Bác sĩ Nguyễn Trần Hoàng - Trà Mi
Hậu quả của cắt Amiđan
Hỏi: "Như đã biết Amiđan sẽ có chức năng tạo ra một phần trong hệ miễn dịch của cơ thể. Trong trường hợp phải cắt bỏ Amiđan thì nó sẽ ảnh hưởng như thế nào đến những lần nhiễm trùng về sau, và tuổi thọ của người đã bị cắt Amiđan với người chưa bị cắt Amiđan có chênh lệch quá lớn?

Đáp: Có nhiều nghiên cứu về hiệu quả của việc cắt bỏ amiđan với tỉ lệ viêm họng tái phát. Trong một nghiên cứu tương đối điển hình trên 187 trẻ bị nhiễm trùng họng tái phát nhiều lần, kết quả cho thấy, so với trẻ cũng bị nhiễm trùng tương tự mà không được cắt amiđan:
- Tỉ lệ nhiễm trùng họng trong vòng hai năm đầu sau khi cắt amiđan thấp hơn một cách đáng kể ở nhóm được cắt so với nhóm không được cắt amiđan.
- Sự khác nhau ở năm thứ ba không đáng kể bằng, dù rằng nhóm được cắt cũng có tỉ lệ nhiễm trùng ít hơn.
- Tuy nhiên, ở nhóm được cắt amiđan, tỉ lệ bị các biến chứng liên quan đến phẩu thuật này lên đến 14 phần trăm, dù rằng tất cả các trường hợp biến chứng này đều được chữa trị thoả đáng hoặc tự khỏi.
- Ngay ở nhóm bị viêm amiđan tái phát trầm trọng nhiều lần mà không được cắt amiđan, số lần nhiễm trùng vào các năm sau đó cũng thường giảm xuống đáng kể với các điều trị không phẩu thuật.
- Do đó mà chỉ định cho việc cắt amiđan tương đối giới hạn: chỉ nên cắt khi bị viêm amiđan hơn sáu lần trong một năm hay ba, bốn lần mỗi năm trong hai năm liên tiếp.
Mời quý thính giả tham gia mục Sức khoẻ và Đời sống. Mọi email xin gửi về Vietweb@rfa.org
Chúng tôi chưa đọc được nghiên cứu nào khảo sát về sự khác nhau về tuổi thọ giữa người được cắt amiđan với người không bị cắt amiđan.
Chẩn đoán và trị viêm phế quản cấp
Xin nói chi tiết hơn về các nguyên nhân của viêm phế quản cấp? Nguyên nhân thường gặp nhất là nhiễm vi rút ở đường hô hấp trên. Trong một số trường hợp, viêm phế quản cấp có thể gây ra bỡi vi trùng, đôi khi do những vi trùng thường gây ra viêm phổi.
Tuy nhiên các trường hợp này thường chỉ xảy ra ở những người đã bị tổn thương đường hô hấp trên (như là những người bị đục lổ ở khí quản hay những người đã bị đặt ống thở máy, trong các trường hợp suy hô hấp trầm trọng), hoặc ở những người viêm phế quản mạn tính trở nên trầm trọng lên
Viêm phế quản do vi rút thường do những vi rút nào? Có loại nào nguy hiểm cần phải chú ý hơn? Thường được điều trị ra sao?
Các vi rút thường gây ra viêm phế quản cấp cũng thường là các vi rút thường gây ra viêm đường hô hấp trên.
Trong số đó, vi rút gây ra cúm được coi là tương đối nguy hiểm hơn, vì nó gây ra tỉ lệ bị bệnh nặng hoặc tử vong cao hơn. Đặc điểm của viêm phế quản gây ra do vi rút cúm là ho có đờm, sốt và các triệu chứng cúm thường gặp khác như đau nhức mình mẩy, xảy ra trong mùa cúm. Nếu được trị trong vòng 48 tiếng đồng hồ đầu tiên với các thuốc diệt vi rút cúm, bệnh có thể sẽ nhẹ hơn và mau hết hơn.
Viêm phế quản do vi trùng thường do những vi trùng nào? Các triệu chứng có khác với viêm phế quản do vi rút hay không? Và giữa các loại vi trùng, triệu chứng khác nhau như thế nào?
Trong một tổng hợp tất cả các nghiên cứu đã được công bố tư năm 1966 đến 195, ba loại vi trùng thường gây ra viêm phế quản cấp và nhạy với thuốc kháng sinh nhất là Mycoplasma pneumonia, Chlamydia pneumonia và vi trùng gây ho gà. Ngay cả ở những người đã được chích ngừa ho gà, cũng có thể bị viêm phế quản do vi trùng này.
Các trường hợp viêm phế quản do vi trùng kể trên thường gây ra triệu chứng ho kéo dài hơn vài tuần. Do đó nếu thấy ho, sốt hơn vài tuần không khỏi với các thuốc cảm thông thường, ta nên đến bác sĩ để được chẩn đoán chính xác và điều trị thích hợp.
Điều trị các loại viêm phế quản do vi trùng khác nhau này có khác nhau hay không?
Điều giống nhau trong việc điều trị các bệnh gây ra do vi trùng, là việc cần dùng kháng sinh. Đối với vi trùng khác nhau, có thể cần các loại kháng sinh khác nhau. Kháng sinh nên được kê toa bỡi bác sĩ, và do đó ta không thật cần thiết phải biết tên các kháng sinh này.
Viêm phế quản thường gây ra ho là triệu chứng chính. Những bệnh nào cũng thường gây ra ho, chữa trị ra sao?
Các bệnh đường hô hấp thường gây ra ho, trong đó các bệnh tương đối nguy hiểm là viêm phổi, lao phổi và cúm.
Nhiều trường hợp ho mạn tính, tức là ho kéo dài trên ba tuần thường được gây ra bỡi hội chứng nhỏ giọt sau mũi, suyễn, và bệnh trào ngược a xít từ bao tử lên thực quản. Trong một nghiên cứu các trường hợp ho kéo dài trung bình là trên bảy năm, ba nguyên nhân trên chiếm đến 90 phần trăm các nguyên nhân.
- Hội chứng nước mũi nhỏ giọt từ lỗ mũi sau xuống họng, - Gây ra triệu chứng dính dính ở họng khiến bệnh nhân cứ phải khịt mũi, hắng giọng - Hội chứng này có thể gây ra bỡi cảm lạnh, viêm mũi dị ứng, viêm mũi vận mạch, viêm xoang, một nhóm thuốc trị cao huyết áp
Tùy theo nguyên nhân, bác sĩ sẽ đưa ra các cách điều trị khác nhau:
- Hen suyễn - Thường gây ra triệu chứng khò khè, nhất là khi thở ra - Cách giản tiện nhất để chẩn đoán bệnh này là bác sĩ cho dùng thử thuốc trị suyễn trong vòng khoảng một tuần, nếu thấy bệnh thuyên giảm, thì nhiều khả năng đó chính là bệnh suyễn - Có nhiều xét nghiệm, thử chức năng phổi, có thể giúp xác định chẩn đoán suyễn, tuy nhiên cách giản tiện nhất và tốt nhất đang được sử dụng, chính là điều trị thử, nếu bệnh khỏi trong vòng một tuần với thuốc suyễn, chẩn đoán có thể được xác định
Bệnh trào ngược axit từ bao thử lên thực quản và họng. Là một nguyên nhân rất thường gặp của ho, có thể xảy ra trong đến 40 phần trăm các bệnh nhân bị ho mạn tính. Triệu chứng thường gặp là ợ chua, tuy nhiên vẫn có tới 40 phần trăm các bệnh nhân bị bệnh trào ngược axít mà lại không có triệu chứng ợ chua. Cách chẩn đoán tốt nhất vẫn là điều trị thử
Xin tóm tắt những điều quan trọng nhất
Viêm phế quản cấp thường gây ra bỡi vi rút và đa số có thể tự khỏi, chỉ cần trị bằng các thuốc chữa triệu chứng, có thể tự khỏi.
Tỉ lệ bị viêm phế quản cấp do vi trùng rất thấp. Do đó không bắt buộc cứ thấy ho, đau họng, có đàm là phải uống kháng sinh. Chỉ nên uống kháng sinh khi được khám và kê toa bởi bác sĩ.
Nếu thấy ho kéo dài trên vài tuần hoặc ho với sốt cao, khó thở, nên đi gặp bác sĩ sớm để được chẩn đoán và điều trị thích hợp.
Chương trình này chỉ nhằm cung cấp kiến thức tổng quát về sức khoẻ. Cho các vấn đề cụ thể, chi tiết của từng bệnh nhân, xin liên lạc trực tiếp với bác sĩ của quí vị để được thăm khám trực tiếp.