Ông Michael Michalak điều trần trước Thượng viện để được chuẩn thuận làm tân Đại sứ Mỹ tại Việt Nam


2007.07.25

Nguyễn Khanh, phóng viên đài RFA

Sáng thứ Ba 24-7, Ủy ban Đối ngoại Thựơng viện Hoa Kỳ tổ chức buổi điều trần về việc đề cử ông Michael Michalak làm tân đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, thay thế cho đại sứ Michael Marine sắp mãn nhiệm. Phóng viên Nguyễn Khanh có mặt tại chỗ và có bài tường trình như sau.

MichaelMichalak150.jpg
Ông Michael Michalak được Tổng thống Bush đề cử làm tân Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam. RFA file photo

Một nhà ngoại giao chuyên nghiệp

Buổi điều trần diễn ra tại Quốc hội vào lúc 10 giờ sáng (giờ Washington DC) và kéo dài gần một tiếng đồng hồ, với sự tham dự của đại diện giới chính khách Hoa Kỳ, đại diện giới ngoại giao của Việt Nam và Thái Lan, cùng giới báo chí.

Chủ toạ là nữ nghị sĩ Barbara Boxer của tiểu bang California, khai mạc phiên điều trần, chào đón hai vị được tổng thống Geogre W. Bush đề cử làm tân đại sứ ở Thái Lan là ông Eric John và ông Michael Michalak, và giới thiệu sơ lược về kinh nghiệm chuyên môn của cả hai nhà ngoại giao kỳ cựu này.

Riêng về phần ông Michael Michalak, ông là một chuyên gia về vấn đề Trung Quốc và Nhật Bản và là một nhà ngoại giao chuyên nghiệp, với 30 năm tham gia vào lĩnh vực này. Gần đây nhất, ông đảm nhiệm cương vị quan chức ngoại giao cao cấp đại diện của Hoa Kỳ ở APEC.

Đề cập sơ lược đến tầm quan trọng và vị trí của cả hai nứơc Việt Nam và Thái Lan trên bàn cờ ngoại giao của Mỹ, vị chủ toạ đánh giá cao những bứơc phát triển trong bang giao song phương với từng nước. Tuy nhiên, bà cũng nhấn mạnh đến những thử thách lớn mà hai nứơc bạn đang phải đương đầu. Về phần Thái Lan, đó là những bất ổn chính trị gần đây làm ảnh hưởng đến nền dân chủ của quốc gia, và nạn tham nhũng.

Tình trạng tại Việt Nam

Nếu đựơc bổ nhiệm làm tân đại sứ tại Việt Nam, một trong những điều mà tôi sẽ cố gắng thực hiện là khuyến khích chính quyền Hà Nội nhận ra rằng tự do ngôn luận, tự do bày tỏ quan điểm chính trị không phải là yếu tố nguy hại, mà ngược lại, đó là động lực tích cực giúp xây dựng và phát triển đất nứơc Việt Nam.

Nhận xét về những thử thách đối với Việt Nam, nữ nghị sĩ Boxer nhấn mạnh rằng, đó là tình trạng độc đảng chuyên quyền, những quyền tự do căn bản của công dân chưa đựơc công nhận và thực thi, những tiếng nói đối lập với nhà nước đều bị sách nhiễu, tù đày, mà cụ thể là chiến dịch bắt bớ các nhà bất đồng chính kiến ngay trước chuyến Mỹ du của chủ tịch Nguyễn Minh Triết mạnh tay đến nỗi đã làm ảnh hưởng đến chuyến đi của ông Triết.

Vẫn theo lời ngừơi chủ toạ, những thử thách của hai quốc gia này cũng chính là những khó khăn đối với vị tân đại sứ sắp đựơc bổ nhiệm, đòi hỏi họ phải có kế hoạch ngoại giao cụ thể.

Sau phần phát biểu của ông Eric John, ngừơi được đề cử làm tân đại sứ ở Thái Lan là phần trình bày của ông Michael Michalak, ứng viên cho vị trí tân đại sứ tại Việt Nam.

Hai trong số ba trọng điểm mà ông nhấn mạnh là vấn đề nhân quyền và lĩnh vực giáo dục. Ông Michalak nhận định rằng hiện trạng nhân quyền tại Việt Nam thật sự rất đáng gây quan ngại cho cộng đồng quốc tế và ông cam kết sẽ đặc biệt quan tâm một khi được chính thức bổ nhiệm:

Còn về lĩnh vực giáo dục, ông hứa sẽ cố gắng nhân đôi số học bổng dành cho nghiên cứu sinh Việt Nam sang Mỹ học tập qua chương trình của Quỹ Giáo Dục VEF hàng năm.

Ngoài ra, ông cũng cho biết sẽ sẵn sàng gặp gỡ và đối thoại với cộng đồng người Việt tại Mỹ để lắng nghe ý kiến đóng góp của họ về mối quan hệ song phương.

Nhân quyền là mối quan tâm hàng đầu

Trong phần chất vấn, các câu hỏi được đặt ra cho ông Michael Michalak nhiều hơn so với ông Eric John, ngừơi sắp đựơc cử sang xứ Thái.

Thượng nghị sĩ Jim Web nhắc lại sự việc xảy ra trứơc tư dinh đại sứ Michael Marine ở Hà Nội cách đây mấy tháng, khi lực lựơng an ninh ngăn chặn không cho ngừơi thân của những tù nhân lương tâm tiếp xúc với ông Marine, và hỏi ông Michalak sẽ phản ứng ra sao trứơc tình huống này.

Ông Michalak đáp rằng sự việc đã xảy ra là hoàn toàn không thể chấp nhận đựơc, và nếu là ông, ông sẽ lập tức liên lạc với một quan chức cao cấp nhất mà ông có thể để bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ hầu thay đổi tình thế. Ông nói rằng nếu đựơc bổ nhiệm làm tân đại sứ, một trong những điều ông sẽ cố gắng thực hiện là khuyến khích chính quyền Hà Nội nhận ra rằng tự do ngôn luận, tự do bày tỏ quan điểm chính trị không phải là yếu tố nguy hại, mà ngược lại, đó là động lực tích cực giúp xây dựng và phát triển đất nứơc Việt Nam.

NguyenVanLyTrial150.jpg
Tình trạng đàn áp nhân quyền tại Việt Nam đang là mối quan tâm của nhiều nhà lập pháp Mỹ. RFA file photo

Câu hỏi vị chủ toạ dành cho ông Michalak là nếu trở thành tân đại sứ, ông sẽ làm thế nào để giúp cải thiện tình hình nhân quyền tại Việt Nam. Đáp lời, ông Michalak cho rằng một trong những phương thức hiệu quả là tiếp tục thúc đẩy các cuộc đối thoại nhân quyền với Hà Nội.

Bên cạnh đó, vẫn theo ông Michalak, các chương trình học bổng đào tạo báo chí cũng như những chương trình giúp Việt Nam cải thiện tính minh bạch trong quản lý và chống tham nhũng cũng đóng vai trò không nhỏ trong mục tiêu này.

Ngoài ra, ông cũng hứa sẽ tận dụng mọi cơ hội có thể để kêu gọi giới lãnh đạo Hà Nội phóng thích cho các nhà đấu tranh dân chủ đang bị giam cầm như linh mục Nguyễn Văn Lý, luật sư Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân.

Với một vị tân đại sứ, liệu chúng ta có thể kỳ vọng những sự cải thiện mới mẻ trong mối quan hệ song phương Việt –Mỹ, đặc biệt trong lĩnh vực nhân quyền? Đó là câu hỏi Ban Việt Ngữ chúng tôi đặt ra với nữ nghị sĩ Barbara Boxer sau khi buổi điều trần kết thúc. Bà phát biểu:

“Mỗi khi có một vị đại sứ mới là chúng ta có một sự khởi đầu hoàn toàn mới mẻ. Tôi tin rằng vị tân đại sứ này sẽ xuất sắc trong sứ mạng mang thông điệp nhân quyền và tự do của Hoa Kỳ đến với chính phủ Việt Nam.”

Nguyễn Khanh tường trình từ thủ đô Washington.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.