Đinh Linh, cuộc đời và thơ hiện đại (phần 2)


2007.02.25

Minh Thuỳ, đặc phái viên đài RFA

Đinh Linh là một hiện tượng khá đặc biệt trong văn học Việt Nam. Ông viết truyện ngắn, làm thơ bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt, khởi đầu gặp nhiều khó khăn về ngôn ngữ, phải tự học tập luyện cả về ngôn ngữ và văn học, bắt đầu từ việc chuyển dịch các tác phẩm từ tiếng Anh sang tiếng Việt, rồi đi đến việc sáng tác.

DinhLinhDiemHang150.jpg
Đinh Linh và vợ, Diễm Hằng, ở một thành phố bên nước Ý. Photo of Dinh Linh

Trong phần 1 nói chuyện với nhà thơ Đinh Linh, Minh Thùy đã giới thiệu về cuộc đời và những sáng tác của ông, trong phần 2 hôm nay nhà thơ trình bày về nhận định suy nghĩ của ông về dòng văn thơ mới Việt Nam hiện nay. Sau đây xin mời quí vị theo dõi tiếp bài nói chuyện:

Minh Thùy: Anh suy nghĩ gì về thơ Tân hình thức đang trở thành phong trào hiện nay ở Việt Nam và hải ngoại ? Có phải đó là thơ cách tân hay chỉ là làm dáng, muốn cho thơ mình lập dị, khác đời?

Đinh Linh: Đây đúng là trường hợp cũ người mới ta. Thơ tân hình thức, tiếng Anh là Blank verse, đã có trong thơ Anh cả mấy trãm năm nay rồi chẳng có gì mới mẻ, thậm chí cái trò vắt dòng, tức là câu thơ vắt từ dòng này qua dòng kia mà Mỹ gọi là enjambment cũng quá xưa, mấy trăm năm nay rồi.

Mình có quyền bắt chước người ta nhưng không nên làm rầm rộ, trịnh trọng quá, thấy rất buồn cười. Mọi người có quyền làm, tôi không có ý kiến. Nhưng có vấn đề khác là nhóm tân hình thức làm như đây là trò duy nhất mà mình phải bắt chước.

Trong khi bên Mỹ có nhiều trò lắm, cả chục trò mà tân hình thức là trò cù lần nhất. Những nhà thơ Mỹ mà tôi phục đều không coi thơ tân hình thức (new formalism) ra gì cả, họ xem đó là phong trào bảo thủ, chỉ những nhà văn bảo thủ mới thích nó, còn những nhà văn cấp tiến độc đáo thì không.

Những người ở Việt Nam nên hiểu là tân hình thức bên Mỹ không có chỗ đứng quan trọng. Những cú pháp của tân hình thức Mỹ đem qua tiếng Việt thì làm cho tiếng Việt mới lên một tí, Việt Nam không biết ngắt dòng, thậm chí có người không biết chấm phẩy, nên tân hình thức có thể làm mới thơ văn Việt Nam nhưng còn nhiều cái độc đáo hơn, không cần dùng tân hình thức để cổ động. Và tôi cũng không thích phong trào, như nhà thơ Nguyễn quốc Chánh cũng chả theo phong trào nào.

Mình có quyền bắt chước người ta nhưng không nên làm rầm rộ, trịnh trọng quá, thấy rất buồn cười. Mọi người có quyền làm, tôi không có ý kiến. Nhưng có vấn đề khác là nhóm tân hình thức làm như đây là trò duy nhất mà mình phải bắt chước.

Minh Thùy: Như anh nói thì theo phong trào thơ tân hình thức là người ta làm thơ bằng cách chặt câu thơ, xuống hàng nửa chừng, thì tôi thấy không có gì mới, vì ngày xưa chính nhà thơ Bút Tre đã có những câu thơ xuống hàng như vậy, dí dỏm, gây cười mà vẫn tình tứ như câu: Anh đi công tác Ban mê Thuột xong một cái là về với em.

Đinh Linh: Tôi đồng ý với chị, chả có gì mới cả. Như việc làm thơ đếm chữ, cứ 6 âm, 7 âm hay 10 âm thì là xuống hàng, đúng là làm thơ rất là máy móc.

Thật sự họ không biết đọc thơ vì khi một hàng cắt đứt là phải ngừng, không thể đọc lướt qua được, kể cả thơ enjambment của Mỹ cũng vậy, khi người Mỹ đọc thơ vắt dòng thì cuối hàng họ vẫn ngừng, rồi mới đọc tiếp. Còn ở thơ tân hình thức Việt Nam họ không ngừng, chỉ lướt qua thôi, như vậy là không biết đọc thơ.

Tuyển tập thì phải chọc lọc

Minh Thùy: Tôi cũng thấy loại thơ tự do như bây giờ không có vần điệu, không cần số chữ, thì có gì mới, có khác gì thơ tự do mà Thanh tâm Tuyền trước kia đã làm rồi mà gọi là thơ hậu hiện đại và làm ầm ĩ lên ?

Đinh Linh: Tôi có quyển tân hình thức trước mặt đây, có đến 50 người trong đó, nếu đông đảo như thế thì không còn là tuyển tập nữa. Tuyển tập là phải chọn lọc, không có tuyển tập nào đến 50 người đều là hay !? mà họ còn dịch ra tiếng Anh, thú thật là tôi đọc không nổi.

Minh Thùy: Có vấn đề khác là bạn đọc hiện nay nhiều người than thở rằng: sao thơ hiện đại, thơ mới của các nhà thơ trẻ bây giờ “tối như hũ nút”, rối rắm, đọc xong không biết nhà thơ muốn nói cái gì?

Trong nước hiện nay, gần như mỗi công dân là một nhà thơ, những tập thơ in tràn lan nhưng không có đọc giả, không ai mua. Các nhà thơ mới thì than thở là ngưòi đọc đa số là bảo thủ, lạc hậu...

Đinh Linh: Nhiều khi họ rối rắm thật chứ không phải tại mình không hiểu. Cũng có những điều, những ý khó giải mà người viết phải viết khó mới biểu lộ được vấn đề, nhưng thực sự có người viết mà chính họ cũng không biết họ muốn nói cái gì, đọc giả từ từ sẽ có kinh nghiệm, họ chỉ tin tưởng một số nhà thơ và gạt bỏ những nhà thơ khác.

Tôi có quyển tân hình thức trước mặt đây, có đến 50 người trong đó, nếu đông đảo như thế thì không còn là tuyển tập nữa. Tuyển tập là phải chọn lọc, không có tuyển tập nào đến 50 người đều là hay !? mà họ còn dịch ra tiếng Anh, thú thật là tôi đọc không nổi.

Vấn đề khác là ở Việt Nam và cả bên Mỹ bây giờ, thơ phải cạnh tranh với nhiều thứ khác như TV, phim ảnh...người trung bình thích xem TV chứ mấy ai đọc thơ. Nhưng nhu cầu thơ vẫn đáp ứng được cái gì đó mà phim ảnh TV không làm được vì thế thơ vẫn có chỗ đứng của nó.

Đồng ý tỉ lệ nhà thơ dở rất cao, nhưng mình phải lọc ra người nào đáng đọc. Như khi tôi đọc, tôi lướt và bỏ qua nhiều nhà thơ mà tôi biết không có gì bổ ích cả.

Minh Thùy: Đôi khi tôi có cảm tưởng nhiều nhà thơ hiện nay muốn làm cho thơ mình bí hiểm, tăm tối để trở thành cao siêu hơn không ?

Đinh Linh: Cái bí hiểm cũng có cái hay. Việt Nam có quá nhiều khẩu hiệu, vì chiến tranh và chính trị hay dùng khẩu hiệu, mà khẩu hiệu thường ngắn gọn nên người ta hiểu ngay là cái gì.

Dân Việt Nam quen nghe khẩu hiệu rồi, nên khi họ đọc cái gì khó hiểu thì họ hay bực mình. Cái đó cũng hay vì cái gì phức tạp thường đâu dễ hiểu liền, và Thơ là nơi để người ta điều tra cái gì khó hiểu. Trên đời phần lớn là những vấn đề khó hiểu, đâu dễ giải quyết bằng khẩu hiệu.

Dân tộc quen nghe khẩu hiệu có lẽ nên đọc nhiều thơ hơn để thấy rằng phần lớn những vấn đề căn bản nhất không thể nào hiểu nổi bằng khẩu hiệu mà phải điều tra kỹ hơn bằng những câu thơ.

Trình diễn thơ

Minh Thùy: Vừa rồi tại Hà nội, đêm 24 tháng giêng có một đêm trình diễn thơ do Hội đồng Anh tổ chức, với sự tham gia của các nhà thơ: Nguyễn vĩnh Tiến, Nguyễn thúy Hằng, Vi thùy Linh và Dạ thảo Phương. Tôi có đọc qua một bài kể của anh Trịnh Lữ Trước kia người ta ngâm thơ, đọc thơ...

Bây giờ thì có thơ trình diễn, tác giả tự đọc bài thơ mình với phần nhạc đệm, ánh sáng đi kèm. Lại có người chẳng đọc câu thơ nào, chỉ biểu diễn bằng động tác, diễn tả bằng nét mặt, với phần đệm của nhạc, tiếng động, ánh sáng.

Dĩ nhiên nhiều người làm nhưng chỉ có số ít người làm hay, làm đúng. Việt Nam cũng vậy, bây giờ trình diễn thơ thì vấn đề chính không phải là cái trò gì mà nó có gây lý thú, gây ấn tượng không. Nếu họ làm kịch câm cũng được, cái chính là có hay không có thuyết phục không.

Rất tiếc tôi chưa xem trình diễn thơ như thế bao giờ, nhưng đọc bài viết về Đêm thơ trình diễn đó, tôi thấy sao giống kịch câm. Không biết bên Mỹ có vậy không? Anh nhận định thế nào về thơ trình diễn?

Đinh Linh: Bên Mỹ có đủ trò hết. Đọc thơ dĩ nhiên là không phải ngâm thơ, nhưng thế cũng tốt. Cách đây 10 ngày, tôi đi dự một buổi đọc thơ của một người bạn quen, hắn chiếu phim lên tường rồi tường thuật theo phim giống như ở Việt Nam coi kịch Đại hàn có giọng thuyết minh, và hắn xen đủ thứ rất lạ.

Đó là phong trào đang xảy ra bên Mỹ, ở Philadelphia chưa có. Tôi hỏi hắn đây là trò gì mà tôi chưa thấy bao giờ. Hắn nói hiện nay phong trào này đang rầm rộ, có thể rồi người ta chán trò này để bày trò khác.

Dĩ nhiên nhiều người làm nhưng chỉ có số ít người làm hay, làm đúng. Việt Nam cũng vậy, bây giờ trình diễn thơ thì vấn đề chính không phải là cái trò gì mà nó có gây lý thú, gây ấn tượng không. Nếu họ làm kịch câm cũng được, cái chính là có hay không có thuyết phục không.

Minh Thùy: Hiện nay có nhiều ý kiến bi quan cho rằng văn chương hải ngoại thì đang lão hóa, còn văn chương trong nước thì bị chựng lại, không phát triển được nên khó có thể sánh với văn học thế giới được, thì anh suy nghĩ thế nào?

Đinh Linh: Tôi thấy văn chương Việt Nam hiện giờ ngày càng hay hơn, càng mở rộng hơn, có thời gian đụng chạm với văn chương ngoại quốc hơn. Trên Tiền vệ có nhiều bài thơ dịch, nhiều tác phẩm được dịch ra, vì vậy văn chương Việt Nam và ngoại quốc có nhiều cơ hội để nhiễm vào nhau hơn, mình học được nhiều bài học của người ta hơn.

Vì vậy văn chương Việt Nam ngày càng hay, không đi xuống, ngày càng trưởng thành, đủ điều kiện đương đầu với văn chưong thế giới hơn. Hồi xưa mình có nhiều ảo tưởng, cho là thơ Việt Nam hay nhất thế giới, hay nhất đối với ai?

Những người không đọc thơ thế giới làm sao biết mình hay hơn ngưòi ta, bây giờ mới thấy văn chương thế giới bát ngát, có nhiều phong trào, nhiều nhà thơ lớn, còn nhiều điều phải học. Hơn nữa cộng đồng người Việt ở nước ngoài, càng sống lâu thì mới thấm bài học của xã hội đó. Và nó có thể nhiễm vô chính bút pháp cách viết nên văn chương Việt Nam càng trưởng thành hơn, không bị đọng lại.

Văn chương Việt Nam

Vì vậy văn chương Việt Nam ngày càng hay, không đi xuống, ngày càng trưởng thành, đủ điều kiện đương đầu với văn chưong thế giới hơn. Hồi xưa mình có nhiều ảo tưởng, cho là thơ Việt Nam hay nhất thế giới, hay nhất đối với ai?

Minh Thùy: Nhưng vẫn có một số người than phiền là trong giới sáng tác Việt Nam có những tác phẩm hay bình thường, hay tầm tầm thì có, nhưng tác phẩm hay tầm cỡ, là tuyệt tác, đứng vững trên văn đàn thế giới thì chưa có. Gần như họ đòi hỏi có một tác phẩm lớn để có tên tuổi Việt Nam trên thế giới, theo anh thì mình có hy vọng đó không?

Đinh Linh: Chắc là sẽ có, vì bây giờ mình có những tác phẩm chưa được đánh giá đúng mức, chưa hiểu nó là cái gì hay đánh giá quá đáng, không rõ được. Tôi thấy những truyện ngắn của Trần Vũ đúng là tầm cỡ thế giới, không thua ai.

Nhưng ông ấy chưa có tác phẩm đến ngàn trang, nhưng đâu phải truyện dày là hay, mà đi ngược lại thời gian thì từ xưa Việt Nam có tạo ra bao nhiêu nhà văn cho thế giới mà bây giờ mình đòi hỏi có tác phẩm tầm cỡ thế giới.

Tôi không lo chuyện đó. Chị Trịnh thanh Thủy có viết trên web Talawas một câu rất hay: là tiếng Việt ở nước ngoài không bị đọng lại hay sụt xuống vì nhờ đụng chạm với tiếng ngoại quốc mà nó có những chức năng trước nay không được khai thác, nay mới bùng lên, có cơ hội phong phú thêm chứ không bị giảm đi.

Minh Thùy: Anh đã có những tác phẩm được đưa vào tuyển tập Thơ hay nhất nước Mỹ, và có tác phẩm như Máu và Xà phòng (Blood and Soap) gây được tiếng vang trong giới báo chí và bạn đọc, thì hiện nay anh có dự tính gì cho sự nghiệp văn chương của mình, thí dụ như ra một tuyển tập thơ đặc biệt, một tác phẩm lớn, hay một công trình gì đó làm khuấy động văn học Việt Nam không?

Đinh Linh: Nhà văn nhà thơ không thể nói là không cần lời khen. Chính tôi được ai khen tôi rất mừng nhưng cũng hơi nghi nghi, vì mình không phải hoàn toàn tin tưởng lời khen đó. Khi có tác phẩm vô được tuyển tập hay có ai khen mình, tôi xem đó là sự cảnh cáo để mình phải viết ngày càng cẩn thận hơn, xứng đáng với lời khen, với sự tôn trọng của đọc giả để không viết tầm bậy !?

Đó là một thử thách rất gay go, tôi ráng khai thác tài năng của mình, còn tôi là nhà thơ cỡ nào thì để đọc giả đánh giá, miễn sao tôi không phí phạm thời gian của mình là tôi hài lòng.

Minh Thùy: Cám ơn nhà thơ Đinh Linh đã trả lời buổi phỏng vấn hôm nay.

Theo dòng câu chuyện:

- Phỏng vấn nhà thơ, nhà văn Đinh Linh (phần 1)

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.