Cuối năm, Báo chí và Thời sự Quốc tế

Nguyễn Khanh, phóng viên đài RFA

Tuần lễ cuối năm, báo chí thế giới nói gì về Tổng Thống Hoa Kỳ George W. Bush và về cuộc chiến Iraq? Ảnh hưởng của Trung Quốc về mặt kinh tế lẫn quân sự được đánh giá ra sao? Ðó là những đề tài mà Ban Việt Ngữ chúng tôi ghi nhận được trong 7 ngày qua, để gửi đến quý thính giả trong khuôn khổ Tạp Chí Quan Ðiểm Truyền Thông Quốc Tế Hàng Tuần.

0:00 / 0:00

Tổng thống Bush và cuộc chiến Iraq

Chúng tôi xin bắt đầu với nhận định của nhật báo Rawalpindi Nawa-e Waqt xuất bản bằng tiếng Urdu ở Pakistan, một tờ báo ủng hộ chủ trương của phe Hồi Giáo bảo thủ. Trong bài bình luận mang nhan đề “Lời Thú Tội Của Tổng Thống Hoa Kỳ Và Chuyện Võ Khí Của Iraq”, tờ báo cho rằng chính ông Bush đã phải nhìn nhận đã dựa theo những tin tình báo sai lầm khi mở cuộc chiến Iraq, và điều đó ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín của nước Mỹ.

Bài bình luận nói không chỉ xảy ra cho trường hợp Iraq, mà ngay cả những tin tức liên quan đến chương trình hạt nhân của Iran mà Washington thường hay đưa ra cũng đáng ngờ vực, và đặt ra nghi án cho rằng có thể Chính Phủ Hoa Kỳ cùng với Do Thái vẫn cố ý dựa theo những tin đáng ngờ vực này để biện minh cho chính sách cứng rắn đang được áp dụng với Iran cũng như với Syri. Theo tờ Rawalpindi Nawa-e Waqt, điều đó dẫn thế giới đến bờ vực của một cuộc chiến nguy hiểm hơn.

“Những chứng cớ không đúng sự thật được giới lãnh đạo Hoa Kỳ sử dụng để cáo buộc Iran đã đưa thế giới đến bờ vực thẳm của cuộc thế chiến thứ 3. Thay vì phải tìm cách giải quyết những bất đồng, Washington lại cố ý làm cho tình hình trở thành nguy kịch hơn. Biện pháp cần có ngay lúc này là Liên Hiệp Quốc phải chấm dứt thái độ gây hấn của nước Mỹ, và tìm cách giải quyết các tranh chấp đang xảy ra để xây dựng ổn định cho thế giới.”

Tại thủ đô Ankara của Thổ Nhĩ Kỳ, tờ The New Anatolian cũng đưa ra nhận định, cho rằng các hành động mà vị Tổng Thống đương nhiệm của Mỹ đang làm đã đi ngược lại với những tư tưởng cao quý mà các tổ phụ của nước Mỹ đã để lại. Bài bình luận viết:

“Các tổ phụ của nước Mỹ xây dựng đất nước trên nền tảng của những giá trị được cả thế giới đánh giá là cao quý, và cũng là niềm ước mong của cả nhân loại. Nước Mỹ được coi là biểu tượng của tự do và cũng vì thế, chính là mục đích cho các nền dân chủ toàn cầu.

Ðã có lúc, một vài vị Tổng Thống của nước Mỹ tìm cách vượt qua quyền hạn của họ, không tuân thủ đúng những nền tảng căn bản của quốc gia, nhưng cũng chẳng được lâu vì hệ thống cân bằng quyền lực tuyệt diệu của Mỹ cho Quốc Hội rộng quyền và trách nhiệm phải đưa quốc gia đi đúng với luật pháp.

Nhưng kể từ khi ông George W. Bush nhận lãnh chức vụ Tổng Thống, chúng ta đau buồn chứng kiến thấy cảnh Chính Phủ của ông ta bẻ cong luật pháp, dựng nên tình hình không thực tế và mặc nhiên vi phạm các giá trị cao quý mà những tổ phụ của nước Mỹ đã để lại.”

Tờ The New Anatolian viết tiếp:

“Có thể, cuộc chiến Iraq là cuộc chiến chính nghĩa để lật đổ một nhà lãnh đạo độc tài nguy hiểm, nhưng không vì thế mà được quyền đánh lừa Quốc Hội và nhân dân thế giới về chuyện Baghdad có võ khí với sức hủy diệt hàng loạt để có lý do chiếm đóng Iraq.

Hành động của Chính Quyền Bush đã làm cho cả thế giới nghi ngờ, khiến dư luận khắp nơi tin rằng nếu muốn đánh chiếm nước nào, Chính Phủ Bush sẵn sàng tung ra những bằng chứng không xác thực, và cũng chính điều đó đã đi ngược lại tất cả những gì cao quý đang được biểu tượng bởi nước Mỹ.

Nên hay không nên rút quân khỏi Iraq?

Tại Anh Quốc, nước đồng minh quan trọng nhất của Hoa Kỳ, các bài bình luận được báo chí nước này đăng tải trong những ngày cuối năm không nói gì đến chuyện tham gia vào cuộc chiến Iraq là đúng hay sai, mà đặt thẳng vấn đề nên hay không nên rút quân về nước, chẳng hạn như bài bình luận của tờ The Times mà chúng tôi gửi đến quý vị sau đây:

“em> “Kể từ Lễ Giáng Sinh 2004 đến giờ, Iraq đã có nhiều thay đổi. Cuộc bầu cử Quốc Hội Lập Hiến thành công, cuộc trưng cầu dân ý về bản dự thảo hiến pháp cũng mỹ mãn và trong tháng này, người dân Iraq lại đến phòng phiếu bầu chọn đại biểu Quốc Hội.

Những diễn biến chính trị đó còn đi kèm bởi một lực lượng quân đội và cảnh sát địa phương ngày một đông, khả năng cũng ngày một tiến. Trong vòng 6 tháng nữa, lực lượng này có thể đảm nhận trách nhiệm bảo vệ 3 phần tư lãnh thổ nước họ.

Với các biến chuyển như vậy, chuyện di chuyển các đơn vị quân sự Anh đang đồn trú ở Iraq là điều đương nhiên được nói đến. Các bản phúc trình mới nhất cho thấy giai đoạn đầu của cuộc rút quân đã được thực hiện, nhưng không có lý do gì để chúng ta phải vội vã cả.

Phải mất ít nhất một vài tuần lễ nữa chính phủ liên hiệp Iraq mới thành hình, và kinh nghiệm quá khứ cho thấy quân khủng bố không bỏ lỡ thời cơ để gây khó khăn cho việc thành lập chính phủ.

Bên cạnh đó la cuộc bầu cử cấp địa phương sẽ diễn ra vào mùa xuân 2006, và có những lo ngại cho rằng trong cuộc bầu cử này, các phe nhóm Hồi Giáo Shiite sẽ tranh chấp với nhau để tạo ảnh hưởng.”

Nhưng ngay chính tại Hoa Kỳ, một số nhà quan sát chính trị vẫn nghĩ rằng trước những áp lực chính trị cũng như áp lực đến từ dư luận quần chúng, ông Bush đang trên đường rút quân ra khỏi Iraq. Một trong những người tin điều dó sẽ xảy ra là ông Johnathan Rauch, nghiên cứu gia của Viện Brookings Institution:

“Ðiều tôi ngạc nhiên nhất là dư luận Mỹ bây giờ không quan tâm gì đến kết quả của cuộc bầu cử ở Iraq, mà họ chỉ chú tâm đến chuyện đã tới lúc phải rút quân về nước. Cách đây một hoặc 2 năm, dư luận người Mỹ còn thắc mắc không biết tình hình bên Iraq sẽ xấu tốt ra sao, bây giờ họ không quan tâm đến nữa.

Vì thế tôi mới tiên đoán bất kể tình hình chính trị ở Iraq như thế nào, trong 6 tháng nữa Hoa Kỳ sẽ rút quân. Tôi cũng nghĩ rằng trong 6 tháng tới, chúng ta vẫn chưa biết được Iraq có ổn định thật sự không, Chính Phủ Baghdad có vững mạnh không, và tôi không nghĩ rằng người dân Hoa Kỳ có kiên nhẫn để chờ thêm vài ba năm nữa.”

Thế và lực của Trung Quốc

Dưới nhiều phương cách khác nhau, Trung Quốc đang tăng thế lực trên bàn cờ chính trị thế giới. Ðó là những điểm chúng tôi ghi nhận được qua một số bài bình luận được loan tải trên báo chí nước ngoài trong tuần này.

Trước hết là bài bình luận đăng trên tờ Taipei Times. Bài viết cho rằng hàng hóa của Trung Quốc tràn ngập thị trường Hoa Kỳ với mức thâm thủng mậu dịch năm 2005 lên đến con số kỷ lục 200 tỷ đô la, và lên tiếng báo động rằng các doanh gia Mỹ chưa hẳn đã kiếm được lợi nhuận khi làm ăn với Bắc Kinh.

Bài bình luận có đoạn viết: “em> “Ngay tại Hoa Kỳ, người dân Mỹ cũng đòi hỏi Chính Phủ của họ phải duyệt xét lại chính sách thương mại đối với Trung Quốc, vì các hoạt động của Hoa Lục bây giờ đang gây thiệt hại cho nền kinh tế của nước Mỹ. Cùng lúc, chỉ có chừng 5% công ty Mỹ làm ăn ở Hoa Lục kiếm được lời thôi.”

Tại sao thị trường Trung Quốc khổng lồ với giá công nhân được xem là rẻ mà không đem lại lợi nhuận cho các công ty Mỹ? Bài bình luận đưa ra câu trả lời:

“Nếu các công ty của Hoa Kỳ muốn thành công ở Trung Quốc, họ phải thực hiện 3 điều. Thứ nhất là phải chấp nhận hoạt động theo hướng dẫn của Ðảng Cộng Sản, thứ nhì là phải hối lộ cho các viên chức cao cấp trong chính quyền, và thứ ba là biết nịnh hót.”

Tại Nambia, tờ Windhoek Observer xuất bản bằng Anh Ngữ lên tiếng báo động việc công nhân từ Hoa Lục sang làm việc mỗi ngày một đông, trong khi quốc gia ở Châu Phi này đang phải giải quyết tình trạng thất nghiệp cho người dân trong nước. Ði xa hơn nữa, bài bình luận viết:

“Khi theo đuổi sự kiện, chúng ta sẽ thấy một số cơ sở hạ tầng của quốc gia đang nằm dưới quyền kiểm soát của Trung Quốc, và điều đó khiến mọi người phải quan tâm. Chúng ta cũng thấy những dấu hiệu cho thấy quân đội Hoa Lục đang ảnh hưởng ở Nambia và không ai có thể đoán biết trước được rằng ảnh hưởng của Trung Quốc ở quốc gia này sẽ còn lan rộng tới mức nào.”