Quan điểm truyền thông quốc tế (ngày 5-8-2005)

Nguyễn Khanh, phóng viên đài RFA

Cuộc đàm phán tìm hòa bình cho bán đảo Triều Tiên, việc Tổng Thống Hoa Kỳ George W. Bush quyết định chọn ông John Bolton làm đại sứ Mỹ ở Liên Hiệp Quốc, tình hình Trung Ðông sau ngày Quốc Vương Fahd của Ả Rập Xê Út từ trần, quan hệ giữa Nhật Bản-Trung Quốc là những đề tài được báo chí thế giới nói đến trong 7 ngày qua. Như thường lệ, chúng tôi ghi nhận để gửi đến quý vị trong khuôn khổ Tạp Chí Quan Ðiểm Truyền Thông Quốc Tế hàng tuần.

Tân Ðại sứ Mỹ tại LHQ

Chúng tôi xin được bắt đầu với sự kiện Tổng Thống Hoa Kỳ chính thức chọn ông John Bolton vào chức vụ đại sứ Mỹ ở Liên Hiệp Quốc. Quyết định mới được ông Bush thông báo hôm Thứ Hai đầu tuần, vào đúng lúc các đại biểu Quốc Hội Liên Bang Hoa Kỳ nghỉ hè hàng năm. Ông Bush đã dùng quyền hiến định để làm điều này, vì hiến pháp Hoa Kỳ quy định tất cả mọi người được Tổng Thống đề cử đều phải được Thượng Viện thông qua, nhưng không phải làm điều này trong trường hợp Quốc Hội nghỉ họp.

Chúng tôi xin gửi đến quý thính giả phát biểu của Tổng Thống Mỹ khi loan báo chọn ông Bolton làm tân đại sứ Mỹ ở Liên Hiệp Quốc.

Phát biểu đầy tính thuyết phục của ông Bush vẫn chưa đủ để báo chí Hoa Kỳ và thế giới tán đồng với quyết định chọn ông Bolton. Hầu hết báo chí xuất bản tại Mỹ đều nhìn nhận quyết định của Tổng Thống George W. Bush là quyết định gây tranh cãi, cho dù bài bình luận của tờ USA Today và của tờ the Washington Post xác định những lời chỉ trích được đưa ra đều nói về lề lối làm việc của ông tân đại sứ. Tờ The New York Times thì gọi việc cử Bolton chứng tỏ Tổng Thống Bush không mấy tôn trọng Liên Hiệp Quốc và giới ngoại giao.

Ở Nam Hàn, nhật báo The Korea Times viết rằng mặc dù các nước ngoài không ảnh hưởng gì đến nền ngoại giao của Mỹ, nhưng quyết định của Tổng Thống Bush sẽ tạo cơ hội cho nước khác xầm xì vì người được chọn là thuộc nhóm cực kỳ cực đoan trong thành phần tân bảo thủ.

Bài bình luận của tờ The Korea Times viết tiếp: Với tư cách phụ tá Ngoại Trưởng Mỹ, ông Bolton đã đến thăm Nam Hàn hồi 2003, trước khi vòng đàm phán đầu tiên của cuộc hội đàm 6 bên nhóm họp tại Bắc Kinh. Trong bài phát biểu, ông Bolton gọi lãnh tụ Kim jong-il của Bình Nhưỡng là tên độc tài tàn nhẫn và gọi đời sống của người dân Bắc Hàn là cơn ác mộng dưới địa ngục. Sau đó, Ðại sứ Mỹ ở Hán Thành là ông Thomas Hubbard đã ngỏ lời cám ơn ông phụ tá Ngoại Trưởng, không phải vì ông phụ tá đã lên án Bắc Hàn, mà vì ông phụ tá không đưa ra lời chỉ trích đồng minh miền Nam. Chính ông đại sứ Hubbard cũng kể lại rằng có lần ông Bolton định ném cái điện thoại đang cầm trên tay chỉ vì được thông báo rằng không thể dàn xếp để ông gặp Tổng Thống tân cử Nam Hàn Roh Moo-huyn.

Vẫn theo nhật báo The Korea Times: Một số người Nam Hàn hân hoan trước tin ông Bolton rời Bộ Ngoại giao, coi đó là một dấu hiệu tốt cho tình hình khu vực. Nhưng, mối lo âu lớn nhất mà người dân Nam Hàn đang có là nhà ngoại giao nóng nẩy, có lối nói thẳng thừng như vậy lại có mặt ở Liên Hiệp Quốc vào đúng lúc căng thẳng hạt nhân do Bắc Hàn và Iran gây nên có thể được đưa ra bàn thảo trước Hội Ðồng Bảo An. Nhưng với vòng đàm phán tìm hòa bình cho bán đảo Triều Tiên vẫn tiếp diễn ở Bắc Kinh, có lẽ mục tiêu đầu tiên của ông Ðại Sứ Bolton sẽ là Iran.

Dĩ nhiên, vai trò và các hoạt động của ông Bolton có giới hạn, vì ông phải đi theo chính sách của Tổng Thống và Bà Ngoại Trưởng Mỹ. Dù thế, ông vẫn phải học thuộc lòng câu mà ông Tổng Thư Ký Kofi Annan đã nói là để thành công, một vị đại sứ cần nhớ là phải thuyết phục được 190 người khác –hay phần lớn những người này-. Ðây cũng là điều mà chính Tổng Thống George W. Bush cần ghi nhớ. Trong những năm qua, thế giới có cái nhìn xấu với Chính Quyền của ông Bush. Lý do lớn nhất là vì chính sách đơn phương mà ông Bush cho thực hiện, và chuyện cử ông Bolton làm đại sứ ở Liên Hiệp Quốc phản ánh thật rõ điều đó, đồng thời cũng cho thấy Washington chưa sẵn lòng sửa đổi.

Ảrập Xê-út thời hậu quốc vương Fahd

Sau ngày Quốc Vương Fahd của Ả Rập Xê Út từ trần và em trai của ông là Hoàng Tử Abdullah được chọn để thay thế, câu hỏi đang được đặt ra là liệu tân Chính Quyền sẽ giải quyết thế nào với những phần tử qúa khích Hồi Giáo từng được Riddyah yểm trợ và hiện đang ẩn náu trong vương quốc dầu hỏa này.

Về vấn đề này, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài bình luận của nhật báo The National Post xuất bản tại Canada. Bài báo viet rằng mặc dù trong thời gian gần đây, Ả Rập Xê Út đã tham gia vào các hoạt động của thế giới để truy lùng các tên khủng bố quốc tế, nhưng vấn đề không kết thúc ở đó:

Ðiều mà Ả Rập Xê Út vẫn chưa làm là đình chỉ hẳn tất cả mọi hoạt động có thể làm lợi cho bọn khủng bố. Hoàng gia Ả Rập Xê Út với 7,000 hoàng tử, hoàng thân và 22,000 bà vợ, vẫn là thành phần giúp đỡ cho bọn khủng bố nhiều nhất, giúp chúng hoạt động ngay ở những nước thuộc hay không thuộc khối Ả Rập. Gần 80% các thánh đường Hồi Giáo ở Anh, ở Âu Châu, và gần phân nửa thánh đường ở Bắc Mỹ nhận sự trợ giúp của Ả Rập Xê Út, trong đó có nhiều thánh đường quy tụ những kẻ cực đoan.

Bài bình luận của tờ The National Post ở Canada viết tiếp rằng việc loại trừ những tư tưởng cực đoan và các phần tử cực đoan là điều không dễ làm, nhưng: Nếu muốn, chính quyền Ả Rập Xê út có thể giúp bao vây được bọn khủng bố. Nhưng khi nào Tân Vương chưa cương quyết đòi hỏi anh em ruột, anh em cùng cha khác mẹ của Ngài và mọi người trong hoàng tộc phải chấm dứt yểm trợ cho các tổ chức Hồi Giáo quá khích, thì tình trạng khủng bố vẫn còn.

Ðã đến lúc Chính Phủ Ả Rập Xê Út cần phải đổi mới. Và việc Tân Vương Abdullah lên ngôi là một cơ hội để các nước Tây Phương nhắc nhở Ngài phải làm điều đó.

Thứ Ba vừa qua, Nhật Bản cho công bố quyển “sách trắng” hàng năm, trong đó nói rằng không chỉ phải theo dõi sát việc Trung Quốc hiện đại hóa quân sự và tăng cường hoạt động trên biển, mà các hoạt động của Bắc Kinh còn khiến cho Tokyo phải duyệt xét lại hệ thống phòng thủ của chính mình.

Ngay tức khắc, Chính Quyền Bắc Kinh phản ứng, cho rằng ngôn từ trong quyển “sách trắng” của Nhật Bản sẽ gây trở ngại cho quan hệ song phương. Nhưng bài bình luận đăng trên tờ Trung Quốc Nhật Báo xuất bản tại Bắc Kinh lại đưa ra thái độ và quan điểm cứng rắn hơn, viết rằng Nhật Bản sử dụng Trung Quốc là cái cớ để sửa đổi hiến pháp, gia tăng hoạt động về quân sự mà một số chính trị gia Nhật đang muốn làm:

Chẳng có gì khó khăn để tìm thấy móng vuốt và nanh nhọn ẩn núp trong đề nghị cải tổ hiến pháp. Ý kiến sửa đổi hiến pháp mà đảng đương quyền tại Nhật Bản đưa ra nhắm vào mục đích duy nhất là mở rộng địa bàn hoạt động về quân sự. Ðó chính là điều phải lo sợ.

Và kết luận: Hình ảnh mà Nhật Bản đang vẽ cho thế giới thấy là họ là nạn nhân duy nhất của võ khí hạt nhân. Ðiều đó chứng tỏ họ không thật tâm hối hận về những gì đã làm với các nước khác dưới thời thế chiến thứ hai. Không những chẳng hối hận với lương tâm, Nhật Bản bây giờ còn toan tính chuyện biến mình thành một lực lượng quân sự gây đe dọa cho toàn vùng.

Bạch thư quốc phòng của Nhật Bản