Quan hệ tay ba giữa Hoa Kỳ, Ðài Loan và Trung Quốc

Nguyễn Khanh, phóng viên đài RFA

Quan hệ giữa Trung Quốc và Ðài Loan hầu như lúc nào cũng có dấu hiệu của sóng gió, luôn luôn là đề tài gây sôi nổi ở tầm mức thế giới. Nhưng những năm gần đây mối quan hệ này có vẻ yên ổn hơn, và theo nhận định của một số chuyên gia Châu Á thì Hoa Lục không muốn gây ồn ào ngay trong lúc này vì Bắc Kinh đang sửa soạn cho Olympics 2008.

UsTaiwanChina150.jpg
Tổng thống Đài Loan Trần Thuỷ Biển bắt tay với cựu Đại sứ Hoa Kỳ ở Bắc Kinh ông James Lilley (trái) tại Đài Bắc hôm 25-7-2003. AFP PHOTO

Tuy nhiên, phúc trình mới nhất do Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ phổ biến cho thấy lượng hỏa tiễn Hoa Lục đặt nhắm vào Ðài Loan ngày càng nhiều, khả năng Bắc Kinh mở cuộc tấn công quân sự cũng tăng, trong lúc chính phủ Ðài Bắc đang gặp nhiều khó khăn về chính trị, từ những bất đồng về chính sách giữa đảng đương quyền và phe đối lập, cho đến uy tín chính trị của Tổng Thống Trần Thủy Biển đang xuống thấp, sau khi ông bị cáo buộc liên quan đến những vụ tham nhũng.

Liệu trong những ngày tới có biến chuyển nào ở quan hệ giữa Ðài Loan và Trung Quốc hay không? Quan hệ tay ba giữa Hoa Kỳ, Ðài Loan và Trung Quốc sẽ có những thay đổi gì? Ðó là đề tài được chúng tôi đặt ra trong buổi nói chuyện với ông Dương Vũ Niên, Tổng Thư Ký Viện Nghiên Cứu Chính Sách Quốc Gia của Ðài Loan.

Trong cương vị này, ông còn là cố vấn đặc biệt cho hai vị Bộ Trưởng Ngoại Giao và Quốc Phòng Ðài Bắc. Như thường lệ, cuộc phỏng vấn do Nguyễn Khanh thực hiện và chúng tôi xin được gửi đến quý thính giả trong khuôn khổ Tạp Chí Câu Chuyện Thời Sự Hàng Tuần.

Nguyễn Khanh: Câu hỏi đầu tiên của chúng tôi là theo nhận định của Giáo Sư, hiện giờ quan hệ giữa Ðài Loan và Hoa Kỳ như thế nào?

Ông Dương Vũ Niên: Tôi nghĩ là mối quan hệ Ðài Bắc-Washington khá ổn định và bền vững. Lý do cũng dễ hiểu vì Ðài Loan là một quốc gia dân chủ, và Hoa Kỳ tin tưởng làm việc với một nước dân chủ bao giờ cũng dễ dàng hơn.

Chính phủ hai nước liên hệ với nhau rất chặt chẽ, vì Hoa Kỳ quan tâm đến những chuyện đang xảy ra ở Ðài Bắc, nhất là công cuộc cải cách chính trị, và liên hệ về kinh tế cũng ràng buộc hai nước với nhau. Hai bên cũng có những cuộc gặp gỡ cấp cao để bàn luận làm sao đẩy mạnh phát triển quan hệ hơn nữa.

Quan hệ giữa Ðài Loan và Hoa Lục

Tôi nghĩ là mối quan hệ Ðài Bắc-Washington khá ổn định và bền vững. Lý do cũng dễ hiểu vì Ðài Loan là một quốc gia dân chủ, và Hoa Kỳ tin tưởng làm việc với một nước dân chủ bao giờ cũng dễ dàng hơn.

Nguyễn Khanh: Thế còn quan hệ giữa Ðài Loan và Hoa Lục thì sao?

Ông Dương Vũ Niên: Đang có khó khăn, vì trong bao nhiêu thập kỷ qua, cả hai bên vẫn chưa tạo được các nền tảng căn bản để có thể tin nhau. Bắc Kinh vẫn nghi ngờ Ðài Bắc mưu tính chuyện tuyên bố độc lập, tách rời khỏi Hoa Lục.

Bắc Kinh cũng theo dõi rất sát các biến chuyển chính trị đang xảy ra tại Ðài Bắc, trong đó bao gồm cả việc theo dõi thật sát chương trình cải cách chính trị mà Ðài Loan đang thực hiện, xem diễn tiến như thế nào.

Ðiều hiển nhiên là dưới nhiều hình thức khác nhau, Ðài Loan vẫn phải tìm cách tạo dựng vị thế cho mình, và ngay chính người dân Ðài Loan cũng nghĩ rằng Hoa Lục không có lý do gì để liên can đến chuyện của Ðài Loan cả, điều đó cũng có nghĩa là người dân Ðài Loan không chấp nhận chuyện lệ thuộc vào Bắc Kinh dưới bất cứ hình thức nào, vì hai thể chế chính trị khác nhau, hai lối sống khác nhau, hai lối tư duy cũng khác nhau.

Quan điểm của người dân Ðài Loan là Hoa Lục lo chuyện của Hoa Lục, Ðài Loan lo chuyện của Ðài Loan, đừng tìm cách gây khó khăn cho nhau, hai bên cứ tiếp tục tiến, tiếp tục phát triển về kinh tế cũng như về chính trị.

Nguyễn Khanh: Bắc Kinh thường nói rằng Hoa Lục và Ðài Loan không thể đến gần với nhau chỉ vì lập trường của Tổng Thống Trần Thủy Biển. Là cố vấn đặc biệt cho cả hai vị Bộ Trưởng Ngoại Giao và Quốc Phòng, ông có thể chia sẻ với chúng tôi quan điểm của cá nhân ông trước những chỉ trích mà Bắc Kinh đưa ra được không?

Ông Dương Vũ Niên: Tôi nghĩ rằng cả hai phía đều có những xét đoán sai và hiểu sai vấn đề. Không thể chối cãi là cá nhân Tổng Thống Trần Thủy Biển cũng như đảng Dân Chủ Tiến Bộ do ông lãnh đạo tìm đủ cách để khẳng định Ðài Loan là một quốc gia và gia tăng nỗ lực tạo dựng vị thế cho quốc gia của mình trên trường quốc tế, tìm cách lôi cuốn sự ủng hộ của những nước khác.

Bắc Kinh băn khoăn, hay lo âu, vì họ coi đó là bằng chứng -hay ít nhất thì là dấu hiệu- Ðài Loan muốn tách rời khỏi Hoa Lục. Ðiều Bắc Kinh lo ngại nhất là có thể Ðài Bắc sẽ tổ chức trưng cầu dân ý để người dân Ðài Loan bỏ phiếu xác định quyền tự quyết của mình.

Tôi nghĩ rằng cả hai phía đều có những xét đoán sai và hiểu sai vấn đề. Không thể chối cãi là cá nhân Tổng Thống Trần Thủy Biển cũng như đảng Dân Chủ Tiến Bộ do ông lãnh đạo tìm đủ cách để khẳng định Ðài Loan là một quốc gia và gia tăng nỗ lực tạo dựng vị thế cho quốc gia của mình trên trường quốc tế, tìm cách lôi cuốn sự ủng hộ của những nước khác.

Từ đó, Bắc Kinh không tin vào cá nhân cũng như vào chính phủ của Tổng Thống Trần Thủy Biển, nghĩ rằng chính phủ Ðài Loan hiện giờ đang tìm cách để đạt được những mục tiêu chính trị mà tôi vừa trình bày.

Giải pháp quân sự

Nguyễn Khanh: Như thế, liệu chuyện Hoa Lục sử dụng giải pháp quân sự với Ðài Loan để thống nhất đất nước có khả năng xảy ra không?

Ông Dương Vũ Niên: Trước sự kiện Hoa Lục ban hành luật cấm chia rẽ đất nước, trước sự kiện Hoa Lục không hề tin tưởng vào chính phủ Ðài Bắc, cũng như trước sự kiện chủ nghĩa quốc gia đang ngày một lớn mạnh ở Hoa Lục, tôi cho rằng Bắc Kinh đã vạch ra một lằn ranh thật rõ rệt đối với Ðài Loan, và trong trường hợp giới lãnh đạo Hoa Lục thấy họ không thể ngăn chận được các hoạt động của Ðài Bắc, thì lúc đó, họ không còn cách nào khác hơn nữa.

Thành ra nếu trong tương lai, Ðài Loan tiếp tục các nỗ lực khiến Bắc Kinh nghĩ rằng sẽ đi đến tuyên bố độc lập, lúc đó họ sẽ sử dụng giải pháp iđ ngược lại điều họ vẫn thường gọi là “đường lối ôn hòa” để làm nhụt chí Ðài Loan. Tôi không bao giờ nghĩ Bắc Kinh sẽ đưa quân sang tiêu diệt Ðài Loan, nhưng chắc chắn họ phải có biện pháp để chận đứng các hoạt động của Ðài Bắc.

Ðiều đó có nghĩa quân sự luôn luôn là một giải pháp mà Bắc Kinh có thể áp dụng, để ngăn chận Ðài Loan tuyên bố độc lập, hoặc để ép Ðài Loan phải ngồi vào bàn hội nghị, bàn thảo những điều Bắc Kinh muốn bàn.

Nguyễn Khanh: Các giới chức Mỹ nói rằng đã đến lúc Ðài Loan phải có một quân đội mạnh để tự bảo vệ lấy mình, thay vì cứ trong chờ vào Hoa Kỳ. Từ ngày Tổng Thống George W. Bush hứa bán võ khí cho Ðài Loan đến nay đã 6 năm rồi mà Ðài Bắc vẫn chưa thông qua ngân sách hiện đại hóa quân sự. Thưa Giáo Sư, tại sao vậy?

Ông Dương Vũ Niên: Tôi hiểu lập trường của Hoa Kỳ là nếu các bạn muốn chúng tôi giúp thì các bạn phải tự giúp mình trước. Các viên chức Mỹ thường bảo là nếu Ðài Bắc không phát triển quân sự thì làm sao Washington có thể giúp bảo vệ nền dân chủ của Ðài Loan được.

Nhưng ông đừng quên một mặt, Hoa Kỳ không muốn căng thẳng giữa Ðài Bắc và Bắc Kinh bùng nổ ra, muốn Ðài Loan-Hoa Lục giải quyết với nhau bằng những cuộc thương thuyết hoà bình; mặt khác thì Hoa Kỳ lại tin rằng Ðài Loan cần có một lực lượng quân sự hùng hậu để làm tín hiệu cho Hoa Lục biết rằng các ông không thể dùng giải pháp quân sự với chúng tôi được đâu, và lúc đó, chính Hoa Lục phải tương nhượng.

Tôi hiểu lập trường của Hoa Kỳ là nếu các bạn muốn chúng tôi giúp thì các bạn phải tự giúp mình trước. Các viên chức Mỹ thường bảo là nếu Ðài Bắc không phát triển quân sự thì làm sao Washington có thể giúp bảo vệ nền dân chủ của Ðài Loan được.

Ông cũng đừng quên Ðài Loan là một nước dân chủ, mọi người có quyền bày tỏ ý kiến, đưa ra những giải pháp khác nhau cho đất nước. Có lập luận cho rằng hiện đại hóa quân đội đồng nghĩa với việc thách thức Hoa Lục và lúc đó, cuộc chạy đua võ khí giữa hai bên có thể xảy ra.

Nên nhớ rằng nền kinh tế của Trung Quốc rất mạnh, họ có tiền và có phương tiện để tự chế tạo võ khí, trong khi nếu muốn mua thêm võ khí thì Ðài Loan vẫn phải chờ xem Hoa Kỳ có đồng ý hay không. Những người ủng hộ lập luận này đặt câu hỏi là tại sao lại dùng quân sự để đương đầu với Bắc Kinh, tại sao không tìm những giải pháp khác để giải quyết căng thẳng giữa hai bên, tại sao hai bên không đàm phán, tìm giải pháp dung hòa, tương nhượng lẫn nhau?

Thành ra, chúng ta thấy người dân Ðài Loan có 2 quan điểm khác nhau, và các cuộc tranh luận vẫn tiếp tục xảy ra, khiến Quốc Hội không thể thông qua ngân sách để mua võ khí được. Tôi hiểu điều này khiến cho một số quan chức ở Washington nghĩ là Ðài Loan đặt quyền lợi chính trị lên trên quyền lợi an ninh quốc phòng.

Chính sách của Đài Loan

Nguyễn Khanh: Tôi xin phép được trở lại với Tổng Thống Trần Thủy Biển. Uy tín của Tổng Thống Ðài Loan đang giảm, ông ta lại còn bị cáo buộc tội tham nhũng, bà vợ ông tức là Ðệ Nhất Phu Nhân thì đang bị tòa xét xử. Những điều đó ảnh hưởng thế nào đến hoạt động của nhà lãnh đạo chính phủ Ðài Bắc, đặc biệt là với chính sách mà ông Trần Thủy Biển hoạch định với Hoa Lục?

Ông Dương Vũ Niên: Vài tháng trước đây, người ta thấy ông Trần Thủy Biển gặp khó khăn, mất uy tín với dân, không thể nào làm vai trò lãnh đạo quốc gia được. Tôi nghĩ hiện giờ ông ta vẫn đang gặp khó khăn, nhưng nếu nhìn vào những việc ông ta làm trong những tháng gần đây, chúng ta thấy ông ta đã dần dần lấy lại được uy thế của mình.

Trước hết ông ta đã vượt qua được những trở ngại chính trị, giúp Ðảng Dân Chủ Tiến Bộ đương quyền do ông lãnh đạo thắng cuộc bầu cử thị trưởng vừa rồi, và chính cá nhân Tổng Thống Trần Thủy Biển cũng nỗ lực tối đa để dựng lại tên tuổi của mình với dân chúng và với những người cùng đảng.

Hiện giờ ông Trần Thủy Biển đã vượt qua được nhiều sóng gió, tiếp tục vai trò của một nhà lãnh đạo, tiếp tục hoạch định chiến thuật, chiến lược cho quốc gia.

Ðiểm thứ nhì phải nói đến là ngay chính trong Ðảng Dân Chủ Tiến Bộ cũng có người không đồng ý với ông ta, chỉ trích ông là người bao che cho tham nhũng chẳng hạn, và đương nhiên điều đó gây ảnh hưởng bất lợi cho ông Trần Thủy Biển khi ông làm việc. Nhưng đa số người trong Ðảng vẫn ủng hộ ông Trần Thủy Biển.

Câu hỏi đang được đặt ra là liệu vị tân Tổng Thống Ðài Loan có thể làm gì để giảm bớt căng thẳng giữa các đảng phái chính trị trong nước. Suốt 8 năm qua, chắc ông cũng thấy hầu như là đảng cầm quyền và phe đối lập khó làm việc được với nhau, và tôi e tình trạng này sẽ kéo dài, tạo khó khăn cho vị tân Tổng Thống khi hoạch định chính sách với Bắc Kinh.

Ông Mã Anh Cửu

Nguyễn Khanh: Khi nói chuyện chính trị Ðài Loan, có lẽ cũng phải nói đến người đang được dự đoán sẽ làm Tổng Thống vào năm tới là ông Mã Anh Cửu. Nếu ông Mã lên làm Tổng Thống thì liệu quan hệ Hoa Lục-Ðài Loan có tiến nhanh hơn không?

Ông Dương Vũ Niên: Theo tôi thì nếu đắc cử Tổng Thống vào năm tới, ông Mã Anh Cửu vẫn phải đương đầu với những khó khăn đến từ mối quan hệ với Bắc Kinh cũng như từ môi trường chính trị ở Ðài Loan.

Câu hỏi đang được đặt ra là liệu vị tân Tổng Thống Ðài Loan có thể làm gì để giảm bớt căng thẳng giữa các đảng phái chính trị trong nước. Suốt 8 năm qua, chắc ông cũng thấy hầu như là đảng cầm quyền và phe đối lập khó làm việc được với nhau, và tôi e tình trạng này sẽ kéo dài, tạo khó khăn cho vị tân Tổng Thống khi hoạch định chính sách với Bắc Kinh.

Và Bắc Kinh cũng vậy, khi thấy các đảng phái ở Ðài Loan không đồng thuận với nhau, họ hiểu ngay rằng không thể trông chờ ông Mã Anh Cửu sẽ đưa ra những sáng kiến mới cho quan hệ hai bên, không thể trông chờ ông Mã sẽ phá vỡ những tảng băng đang đóng kín trên quan hệ giữa hai bên.

Nguyễn Khanh: Nếu đắc cử Tổng Thống, liệu ông Mã Anh Cửu có sang thăm Bắc Kinh hay không?

Ông Dương Vũ Niên: Câu trả lời là còn tùy. Tùy ở Bắc Kinh sẽ đón ông Mã với cương vị như thế nào. Người dân Ðài Loan không bao giờ cho phép Tổng Thống của họ sang thăm Hoa Lục chỉ với tư cách là một vị tỉnh trưởng của Trung Quốc, và không biết liệu Trung Quốc có đồng ý đón ông với tư cách một vị Tổng Thống hay không.

Nguyễn Khanh: xin cám ơn Giáo Sư Dương Vũ Niên đã dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn đặc biệt này.