Thy Nga, phóng viên đài RFA
Mấy ngày nay, theo với tia nắng ấm, nàng Xuân đã thực sự đến với thủ đô Hoa Thịnh Đốn của nước Mỹ với những khóm hoa nở khắp nơi. Sự hồi sinh của vạn vật thật là kỳ diệu! những cành cây trơ trụi suốt mấy tháng Đông thế mà chỉ qua một buổi có nắng, đã đâm chồi, nhu nhú màu xanh.

“Hoshun” (Springtime) played on Koto …
và những bụi cây xơ xác bên lối đi, tầm thường ở góc phố cũng trổ hoa đủ màu. Cảnh sắc làm cho con người cảm nhận hơn về sự huyền diệu của Tạo Hóa, và chúng ta không khỏi cảm thấy niềm hạnh phúc nho nhỏ đến với tâm hồn.
Nơi thủ đô nước Mỹ, cùng với tiết trời ấm dần lên, hàng chục ngàn cây đào bừng nở quanh hồ Tidal và dọc theo bờ sông Potomac.
Đến hôm qua, Thứ Bảy 29 tháng Ba, thì Hoa Thịnh Đốn khai hội với cuộc thi thả diều.
Như hằng năm, vào cuối tháng Ba sang đầu tháng Tư, hội Hoa Anh Đào tại Hoa Thịnh Đốn lại thu hút đông đảo du khách khắp nơi đến thưởng hoa. Họ lũ lượt dạo quanh hồ dưới tàng cây rợp hoa, cành la đà chao mặt nước. Màu hồng phơn phớt chen với màu trắng của những cánh hoa đào nổi bật trên nền trời xanh. Cảnh sắc êm đềm làm cho mọi người cảm thấy yên lắng tâm hồn, tạm quên những xáo động của thời sự và nỗi âu lo của đời sống hàng ngày.
Những cây anh đào này khởi thủy là quà tặng của Nhật Bản cho thủ đô nước Mỹ vào năm 1912.
Chuyện kể rằng phu nhân tổng thống Hoa Kỳ, William Taft, có lần sang viếng thăm xứ Phù Tang nhằm mùa hoa đào nở. Trở về nước, bà còn vương vấn mãi hình ảnh những bông hoa tuyệt đẹp ấy nên đã xúc tiến việc đưa những gốc cây đào từ Nhật sang, trồng tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn. Vào ngày 27 tháng Ba năm 1912, bà tiếp nhận ba ngàn cây, và cùng với phu nhân vị đại sứ Nhật trồng hai cây đào đầu tiên trên bờ hồ Tidal.
Từ đó hằng năm, cứ đến cuối tháng Ba, du khách các nơi lại rủ nhau đến Hoa Thịnh Đốn ngắm hoa đào.
Lễ hội kéo dài 16 ngày, gồm nhiều tiết mục trong đó có bầu Hoa hậu cùng 50 Công chúa đại diện cho các tiểu bang và vùng đất của Hoa Kỳ, với những sứ giả thiện chí; trưng bày sản phẩm thủ công nghệ Nhật, và trang phục kimono; biểu diễn nhạc cổ truyền Nhật Bản; đô vật, đấu võ, các cuộc thi thể thao, đua thuyền; hòa nhạc; nghệ thuật cuốn Sushi, các buổi nếm rượu Sake, các buổi giải thích về trà đạo của người Nhật, …

Quý khách cũng có thể vừa nhấp trà vừa ngắm cảnh những cây hoa nở rộ, từ trên du thuyền trên giòng sông Potomac, hay là đợi đến tối thứ Bảy này, 5 tháng Tư để xem hoa đăng pháo bông.
Ngày thứ Bảy 12 tháng Tư là cao điểm, có diễn hành xe hoa do hội chính tổ chức; kế tiếp, Hội “The Japan-America Society of Washington DC” mở Festival trên các đường chính của Hoa Thịnh Đốn.
Thy Nga hỏi chuyện cô Reiko Hirai, phối hợp viên chương trình festival mà tên Nhật là “Sakura Matsuri” để biết thêm về các mục đặc biệt cho năm nay:
Reiko Hirai : Lễ hội này bắt đầu cách nay gần 50 năm, thoạt tiên như là một cuộc họp mặt gia đình để đón mừng mùa Xuân nhưng rồi, năm này qua năm khác, nó phát triển dần, và trình bày những nét văn hóa Nhật tới các nơi. Và sau 48 năm, lễ hội này thu hút cả 120 ngàn người đến xem.
“Sakura Matsuri” tới đây, chúng tôi có 3 cô geisha đến từ Tokyo, Nhật Bản. Họ là các geisha thực sự ngoài đời. Tôi là người Nhật mà chưa bao giờ nhìn thấy một geisha thứ thiệt đấy! cho nên tôi rất nao nức.
Chúng tôi còn có nhóm đánh trống Taiko, gồm 40 sinh viên trường Đại học Tamagawa. Tiết mục này thì có trong chương trình của chúng tôi từ 30 năm nay. Cũng có nhóm nhạc Rock rất trẻ và sôi động, là nhóm Mitsematsu.
Thy Nga : Bạn Reiko à, câu "Chào mừng quý vị đến với lễ hội" nói bằng tiếng Nhật như thế nào?
Hoa Anh Đào, người Nhật gọi là “Sakura” đã là nguồn cảm hứng cho biết bao bài thơ, khúc hát, … bao nhiêu áng văn, họa phẩm, … Có người lại ngắm nhìn sự mong manh của đời hoa mà viết nên những câu triết lý sâu xa.
Bên xứ Phù Tang, đến kỳ hoa đào nở là dân chúng rủ nhau đi ngắm hoa, như trẩy hội vậy. Hoa Anh Đào từ khi chúm chím nụ xanh … tới khi hoa rụng cũng đẹp, muôn vàn cánh hoa bay là trong không trung rồi rơi nhẹ như bông tuyết xuống thảm cỏ.
“Sakura” played by Nguyễn Đình Nghĩa with flute and T’rưng …

Hoa Anh Đào của Nhật không giống loại hoa đào tại Cali, lại càng khác hoa đào nước mình. Có lẽ vì khí hậu và phong thổ, chả thế mà Thy Nga nghe nói là hoa Anh Đào của xứ Phù Tang đã từng được đưa vào Việt Nam trồng nhưng không sống được.
“Bài thơ hoa đào” ...
“Bài thơ hoa đào” là ca khúc quý vị vừa nghe Mỹ Thể hát. Với người Việt mình thì hoa đào gợi nhớ đến Đà Lạt, thành phố này của chúng ta đồng nghĩa với "xứ hoa đào". Nhạc phẩm sau đây của Hoàng Nguyên, “Ai lên xứ hoa đào” mời quý vị cùng nghe qua giọng hát Anh Khoa.
“Ai lên xứ hoa đào” ...
Ngoài Bắc, hoa đào là hình ảnh của Tết Nguyên Đán, của mùa Xuân. Hoa đào cũng nở đây đó trên các miền cao nguyên, và rơi rắc lối vào thiên thai như Tản Đà từng diễn tả trong bài thơ "Tống biệt". Nhạc sĩ Văn Cao thì để lại cho người thưởng thức nhạc của ông những âm thanh huyền ảo chơi vơi trong bản “Thiên thai” …
“Thiên thai” Lâm Nhật Tiến hát …
Trở lại cõi trần và lễ hội Hoa Anh Đào đang diễn ra tưng bừng, nhìn dòng người từ khắp nơi đến, tự dưng Thy Nga ước mong sao quý vị nhiều người tới được đây thì vui biết bao.
“Hosun” …
Thân mến hẹn quý thính giả và các bạn vào kỳ tới.