Nhà báo Giang Hữu Tuyên


2004.11.23

Như thường lệ mỗi tối Thứ Bảy hàng tuần, tạp chí Văn học Nghệ Thuật do Phạm Điền phụ trách lại đến với quý vị thính giả. Tuần này, là bài chiêu niệm nhà thơ, đồng thời là nhà báo nổi tiếng Giang Hữu Tuyên, chủ nhiệm tuần báo Hoa Thịnh Đốn Việt Báo vùng Washington Hoa Kỳ.

By line: Phạm Điền

Trong bài thơ Đất Gọi Người Đi viết từ 10 năm trước, có đoạn nhà thơ Giang Hữu Tuyên đã viết:

Mai này trong chuyến tàu thiên cổ Nếu có người thương tiếc tiễn đưa Xin hãy rắc thêm vào huyệt mộ Chút tình hệ lụy núi sông xưa

Người có câu thơ bùi ngùi mang tình yêu đất nước gửi vào trong chiếc tàu thiên cổ, trong huyệt mộ này, vừa mới nằm xuống. Vĩnh viễn ra đi để lại thương nhớ cho hàng ngàn người yêu mến ông trong cộng đồng Việt Nam ở Mỹ.

Nhà báo Giang Hữu Tuyên, chủ nhiệm kiêm chủ bút Hoa Thịnh Đốn Việt Báo, tuần báo ra đời từ 22 năm trước, vừa mới tạ thế. Hôm nay, thứ Bảy ngày 20 tháng 11, lễ tiễn biệt ông lần cuối đã được gia đình và thân hữu tổ chức trọng thể tại nhà quàn của Nghĩa Trang Memorial Park ở Virginia với hàng trăm người tham dự.

Ông đột ngột lâm bệnh vào ngày 5 tháng 11, nằm điều trị từ ngày đó ở bệnh viện George Washington tại thủ đô Hoa Kỳ cho đến khi trút hơi thở cuối cùng vào lúc 2 giờ 25 sáng ngày Chủ Nhật 14 tháng 11.

Giang Hữu Tuyên sinh ngày 20 tháng 3 năm 1949 tại làng Phong Thạnh quận Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu. Thân phụ ông là ông Hồ Hữu Lới đã qua đời, mẹ là Giang Thị Nữ hiện ở tiểu bang Virginia Hoa Kỳ.

Sau khi xong bậc Trung học ở trường Trung Học An Xuyên, Cà Mau, lên Sài Gòn theo học Phân Khoa Báo Chí Viện Đại Học Vạn Hạnh, nửa chừng ông gia nhập binh chủng Hải Quân. Ra trường ông về phục vụ ở đảo Hòn Khoai, Bộ Tư Lệnh Hải Quân vùng 4 Duyên Hải ngòai khơi mũi Cà Mâu.

Hải quân Trung Úy Giang Hữu Tuyên đã tham dự nhiều chiến dịch bình định của Hải Quân ở vùng Năm Căn. Sau tháng Tư năm 1975, ông lánh nạn cộng sản, đến Mỹ và định cư tại tiểu bang Virginia từ ngày đó đến lúc tạ thế.

Ông là người hoạt động. Mục tiêu của ông là tranh đấu cho quê hương sớm được tự do dân chủ, quyền con người được tôn trọng nên trong những năm đầu, ông nhiệt thành tham gia các hoạt động đấu tranh nhân quyền và gia nhập nhiều tổ chức có nỗ lực tiến về hướng đó. Ông từng chăm lo cho tờ Cờ Vàng, một tập san ngôn luận của một tổ chức đấu tranh, sau đó cùng với hai người bạn khác là Ngô Vương Toại và Nguyễn Đình Hùng chủ trương tờ Việt Chiến, tạp chí Văn Chương Dấn Thân, một trong số những tạp chí văn học đầu tiên của người Việt ở Washington. Đến năm 1982, ông cho ra đời tuần báo Hoa Thịnh Đốn Việt Báo cho tới nay.

Ngòai việc say mê làm báo, ông còn là một nhà thơ. Những bài thơ ông sáng tác vào những năm đầu sau tháng Tư 75 như bài Màu Tím Mồng Tơi đã được cộng đồng người Việt tị nạn hết sức tán thưởng. Ông còn viết kịch như vở kịch thơ Hận Nam Quan được trình diễn vào năm 78 ở Virginia tạo một tiếng vang lớn. Tình tự đất nước trong thơ ông đã khiến nhiều người yêu thơ gọi ông là nhà thơ dân tộc.

Thơ văn ông đã làm nên tinh thần giữ lửa cho người Việt từ buổi đầu long đong nơi quê người.

Nhưng say mê nhất đối với ông có thể là việc làm báo, duy trì một tiếng nói mà ông cho rằng rất cần thiết cho cộng đồng người Việt trên đất Mỹ. Hoa Thịnh Đốn Việt Báo là một trong số những tờ báo sớm sửa trên đất Mỹ.

Ký giả có nhiều tuổi nghề từ Sài Gòn qua đến Mỹ Phạm Trần nhận xét về sự đóng góp của Giang Hữu Tuyên và tờ báo này.

Hoa Thịnh Đốn Việt Báo đã trải qua những đoạn thăng trầm trong suốt 22 năm qua , đứng vững cũng là do sự kiên cường vững tay lái của ông Giang Hữu Tuyên và sự đảm đang hỗ trợ hết sức của người bạn đường là chị Trương Ngọc Sương.

15 năm trở lại đây, báo chí Việt Ngữ không gặp những trở ngại lớn như thời gian trước đó vì thị trường quảng cáo mở rộng, nhiều đơn vị thương mại đủ loại, số doanh nghiệp càng lúc càng tăng nên khả năng đứng vững về tài chánh không tệ như thời kỳ đầu. Trong lúc báo chí ra sớm trước thời gian đó chịu mọi bề khó khăn. Ngòai tiền vốn, cứ thấy hụt dần vì tiền in, người làm báo thời đó khổ vì máy móc, trợ cụ còn yếu kém, bàn máy Mỹ không có dấu phải đánh dấu bằng tay, không có computer và internet nên không có bộ nhớ, cũng không có tin tức đồi dào quốc tế cũng như Việt Nam để xào nấu và người viết cũng không đông như ngày nay.

Làm báo vào thời kỳ đó là trò chơi mạo hiểm. Như đập đầu vào đá, cầm chắc thua lỗ. Khiến cho nhiều người nói với nhau rằng nếu ghét ai cứ xui người ấy làm báo. Giang Hữu Tuyên làm báo trong khung cảnh đó, do say mê thì đã đành, mà còn do thôi thúc bởi một động cơ khác nữa là đáp ứng nhu cầu thông tin, tạo dựng một cơ quan ngôn luận của một công đồng còn mới mẻ, cần những gạch nối và bồi đắp cho lớn mạnh.

Ông vượt qua giai đoạn sóng gió đó vì ngòai sự chịu khó và khả năng, lối khu xử thân thiện, hài hòa của ông đã gây thiện cảm, khiến cho nhiều nhà báo, nhà văn, hoạ sĩ, kẻ trước người sau cũng tìm đến tiếp tay. Họ biết đó là một sân chơi thỏai mái, dung dị như tính tình của ông chủ nhiệm người Nam vui tính hài hòa, mà cũng vì đồng ý với Giang Hữu Tuyên về sự hữu ích của món ăn tinh thần này. Ký giả Chử Bá Anh, Cao Thế Dung, Phạm Trần, Nguyễn Văn Khanh, Vũ Ánh, Lê Thiệp, Nguyễn Thiên Ân, nhà văn Nguyễn Xuân Hòang, hoạ sĩ Đinh Cường đã từng cọng tác với tờ báo này cũng là vì thế.

Nhìn qua tư thế Giang Hữu Tuyên, con người đấu tranh, giáo sư Đặng Đình Khiết, dạy các trường trung học ở Virginia.

Nay tuy Hoa Thịnh Đốn đã vững mạnh cùng với sự vững mạnh của cộng đồng, nhưng Giang Hữu Tuyên không xem tờ báo là một cái cần câu cơm như thường tình. Con người sốt sắng và sôi nổi nơi ông vẫn giữ cho Hoa Thịnh Đốn một nét riêng ở chỗ duy trì sự đứng đắn của diễn đàn này.

Cá tính bộc trực, sôi nổi và tình bạn cởi mở của nhà báo Giang Hữu Tuyên đã khiến ông có đông bạn hữu, từ những người bạn trẻ hơn đến những ông bạn vong niên. Họ chấp nhận sự hỉ hả đùa nghịch của ông vì ông luôn đem đến cho đám đông những nụ cười ấm áp.

Làm báo bận rộn nhưng Giang Hữu Tuyên không quên ngó mắt đến các sinh hoạt văn thơ là thứ mà ông đặc biệt yêu thích. Mấy năm nay, ông thường làm công việc giới thiệu sách vở cho các thi văn hữu tuy không đứng hẳn vào trong nhóm văn nghệ nào nhất định.

Nhà văn Trương Anh Thụy, tác giả tiểu thuyết Chuyển Mùa mới ra mắt tuần qua, khi nói về Giang Hữu Tuyên đã gói ghém vài điều sau đây.

Hiếm khi một người nằm xuống có được sự thương tiếc của nhiều giới như ông. Nhà thơ nổi tiếng Vương Đức Lệ ngòai việc cho rằng Tuyên là người biết của biết người, có trước có sau còn làm một bài thơ tiếc thương Giang Hữu Tuyên để nhớ những ngày còn Tuyên lui tới ở Phở Xe Lửa một chỗ ngồi vui của giới làm báo Việt ngữ và các nhà văn nhà thơ ở Virginia:

Sáng ngồi Xe Lửa Chiều Ra Eden Tuyên Không còn nữa Cùng ai đây Tuyên

Này Người Anh em Thầm riêng cõi nhớ Có về qua cửa Hay chăng nỗi niềm

Hay như thi sĩ Hòang Xuân Sơn từ Canada gửi những câu thơ Tiễn Biệt có đoạn:

Trái đời rụng Bữa còn non Thì thôi chiêm viễn Cuối hồn lưu cư Mốt mai rồi mốt mai, dù Trời mưa uớt chữ còn dư nụ tình

Hôm nay, ở giữa cửa từ sinh, nhà báo nhà thơ Giang Hữu Tuyên nằm lặng lẽ, giữa những bông hồng thương tiếc mọi người đặt quanh ông. Những câu thơ ông viết ngấm dần vào hồn mọi người: Đất gọi người đi buồn biết mấy, sông dài chảy xiết một giòng thôi, từ nay chín cửa mưa mù lối, sóng nước bềnh bồng nhánh củi trôi.Ai nấy lặng lẽ, nhưng lệ nhòe trên mắt. Tiễn biệt Giang Hữu Tuyên.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.