Nguyễn Khanh, phóng viên RFA
Chuyến viếng thăm Châu Á của Bà Ngoại Trưởng Hoa Kỳ, căng thẳng ở eo biển Ðài Loan sau ngay Quốc Hội Trung Quốc thông qua luật chống ly khai, việc các công ty dầu hỏa của Trung Quốc, Philippines và Việt Nam đồng ý hợp tác nghiên cứu chung để tìm hiểu về các giếng dầu dự trữ và khí đốt tại Trường Sa là đề tài được báo chí nói đến trong 7 ngày qua, và chúng tôi thu thập để gửi đến quý thính giả trong khuôn khổ Tạp Chí Truyền Thông Quốc Tế tuần này.
Một ngày sau khi Quốc Hội Trung Quốc thông qua luật chống ly khai, báo chí Hồng Kông đã dành nhiều giấy mực để bình phẩm về luật mới được Bắc Kinh ban hành. Trong bài bình luận ủng hộ đạo luật đang gây sôi nổi khắp nơi, tờ Minh Pao nhắc lại lời Thủ Tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo nói rằng Bắc Kinh không bao giờ chịu khuất phục trước những áp lực từ bên ngoài, và ca ngợi thế hệ đang lãnh đạo Hoa Lục đang làm chủ tất cả những biến chuyển chính trị liên quan đến tình hinh eo biển Ðài Loan.
Bài bình luận của tờ Minh Pao viết:
Sự kiện Quốc Hội Trung Quốc thông qua luật chống ly khai cho thế giới bên ngoài biết nguyên tắc chỉ có một nước Trung Hoa không phải là một khẩu hiệu trống rỗng. Những hành động và phản ứng cực đoan của đảng Dân Chủ Tiến Bộ đang cầm quyền ở Ðài Loan chứng tỏ cho thấy sự cần thiết phải có một đạo luật như vậy.
Tờ Hsing Pao, một nhật báo chú trọng nhiều về kinh tế, cũng đưa ra nhận định cho rằng luật được ban hành với mục đích không để Ðài Loan tuyên bố độc lập và đẩy nhà cầm quyền Ðài Bắc đến chỗ phải ngồi vào bàn hội nghị nói chuyện thống nhất đất nước với Bắc Kinh. Riêng với Hoa Kỳ, bài bình luận mang nhan đề Lợi Dụng Dịp Luật Chống Ly Khai Ra Ðời, Hoa Kỳ Muốn Kềm Hãm Trung Quốc của tờ Hsing Pao viết rằng:
Mặc dù biết rõ lý do và mục tiêu của luật chống ly khai, nhưng Washington vẫn dùng cơ hội này để đưa ra những phản ứng nhắm thẳng vào Trung Quốc. Ðiều đó minh định Hoa Kỳ không chỉ muốn nói đến luật mới được Quốc Hội Hoa Lục thông qua, mà còn muốn tăng ảnh hưởng của họ ở toàn vùng Châu Á.
Bài bình luận viết tiếp:
Sau khi Tổng Thống George W. Bush đắc cử nhiệm kỳ hai, Hoa Kỳ đẩy mạnh chủ thuyết bá quyền của họ bằng danh nghĩa chống khủng bố, chống phát triển võ khí… Riêng với Trung Quốc, Washington một mặt phản đối việc EU bãi bỏ cấm vận võ khí, mặt khác lại cùng với Nhật Bản can thiệp vào chuyện eo biển Ðài Loan. Luật Chống Lý Khai là cơ hội để Hoa Kỳ giải thích với thế giới là họ có bằng chứng rõ rệt về mối đe dọa của Trung Quốc mà họ từng nói đến trước đây.
Tờ Ping Kuo Jih Pao, một tờ báo thường lên tiếng chỉ trích nhà cầm quyền đặc khu Hồng Kông, lại lên tiếng cho rằng Chính Phủ Bắc Kinh đã sai lầm khi thông qua luật này, vì tạo thêm những trở ngại không cần thiết cho quan hệ ngang qua eo biển. Bài bình luận cho rằng:
Luật mới được Quốc Hội Trung Quốc thông qua không có nghĩa là ngay tức khắc, quan hệ giữa Hoa Lục và Ðài Loan sẽ trở nên xấu hơn. Nhưng rõ ràng, luật chống ly khai đã làm giảm bớt nhưng cơ hội cho quan hệ hai bên phát triển, khiến người dân Ðài Loan thêm nghi ngờ và tăng thêm bất mãn với Bắc Kinh. Từ đó, quan hệ giữa Ðài Loan và Hoa Lục sẽ trở nên xấu hơn.
Tờ The Manila Times xuất bản ở Philippines thì cho rằng điểm nóng của Châu Á bây giờ chính là vùng eo biển Ðài Loan, vì với luật mới được Quốc Hội thông qua, giới lãnh đạo Bắc Kinh có thể sẽ sử dụng giải pháp quân sự để tấn công Ðài Bắc. Bài bình luận mang nhan đề “Áng Mây Chiến Tranh Bao Phủ Cả Eo Biển Ðài Loan” viết tiếp:
Kể từ đầu thập kỷ 70, Hoa Kỳ đã dần dần công nhận chỉ có một nước Trung Hoa và Ðài Loan là một phần lãnh thổ của Hoa Lục. Mặc dù có những vị Tổng Thống Mỹ tuyên bố là quân đội Hoa Kỳ sẽ bảo vệ an ninh cho Ðài Loan, nhưng những bản hiệp ước đã được ký kết giữa Bắc Kinh và Washington lại nói khác.
Ngay cả thế giới, cũng như cả Liên Hiệp Quốc, đều tin rằng Ðài Loan là một phần của Hoa Lục. Và như thế, liệu có ai lên tiếng phàn nàn nếu Chính Phủ trung ương của một nước quyết định đưa quân tấn công một tỉnh muốn ly khai như Ðài Loan hay không? Nói ngắn gọn, chuyện Ðài Loan muốn tuyên bố độc lập là điều hầu như chẳng được mấy ai chấp nhận về cả mặt luân lý lẫn mặt pháp luật. Ðúng, chẳng dễ gì để Bắc Kinh nói sẽ tấn công Ðài Bắc ở thời chiến tranh lạnh, nhưng bây giờ thì Bắc Kinh có thể nói điều đó, và hơn nữa, còn có cả khả năng để lấy lại Ðài Loan.
Nữ Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Condoleeza Rice hiện đang công du Châu Á. Ðây là chuyến đi Châu Á đầu tiên của Bà với tư cách người cầm đầu ngành ngoại giao, và được coi là nhằm mục đích thắt chặt quan hệ với vùng đất rộng lớn nhất và đông dân nhất của thế giới, sau khi Washington bị chỉ trích là ở 4 năm đầu làm Tổng Thống, ông George W. Bush đã bỏ quên Châu Á. Trong chuyến đi, Bà Ngoại Trưởng Mỹ sẽ ghé thăm nhiều quốc gia, trong đó có Ấn Ðộ, Pakistan, Afghanistan, Trung Quốc, Nhật Bản và Nam Hàn.
Nhận định về chuyến đi của Bà Ngoại Trưởng Mỹ, nhật báo The Wall Street Journal cho rằng Hoa Kỳ có thể kiềm chế được thế lực chính trị lẫn quân sự của Trung Quốc ở Châu Á, nếu Washington đồng ý mở một quan hệ mới, tốt hơn, chặt chẽ hơn, với New Delhi. Chúng tôi xin được trích dẫn một đoạn để gửi đến quý thính giả.
Ấn Ðộ đang chú tâm vào việc phải trở thành một quốc gia có thế lực về chính trị, kinh tế và quân sự trong vùng, để đối phó với ảnh hưởng đang gia tăng của Trung Quốc cũng như để kềm hãm những ý định của Bắc Kinh. Sau Trung Quốc, Ấn là nước sử dụng nhiên liệu nhiều nhất ở Châu Á, và trong lúc chạy đua tìm nguồn cung cấp dầu và hơi đốt đang bộc phát, Ấn không thể để yên cho Trung Quốc toàn quyền thương thảo với những nước Trung Ðông và với Nga. Cạnh tranh giữa Ấn và Trung Quốc phải được tiến hành một cách thận trọng, vì nền hòa bình, ổn định lâu dài của Châu Á là điều mọi quốc gia đều quan tâm đến, trong đó có cả Hoa Kỳ.
New Delhi đang muốn nâng cấp hay thay đổi các loại vũ khí trang bị cho hải quân và không quân của họ, và đang tìm mua những khí cụ tốt nhất với giá phải chăng nhất. Theo tiến trình của kế hoạch Ðối Tác Chiến Lược, Hoa Kỳ đã cam kết mở rộng quan hệ với Ấn về các lãnh vực phi đạn quốc phòng, kỹ thuật không gian, sản xuất năng lượng hạt nhân dân sự và trao đổi kỹ thuật cao. Nhưng khi coi Hoa Kỳ là đối tác chính để mua võ khí mới và để nâng cấp quân sự, New Delhi cũng muốn cho Washington hiểu là họ mong có quan hệ chặt chẽ hơn với Hoa Kỳ.
Tạp Chí Truyền Thông Quốc Tế tuần này xin kết thúc với bài bình luận của Tân Hoa Xã, được viết nhân dịp các công ty dầu của Philippines, Trung Quốc và Việt Nam ký thỏa hiệp thực hiện một cuộc nghiên cứu địa chấn chung tại Trường Sa, một quần đảo ở biển Ðông mà nhiều nước đang tranh chấp chủ quyền.
Mặc dù ông Eduardo Manalac, Chủ Tịch Công Ty Dầu Khí quốc doanh Philippines cho hay cuộc nghiên cứu này chỉ mang tính cách thương mại và không liên quan gì tới những tuyên bố về chính trị và chủ quyền lãnh thổ, nhưng cũng không thể phủ nhận sự hợp tác đã góp phần khai thông về mặt ngoại giao và an ninh trong khu vực. Và đó cũng chính là điều được nói đến trong bài nhận định mang nặng tính chính trị của Tân Hoa Xã, cơ quan thông tấn chính thức của nhà nước Bắc Kinh. Bài bình luận có đoạn viết như sau:
Hợp tác chính là điều đã được Cố Lãnh Tụ Ðặng Tiểu Bình của Trung Quốc từng đưa ra để giải quyết tranh chấp theo đường lối hòa bình, khi ông nói rằng các nước liên hệ cần "bỏ qua một bên những bất đồng và cùng nhau nghiên cứu khai thác trong khu vực để có lợi chung". Quyết định hợp tác cũng chứng tỏ cho thấy 3 nước đã đi vào hành động, cùng thực hiện Bản Tuyên Bố Về Cách Ứng Xử Ở Biển Ðông được ký kết hồi năm 2002 giữa Trung Quốc và ASEAN, và thỏa hiệp mới được ký kết giữa 3 nước sẽ giúp giải quyết tranh chấp ở Biển Ðông và góp phần tạo dựng hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực.