Nhạc từ dòng thơ Thanh Tâm Tuyền


2006.04.03

Thy Nga, phóng viên đài RFA

Âm thanh bài “Đêm màu hồng” mở đầu buổi tưởng niệm nhà thơ Thanh Tâm Tuyền vào tối thứ Năm vừa qua tại thủ phủ người Việt tỵ nạn. Nữ danh ca Thái Thanh nói đó “là bài nhạc mở đầu hàng đêm của phòng trà “Đêm màu hồng” và Thái Thanh hát để nhớ lại tất cả những đêm màu hồng trước …”

ThanhTamTuyen150.jpg
Nhà thơ Thanh Tâm Tuyền khi còn trẻ.

Đã hơn ba chục năm rồi nhưng chắc quý vị cao niên và trung niên chưa quên cái phòng ca nhạc trên đường Nguyễn Huệ, Saigon mang tên là “Đêm màu hồng” một câu lấy trong “Bài ngợi ca tình yêu” thơ Thanh Tâm Tuyền mà Phạm đình Chương phổ nhạc như sau

“Đêm màu hồng” …

Nhạc bản này cùng với tiếng hát Thái Thanh đã đưa người nghe trở lại với không gian của Saigon thuở nào, tuy giữa thời chiến nhưng vẫn có các nơi thanh lịch như “Đêm màu hồng” để đến thưởng thức nhạc, vẫn có những sinh hoạt văn hóa như của nhóm “Sáng tạo” mà Thanh Tâm Tuyền là một trong các cây bút nòng cốt, dẫn đầu dòng thơ tự do.

Sau biến cố 1975, Thanh Tâm Tuyền vốn là sĩ quan trong quân đội Việt Nam Cộng Hòa bị đi tù cải tạo tận trên Yên Báy. Tới khi được sang Hoa Kỳ định cư, ở St. Paul, Minnesota, ông làm việc trong cơ quan xã hội Việt Nam, và qua đời vào ngày 22 tháng Ba vừa rồi sau một thời gian lâm bệnh.

Sau Mai Thảo và nay Thanh Tâm Tuyền ra đi vĩnh viễn, nhóm “Sáng tạo” chỉ còn lại vài người trong đó có nhà văn Doãn Quốc Sỹ, luật sư Trần Thanh Hiệp. Trong cuộc điện đàm với Thy Nga, ông Trần Thanh Hiệp nói về nhóm Sáng tạo.

Được biết một buổi tưởng niệm nữa cho nhà thơ Thanh Tâm Tuyền được tổ chức vào hôm nay, Chủ Nhật 2 tháng Tư tại Houston, Texas, Thy Nga đã điện, hỏi thăm nhà văn Doãn Quốc Sỹ về việc đó.

Đến đây, mời quý vị nghe Duy Trác trình bày bản “Dạ tâm khúc” Phạm đình Chương phổ từ bài thơ “Dạ khúc” nhưng cho thêm tên thật của nhà thơ là “Tâm” vào giữa. “Dạ tâm khúc” …

Nói về tên thì có chuyện như sau về duyên cớ bút hiệu “Thanh Tâm Tuyền” do nhà văn Đỗ Quý Toàn tiết lộ. Ông cho biết là thời trai trẻ, nhà thơ mà tên thật là Dzư văn Tâm đem lòng yêu một cô gái tên Thanh Tuyền nên đã ghép tên mình vào tên người ấy, thành bút hiệu viết thơ văn.

Trở lại với nhà văn Doãn Quốc Sỹ, ông nói tiếp: (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)

Nhạc sĩ Cung Tiến trong nhóm bạn văn nghệ với Thanh Tâm Tuyền phổ bài “Lệ đá xanh” (và mười bài thơ nữa của ông sau thời gian tù đày).

Trong khi ấy, câu:

“Đôi khi anh muốn tin Ôi những người khóc lẻ loi một mình”

trong bài thơ “Lệ đá xanh” làm cho nhạc sĩ Phạm đình Chương thích thú đến độ lấy để kết thúc nhạc phẩm “Nửa hồn thương đau” của mình.

“Nửa hồn thương đau” …

Ca khúc “Nửa hồn thương đau” qua giọng hát Khánh Hà, cũng chấm dứt chương trình kỳ này … Thy Nga chào tạm biệt quý thính giả.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.