Về công tác phê bình văn học
2006.11.19
Minh Thùy, phóng viên đài RFA
Thưa quý thính giả, kỳ trước, tạp chí Văn Học Nghệ Thuật đã gửi đến quý vị cuộc trao đổi về giải thưởng năm 2006 của hội Văn học Nghệ Thuật giữa phái viên Minh Thuỳ của ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do với nhà phê bình văn học Phạm xuân Nguyên, hiện đang công tác tại Viện văn học thuộc Viện khoa học xã hội Việt Nam, cũng là phó chủ tịch Hội nhà văn Hà nội.
Kỳ này, phái viên Minh Thuỳ trao đổi với ông Nguyên về công tác phê bình văn học mà ông Nguyên đã làm trong hơn 20 năm qua. Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên được tiếng là người luôn ủng hộ cái mới trong văn học, cũng như thẳng thắn lên tiếng góp ý với những tác phẩm đang gây tranh luận và cả về công tác lý luận phê bình văn học. Mời quí vị theo dõi cuộc nói chuyện.
Minh Thùy: Xin chào nhà phê bình Phạm xuân Nguyên. Được biết anh là tác giả của những bài báo gây nhiều sự chú ý trong giới văn học trong nước như: “Tác phẩm hay, hãy hết mình, Vì một nền văn học sạch’’ và gần đây nhất là hai bài: “Giải thưởng không thành giải thưởng, Giải thưởng phải là giải thưởng tử tế’’, phê bình việc xét giải không nghiêm túc của Hội nhà văn Việt Nam vào tháng 10 vừa qua.
Gần đây dư luận cho rằng công tác phê bình hiện nay chưa làm hết vai trò của mình, như là chỉ gói gọn trong việc điểm sách, khen chê rất chung chung. Trong tình hình hiện nay, theo anh nhà phê bình có vai trò và ảnh hưởng gì đối với văn học nghệ thuật không?
Phạm xuân Nguyên: Nền văn học như một bộ môn, có sáng tác thì tự nhiên có phê bình. Đọc một cuốn sách hay bài thơ mình cảm tưởng muốn chia sẻ những ấn tượng của mình, điều mình thích hay không thích, về nội dung hay hình thức, như vậy phê bình cũng cần cho người sáng tác và người đọc.
Công việc chuyên môn của chúng tôi cũng có nhiều việc, từ việc đọc một quyển sách, viết bài phê bình, bài điểm sách đăng trên báo cho đến nghiên cứu những hiện tượng văn học, hay cả một quá trình văn học, thì rõ ràng phê bình có vai trò đối với sáng tác, với độc giả và cả quá trình văn học.
Một tác phẩm bao giờ cũng có nội dung, chủ đề tư tưởng, như tác phẩm văn chương nghệ thuật thì cái tính văn chương, nghệ thuật phải đặt lên hàng đầu. Do đó khi đọc một quyển sách, người Việt ta thường hay nói phải hay trước đã, thì người làm công tác phê bình phải cảm được cái hay đó, nêu ra được cái hay đó với bạn đọc, chia sẻ với họ. Với tôi, tôi chú ý cả về nội dung và nghệ thuật.
Vai trò đó thể hiện tới đâu thì tùy theo năng lực và phương pháp làm việc của mình. Trong đời sống văn học thì bao giờ giữa sáng tác và phê bình, giữa tác giả, tác phẩm và bạn đọc đều có mối liên hệ qua lại.
Minh Thùy: Khi làm công tác phê bình thì anh dựa trên những tiêu chuẩn nào để nhận xét, bình phẩm các tác phẩm văn học, theo tiêu chuẩn nghệ thuật hay chính trị, xã hội?
Phạm xuân Nguyên: Một tác phẩm bao giờ cũng có nội dung, chủ đề tư tưởng, như tác phẩm văn chương nghệ thuật thì cái tính văn chương, nghệ thuật phải đặt lên hàng đầu. Do đó khi đọc một quyển sách, người Việt ta thường hay nói phải hay trước đã, thì người làm công tác phê bình phải cảm được cái hay đó, nêu ra được cái hay đó với bạn đọc, chia sẻ với họ. Với tôi, tôi chú ý cả về nội dung và nghệ thuật.
Một tác phẩm muốn lôi cuốn được bạn đọc và nhà phê bình thì phải đạt chất lượng nghệ thuật, mời gọi được mình, nhưng nếu nghệ thuật thể hiện trong đó không có tính văn học thì cũng chưa phải là tác phẩm văn học để nhà phê bình phải nói đến.
Minh Thùy: Ngoài ra anh có chú ý đến những tiêu chuẩn khác không?
Phạm xuân Nguyên: Khi đọc một tác phẩm thì trong nội dung có cả những câu chữ, lời lẽ. Trong văn xuôi thì còn có hình tượng, nhân vật, cốt truyện thì nhà phê bình đều phải nói đến, phải trình bày cảm nghĩ với đọc giả. Tác phẩm có nhiều chiều, nhiều tầng, bài phê bình phải cho độc giả biết quyển sách nói cái gì và tác giả nói như thế nào.
Minh Thùy: Theo anh thì công tác phê bình có phải là một nghề khó khăn không, anh có những nguyên tắc nào cho riêng mình khi viết phê bình tác phẩm không?
Phạm xuân Nguyên: Thói thường của người đời thì khen thì vui mà chê thì buồn, nhà văn cũng có thói thường đó, nhưng đặc biệt là nhà văn cũng có trân trọng với nhà phê bình nếu nhà phê bình hiểu đứa con tinh thần của họ, tìm ra được những điều mà họ gửi gấm trong đó, ngay cả trong cấu trúc của tác phẩm mà mình chỉ ra được cho nhà văn, họ thấy hợp lý.
Ngược lại nhà phê bình có cái khó là khi viết về tác phẩm tức là chứng tỏ trình độ, bản lĩnh nghề nghiệp, kiến thức chuyên môn của mình. Tôi hay nói là đặt cược kinh nghiệm, uy tín của mình. Một quyển sách vừa ra, người ta trông đợi nhà phê bình một bài viết, có thể khen hay chê ngay từ đầu và độc giả sẽ kiểm định sự khen chê đó.
Tóm lại nhà phê bình là người bày tỏ văn kiến chứ không phải chính kiến, chịu sự phán xét trở lại của đọc giả và tác giả, thế nên vui buồn trong nghề là có thường xuyên. Nếu còn yêu nghề, yêu văn thì còn thấy đáng làm, đáng viết.
Có lúc một quyển sách ra đời, tôi đọc, cảm thấy hay thì tôi viết, không cần biết tác giả. Phương châm làm việc của tôi là chú trọng văn bản chứ không viết vì tác giả. Bạn bè tôi là nhà văn cũng nhiều nhưng khi tác phẩm của họ chưa đạt tới tầm như tôi mong đợi hay chưa hay thì tôi không viết.
Minh Thùy: Sống với nghề phê bình hơn 20 năm chắc anh có nhiều kinh nghiệm hay, anh có thể vài kỷ niệm vui buồn trong khi làm việc, có khi nào anh gặp sự phản ứng từ tác giả không?
Phạm xuân Nguyên: Tôi có niềm vui khi phê bình là có những quyển sách tự tôi mua được hay do bạn bè giới thiệu, tôi viết bài phê bình mà tôi không hề biết tác giả. Khi bài đưa lên rồi thì tác giả tìm đến tôi,chia sẻ và cám ơn. Nhưng có lúc tôi viết bài không dễ, như hiện nay nhà văn Nguyễn đình Chính vừa ra tập truyện Ngày hoàng đạo, trước đây 5 năm có tên là Đêm thánh nhân.
Ông Đặng Tiến có bài khen tập truyện này, nhưng tôi đọc xong thì không thích, tôi đánh giá là bộ truyện này khá dày, nhưng độ dày cũng tỉ lệ thuận với độ chán. Nghe nói là tác giả phản ứng dữ dội lắm. Bây giờ cuốn này được in lại đầy đủ và đổi tên, tôi đọc lại vẫn thấy nhận định của tôi là đúng. Tóm lại nhà phê bình là người bày tỏ văn kiến chứ không phải chính kiến, chịu sự phán xét trở lại của đọc giả và tác giả, thế nên vui buồn trong nghề là có thường xuyên. Nếu còn yêu nghề, yêu văn thì còn thấy đáng làm, đáng viết.
Minh Thùy: Thế có bao giờ anh gặp được một tác phầm nào thật hay, thật ưng ý mà anh cảm thấy thích thú khi viết bài phê bình?
Phạm xuân Nguyên: Một câu hỏi rất hay. Đúng, có khi tự nhiên đọc một quyển sách xong thì muốn viết ngay để chia sẻ với tác giả và đọc giả. Tuy không thường xuyên, nhưng không phải là không có và những lúc đó thì cảm thấy rất sảng khoái và thích thú.
Minh Thùy: Qua những lời phát biểu trên, nhà phê bình Phạm xuân Nguyên thể hiện rõ tinh thần trách nhiệm và tình yêu nghề nghiệp đối với văn học, với nhà văn và bạn đọc. Trong bài nói chuyện “Vì một nền văn học sạch’’ với Lê anh Hoài trên trang web Văn nghệ sông Cửu Long ngày 5.10.2006 ông Phạm xuân Nguyên thẳng thắn lên tiếng rằng:
“Văn học ta không thể nào lớn được, vì nó không được sống trong môi trường văn học đúng nghĩa. Môi trường văn học đó phải là của một xã hội dân sự, khi sáng tác và phê bình được hành nghề tự do, dân chủ một cách chuyên nghiệp và được hành xử tự do, dân chủ một cách chuyên nghiệp.
Cả hai cái “hành” này của sáng tác và phê bình văn học nước ta, tiếc thay, vẫn là tự phát, tự tiện từ bao lâu nay. Những hiện tượng thông thoáng phần nào thời gian qua chỉ là bề nổi. Bề chìm là tư duy của người sáng tác, người phê bình và người phán xét thì vẫn không nhúc nhích được mấy. Tôi nghĩ, để văn học ta thực sự phát triển thì phải “thay máu” cách nghĩ về văn học.“
Về công tác phê bình văn học ông nhấn mạnh:
“Phê bình văn học của ta thiếu gì, cần gì ? Nó thiếu học thức. Nó cần học thức. Người ta sinh ra đời ai chẳng nói được. Nhưng từ tiếng nói đến ngôn ngữ rồi đến ngôn ngữ học thì không phải tự nhiên cứ biết nói là biết làm. Văn học và phê bình văn học cũng vậy.
Từ những điều tôi nói trên có thể thấy văn học ta hiện thời đang bị vấy nhiều tạp chất, kể cả là bị bôi bẩn nữa, khiến cho nó ít là văn học. Vì thế chúng ta cần một thứ văn học sạch , nghĩa là lấy chất lượng văn học làm đầu, không để bị những toan tính ngoài văn học chi phối, nghĩa là biết dám làm và dám chịu trách nhiệm trước văn giới và độc giả.’’
Đáng tiếc là một bài nói chuyện tâm huyết như thế chỉ mới đi trên trang web được 2 ngày thì do chỉ thị từ “cấp trên’’ phải bóc xuống, nên giới văn học và bạn đọc không biết những phát biểu sâu sắc và chân thành của ông.
Xin cám ơn nhà phê bình Phạm xuân Nguyên. Minh Thùy thực hiện.
Theo dòng câu chuyện:
- Hậu giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam 2006
Các tin, bài liên quan
- Hậu giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam 2006
- Giải thưởng Văn học Năm 2006 của hội nhà văn Hà Nội
- Thực chất công tác biên tập tại các nhà xuất bản ở Việt Nam
- Những chuyện ‘cười ra nước mắt’ trong việc duyệt xét tác phẩm văn học VN
- Cánh Đồng Bất Tận của Nguyễn Ngọc Tư đoạt giải thưởng Hội Nhà Văn
- Hội luận giữa 2 nhà văn trong nước về những trăn trở của người cầm bút (phần 2)
- Hội luận giữa 2 nhà văn trong nước về những trăn trở của người cầm bút
- Vấn đề kiểm duyệt tác phẩm văn học tại Việt Nam
- Phương pháp sáng tác hiện thực Xã hội chủ nghĩa (phần 4)