạch phòng chống kiểu mẫu cho các nước không?

Ts David Nabarro: Tất cả mọi nước đều biết rõ hiểm họa mà cúm gia cầm có thể gây nên, vấn đề còn lại là tức khắc phải cải tiến về mặt an toàn y tế cho dân chúng và phải có kế hoạch phòng chống nếu không may đại dịch xảy ra.

Những đề nghị này đã được Tổ Chức Y Tế Thế Giới, Tổ Chức Lương Nông Quốc Tế và Tổ Chức Sức Khỏe Ðộng Vật cùng đưa ra, và được tất cả các nước tán thành, coi đó là những điều căn bản mà mọi nước đều phải làm.

Tôi có thể nói như thế này: mục tiêu chung thì đã có, nhưng đường lối thực hiện thì có thể khác nhau vì các nước có mức phát triển khác nhau, có hệ thống y tế và kiểm soát thú y khác nhau.

Hiệu quả của thuốc Tamilflu?

Báo cáo của Tổ Chức Y Tế Thế Giới nói rõ là đến nay, không thể quả quyết được thuốc Tamilflu hiệu quả đến mức nào, nhưng khuyên những người vừa mới chớm có triệu chứng bị bệnh nên uống và phải uống đủ liều lượng.

Nguyễn Khanh: Trước ngày hội nghị diễn ra đã có những bản tin đặt nghi vấn về hiệu quả của thuốc Tamilflu. Với tư cách một chuyên gia và là người đang giữ chức vụ Ðiều Phối Viên Cúm Gia Cầm Liên Hiệp Quốc, Tiến Sĩ nghĩ gì khi được nghe những tin này?

Ts David Nabarro: Các bản báo cáo chuyên môn của Tổ Chức Y Tế Thế Giới đều khuyến cáo là các nước cần có lượng dự trữ thuốc tamilflu, vì đây là loại thuốc có thể giúp chúng ta rất nhiều, để ngăn chận dịch bệnh truyền từ người sang người trong giai đoạn đầu tiên.

Báo cáo của Tổ Chức Y Tế Thế Giới cũng nói rõ là đến nay, không thể quả quyết được thuốc Tamilflu hiệu quả đến mức nào, nhưng khuyên những người vừa mới chớm có triệu chứng bị bệnh nên uống và phải uống đủ liều lượng.

Chẳng hạn như ở Thổ Nhĩ Kỳ, chúng ta thấy có những trường hợp Tamilflu có thể chữa trị hữu hiệu bệnh cúm gia cầm nếu được sử dụng kịp thời. Thành ra đến giờ cách tốt nhất vẫn là cần có lượng dự trữ thuốc tamilflu.

Nguyễn Khanh: Trong phòng họp thượng đỉnh cũng như bên ngoài thượng đỉnh, ông có dịp nói chuyện hay thảo luận với những nước tham dự hay không? Ý tôi muốn nói là với những nước đang trực tiếp đương đầu với dịch bệnh, và nếu có, thì những nước này chia sẻ những gì với ông?

Ts David Nabarro: Có. Tôi có dịp nói chuyện và thảo luận với nhiều quốc gia đang phải đối phó với dịch bệnh, chẳng hạn như Việt Nam. Tại hội nghị Bắc Kinh, Việt Nam được chú ý đến nhiều nhất, được nói đến nhiều nhất…

Ca ngợi các nỗ lực của Việt Nam

Nguyễn Khanh: Thưa Tiến Sĩ tại sao vậy?

Ts David Nabarro: Việt Nam là nước đã đưa ra những kế hoạch rất quan trọng để phòng chống, ngăn ngừa sự lây lan của bệnh cúm gia cầm, từ chương trình cải tiến các dịch vụ của ngành thú y trên địa bàn cả nước, cho đến chương trình chích vaccine cho gia cầm, và gia tăng mọi hoạt động để đảm bảo an toàn y tế cho những người trực tiếp tiếp xúc với gia cầm.

Bên cạnh những chương trình Chính Phủ Việt Nam cho thực hiện mà tôi vừa nói, Việt Nam còn có cả một kế hoạch để đề phòng trường hợp đại dịch xảy ra. Khi tiếp xúc với đoàn Việt Nam, tôi có nói là tôi thán phục những điều Việt Nam đã và đang làm.

Về phần của họ, các thành viên trong đoàn Việt Nam cho tôi biết tất cả mọi người Việt đều quyết tâm phòng chống cúm gia cầm và yêu cầu sự giúp đỡ của quốc tế.

Bên cạnh những chương trình Chính Phủ Việt Nam cho thực hiện mà tôi vừa nói, Việt Nam còn có cả một kế hoạch để đề phòng trường hợp đại dịch xảy ra. Khi tiếp xúc với đoàn Việt Nam, tôi có nói là tôi thán phục những điều Việt Nam đã và đang làm.

Nguyễn Khanh: Và ông trả lời sao ạ?

Ts David Nabarro: Tôi trả lời là chắc chắn sẽ hỗ trợ cho Việt Nam qua những chương trình khác nhau. Phải nói thêm rằng một trong những điểm mà chúng tôi đạt được là Liên Hiệp Quốc và các cơ quan liên hệ sẽ hợp tác, làm việc chung với các nước để thực hiện hữu hiệu hơn các kế hoạch đề ra.

Nhiều cảm tình với người Việt

Nguyễn Khanh: Trong tương lai, ông có trở lại những nước đang phải đối phó với cúm gia cầm để quan sát tại chỗ không?

Ts David Nabarro: có chứ. Tôi sẽ trở lại Châu Á và rất muốn ghé lại Việt Nam, quốc gia mà tôi rất quý mến và khâm phục vì những cố gắng mà người dân cũng như chính phủ đã chứng tỏ trong nỗ lực phòng chống cúm gia cầm.

Khi nói đến cúm gia cầm, chúng ta phải nhìn nhận là học hỏi được từ Việt Nam rất nhiều điều. Tôi cũng hy vọng có dịp đến thăm Lào, để quan sát và bàn thảo thêm về những điểm phái đoàn đại diện nước này đã trình bày ở Bắc Kinh.

Tôi còn muốn trở lại Trung Quốc, Kampuchea, Indonesia, là những nước tôi thường ghé công tác và lúc nào cũng mong trở lại để xem có thể giúp họ thêm được gì nữa không.

Nguyễn Khanh: Trung Quốc hiện cũng đang nhức đầu vì chuyện cúm gia cầm sau khi phát hiện thấy hàng chục ổ dịch và đã có thêm người chết vì virút H5N1. Thế lúc ở Bắc Kinh, Tiến Sĩ có ăn thịt gà không?

Ts David Nabarro: có, tôi có ăn thịt gà và tôi muốn nhờ ông giúp nói với mọi người là lúc dự hội nghị ở Bắc Kinh, tôi có ăn thịt gà.

Tôi cũng muốn nhấn mạnh ở đây rằng, thứ nhất, phần lớn thịt gà mà người dân mua về ăn là thịt gà được cung cấp từ các hệ thống giết mổ gia cầm sạch; thứ hai, là chỉ nên ăn thịt gà nấu thật chín, và không phải chỉ riêng thịt gà, bất kỳ loại thịt nào cũng phải nấu thật chín mới ăn được.

Một lần nữa, tôi xin được nhắc lại là lúc ở Bắc Kinh tôi có ăn thịt gà.

Nguyễn Khanh: Xin cám ơn Tiến Sĩ Nabarro.