Trung tâm massage của người khiếm thị ở Sài Gòn
2006.03.28
Phương Anh, phóng viên đài RFA
Đối với ngành đông y, cùng với môn châm cứu, massage là cách chữa trị xoa bóp các huyệt đạo một cách hữu hiệu nhất…Bản chất đúng nghĩa của massage là giúp cho cơ thể hết mệt mỏi và căng thẳng.
Thế nhưng, ngày nay, khi khi nói đến massage thì hầu hết mọi người đều cho là không tốt. Và càng ngày, massage càng biến tướng với nhiều chuyện “khó nói” thì thành kiến của xã hội cứ tăng dần…Chẳng có ông chồng nào dám khai với vợ mình là vừa mới đi massage về, cho dù có đến những nơi đứng đắn lành mạnh đi chăng nữa.
Tuy nhiên, bên cạnh những trung tâm massage không được lành mạnh cho lắm, thì cũng có những nơi phục vụ rất đúng chức năng massage của nó. Trong chương trình kỳ này, Phương Anh mời quí vị nghe chuyện massage tại cơ sở Chiến Thắng của những người khiếm thị ở thành phố Hồ Chí Minh.
Anh Nguyễn Văn Bảnh
Mấy năm gần đây, được sự khuyến khích và hỗ trợ của các cơ quan nhà nước, nhằm kiếm việc làm cho những người bị khiếm thị, Hội Người Mù thành phố Hồ Chí Minh đã mở một số trung tâm massage. Vào năm 2002, lần đầu tiên, một cơ sở do người khiếm thị đứng ra thành lập và hoạt động như một đơn vị kinh doanh tư nhân.
Người mạnh dạn đứng ra làm việc này là anh Nguyễn Văn Bảnh, một người không may bị mù từ khi còn bé. Khi còn là sinh viên trường Đại học Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn, nhận thấy người khiếm thị rất khó xin được việc làm, anh cùng với nhóm bạn học chung trường Nguyễn Đình Chiểu ngày xưa quyết tâm tìm cách gây dựng nên một cơ sở kinh doanh, anh kể lại:
Người mù ở Việt Nam từ trước tới giờ cũng chưa có kinh nghiệm quản lý như thế nào…rồi người ta nghe tới massage thì họ không có cảm tình, vì họ cứ nghĩ massage là bậy bạ, do xã hội, nên đi sâu vào tiềm thức của người ta… Cũng chẳng có cơ quan nào hỗ trợ về tài chính hết, nên gặp khó khăn lắm, nhưng có bạn bè họ kha khá một chút, thì họ cho mượn vốn
Lúc đó, vì công việc làm của người khiếm thị nói chung chưa được nhiều lắm, nên tôi tự tạo công ăn việc làm cho mình trước, rồi sau đó mới tiếp tục tạo công ăn việc làm cho những người đồng cảnh ngộ với mình. Trước đó, tôi đã làm công việc massage này ở trường Nguyễn Đình Chiểu từ năm 1997, sau khi có kinh nghiệm, tôi cũng tập cho mình cách quản lý.
Khi hỏi anh đã gặp những khó khăn gì và có được ai hỗ trợ không, anh cho biết: “Chúng tôi là nhóm kinh doanh đầu tiên của người mù nên lúc đầu có nhiều khó khăn…
Người mù ở Việt Nam từ trước tới giờ cũng chưa có kinh nghiệm quản lý như thế nào…rồi người ta nghe tới massage thì họ không có cảm tình, vì họ cứ nghĩ massage là bậy bạ, do xã hội, nên đi sâu vào tiềm thức của người ta… Cũng chẳng có cơ quan nào hỗ trợ về tài chính hết, nên gặp khó khăn lắm, nhưng có bạn bè họ kha khá một chút, thì họ cho mượn vốn…”
Được biết, ở cơ sở của anh, đa số là khách công nhân viên chức vì anh đã đặt ra qui luật hàng đầu cho việc phục vụ. Đó là tách biệt hẳn hai khu riêng biệt: nam ở phiá lầu trên, còn nữ thì ở tầng trệt. Anh nói:
“Dịch vụ ở đây nam làm nam, nữ làm nữ, mình tách hai cái riêng biệt ra thì sẽ không có chuyện “ khó nói”…Nhưng bây giờ ở đây có bịnh mà cả thế giới đều có là bịnh “đồng tính”. Trước mắt, mình nói chuyện và giáo dục nhân viên mình cho tốt, vì đây là phục hồi sức khoẻ, làm cho người ta khoẻ, nên các em ở đây làm rất tốt, không có ai vi phạm vào luật.
Lâu lâu cũng có những người họ vô, họ không nhìn bảng, mặc dù bảng tụi tôi để trước cửa rõ ràng, và đòi kiếm nữ làm, nhưng tôi mới nói là nam làm nam, nữ làm nữ, và đây là cơ sở người mù thì họ bỏ đi…Nói chung, một vài tháng mới gặp một trường hợp.”
Truyền nghề cho những người khiếm thị khác
Ngoài việc phục vụ cho khách hàng, trung tâm của anh còn nhận truyền nghề cho những người khiếm thị khác để giúp họ có thể tự mưu sinh. Để vào học và làm việc, họ chỉ cần tốt nghiệp tiểu học, tuổi từ 20 đến 35, có sức khoẻ tốt và có lòng quyết tâm học tập. Cũng theo lời anh Bảnh, việc học massage với người khiếm thị rất khó khăn, đòi hỏi phải có sự bền chí và nhiều nỗ lực phấn đấu.
Sau khi học nghề xong nơi trung tâm, anh hướng dẫn họ đến trường Đại Học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh để thi lấy giấy chứng nhận. Một nữ nhân viên đang làm việc tại cơ sở của anh cho biết: “Em tên Hoàng Liên Hương, năm nay em 22 tuổi, em làm ở đây hơn một năm, em bị khiếm thị từ hồi 3 tuổi. Quê em ở Bắc Cạn, Cao Bằng, Lạng Sơn. Em nghe trên đài truyền hình và liên lạc vào đây…Lúc đầu học cũng khá khó và em học khá lâu mới thành nghề được. Trong thời gian học, em phải cố gắng rất nhiều, thầy Bảnh giúp đỡ em rất nhiều, chỉ dẫn em nhiều lắm… Trung bình, mỗi ngày em có 4, 5 người khách, mỗi người chừng chục ngàn… “
Khi mình tự làm ra đồng tiền để tự nuôi bản thân mình, không phụ thuộc vào gia đình, em thấy vui lắm…Trước khi chưa vào đây, em ngại lắm, nhưng khi vào đây, được thầy và các bạn giúp đỡ, em rất là sung sướng, không còn biết nói gì hơn.
Ngoài ra, cô cũng tâm sự: “Khi mình tự làm ra đồng tiền để tự nuôi bản thân mình, không phụ thuộc vào gia đình, em thấy vui lắm…Trước khi chưa vào đây, em ngại lắm, nhưng khi vào đây, được thầy và các bạn giúp đỡ, em rất là sung sướng, không còn biết nói gì hơn...”
Riêng anh Thế, bị khiếm thị từ khi còn nhỏ, năm nay 35 tuổi, đã làm nghề này được gần ba năm thì cho biết: “Em đang là sinh viên , em làm công việc này mang tính chất làm thêm, em học đại học năm thứ tư, ngành Sử trường đại học KHXHNV…”
Khi hỏi thăm anh có gặp những trở ngại về những khoản “khó nói” hay không, anh cho biết: “Nói chung, tụi em đã được dậy hết rồi, nên mình làm thì chỉ làm đúng theo những gì mà trường đại học Y Dược dậy mà thôi.”
Nguồn kiếm sống
Đối với dịch vụ massage, là một dịch vụ “nhậy cảm”, khá nhiều người cho rằng, massage chỉ dành cho quí ông mà thôi. Nhưng, ở các cơ sở của người mù thì lại khác, số lượng các cô các bà đến khá đông, không thua gì nam giới. Một nữ khách hàng, năm nay 34 tuổi, đang làm việc cho ngân hàng nhà nước, tìm đến cơ sở của anh Bảnh cho hay:
“Nghe mấy cô bạn giới thiệu tới, thấy chất lượng phục vụ tốt, nhân viên họ rất vui vẻ…Bây giờ suy nghĩ của người ta cũng khác rồi, nếu mình có nhu cầu thì mình đi, nếu mình đau vai, đau lưng, mệt mỏi, đau nhức thì ở đây họ làm tốt, tại sao mình không làm?... “
Ngày ngày, với đôi mắt đục mờ, những người khiếm thị gồng mình truyền lực xuống đôi bàn tay để giúp cho khách hàng có những giây phút thư giãn, phục vụ hết sức mình để mong kiếm được chút đỉnh qua ngày, hầu tự nuôi sống bản thân mình, và không phải sống bám vào người khác.
Tiếc thay, họ vẫn bị những định kiến sai lầm về công việc này. Anh Bảnh cho hay: “Vẫn còn những người nghe nói “mat-xa” thì cứ tưởng lầm về vấn đề “mát-gần”… Các cơ sở đó ngày càng giảm dần, nhà nước hạn chế cấp giấy phép, hầu như không cấp cho cơ sở massage của những người bình thường nữa, chỉ có dịch vụ của người mù là người ta cấp thôi. “
Vì là người khiếm thị nên anh rất thấu hiểu hoàn cảnh của những người khiếm thị khác, nhất là ở những nơi vùng sâu, vùng xa. Do đó, anh luôn mong ước giúp cho những người không may rơi vào hoàn cảnh mù lòa như anh. Vì phương diện tài chính quá eo hẹp, nên anh chỉ biết đi xin các nhà hảo tâm. Sau một thời gian dài kiên trì vận động, hiện nay, đã có được ba nhà bảo trợ cho 3 em ở các tỉnh xa về như Lào Cai, Lạng Sơn và Yên Bái. Anh nói:
Thực chất massage về mặt sức khoẻ vẫn là OK, không có gì cả, những người mù làm vì cái “tâm” của họ ở đó, nên rất đáng khuyến khích. Đó là một nghề hỗ trợ cho người khuyết tật, vì họ bị mất mát quá nhiều rồi.
“Không biết họ sẽ hỗ trợ tới đâu, trước mắt là có 3 người ở tỉnh xa đến, mà 3 người này lại không học văn hoá, mà muốn học nghề thì phải đi học văn hoá trước, nhưng ở đây, tôi “chữa cháy” trước, tôi dậy nghề…rồi thời gian nào đó, có điều kiện thì tính sau…Đó cũng là bức xúc…Tôi chỉ ước mong sao có thêm.”
Thưa quí vị và các bạn, để tìm hiểu thêm về công việc massage của người khiếm thị, Phương Anh đã hỏi thăm anh Hoàng Văn Ngân, hiện là giám đốc sản xuất của một cơ sở kinh doanh của nước ngoài. Anh nói:
“Ở chỗ đó, họ làm rất đàng hoàng…Vấn đề là hiểu massage như thế nào thôi, chứ còn nghĩa tích cực thì vẫn là chấp nhận được, xã hội mình nên tạo điều kiện để cho họ có một nghề nghiệp, để họ có cảm giác là không bị thiệt thòi.
Thực chất massage về mặt sức khoẻ vẫn là OK, không có gì cả, những người mù làm vì cái “tâm” của họ ở đó, nên rất đáng khuyến khích. Đó là một nghề hỗ trợ cho người khuyết tật, vì họ bị mất mát quá nhiều rồi. “
Quí vị vừa nghe câu chuyện về một trung tâm massage của người mù. Câu Chuyện Hàng Tuần xin dừng nơi đây. Phương Anh xin hẹn gặp lại quí vị và các bạn trong chương trình kỳ sau.
Những bài liên quan
- Hà Nội ngày nay: Các quan chức và những cô “con nuôi”
- Nhóm Xướng Nghĩa Nhân Đạo
- Lớp học tình thương ở Vạn Đò, Kim Long, Huế
- Trung Tâm Phân Tích ADN và công nghệ di truyền ở Việt Nam
- Phố “Tây Ba Lô” ở Sài Gòn (phần 2)
- Phố “Tây Ba Lô” ở Sài Gòn (Phần 1)
- Xem bói ngày Tết
- Biếu xén trong dịp Tết của người Việt ở trong nước
- Người nghệ sĩ chơi đàn Hạ Uy Cầm ở Phố cổ Hội An
- Lễ Giáng Sinh tại trại cùi Quả Cảm ở tỉnh Bắc Ninh- Việt Nam
- Tình trạng buôn bán phụ nữ Việt Nam ở Đông Âu (II)
- Tình trạng buôn bán phụ nữ Việt Nam ở Đông Âu
- Lớp Văn Hoá Việt Nam cho các sinh viên Mỹ tại trường Đại Học Cần Thơ
- Phỏng vấn bà Khúc Minh Thơ về chương trình HR 2005
- Cuộc triển lãm tranh “Hồn Việt: Transcending Traditions”
- Ban nhạc Bayadera và Nguyễn Đạt- người nhạc sĩ mù
- Người mù giúp người khiếm thị ở Việt Nam
- Câu chuyện những người con lai thành công tại Hoa Kỳ
- Trung Tâm Mai Hòa, nơi chăm sóc bệnh nhân AIDS giai đọan cuối
- Vườn cây thuốc Nam của những người cai nghiện