Chính sách của Hoa Kỳ sau cuộc bầu cử Quốc Hội giữa kỳ


2006.11.10

Nguyễn Khanh, phóng viên đài RFA

Cuộc bầu cử giữa kỳ ở Mỹ đã kết thúc, với kết quả đảng Dân Chủ thành công rực rỡ, đảng Cộng Hòa của Tổng Thống George W. Bush chấp nhận thua cuộc. Với tư cách người lãnh đạo đảng, Tổng Thống Hoa Kỳ đã lên tiếng nhìn nhận phân trách nhiệm của mình, và cho hay đã sẵn sàng làm việc chung với phe Dân Chủ trong môi trường chính trị hoàn toàn mới.

BushNancyPelosi150.jpg
Tổng thống Bush bắt tay với bà Nancy Pelosi, nữ Chủ tịch Hạ Viện đầu tiên trong lịch sử chính trị Hoa Kỳ hôm 9-11-2006. AFP PHOTO

Một số quan sát viên chính trị ở thủ đô Washington cho rằng cuộc bầu cử vừa xong cách đây vài ngày không chỉ thay đổi bộ mặt chính trị của nước Mỹ, mà có thể thay đổi cả chính sách của Hoa Kỳ trong những ngày sắp đến. Liệu dự đoán đó có đáng tin cậy hay không? Nếu thay đổi thì thay đổi như thế nào?

Ðó là câu hỏi chúng tôi đặt ra với Tiến Sĩ Paul Abramson, một trong những quan sát viên bầu cử nổi tiếng của nước Mỹ. Tiến sĩ Abramson cũng là tác giả của nhiều quyển sách viết về bầu cử và nền chính trị Hoa Kỳ. Cùng với một số các chuyên gia khác, ông đang soạn thảo quyển sách nói về cuộc bầu cử giữa kỳ 2006 và cuộc bầu cử Tổng Thống sẽ diễn ra ở Mỹ vào năm 2008.

Như thường lệ, cuộc nói chuyện do Nguyễn Khanh thực hiện và chúng tôi xin gửi đến quý thính giả trong khuôn khổ Tạp Chí Câu Chuyện Thời Sự Hàng Tuần.

Nguyễn Khanh: Cám ơn Tiến Sĩ đã bỏ thì giờ nói chuyện với chúng tôi. Hỏi thật Tiến Sĩ có ngạc nhiên với kết quả cuộc bầu cử không?

Tiến Sĩ Paul Abramson: Có chứ!!! Tôi ngạc nhiên vì Ðảng Dân Chủ chiếm đa số ở Thượng Viện. Trước ngày bầu cử diễn ra, hầu như ai cũng nói là phe Dân Chủ sẽ chiếm Hạ Viện, ít người nghĩ bây giờ Ðảng Dân Chủ điều khiển cả Thượng lẫn Hạ Viện, và đó chính là điều tôi ngạc nhiên.

Cuộc trưng cầu dân ý

Tôi muốn nói rõ hơn là ở nhiều nước khác, cuộc bầu cử giữa kỳ thường được dùng để đánh giá chính sách đối nội, nhưng đặc biệt ở Hoa Kỳ năm nay, cuộc bầu cử được xem là để đánh giá chính sách đối nội lẫn đối ngoại của ông Bush. Ngay từ đầu, nhưng cuộc thăm dò cử tri đã cho chúng ta thấy rõ là người dân Mỹ nghĩ gì về cuộc chiến Iraq, nghĩ gì về chiến lược đang được áp dụng ở Iraq.

Nguyễn Khanh: Giới truyền thông Mỹ gọi cuộc bầu cử giữa kỳ năm nay là một cuộc trưng cầu dân ý ở cấp toàn quốc. Tiến Sĩ có đồng ý với lối so sanh như thế không?

Tiến Sĩ Paul Abramson: Cuộc bầu cử giữa kỳ năm nay được coi là một cuộc trưng cầu dân ý, xem người dân Mỹ đồng ý hay không đồng ý với chính sách của Tổng Thống Hoa Kỳ George W. Bush, nhất là chính sách đang thực hiện ở Iraq.

Tôi muốn nói rõ hơn là ở nhiều nước khác, cuộc bầu cử giữa kỳ thường được dùng để đánh giá chính sách đối nội, nhưng đặc biệt ở Hoa Kỳ năm nay, cuộc bầu cử được xem là để đánh giá chính sách đối nội lẫn đối ngoại của ông Bush. Ngay từ đầu, nhưng cuộc thăm dò cử tri đã cho chúng ta thấy rõ là người dân Mỹ nghĩ gì về cuộc chiến Iraq, nghĩ gì về chiến lược đang được áp dụng ở Iraq.

Nguyễn Khanh: Trước một tình huống chính trị không được thuận lợi vì đảng Dân Chủ bây giờ nắm cả Thượng Viện và Hạ Viện, theo Tiến Sĩ thì ông Bush phải làm gì như vậy?

Tiến Sĩ Paul Abramson: Tôi nghĩ đã đến lúc ông Bush phải sửa đổi đường lối cứng rắn của mình, phải dung hòa hơn để có thể làm việc với phe Dân Chủ. Chắc ông còn nhớ trước đây, ông Bush thường nói ông là một nhà lãnh đạo xây dựng đoàn kết chứ không phải là người gây chia rẽ, đây là thời điểm để ông Tổng Thống Mỹ chứng tỏ điều đó.

Ðừng quên trong những năm vừa qua, đôi khi ông Bush muốn chứng tỏ là người có quyền tối thượng vì được dân bầu lên làm Tổng Thống. Bây giờ tình hình đã khác hẳn, ông phải biết nhân nhượng, chia sẻ quyền hành với phe Dân Chủ để cùng làm việc cho quốc gia và chỉ có cách đó thì Chính Quyền mới làm việc được.

Nguyễn Khanh: Tiến Sĩ vừa bảo Tổng Thống Bush phải nhân nhượng. Không đầy 24 tiếng đồng hồ sau khi cuộc bầu cử kết thúc, ông Bush loan báo thay thế ông Tổng Trưởng Quốc Phòng Donald Rumsfeld, liệu như vậy đã đủ chưa?

Tôi đặt câu hỏi này vì từ đầu năm đến giờ, phía Ðảng Dân Chủ liên tục đòi ông Rumsfeld từ chức. Liệu chúng ta có thể coi chuyện ông Rumsfeld ra đi là thiện chí của ông Bush đối với phe Dân Chủ được không?

Tiến Sĩ Paul Abramson: Tôi nghĩ chuyện phải thay đổi người điều khiển ngành quốc phòng được thảo luận từ trước ngày cuộc bầu cử diễn ra. Tôi không biết liệu phía đảng Dân Chủ có coi đó là bằng chứng thiện chí của ông Bush, hay họ coi đây là chuyện mà sớm muộn gì ông Bush cũng phải làm? Ðiều quan trọng là bây giờ ông Rumsfeld đã ra đi, và đây là điều mọi người đều có thể đoán trước được.

DemocratParty200.jpg
Đảng Dân chủ vui mừng thắng lợi trước kết quả cuộc bầu cử Quốc Hội giữa kỳ hôm 7-11-2006. AFP PHOTO

Thay đổi chính sách?

Nguyễn Khanh: Theo Tiến Sĩ, chuyện thay ông Rumsfeld là quyết định thay đổi mang tính thực chất hay chỉ là thay đổi bề ngoài?

Tiến Sĩ Paul Abramson: Đó là một thay đổi rất quan trọng. Tôi không vội đi quá xa để coi đó là thay đổi thực chất, nhưng cũng không thể chối cãi đó là thay đổi rất quan trọng. Lý do khiến tôi nói như vậy vì sớm muộn gì chúng ta cũng sẽ thấy chính sách của Hoa Kỳ với Iraq sẽ có thay đổi, nhưng nếu bảo rằng thay đổi rất lớn thì chưa hẳn.

Quyết định thay ông Rumsfeld quả là một quyết định quan trọng, nhưng chưa hẳn chính sách quân sự của Hoa Kỳ sẽ thay đổi, chẳng hạn như ở Ðông Á, hay chính sách thân Do Thái hay chính sách đối với các nước khác ở Trung Ðông sẽ thay đổi.

Theo tôi, cả chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ cũng không thay đổi. Tôi biết là có một số nước Châu Âu vui khi nghe tin ông Rumsfeld ra đi và Ðảng Dân Chủ nắm đa số ở lưỡng viện quốc hội, nhưng đừng vội nghĩ những thay đổi này sẽ ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại của nước Mỹ.

Nguyễn Khanh: Ông dự đoán có thêm nhân vật nào phải ra đi nữa không? Phó Tổng Thống Dick Cheney hay ông cố vấn chính trị Karl Rove chẳng hạn?

Tiến Sĩ Paul Abramson: Không, tôi không nghĩ như thế đâu. Phó Tổng Thống là người được dân chúng bầu lên cho nhiệm kỳ 4 năm và không có lý do gì khiến ông Cheney phải ra đi cả. Một điểm ông cần phải biết là ông Bush đang ở nhiệm kỳ 2, hiến pháp không cho ứng cử thêm nữa, nên chính ông Bush cũng chẳng muốn chuyện thất bại qua cuộc bầu cử giữa kỳ trở thành chuyện quá to tát, to đến độ phải yêu cầu chính ông Phó của mình từ chức.

Ðương nhiên, ông Bush có quyền yêu cầu ông Cheney ra đi, nhưng tôi không nghĩ ông Tổng Thống sẽ làm điều này. Trường hợp ông Karl Rove thì khác, ông Rove được ông Bush mời làm việc và có thể ra đi bất kỳ lúc nào, nhưng tôi nghĩ ông Rove cũng sẽ ở lại.

Theo tôi, phe Dân Chủ cần phải có một chính sách mềm mỏng hơn, hợp tác với các đồng viện Cộng Hòa. Dù đang nắm khối đa số ở cả Thượng lẫn Hạ Viện, nhưng phía Dân Chủ cũng phải hiểu là số ghế đại biểu họ có được chẳng hơn số ghế đại biểu Cộng Hòa là bao nhiêu cả, thành ra tôi còn thấy điều đầu tiên là phía Dân Chủ phải bắt tay với những vị dân cử của đảng Cộng Hòa thuộc thành phần ôn hòa, không quá bảo thủ.

Chỉ có điều là trước đây, phía đảng Cộng Hòa xem ông Rove là kiến trúc sư trưởng, giúp đảng và giúp ông Bush thành công ở các cuộc bầu cử 2000, 2002 và 2004, nhưng bây giờ sau thất bại chính trị mới xảy ra, tôi không rõ là những người mơ ước đại diện cho đảng ra tranh chức Tổng Thống nhiệm kỳ tới có định dùng ông Rove hay không.

Nước Mỹ chia đôi?

Nguyễn Khanh: Chúng ta đã nói đến vị trí của đảng Cộng Hòa, của Tổng Thống George W. Bush. Bây giờ chúng ta nói đến đảng Dân Chủ. Sau chiến thắng vừa đạt được, Tiến Sĩ nghĩ Ðảng Dân Chủ nên có thái độ như thế nào?

Tiến Sĩ Paul Abramson: Đây là điều khó có thể biết được. Theo tôi, phe Dân Chủ cần phải có một chính sách mềm mỏng hơn, hợp tác với các đồng viện Cộng Hòa. Dù đang nắm khối đa số ở cả Thượng lẫn Hạ Viện, nhưng phía Dân Chủ cũng phải hiểu là số ghế đại biểu họ có được chẳng hơn số ghế đại biểu Cộng Hòa là bao nhiêu cả, thành ra tôi còn thấy điều đầu tiên là phía Dân Chủ phải bắt tay với những vị dân cử của đảng Cộng Hòa thuộc thành phần ôn hòa, không quá bảo thủ.

Với thành phần lãnh đạo của cả hai đảng, tôi thấy họ đều lên tiếng nói sẽ hòa giải, hòa hợp, bỏ những bất đồng quá khứ để cùng nhau đi đến tương lai cho quốc gia. Hy vọng lời nói sẽ đi đôi với việc làm.

Nguyễn Khanh: Câu hỏi cuối của chúng tôi là khi nhìn nước Mỹ sau ngày bầu cử, người dân nước khác có thể rõ ràng bảo nước Mỹ bây giờ chia đôi rồi. Làm sao Tiến Sĩ trả lời được điều đó? Xin lỗi trước là tôi hy vọng không đặt câu hỏi quá khó cho Tiến Sĩ.

Tiến Sĩ Paul Abramson: Rõ ràng ông đặt một câu hỏi quá khó. Nếu có ai đặt vấn đề đó, tôi sẽ trả lời như thế này: xưa nay, thể chế chính trị lưỡng đảng của Mỹ thường chia đôi chính quyền, một đảng nắm hành pháp, một đảng nắm lập pháp, nhờ đó mà Chính Phủ hoạt động hữu hiệu hơn nhiều. Ðiều này thể hiện rất rõ từ sau thế chiến thứ Hai. Tôi nghĩ người dân những nước khác đừng vội nghĩ rằng quyền hành bị chia đôi có nghĩa là dân Mỹ chia rẽ.

Nguyễn Khanh: Thay mặt thính giả của Ban Việt Ngữ Ðài Á Châu Tự Do, xin cám ơn Tiến Sĩ Abramson.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.