Trà Mi, phóng viên đài RFA
Viêm ruột thừa hay còn gọi nôm na là đau ruột dư là một căn bệnh rất phổ biến, chiếm tỷ lệ cao trong các ca cấp cứu ngoại khoa tại các bệnh viện trong nước, và cũng là bệnh dễ gây tử vong nếu không kịp điều trị.
Chương trình hôm nay, bác sĩ Văn Kỳ Chương, chuyên Giải phẫu tổng quát, thuộc Trung tâm Y tế Bolsa tại miền Nam California, sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn những điều cần biết về căn bệnh này.
Chức năng của ruột thừa
Trước tiên, bác sĩ Chương cho biết về vị trí và chức năng của ruột thừa trong cơ thể con người:
BS Văn Kỳ Chương: Ruột thừa là một bộ phận của hệ thống tiêu hoá trong cơ thể. Bộ phận này rất nhỏ, hình ống, một đầu kín và đầu còn lại gắn vào hông của manh tràng. Manh tràng là phần đầu của ruột già. Trung bình ruột thừa dài độ 10 phân (centimet) và có đường kình từ 6 tới 7 ly (milimet). Ruột thừa nằm ở hông phải, dưới ổ bụng. Tuy nhiên, ruột thừa có thể nằm ngoài vị trí đó trong trường hợp như phụ nữ mang thai sau 3 tháng; ở trẻ em ruột thừa có thể nằm bên hông phải hay ở hốc phải trên của bụng. Và nơi một số người vì có tật bẫm sinh, ruột thừa có thể nằm ở bên trái của bụng.
Về chức năng của rựôt thừa, cho đến ngày nay giới khoa học trong ngành y khoa vẫn tin rằng ruột thừa không có chức năng gì trong cơ thể con người. Có một số ít bác sĩ cho rằng ruột thừa có thể đóng vai trò nào đó trong việc phòng chống sự nhiễm trùng, vì trong ruột thừa ngưòi ta thấy có nhiều tế bào và mô của hệ thống bạch huyết.
Tuy nhiên, có một số ít bệnh nhân được giải phẫu bụng vì lý do nào đó được tìm thấy không có ruột thừa do bẫm sinh, và những người này không có dấu hiệu hay triệu chứng rối loạn của hệ tiêu hoá hay hệ thống miễn nhiễm.
Viêm ruột thừa và đau bao tử
Trà Mi: Như bác sĩ vừa trình bày là ruột thừa không có chức năng gì, chắc cũng chính vì lẽ đó nên mới có tên là "ruột thừa" phải không ạ? Không có chức năng mà lại có thể gây ra nhiều vấn đề đau đầu cho sức khoẻ! Vậy, xin bác sĩ cho một định nghĩa khái quát về bệnh viêm ruột thừa. Thế nào là viêm ruột thừa?
BS Văn Kỳ Chương: Giới chuyên môn y khoa thuờng gọi là viêm ruột thừa cấp tính vì ở Hoa Kỳ giới y sĩ chỉ tin là chỉ có bệnh viêm ruột thừa cấp tính mà không có bệnh viêm ruột thừa kinh niên như trong trường hợp viêm túi mật. Bệnh viêm ruột thừa là khi ruột thừa bị sưng lên vì viêm và sau đó thì nhiễm trùng.
Bệnh viêm ruột thừa là bệnh rất thường gặp trong ngành giải phẫu cấp cứu ở mọi nơi trên thế giới. Nhóm người bị viêm ruột thừa nhiều nhất là tuổi từ 10 đến 30 tuổi.
Trà Mi: Vâng. Bác sĩ nói viêm ruột thừa là do khi ruột thừa bị sưng lên hoặc là bị nhiễm trùng, nhưng nguyên nhân nào gây ra tình trạng đó?
BS Văn Kỳ Chương: Nguyên nhân chính của bệnh viêm ruột thừa là sự tắt nghẽn của lòng ruột thừa, nơi sạn hoặc hạt cứng của thức ăn không tiêu rơi vào lòng ruột thừa từ manh tràng. Vì lòng ruột thừa bị nghẽn nên chất nhờn ở trong lòng ruột thừa không thoát ra được vào manh tràng và lượng chất nhờn sẽ tăng lên khiến cho thành ruột thừa căng ra, sưng lên. Sự lưu thông của máu và bạch huyết bị đình trệ. Thành của ruột thừa bị các vi trùng xâm nhập và phát triển khiến cho thành ruột thừa bị ung thối và sau đó bị vỡ ra.
Ngoài ra có những bệnh viêm khác của ruột non hay ruột già bên cạnh ruột thừa có thể làm cho hệ thống mô bạch huyết, tế bào bạch huyết sưng lên và cũng có thể làm lòng ruột thừa bị nghẽn. Thỉnh thoảng có vài loại bướu, cả bướu lành lẫn bướu ung thư phát sinh từ lòng ruột thừa và cũng có thể làm nghẽn ruột thừa để gây ra bệnh viêm ruột thừa.
Trà Mi: Bác sĩ có nói một trong những nguyên nhân là do thức ăn cứng không bị tiêu hoá rơi vào lòng ruột thừa và gây ra tình trạng viêm nhiễm. Nhưng nếu nói như vậy thì bệnh viêm ruột thừa có liên quan gì đến bệnh đau bao tử, ăn không tiêu, hoặc những người bị táo bón kinh niên thì có khả năng bị viêm ruột thừa nhiều hơn không?
BS Văn Kỳ Chương: Bệnh loét bao từ thì không có liên hệ gì đến bệnh viêm ruột thừa. Tuy nhiên, những người bị táo bón kinh niên thì nhiều khi vì sự di chuyển phân qua manh tràng chậm lại cho nên có thời gian để cho phân hay những vật lạ rơi vào ruột thừa và như vậy khả năng gây ra bệnh viêm ruột thừa có thể tăng lên.
Các triệu chứng viêm ruột thừa
Trà Mi: Bây giờ xin được hỏi thăm bác về các triệu chứng, những dấu hiệu để nhận biết bệnh và diễn biến của bệnh viêm ruột thừa.
BS Văn Kỳ Chương: Dấu hiệu quan trọng nhất khởi đầu là đau bụng. Bệnh nhân đang khoẻ mạnh tự nhiên cảm thấy đau ở vùng trên rốn của bụng, sau vài giờ bệnh nhân cảm thấy đau ở hốc phải dưới của bụng. Cơn đau lúc đầu âm ỉ và sau đó càng lúc càng tăng lên.
Có vài trường hợp cơn đau âm ỉ kéo dài vài ngày và có khi cả tuần lễ. Hoặc bệnh nhân cảm thấy đau ở chỗ khác của bụng vì vị trí nằm sâu của ruột già hay ở vị trí bất bình thường ở những phụ nữ đang mang thai hoặc trẻ em, hoặc vì ruột thừa quá dài và phần đầu của ruột thừa bị viêm nằm ở phần chậu hay ở hốc trái dưới của bụng.
Sau khi cơn đau xảy ra, những triệu chứng khác có thể có là ăn mất ngon, buồn nôn, ói mữa và tiêu chảy vì viêm ruột thừa có thể kích thích ruột già khiến cho người bệnh dễ bị tiêu chảy.
Có thể có những triệu chứng về đường tiểu tiện như đi tiểu gắt, buốt vì phần đầu của ruột thừa bị viêm đã kích thích bọng đái hay đường dẫn tiểu.
Sau đó bệnh nhân thường phát sốt và nhịp đập của tim sẽ tăng lên.
Trà Mi: Thưa bác sĩ, thời gian ủ bệnh cũng như quá trình phát triển bệnh viêm ruột thừa có lâu không?
BS Văn Kỳ Chương: Thông thường trong 6 giờ đầu cơn đau nằm ở vùng trên bụng, nhưng sau 6 tiêng đồng hồ cơn đau sẽ di chuyển xuống vùng hốc phải. Như vậy là trong vòng 6 tiếng đầu thì bệnh nhân có những triệu chứng bên trên.
Những việc cần làm khi đau ruột thừa
Trà Mi: Cần xử trí như thế nào khi có những dấu hiệu đó?
BS Văn Kỳ Chương: Câu hỏi của cô rất quan trọng vì nếu người bệnh biết bị bệnh viêm ruột thừa và đi điều trị sớm thì kết quả sẽ khác nhau. Khi có những triệu chứng nói trên, người nhà hay ngưòi bệnh ấn vào hốc phải dưói của bụng và thấy bệnh nhân kêu đau hơn và thấy bụng cứng lên thì ta phải làm gì?
Nếu có những triệu chứng trên thì người bệnh phải ngưng ăn và phải đến gặp bác sĩ gia đình ngay, hoặc nếu đau nhiều, hoặc cơn đau xảy ra ngoài giờ làm việc của bác sĩ gia đình thi người bệnh phải đến ngay phòng cấp cứu của bệnh viện gần nhà nhất.
Bác sĩ gia đình hay bác sĩ phòng cấp cứu của bệnh viện sẽ hỏi lịch sử của cơn đau, sẽ khám nghiệm người bệnh và sau đó sẽ thử máu để xem lượng bạch huyết cầu và thành phần của bạch huyết cầu trong máu người bệnh có tăng lên không. Hoặc có thể họ cho thử một “test” khác gọi là “C-reactive protein” coi thử có tăng lên không.
Ngày nay để cho việc định bệnh được chính xác, nhất là trong trường hợp khó khăn, bác sĩ có thể cho người bệnh chụp siêu âm hay làm CT scan (chụp cắt lớp) của ổ bụng, nhất là ở vùng hốc phải dưới của bụng, để giúp cho việc định bệnh được dễ dàng.
Nếu bác sĩ gia đình hoặc bác sĩ phòng cấp cứu nghĩ rằng người bệnh bị viêm ruột thừa, họ sẽ thông báo cho bác sĩ giải phẫu biết và đến phiên vị bác sĩ này khám nghiệm người bệnh một lần nữa và xem xét kết quả thử máu cũng như chụp hình và sẽ quyết định xem người bệnh có bị viêm ruột thừa hay không.
Trong trường hợp người bệnh bị viêm ruột thừa thì bác sĩ giải phẫu sẽ bắt đầu cho truyền nước biển pha trụ sinh và sau đó sẽ giải phẫu để cắt bỏ ruột thừa. Tuy nhiên có vài trường hợp bác sĩ gặp khó khăn trong việc định bệnh, nhất là ở trẻ em, phụ nữ mang thai, người già, và phần đông ở phụ nữ trung niên.
Nếu cần, bác sĩ giải phẫu có thể định bệnh bằng phương pháp nội soi, tức là cho một cái ống vào trong bụng người bệnh để xem thử ruột thừa có bị viêm hay không.
Trà Mi: Nhiều người có thói quen là đau bụng, hay đau bất cứ cái gì thì dùng thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau, điều này có ảnh hưởng gì không, thưa bác sĩ?
BS Văn Kỳ Chương: Với kinh nghiệm của người bác sĩ giải phẫu, chúng tôi khuyên người bệnh khi đau bụng không nên uống thuốc giảm đau. Và chúng tôi cũng thường nói với các bác sĩ gia đình cũng như bác sĩ cấp cứu là không nên cho bệnh nhân chích thuốc hay uống thuốc giảm đau trước khi bệnh nhân được bác sĩ giải phẫu khám nghiệm.
Thuốc giảm đau có thể làm giảm cơn đau và người bệnh cũng như bác sĩ gia dình có thể nghĩ rằng không phải bị đau ruột thừa, trong khi đó viêm ruột thừa vẫn tiếp tục phát triển và như vậy sẽ làm chậm trễ công việc trị liệu cho bệnh nhân.
Các phương pháp điều trị
Trà Mi: Bác sĩ có nhắc qua phương pháp điều trị là phải sử dụng biện pháp giải phẫu, nhưng ngoài phương pháp phẫu thuật thì có biện pháp điều trị nào khác đối với bệnh viêm ruột thừa không?
BS Văn Kỳ Chương: Đối với người bác sĩ giải phẫu chúng tôi thì chúng tôi tin rằng khi người bệnh bị viêm ruột thừa thì phải cắt bỏ ruột thừa đi. Chỉ một vài trường hợp hiếm có, thí dụ như không có sự hiện diện của bác sĩ giải phẫu hoặc tình trạng sức khoẻ của người bệnh quá yếu kém thì vị bác sĩ gia đình hay bác sĩ điều trị bắt buộc phải dùng thuốc trụ sinh để chữa hoặc làm chậm lại sự tiến triển của bệnh viêm ruột thừa để có đủ thời giờ cho việc giải quyết dứt điểm về sau.
Tuy nhiên, phần đông những người bị viêm ruột thừa được điều trị bằng thuốc trụ sinh thì vẫn phải được giải phẫu để cắt bỏ ruột thừa.
Trà Mi: Phương pháp giải phẫu đối với bệnh viêm ruột thừa sẽ hữu hiệu đến đâu, có khả năng chữa khỏi hoàn toàn hay không?
BS Văn Kỳ Chương: Vâng. Phần đông khi tình trạng ruột thừa chưa bị vỡ ra thì phưong pháp giải phẫu cắt bỏ ruột thừa coi như thành công một trăm phần trăm. Tuy nhiên, khi ruột thừa đã bị vỡ ra, tức là mũ ở trong bụng hoặc đã làm nhiễm trùng cái màng trong bụng thì sau cuộc giải phẫu bệnh nhân có thể có những biến chứng khác khiến công việc điều trị có thể bị kéo dài và đôi lúc bệnh nhân cần được giải phẫu lại để điều trị các biến chứng đó.
Trà Mi: Nhân nói về các biến chứng, xin được hỏi thêm bác sĩ là những biến chứng của bệnh nếu như không được khám phá kịp thời thì sao?
BS Văn Kỳ Chương: Vâng. Biến chứng thông thường nhất xảy ra là khi ruột thừa bị vỡ ra. Khi đó người bệnh sẽ bị đau nhiều hơn, sốt nhiều hơn, và bụng sẽ căng lên nhiều hơn. Trong trường hợp này có thể mũ tích tụ ở hốc phải dưới của bụng, hoặc là bị nhiễm trung tất cả màng ruột, và nếu để trễ hơn thì sự nhiễm trùng đó có thể lan vào máu. Lúc đó tình trạng sức khoẻ của người bệnh sẽ rất là nguy hiểm.
Đó là biến chứng thường xảy ra nhất, và những biến chứng khác đa số là phụ thuộc vào việc ruột thừa bị vỡ nói trên. Chẳng hạn sau khi mổ xong vết thương có thể bị nhiễm trùng, ngưòi bệnh có thể tái phát nhiễm trùng và làm mũ ở trong bụng ngay hốc phải hay ở vùng chậu của bụng. Và có nhiều trường hợp sau khi mổ xong thì người bệnh có thể bị tắt ruột, nhiễm trùng do đó có thể tái phát hay bị làm mũ.
Một số người lớn tuổi vì có nhũng chứng bệnh khác như tiểu đường, suy thận, bệnh tim mạch, thì người bệnh có thể tử vong vì các biến chứng trên đây. Số tử vong có thể từ 5% dến 20%.
Phòng tránh viêm ruột thừa?
Trà Mi: Nguy hiểm như vậy thì làm cách nào để phòng tránh bệnh viêm ruột thừa một cách hữu hiệu nhất?
BS Văn Kỳ Chương: Theo như chúng tôi biết thì cho đến ngày hôm nay bệnh viêm ruột thừa không có cách nào để phòng tránh. Theo thống kê của Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) bệnh viêm ruột thừa ít xảy ra ở những dân tộc dùng nhiều chất sợi trong thức ăn hàng ngày, vì chất sợi này giúp cho bã của thức ăn di chuyển nhanh qua vùng manh tràng và ít có cơ hội cho chất bã rơi vào ruột thừa, cho nên số người bị viêm ruột thừa sẽ ít đi.
Lời khuyên của chúng tôi là khi quý vị đau bụng và cơn đau kéo dài vài tiếng đồng hồ, càng lúc càng đau lên, thì tốt nhất là quý vị đến gặp bác sĩ gia đình của mình, hoặc đến phòng cấp cứu của bệnh viện ở gần nhà nhất để được khám bệnh cũng như để tránh khỏi những biến chứng nguy hiểm của bệnh viêm ruột thừa.
Trà Mi: Chúng tôi xin chân thành cảm ơn bác sĩ đã dành thời gian cho chương trình hôm nay.
BS Văn Kỳ Chương: Xin cảm ơn cô Trà Mi và xin chào tất cả quý vị thính giả của Đài Á Châu Tự Do.
(xin theo dõi toàn bộ nội dung phần âm thanh bên trên) Chương trình "Sức khoẻ và đời sống" kỳ này xin dừng lại tại đây. Hẹn tái ngộ cùng quý vị và các bạn trong một đề tài mới, vào giờ này, sáng thứ sáu tuần sau. Trà Mi kính chào.