Giáo Dục Giới Tính cho học sinh ở Việt Nam


2007.10.30

Phương Anh, phóng viên đài RFA

Trong suốt hai tuần qua, chuyện của cô diễn viên Thuỳ Linh trong phim Nhật Ký Vàng Anh vẫn đang là đề tài bàn tán xôn xao trong giới trẻ, ngay cả khi thủ phạm tung phim nóng của cô lên mạng cũng đã bị bắt và đang chờ ngày xét xử. Có quan điểm cho rằng đây cũng là lúc các bậc phụ huynh và nhà trường cần nhìn thẳng vào thực tế về vấn đề giáo dục giới tính cho con em như thế nào.

YouthLoverCouple150.jpg
Một cặp tình nhân tại bờ Hồ Hoàn Kiếm ở Hà Nội hôm 20-4-2006. AFP PHOTO

Trong thời thông tin kỹ thuật hiện đại, có nên né tránh thực tế và chỉ răn dậy học sinh theo kiểu đạo đức truyền thống mà thôi? Hay đã đến lúc xã hội phải có một quan niệm mới về tình dục? Kỳ này, Phương Anh xin đề cập đến việc giáo dục giới tính cho học sinh ở Việt Nam.

Chưa được học

Trước hết, để tìm hiểu việc học giáo dục giới tính trong trường như thế nào, Phương Anh đã hỏi thăm em Minh, ở Hà Nội, hiện đang học lớp 10 và được em cho biết rằng:

“Chưa, lớp 11 mới học…cháu thắc mắc thì lên mạng và hỏi ai đấy. Mạng có khá nhiều trang web về giáo dục giới tính và sức khoẻ.”

Còn em Quỳnh Anh lớp 11 trường Hùng Vương, TPHCM thì cho hay rằng em chưa được học về giáo dục giới tính, và trong giờ công dân giáo dục, khi cô giáo đề cập đến dân số thì:

“Chỉ nói về vấn đề dân số bùng nổ, sinh con đông, chứ không nói về vấn đề giáo dục giới tính. Giờ sinh học thì chỉ dậy về bộ phận cơ thể con người, chứ không dậy về giáo dục giới tính. Con cũng không biết hỏi ai, trong lớp thì không có, đi hỏi thì một mình nên cũng ngượng, không dám hỏi.. cũng có tò mò, gọi là một chút gì đó muốn biết.. (cười) Ba con thì con không dám hỏi, còn mẹ con thì nói là từ từ rồi cũng biết!”

Bản thân họ vẫn đang dằng co, muốn người trẻ,thế hệ sau mình phải nề nếp, ngoan ngoã, trong khuôn khổ. Nhưng bản thân họ cũng biết là cái xu thế ấy không thể cưỡng lại được của con người hiện đại. Tôi cho là xã hội Việt Nam đang ở giữa sự dằng co quan niệm cũ và mới, chưa thực sự cái nào thắng cái nào.

Trong khi đó, khi đề cập đến vấn đề giáo dục giới tính ở Việt Nam, bà Nguyễn Vân Anh, chủ tịch Hội Đồng Sáng Lập Trung tâm nghiên cứu về Giới - Gia Đình - Phụ Nữ và Vị Thành Niên, trụ sở ở Hà Nội cho biết: “Giáo dục giới tính trong một số năm gần đây có bước tiến nhiều hơn, cộng thêm nữa là các phương tiện thông tin rất sẵn. Nhưng một điều là có hệ thống hay không thì là một vấn đề khác. Trong nhà trường lẽ ra phải có một hệ thống giáo dục và bài bản. Hiện nay, có một số viện nghiên cứu tư nhân cũng như một số cơ quan bắt đầu nghiên cứu về vấn đề tình dục, và sắp tới đây một loạt có một số người học chuyên ngành về giáo dục tình dục của Thái Lan và của Mỹ thì họ cũng sẽ về Việt Nam để làm các nghiên cứu.

Nhưng tôi nghĩ là phải mất một thời gian. Cái hiểu biết về tình dục của người lớn cũng như của thế hệ trưởng thành ở Việt Nam cũng không đầy đủ chứ đừng nói gì đến các cháu ở tuổi vị thành niên. Giáo dục về giới tính phải đi cùng với sự phát triển của xã hội nữa. Những nhà nghiên cứu cũng như những nhà xã hội phải vào cuộc để phổ biến kiến thức khác với tình trạng hiện tại, nhưng không thể nào dễ dàng nhanh chóng được.”

Quan trọng

Theo bà Nguyễn Vân Anh, hiện nay, nhà trường vẫn chưa trang bị kiến thức cho các em về giới tính. Có thể các thầy cô giáo chỉ muốn né tránh vì bản thân họ cũng không dám đối đầu với sự thật và ngại ngùng, không muốn nói thẳng. Ngoài ra, với phụ huynh, nhất là những cha mẹ ở tuổi trung niên thì cũng có cái nhìn cởi mở hơn nhưng:

“Bản thân họ vẫn đang dằng co, muốn người trẻ,thế hệ sau mình phải nề nếp, ngoan ngoã, trong khuôn khổ. Nhưng bản thân họ cũng biết là cái xu thế ấy không thể cưỡng lại được của con người hiện đại. Tôi cho là xã hội Việt Nam đang ở giữa sự dằng co quan niệm cũ và mới, chưa thực sự cái nào thắng cái nào.”

Cô giáo Diệp Lan, hiện đang dậy tại một trường phổ thông cơ sở ở Hà Nội thì cho biết:

“Theo tôi chuyện giáo dục giới tính thì phải bố mẹ cũng tham gia vào giáo dục cho con, thầy cô giáo ở trường cũng tham gia vào dậy. Ngay ở gia đình thì việc giáo dục giới tính cho con phải từ khi còn nhỏ, cho nó có một khái niệm đơn giản nhất để nó phân biệt bạn trai bạn gái, nói một cách nôm na là phòng hộ, dù phòng hộ theo kiểu trẻ con của nó.

Đấy là cái cực kỳ quan trọng. Dù như thế nào chăng nữa, thì không thể phủ nhận vai trò quan trọng của việc giáo dục giới tính ở nhà trường, dù người dậy có ngại ngần, người nghe có xấu hổ, thì nó cũng rất quan trọng, vì có nhiều chuyện đáng tiếc xảy ra, không phải chỉ mỗi chuyện cô Vàng Anh...Một trong những nguyên nhân đó là sự thiếu hiểu biết về giới tính.”

Ý kiến của phụ huynh

Bạn nghĩ gì về điều này? Mời bạn tham gia vào Diễn đàn RFA , hoặc email về vietweb@rfa.org

Về phiá phụ huynh, chị Huyến, 52 tuổi, hiện đang là tình nguyện viên của một trung tâm giúp đỡ những cô gái lỡ lầm ở Thủ Đức cho biết ý kiến về giáo dục giới tính: “Chương trình này mới nở rộ vài năm nay, nhưng những trường ở thành phố, trung tâm, còn những trường ở ven đô thì chưa phát động gì nhiều. Nhưng theo xã hội bây giờ, internet, báo chí, tuổi trẻ bây giờ kích động bởi những thứ đó. Tôi nghĩ là cũng nên dậy để các em hiểu biết, khỏi tò mò. Các em 15, 16 là đã tập tành làm người lớn hết rồi, chúng nó học làm người lớn sớm, có những em 14, 15, thiếu hiểu biết, khi gặp sự cố thì không còn cứu vãn được nữa…”

Nhưng ngược lại, có phụ huynh lại phản đối việc này và cho rằng dậy giáo dục giới tính cho các em sẽ làm khơi dậy thêm sự tò mò của các em mà thôi. Chị Hoa, 43 tuổi, nhà ở quận 6, phát biểu:

“Nề nếp dân Việt Nam thì đâu bao giờ nói chuyện đó, mà cũng không cần nói làm chi, khi nào nó lớn thì tự tìm hiểu…Giáo dục giới tính thì tương lai thôi, chứ bây giờ không giáo dục thì tuị nó cũng lên mạng hết rồi. Nhưng có điều, trong gia đình thì mình nên ý thức.”

Tuy thế, cũng có những ý kiến khác ủng hộ, cho rằng phải nên cung cấp cho các em kiến thức về giới tính để tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra. Cô giáo Lan cho biết:

“Ở trường mình thì phụ huynh rất ủng hộ, vì ngoài chuyện giáo dục giới tính thì hàng năm, được sự chỉ đạo của sở và quận, còn có các buổi toạ đàm với phụ huynh để giới thiệu các phương pháp để phụ huynh có thể hiểu và tiếp xúc với tâm lý, sự thay đổi về giới tính trong lứa tuổi của các em.”

Một thực tế cho thấy rằng, hiện nay, khi xã hội Việt Nam càng ngày càng thay đổi thì quan niệm về tình dục của các em cũng thay đổi theo. Cùng với những thông tin về tình dục trên mạng internet, thì nhà nghỉ, khách sạn mọc lên như nấm ở khắp nơi, nhất là ở Hà Nội và thành phố HCM.

Hậu quả là tỉ lệ các em trong tuổi vị thành niên đi phá thai hay “điều hoà kinh nguyệt” ở các bệnh viện, các trung tâm y tế ngày càng nhiều. Vậy, chương trình giáo dục giới tính cho học sinh Việt Nam hiện nay có còn phù hợp? Tiến sĩ Khuất Thu Hồng, viện phó Viện Nghiên Cứu Xã Hội ở Hà Nội, giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Giới, phát biểu:

“Giáo dục giới tính của Việt Nam thì đang thiếu rất nhiều, nhưng thực sự chương trình của Việt Nam thì tôi thấy không thực tế lắm. Nó dậy những vấn đề lý thuyết và nghiêng về khiá cạnh đạo đức, răn dậy nhiều hơn và cảnh cáo nhiều hơn là dậy cho trẻ có kỹ năng trong cuộc sống để có thể giải quyết các trường hợp tình dục một cách hợp lý. Tôi cũng có cơ hội để nghiên cứu và xem lại các sách giáo khoa giảng dậy về giới tính thì tôi thấy còn thiếu rất nhiều, nó không thực tế.”

Cần có nhận thức đúng đắn

Nên có một chương trình giáo dục giới tính được xây dựng một cách thực tế hơn, có sự tham gia của các em thanh thiếu niên để biết rằng họ muốn nghe cái gì, muốn biết cái gì. Thực tế bây giờ mình chỉ dậy cho các em những gì mà người lớn muốn dậy thôi và người lớn che đậy rất nhiều, không thành thực và cởi mở với các em.

Theo bà, vì các thông tin trên mạng rất nhiều, nên dù có giáo dục các em như thế nào đi chăng nữa, thì việc các em tò mò, tự tìm hiểu thêm trên mạng là điều không thể tránh khỏi, nhưng:

“Nếu mình dậy một cách thực tế hơn thì các em có thể làm chủ được mình, có thể vào xem các thông tin ở trên mạng nhưng mà biết là mình cần phải làm gì để bảo vệ mình. Đó là những điều mà tôi nghĩ là mình cần phải làm. Còn chuyện ở trên mạng thì chắc chắn mọi người vẫn cứ vào mạng, dù có được học hay không được học.

Vấn đề là người ta nhìn thấy những điều ở trên mạng với tất cả sự bình tĩnh và biết là mình phải ứng xử như thế nào, hơn là người ta nhìn thấy chuyện đó và cảm thấy rất “choáng” và không biết mình nên xử sự ra sao và có thể gặp những cái khó khăn, nguy hiểm không cần thiết.

Nếu các bậc cha mẹ và những cơ quan chức năng mà thực tế hơn, thì họ sẽ không bị sốc vì những chuyện vừa rồi, và dư luận và các em thanh thiếu niên sẽ nhìn nhận chuyện đó bình tĩnh hơn và coi đó là chuyện đáng tiếc hơn là coi việc đó làm ảnh hưởng đến đạo đức, ảnh hưởng đến hình mẫu lý tưởng của các em.

Tôi nghĩ là chuyện đó vẫn luôn xảy ra ở các nơi khác, như ở các nước phương Tây, nhưng nó không làm suy sụp về tinh thần, một cú sốc cho cả xã hội Việt Nam như câu chuyện Nhật Ký Vàng Anh vừa rồi.”

Được hỏi là vậy làm thế nào để có thể giúp cho các em học sinh có nhận thức đúng đắn về vấn đề giới tính và tình dục, bà cho biết:

“Nên có một chương trình giáo dục giới tính được xây dựng một cách thực tế hơn, có sự tham gia của các em thanh thiếu niên để biết rằng họ muốn nghe cái gì, muốn biết cái gì. Thực tế bây giờ mình chỉ dậy cho các em những gì mà người lớn muốn dậy thôi và người lớn che đậy rất nhiều, không thành thực và cởi mở với các em.

Cho nên, cứ nghĩ là các em còn rất bé, cấm không được làm cái này, không được làm cái kia…nhưng thực tế, các em biết rất nhiều mà người lớn không biết, nên khi xảy ra chuyện như vừa rồi, thì người lớn mới sốc. Bây giờ cách dậy của người lớn là không tin cậy các em, luôn luôn cho rằng các em còn rất bé, chưa biết gì cả!

Thực tế cuộc sống đã thay đổi nên chương trình giáo dục giới tính cũng phải thay đổi, thực tế hơn, dậy cho các em kỹ năng và đương đầu với tất cả những thay đổi của xã hội, cần biết mình phải làm gì để không bị lôi kéo vào, không bị choáng váng, không bị sụp đổ. Nếu tôi được thiết kế chương trình giáo dục giới tính thì tôi sẽ thực tế hơn, thành thực hơn, tin cậy các em hơn.”

Quí vị vừa nghe những thông tin về vấn đề giáo dục giới tính cho học sinh ở Việt Nam. Mục Câu Chuyện Hàng Tuần xin dừng nơi đây. Hẹn gặp quí vị và các bạn vào kỳ sau.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.