Bác sĩ Nguyễn Trần Hoàng - Trà Mi
Các biến chứng của viêm tiểu phế quản cấp?
Trong đại đa số các trường hợp ở trẻ vốn vẫn mạnh khoẻ, viêm tiểu phế quản cấp thường tự khỏi mà không có biến chứng gì cả. Tuy nhiên, ở các trẻ bị bệnh nặng, đặc biệt là ở trẻ sinh non, trẻ đã có các bệnh tim phổi hoặc bị suy giảm miễn dịch, biến chứng sẽ dễ xảy ra hơn.

Biến chứng thường gặp và nguy hiểm nhất là trẻ không thở được hoặc bị suy hô hấp cấp. Bị suy hô hấp nặng, trẻ sẽ cần phải được đặt ống thở máy. Khi thở máy, trẻ lại sẽ có thể gặp các biến chứng khác như bị tràn khí vào màng phổi và vào vùng trung thất, tức là vùng giữa hai lá phổi, các biến chứng này cũng rất nguy hiểm, dễ dẫn đến tử vong.
Sau khi khỏi bệnh, trong vòng một hai năm, một số trẻ cũng sẽ hay bị các cơn khò khè như suyễn. Tuy nhiên, có phải viêm tiểu phế quản cấp gây ra suyễn hay không, điều đó vẫn còn là một câu hỏi chưa có trả lời rõ ràng.
Một số nghiên cứu ở Hoa Kỳ cũng cho thấy là trẻ bị viêm tiểu phế quản cũng thường bị viêm tai giữa. Có nghiên cứu ở các trẻ sơ sinh bị nhập viện vì viêm tiểu phế quản, cho thấy là đến 53 phần trăm các trẻ này cũng bị viêm tai giữa trong vòng hai ngày đầu sau khi nhập viện.
Tỉ lệ tử vong của viêm tiểu phế quản cấp?
Theo thống kê của Hoa Kỳ, tỉ lệ tử vong ở trẻ phải nhập viện do viêm tiểu phế quản gây ra bởi vi rút RSV (là loại vi rút thường gây ra viêm tiểu phế quản cấp nhất), là khoảng dưới hai phần trăm.
Nguy cơ dẫn đến tử vong liên quan chặt chẽ với tuổi của bệnh nhân, tuổi càng nhỏ thì sẽ có nguy cơ tử vong càng cao. Trong số tử vong do viêm tiểu phế quản cấp, 79 phần trăm là ở trẻ dưới một tuổi. Trẻ trai có nguy cơ tử vong cao gấp rưỡi trẻ gái.
Ngoài ra, bị các bệnh khác như các bệnh tim phổi, suy giảm miễn dịch, sinh non, nhỏ cân, cũng là các yếu tố làm tăng nguy cơ tử vong.
Cách điều trị viêm tiểu phế quản cấp?
Mời các bạn tham gia mục Sức khoẻ và Đời sống. Xin email về Vietweb@rfa.org
Trong đa số các trường hợp, điều quan trọng nhất là nâng đỡ thể trạng bệnh nhân bằng cách cho nghỉ ngơi, dinh dưỡng đầy đủ, chữa các triệu chứng.
Những điều khác mà các bác sĩ cần làm khi bệnh nhân nhập viện, là cho thở dưỡng khí, truyền dịch, cho thuốc dãn phế quản, đặt ống thở máy, cho thuốc trị vi rút, thuốc chống viêm, vân vân. Các cách điều trị này thay đổi tùy theo từng trường hợp bệnh khác nhau.
Khi nào thì cần đem trẻ đến bác sĩ hay bệnh viện?
Các bậc cha mẹ cần chú ý đặc biệt đến điều này, vì nếu không đưa đến bác sĩ hoặc đến bệnh viện kịp lúc, điều đó có thể đánh đổi bằng chính tính mạng của trẻ.
Nói chung cần đưa trẻ đến bác sĩ hay bệnh viện nếu trẻ có vẽ bị nhiễm độc, bỏ ăn, lừ đừ ngủ suốt ngày khó đánh thức, da khô, thóp lõm, sốt cao, hoặc có các dấu hiệu suy hô hấp.
Các dấu hiệu của suy hô hấp khiến ta phải đưa trẻ đến phòng cấp cứu càng sớm càng tốt là:
- Cánh mũi phập phồng khi thở - Các khoảng giữa các xương sườn hoặc vùng dưới xương ức bị co kéo khi trẻ thở - Nhịp thở trên 50 đến 70 lần mỗi phút - Trẻ bị tím môi hoặc đầu các ngón tay, ngón chân
Cũng cần đưa trẻ đến bác sĩ hoặc bệnh viện bất cứ khi nào mà cha mẹ cảm thấy bất lực, không biết hoặc không đủ khả năng chăm sóc trẻ.
Có thể làm gì để trị viêm tiểu phế quản cấp tại nhà? Làm sao để tránh các biến chứng và giảm tỉ lệ tử vong?
Hầu hết các bé bị viêm tiểu phế quản cấp sẽ hoàn toàn hồi phục trong khoảng một đến hai tuần, các vấn đề về hô hấp có thể cải thiện rất nhanh, có khi chỉ trong vòng hai ba ngày.
Ở các trẻ không có các dấu hiệu trầm trọng cần phải đưa đến bệnh viện, như vừa trả lời ở câu hỏi trên, điều quan trọng là nâng đở thể lực của trẻ và trị các triệu chứng bằng cách:
- Cho trẻ nghỉ ngơi thật nhiều
- Cho trẻ uống đủ nước, có thể là nước cháo, nước chanh muối, nước canh, nước súp...
- Dinh dưỡng đầy đủ bằng cách cho ăn uống các thức đủ bổ dưỡng, dễ tiêu, nhiều lần hơn trong ngày, mỗi lần một ít để trẻ có thể tiêu hoá được. Nói chung là nhiều bữa hơn, nhưng bữa nhỏ hơn. Nếu trẻ bị nghẹt mũi, sổ mũi, nên nhỏ nước muối loãng để nước mũi loãng ra, và sau đó hút bằng các bóng bóp.
- Nếu không có các phương tiện trên, cách mà một số bà mẹ ở vùng quê thường làm, là kê miệng vào để hút nước mũi cho con, cũng là một cách được Tổ Chức Sức Khoẻ Thế Giới cho là có ích ở những vùng quá thiếu thốn phương tiện. Tuyệt đối không nên dùng các thuốc nhỏ làm khô mũi, có thể gây nguy hiểm.
- Nếu có máy phun hơi nước mát, là điều rất tốt, nếu không, có thể treo các khăn, vải sạch nhúng nước xung quanh giường trẻ để tăng độ ẩm.
- Nếu trẻ bị sốt, không nên “úm” trẻ với nhiều lớp quần áo, chăn mền, cần phải lau, chườm nước ấm ở các vùng toả nhiều nhiệt như nách, cổ, bẹn, trán, và cho thuốc giảm sốt đúng liều. Không nên nhỏ chanh, gừng vào họng, có thể làm trẻ bị sặc, càng nguy hiểm. Nên đưa đi bác sĩ nếu sốt trên khoảng 38.4 độ C.
- Dĩ nhiên, nên tuyệt đối tránh khói thuốc, ngay cả lúc trẻ không bệnh. Vì tuyệt đại đa số các trường hợp viêm tiểu phế quản là do vi rút, thường thì không cần và không nên dùng kháng sinh
Bệnh có hay bị tái đi tái lại hay không ?
Hầu hết các bé sẽ không bị viêm tiểu phế quản do vi rút lại trong cùng một năm. Tuy nhiên, một số trẻ sơ sinh có thể sẽ bị các cơn khò khè và ho tái đi tái lại trong vòng vài năm sau đó, mỗi khi các bé bị cảm lạnh. Khi đó, các bác sĩ sẽ trị bằng các thuốc trị suyễn nếu khi trị thử thấy có hiệu quả.
Phòng viêm tiểu phế quản cấp bằng cách nào ?
Các bậc cha mẹ, nhất là cha mẹ các bé dưới hai tuổi, cần biết các triệu chứng của bệnh này, nhất là các dấu hiệu báo động để có thể đối phó với bệnh thích hợp, tránh các biến chứng hoặc tử vong đáng tiếc.
Cũng như để phòng các bệnh lây qua đường hô hấp khác, cách quan trọng nhất để phòng là rữa tay thường xuyên với xà bông, mỗi lần rữa ít nhất là 20 giây đồng hồ.
Tránh để trẻ tiếp xúc với khói thuốc lá cũng là điều rất quan trọng.
Dĩ nhiên, nên cố gắng tránh trẻ tiếp xúc với nguồn bệnh, như là với các anh chị bị lây bệnh khi đi nhà trẻ, cha mẹ, cô, chú, ông, bà, vân vân. Trẻ càng nhỏ, càng yếu, thì càng phải cẩn thận, vì như đã nói, trẻ càng nhỏ, yếu, thì bệnh càng dễ nặng và nguy cơ tử vong càng cao.
Ở một số các bé bị suy giảm miễn dịch, hoặc bị bệnh kinh niên, để giảm nguy cơ phải nhập viện, có khi bác sĩ sẽ phải chích các loại kháng thể chống vi rút RSV. Bác sĩ sẽ là người quyết định trẻ nào cần chích.
Vì các trẻ dưới hai tuổi có nguy cơ cao hơn bị nhập viện do viêm tiểu phế quản do vi rút cúm, theo khuyến cáo của Hoa Kỳ, các trẻ từ 6 đến 23 tháng cần được chích ngừa cúm hàng năm.
Cho tới nay, nguyên nhân gây viêm tiểu phế quản thường gặp nhất là vi rút RSV và parainfluenza, tuy nhiên vẫn chưa có thuốc chủng ngừa các loại vi rút này.
Chương trình này chỉ nhằm cung cấp kiến thức tổng quát về sức khoẻ. Cho các vấn đề cụ thể, chi tiết của từng bệnh nhân, xin liên lạc trực tiếp với bác sĩ cuả quí vị để được thăm khám trực tiếp.