Xem bói ngày Tết


2006.01.31

Phương Anh, phóng viên đài RFA

Không biết từ bao giờ, hầu hết người Việt chúng ta đều thuộc nằm lòng bài vè chế diễu thầy bói:

PrayLuck200.jpg
Xin xăm hay coi bói đầu năm đã trở thành thói quen trong các ngày Tết. Photo by Dacco

Số cô chẳng giầu thì nghèo. Ba mươi Tết có thịt treo trong nhà Số cô có mẹ có cha, mẹ cô đàn bà, cha cô đàn ông Số cô có vợ có chồng. Sinh con đầu lòng chẳng gái thì trai.

Ấy thế mà dường như đã thành lệ, Tết đến, xin xăm hay coi bói đầu năm đã trở thành thói quen trong các ngày Tết. Có những người cả năm chẳng bao giờ nghĩ đến chuyện coi bói, nhưng đến Tết, thì thế nào cũng cố gắng tranh thủ thời gian để đi xin một “quẻ” hay gặp “thầy” cho bằng được.

Bói thì có đủ thứ kiểu: xin xăm, thỉnh “thầy”, lấy số tử vi, bói bài, coi chỉ tay, coi chữ ký, bói “Kiều”, bói “cải lương”…Trong mục Câu Chuyện Hàng Tuần hôm nay, Phương Anh mời quí vị nghe ý kiến về chuyện coi bói của một số người trong những ngày đầu năm.

Thầy càng nổi tiếng, giá càng cao

Theo lời của những thân chủ ưa coi đi bói mà Phương Anh đã liên lạc được, thì hầu hết đều cho rằng: trước hết, không nên đi coi bói vào buổi chiều, hay tối, vì giờ đó là “giờ âm”, “thầy” phán không linh. Kế tiếp, không nên đến lúc thầy quá đông người, chẳng hạn như có tới 3 người, mới tới lượt mình coi… vì lúc ấy, “thầy” sẽ mệt, quẻ sẽ không còn hiệu nghiệm!

Nhưng, nếu chỗ nào nghe đồn rằng “thầy” bói hay, thì đều đông khách cả… nên rốt cuộc, hễ đi coi thì đành phải chấp nhận may rủi. Nếu hôm ấy đến coi, gặp lúc thầy vắng khách, thì quả thật là may mắn, vì “thầy” phán sẽ đúng đến 99%. Cho nên, đầu năm đầu tháng thì phải tranh thủ cho mau.

FortuneTeller150.jpg
Bói thì có đủ thứ kiểu: xin xăm, thỉnh “thầy”, lấy số tử vi, bói bài, coi chỉ tay. AFP PHOTO

Thời đại công nghệ hoá thông tin, nên các thầy bói bây giờ ai cũng có điện thoại bàn hay điện thoại di động… chỉ cần gọi lấy hẹn hay hỏi xem lúc ấy thầy có vắng khách không, là xong! Có những nơi, thầy có phòng máy lạnh tiếp thân chủ hẳn hoi…Một lần coi, giá trung bình “bèo” lắm cũng phải từ hai chục ngàn đến cả trăm ngàn.

Thầy càng nổi tiếng, thì giá càng cao. Chẳng hạn như thầy Khánh, ở đường Trần Nguyên Liệu, Sàigòn, đã hành nghề mấy chục năm nay. Nghe nói, có những Việt Kiều về ăn Tết cũng tìm đến thầy. Ngày Tết, vì thầy quá bận rộn, nên Phương Anh liên lạc mãi mà không được, chỉ gặp được người bà con của thầy.

Bà nói: “Thầy coi đủ thứ hết, bói bài, chỉ tay, chữ ký…phong thuỷ, đất đai… mỗi ngày chục người hơn…ai đến trước, coi trước..mỗi lần 100 ngàn, còn tử vi thì mấy trăm.”

Khi được hỏi chính quyền địa phương có làm khó dễ gì thầy không, bà cho biết: “Không, thầy coi ở đây mấy chục năm rồi.. ở trong đường hẻm, hàng xóm người ta biết hết..công an coi cũng có, vợ công an coi cũng có… người ta có việc cần người ta mới coi…”

Thưa quí vị, chị Trang, quê ở Đà Lạt, hiện đang làm việc ở Sài gòn thì kể lại: “Đi coi bói thường là ở chỗ quen biết.. cứ đồn nhau rằng“bà thầy” đó coi hay thì đi. Thường thì một lần coi là hai chục ngàn. Tết thì lì xì hơn. Theo em, coi bói ngày Tết chỉ là một sở thích…và tò mò, muốn đoán biết được, để kiểm nghiệm lại xem có đúng hay sai thôi…”

Xin xăm

Ngày Tết, ở các chùa chiền, các miếu thờ bà, thờ ông, chật cứng người xin xăm…Từ những ngôi chùa nổi tiếng ở các thành phố lớn như chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Xá Lợi ở Sàigòn, Long Sơn Tự ở Nha Trang, Linh Sơn Tự ở Đà lạt… cho đến các ngôi miếu nhỏ như miếu bà Ngũ Hành ở huyện Nhà Bè, miếu “Ba Gốc Một Ngọn” ở Xuân Lộc, Đồng Nai… lúc nào cũng đông kín người xì xụp quì lạy, đốt nhang, khấn vái xin xăm.

Cách xin xăm thật là đơn giản: người xin xăm quì gối, hai tay nắm lấy ống tre, dài độ chừng 20 cm, có chứa cả chục thẻ tre, trên mỗi thẻ như thế đều đánh dấu một con số…Người xin xăm phải lắc sao cho rơi ra một thanh tre duy nhất mà thôi, rồi đem thanh tre ấy đi đổi lấy một tờ giấy khác, ứng với con số trên thẻ tre của mình, và đem cho thầy giải xăm.

Về chuyện xin xăm, chị Lê thị Hảo ở Tân Bình, Sàigòn cho biết: “Ra chùa, mình coi trong một năm xem có gì chuyện gì vui buồn xảy ra, mình coi tổng quát thôi. Nhưng mình coi ở trong nhà người ta thì mình có thể hỏi về gia đạo, tình cảm, mình có thể đi sâu vào chi tiết được hơn… Còn ở chùa, ở miếu thì chỉ coi tổng quát thôi, chuyện vui buồn gì đó trong một năm…”

PrayingBuddism200.jpg

Ngoài việc đi xin quẻ xăm ở các chùa, miếu, chuyện bói bài, coi chỉ tay là thông dụng hơn cả. Theo các “đệ tử” coi bói thuần thành, thì bói bài sẽ biết được chuyện gì xảy ra trong thời gian ngắn, từ 3 tháng trở lại mà thôi. Cho nên, sẽ giúp cho thân chủ dễ dàng ứng phó…Chị Hảo cho biết thêm chi tiết:

“Đầu năm, khoảng mồng 3 hay mồng 4 tết thì tôi đi coi… Coi xem một năm mình có làm ăn phát tài hay không, rồi có điều gì buồn hay không. Thường thì coi về gia đạo…Về tình duyên thì cầu xin cho hạnh phúc, có gia đình rồi thì không coi về tình cảm nữa. Tôi hay coi bói bài và chỉ tay…Chỉ tay thì 6 tháng thay đổi một lần, còn bói bài thì chỉ trong thời gian ngắn thôi…Cũng có cái đúng, cũng có cái sai, chứ không phải hoàn toàn là đúng hết.”

“Thỉnh thầy” về

Thưa quí vị thính giả, một kiểu bói khác là “thỉnh thầy” về, hoặc có người “nhập” vào thầy bói. Chị Thanh, quê ở Hải Dương cho hay:

“Ở ngoài Bắc, em không coi bói bài, mà người ta chỉ ngồi người ta nói, có cái gì “nhập” vào người ta thì em không biết…Có người “nhập” vào người ta thì người ta sẽ biết về mình, nói chung về quá khứ hay hiện tại…

Khi em đến coi, “Cô” đọc thần chú một lúc, đọc cái gì thì em không biết, xong rồi người ta nhìn mặt em rồi người ta nói thôi… nhiều cái thì cũng đúng, quá khứ thì đúng lắm, nhưng tương lai thì chưa xảy ra nên cũng chẳng biết có hay không… Em coi chỉ có hai ngàn đồng Việt Nam thôi.

Em muốn coi xem đầu năm có gì thay đổi hay không, từ trong công việc, cho đến gia đình… Em biết chuyện đó không đúng lắm, nhưng em coi cho tinh thần phấn khởi lên đôi chút… cho dù là chuyện buồn chăng nữa, em vẫn thích coi. Hầu như năm nào em cũng đi coi.”

Chị cũng cho biết thêm về phản ứng của chính quyền địa phương: “Em thấy chẳng ai cấm gì cả, đi coi đông lắm…Vợ con các ông chủ tịch huyện, xã hay là bí thư cũng đi coi…rồi những người ở các tỉnh khác đến nữa…

Vợ con các ông chủ tịch huyện, xã hay là bí thư cũng đi coi…rồi những người ở các tỉnh khác đến nữa… Những người đó còn đi coi “bạo” hơn chúng em..

Những người đó còn đi coi “bạo” hơn chúng em.. còn chúng em thì phần nào thôi. Em muốn đi coi thì phải đi từ sáng, mãi đến trưa mới canh được đến lượt vô, vì người ta coi cũng phần nào thôi, chứ không coi hết.”

Bói kiều

Sang chuyện bói Kiều, bà Bừng, ở Quảng Nam, Đà Nẵng nói về kinh nghiệm của mình khi đi coi bói Kiều:

“Mình đến nhà, thầy đưa ra tập thơ Kiều, mình gấp lại, rồi mình lật trang nào, mình giở đúng trang đó thì mình đưa cho thầy… rồi theo câu thơ đó thầy giải cho nghe.”

Khi được hỏi bói Kiều có hiệu nghiệm hay không, bà trả lời: “Thực sự ra, ai coi bói thì hầu đều không có bình an trong lòng mới đi, rồi những câu thơ đó nó phù hợp với hoàn cảnh… rồi mình cũng thấy nó giống.. chứ cũng không biết có chính xác không!”

Bói cải lương, bói kịch

Trong ngày đầu năm, một kiểu bói khác cho đến nay vẫn còn xuất hiện rải rác ở một vài nơi. Đó là “bói cải lương”, “bói kịch”… Soạn giả Nguyễn Phương, hiện cư ngụ ở Montreal, Canada, trước kia từng phải chọn tuồng hát cho các gánh cải lương trình diễn trong dịp Tết cho biết:

“Khi hát bội, tuồng Tàu, thì họ chờ cho hát rồi, thình lình họ vô trong rạp hát, họ thấy cảnh gì, thì tự chuyện đó họ phán đoán ra vận mệnh trong năm đó. Tỷ dụ như họ vô gặp cảnh Tào Tháo thua trận Xích Bích, thì họ cho là năm đó làm ăn không được…

Gặp ngày họ vô, thấy cảnh Lữ Bố gặp Điêu Thuyền, hai người yêu nhau, thì năm đó, họ có số đào hoa… Nhưng cái đó là dị đoan. Vì thế, các rạp hát khai trương ngày Tết, luôn luôn là tuồng vui và hên, không có chuyện gì chết chóc, hay tan rã, hay ly tan vợ chồng…”

Coi tử vi

Về chuyện coi tử vi, anh Thành ở Hàng Xanh, một đệ tử trung thành của thầy Huyền Linh nổi tiếng ở Sàigòn, năm nào cũng đi xin thầy một lá số, cho biết cảm nghĩ của anh về việc coi tử vi:

“Đó cũng là một cách giải trí. Tôi không tin lắm đâu, nhưng mà coi thấy người ta nói cho mình năm tới vui vẻ, suông sẻ, tốt lành, thì mình cũng cảm thấy sung sướng… Còn nếu đi coi, mà thấy xui xẻo thì có thể nhờ thầy gỡ cho mình… bằng cách nào đó. Tại vì người ta nói số có thể thay đổi được mà. “

Thưa quí vị và các bạn, ngoài những kiểu bói mà quí vị vừa nghe, còn các kiểu bói khác như bói “rùa” bằng chân nhang, bói theo kiểu Kinh Dịch…

Thế nhưng, chắc các bạn cũng đồng ý với Phương Anh rằng: cho đến nay, chưa có một thầy bói nào có thể coi xem chừng nào thì các quan chức nhà nước ta mới thôi không tham nhũng, chừng nào thì người nghèo mới có cơm no, áo ấm, và chừng nào thì đất nước chúng ta mới thực sự có tự do nhân quyền, phải không thưa quí vị?

Phương Anh xin dừng nơi đây. Hẹn gặp lại quí vị và các bạn trong chương trình kỳ sau.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.