Nạn khủng bố và các vấn đề an ninh tại khu vực Đông Nam Á
2006.05.26
Nguyễn Khanh, phóng viên đài RFA
Trong một thập kỷ qua, Ðông Nam Á phải đương đầu với nhiều khủng hoảng, từ khủng hoảng về tài chánh, về an ninh, khủng hoảng do thiên tai gây nên cho đến những áp lực từ phía bên ngoài cũng như của chính người dân trong nước đòi phải đổi mới thêm nữa.
Mặc dù từ những năm cuối thế kỷ 20, Ðông Nam Á đã được thế giới coi là khu vực phát triển kinh tế thật đáng kể, nhưng tương lai của vùng đất này vẫn khiến mọi người lo âu, đặc biệt trong thời gian gần đây khi tin tức về các hoạt động của những tổ chức tranh đấu đòi tự trị và của những phần tử khủng bố trong vùng xuất hiện khá nhiều trên mặt báo.
Trước những khó khăn, thử thách liên tục xảy ra như vừa nói, liệu các nước Ðông Nam Á sẽ giải quyết như thế nào? Tự lo được, hay phải nhờ đến giúp đỡ của những nước khác? Ðó là những câu hỏi mà Ban Việt Ngữ Ðài Á Châu Tự Do chúng tôi đặt ra với vị khách của tuần này.
Vị khách được mời là Bà Sydney Jones, một khuôn mặt rất quen thuộc với vùng Ðông Nam Á. Bà Jones từng là một nhà tranh đấu cho quyền làm người, từng là một nhân viên cao cấp của Tổ Chức Theo Dõi Nhân Quyền Châu Á, trước khi nhận lời sang Jakarta, Indonesia làm việc với tổ chức tư vấn mang tên Nhóm Nghiên Cứu Về Khủng Hoảng quốc tế .
Như thường lệ, cuộc nói chuyện do Nguyễn Khanh thực hiện nhân dịp Bà Jones có mặt ở thủ đô Washington, và Ban Việt Ngữ Ðài Á Châu Tự Do chúng tôi xin gửi đến quý vị trong khuôn khổ tạp chí Câu Chuyện Thời Sự Hàng Tuần.
Nguyễn Khanh: Cám ơn Bà Jones đã dành thì giờ để nói chuyện với chúng tôi. Tại sao bỗng dưng cả thế giới chú ý đến chuyện khủng bố ở Ðông Nam Á?
Bà Sydney Jones: Khu vực Ðông Nam Á được thế giới chú ý đến vì hiện giờ trong vùng có nhiều nhóm hoạt động, ở Thái Lan, Philippines, và Indonesia, và mọi người lo âu là có thể những nhóm này hoạt động theo chỉ thị hay có liên hệ trực tiếp với đường dây khủng bố quốc tế Al-queda.
Nguyễn Khanh: Nhưng Bà cũng rõ là ở Ðông Nam Á có những nhóm hay những tổ chức tranh đấu đòi tự trị, có những nhóm hay tổ chức Hồi Giáo chủ trương khủng bố. Xin được hỏi Bà là có mối liên quan nào giữa các nhóm đòi tự trị và phong trào thánh chiến mà các phần tử khủng bố Hồi Giáo đang vận động không?
Bà Sydney Jones: Tin tức cho thấy những tổ chức Hồi Giáo đang hoạt động ở Philippines có liên hệ với bọn khủng bố, bọn muốn mở rộng cuộc thánh chiến. Nhưng tại Thái Lan thì không.
Các hoạt động của những tổ chức tranh đấu Hồi Giáo trên đất Thái chỉ muốn đòi hỏi quyền lợi, trong đó có cả quyền tự trị, và không có một bằng chứng nào để kết luận là họ liên hệ với các phần tử hay tổ chức hoạt động khủng bố bên ngoài cả. Vì thế, tôi thấy điều quan trọng là chúng ta phải phân biệt rõ thành phần nào là thành phần tranh đấu chính trị, đòi tự trị, và thành phần nào là thành phần hoạt động khủng bố.
Riêng với trường hợp của Philippines, có những bằng chứng nói rằng lực lượng tranh đấu mang tên Mặt Trận Hồi Giáo Thống Nhất và lực lượng khủng bố Jemaah Islamya, và một số phần tử của Islamya có liên quan với nhóm khủng bố của Abu Sayyab. Rõ ràng điều đó có, nhưng chỉ là con số nhỏ chứ không phải tất cả đều hoạt động hay có liên can với khủng bố.
Nguyễn Khanh: Trong suốt bao nhiêu năm trời qua, Bà là người có liên hệ chặt chẽ với vùng Ðông Nam Á. Không nói thì Bà cũng rõ đây là vùng đang xảy ra nhiều khó khăn chưa giải quyết được, giờ lại thêm tệ nạn khủng bố. Theo Bà, các nước Ðông Nam Á có thể tự giải quyết vấn đề được hay không?
Bà Sydney Jones: Tôi nghĩ các nước Ðông Nam Á có thể tự giải quyết vấn đề này, nhưng đồng thời vẫn có chỗ để cho những nước khác đóng góp. Tôi thấy những nước như Indonesia, Singapore, Malaysia đều làm rất tốt, nhưng trường hợp của Thái Lan thì chính phủ nước này giải quyết những vụ nổi dậy ở miền Nam quá tệ và ngay cả Philippines cũng vậy.
Về vai trò yểm trợ của nước ngoài, chúng ta thấy các Chính Phủ như Hoa Kỳ, Australia và trong một số trường hợp, cả EU cũng tham gia vào những hoạt động hỗ trợ cho các chương trình phòng chống khủng bố đang được thi hành ở Ðông Nam Á.
Nguyễn Khanh: Bà mới nói đến nước Mỹ, làm tôi nhớ lại ngay sau biến cố 11 tháng 9. 2001 xảy ra, Tổng Thống Hoa Kỳ George W. Bush nói rằng dân chủ, giáo dục và xây dựng đời sống tốt đẹp hơn cho người dân ở những nước đang phát triển sẽ đánh bại các âm mưu của quân khủng bố. Nhưng ngay trong nhiệm kỳ đầu của ông Bush, Hoa Kỳ hầu như chẳng để ý gì đén các nước Ðông Nam Á cả. Muốn hỏi Bà là liệu có quá trễ để sửa sai không?
Bà Sydney Jones: Tôi không nghĩ là ông Bush bỏ quên Ðông Nam Á đâu. Ngược lại, tôi thấy Hoa Kỳ có những hoạt động rất chặt chẽ với các nước trong khu vực, chẳng hạn như số tiền viện trợ 170 triệu đô la mà Washington cung cấp cho Indonesia để cải tiến hệ thống giáo dục.
Tôi có thể khẳng định là không chỉ ở Indonesia mà trong địa bàn rộng lớn của cả vùng Ðông Nam Á, tất cả các nguồn viện trợ mà Hoa Kỳ đóng góp cho giáo dục đều được sử dụng tốt, vào những mục đích thật chính đáng.
Chính giáo dục là phương tiện hay nhất để thông tin cho mọi người dân biết thế nào là hiểm họa của khủng bố cũng như các âm mưu mà những tổ chức, những phần tử khủng bố muốn làm ngay trên đất nước của họ.
Nguyễn Khanh: Nhưng thưa Bà, giáo dục thôi vẫn chưa đủ. Ngay chính các nhà hoạch định chính sách ở Washington cũng biết như thế…
Bà Sydney Jones: Điều đó đúng. Lý do là vì vấn đề ở mỗi nước mỗi khác, nên không thể áp dụng lối giải quyết đồng bộ được. Tôi xin đơn cử thí dụ Indonesia và Pakistan đều là những quốc gia Hồi Giáo ở Châu Á, nhưng lối suy nghĩ của người dân hai nước về Hoa Kỳ, về Tây Phương khác nhau, dù ngay ở Pakistan hay ở Indonesia, một số nhỏ dân chúng quyết định theo học các trường Hồi Giáo chủ trương cực đoan là vì họ muốn theo học ở các trường đó chứ không phải vì không có trường khác cho họ theo học.
Ông nói đúng, giáo dục không thôi vẫn chưa thể giải quyết được vấn đề. Chúng ta còn phải chú ý đến những khu vực nghèo, làm thế nào tạo thêm công ăn việc làm cho người dân, giúp họ có công ăn việc làm, để họ không bị quyến rũ bởi những lời hứa hẹn của những kẻ muốn lôi kéo họ vào con đường phạm pháp.
Tôi cũng muốn nói thêm với ông là xây dựng nền tảng, cơ chế dân chủ cũng là điều không thể bỏ sót được, và khi nói đến điều này thì theo tôi, tư pháp chính là điều quan trọng nhất. Bởi vì khi người dân thấy được công bằng, thấy họ được bảo vệ bởi pháp luật, lúc đó con số người ngã theo thành phần khủng bố chắc chắn sẽ giảm đi.
Tôi đồng ý với ông là không phải có dân chủ, có công ăn việc làm, có được một nền giáo dục tốt là khủng bố sẽ hết hẳn, nhưng đó là những vấn đề cốt lõi mà tất cả các nước phải làm để ngăn chận khủng bố.
Nguyễn Khanh: Bà có lo ngại là sẽ có Chính Quyền ở Ðông Nam Á lợi dụng lý do chống khủng bố để đàn áp thành phần chống đối không?
Bà Sydney Jones: Tôi nghĩ điều đó có thể xảy ra ở Thái Lan, nhưng ở những nước khác trong khu vực thì không.
Nguyễn Khanh: Xin cám ơn Bà Sydney Jones.
Các tin, bài liên quan
- Các nước Ðông Nam Á sẽ làm gì trước những khó khăn liên tục xảy ra?
- EU hy vọng có thể khởi sự đàm phán thỏa ước tự do mậu dịch với ASEAN
- ASEAN ký thoả hiệp tự do mậu dịch với Nam Hàn
- Hội nghị Bộ trưởng kinh tế ASEAN nhóm họp tại Philippines
- Lá thư Tổng thống Iran gửi Tổng thống Bush chứa đựng những gì?
- Nhận xét của sử gia Larry Berman về cuộc chiến Việt Nam
- Malaysia tổ chức Hội nghị quốc phòng khu vực Đông Nam Á
- Thêm 3 vụ đánh bom quyết tử mới xảy ra ở Ai Cập
- Ít nhất 22 người chết trong các vụ nổ bom khủng bố ở Ai Cập
- Al-Qaeda không liên quan đến vụ khủng bố ở London hồi tháng 7-2005
- Nhật Bản viện trợ 60 triệu đôla cho quỹ chống khủng bố và phát triển ASEAN
- Hoa Kỳ cam kết giúp các nước thành viên ASEAN bài trừ khủng bố
- Hoa Kỳ đề nghị yểm trợ Philippines chống khủng bố
- Malaysia tiếp tục tăng cường các quan hệ mậu dịch và đầu tư với Việt Nam
- Ngoại trưởng Singapore kêu gọi Miến Ðiện đổi mới chính trị
- Quan hệ Mỹ-Ấn-Trung qua chuyến viếng thăm của Tổng thống Bush
- Việt Nam sẽ giảm thuế nhập khẩu đối hàng hóa ICT xuống mức 0%
- Ngoại trưởng Malaysia chỉ trích Miến Điện tìm cách trì hoãn chuyến công tác của ông
- Tường trình Diễn đàn Triển vọng Khu vực năm 2006
- Singapore tổ chức thao dượt qui mô chống khủng bố
- Cuối năm, Báo chí và Thời sự Quốc tế
- Đầu năm 2006 Việt Nam sẽ giảm thuế đối với 27 mặt hàng nhập khẩu
- Việt Nam sẽ giảm thuế nhập khẩu còn tối đa 5% từ đầu năm 2006
- Ðông Nam Á tăng cường an ninh đề phòng khủng bố trong dịp Giáng Sinh và Năm Mới
- Quan điểm Truyền thông Quốc tế (ngày 23-12-2005)