Con lai bị bỏ rơi ở Việt Nam trở thành triệu phú nghành làm móng tay ở Mỹ


2008.01.31

Thanh Trúc, phóng viên đài RFA

Vũ Long là đứa con lai cha Mỹ mẹ Việt, từ năm tuổi đã vào sống trong viện mồ côi tại Chùa Kỳ Quang ở thành phố Saigon.

AmerasianGroupPicture200.jpg
Gia Đình Mỹ-Việt và Cựu Chiến Binh Hoa Kỳ. Hình của Huy Duc. >> Xem hình lớn hơn

Sau ngày 30 tháng Tư 1975, như hầu hết những trẻ mang hai giòng máu Mỹ Việt khác, Vũ Long thành đứa bé không nhà, ở đợ qua bao tay chủ, làm quần quật để kiếm miếng ăn, bị coi rẻ bị đối xử tệ bạc bởi những người đem em về ở trong nhà.

Sang Hoa Kỳ theo đạo luật Home Coming Act- đưa con lai về nhà-cảm thấy tủi nhục và bị khinh thường, Vũ Long quyết tâm học lấy một nghề, dần dà ngoi lên thành chủ nhân nhiều tiệm làm móng tay, trở thành triệu phú với ba trăm nhân viên trong hai chục cửa tiệm do anh dựng nên ở Texas.

Hướng tới của Vũ Long là lập thêm năm tiệm làm móng tay nữa trong năm 2008 .

Thuở nhỏ gian nan

Cuộc đời và sự phấn đấu miệt mài, không ngưng nghĩ của Vũ Long là đề tài của mục Đời Sống người Việt Khắp Nơi hôm nay. Trường hợp Vũ Long sẽ minh hoạ cho lời của người xưa :”Có Công Mài Sắt Có Ngày Nên Kim” Mời quí vị nghe Vũ Long thuật lại cuộc sống gian nan tuổi nhỏ mà anh trải qua cho đến ngày lên đường sang Hoa Kỳ theo diện con lai:

Sau 75 cô nhi viện Kỳ Quang giải tán vì không có đủ thực phẩm để nuôi chúng em. Em được một người coi như là Phật tử của chùa xin em về nuôi. Bà hứa sẽ cho em ăn học, nuôi em cho đến khi trưởng thành.

Em nhớ lúc đó sắp Tết. Mấy ngày sau, một buổi tối, bà đưa em lên xe, chở em đi xa lắm, đêm là lên tới Long Khánh, bà ta có một cái vườn trái cây gần ngay chổ Bảo Toàn Bảo Định . Em lưu lạc tới trên đó, không đi học gì hết, ở đó coi vườn rồi để bà sai vặt, làm việc nhà, xách nước đổ vô lu khạp. Bà không ở đó, bà chỉ mướn người làm ở đó thôi.

Rất là khổ, họ đập mình, đánh mình, nhiều người đánh mà không cho mình được trả lời, họ chỉ biết là họ đánh thôi. Mình trả lời họ kêu mình hỗn láo, đồ cái thứ không cha không mẹ mất dạy, thì em ở đó thì em khổ quá.

Rồi em nhớ tới một buổi chiều hôm đó thì kho đạn ở Long Khánh tự nhiên nó bùng nổ, đạn văng vô tới vườn xoài, thì một thím tên là thím Bốn thấy tội nghiệp em thím dắt em chạy về nhà thím, bỏ em xuống một cái hầm chung với gia đình thím.

Kho đạn nổ trong vòng một hai ngày sau mới ngưng, thím đưa em về lại nhà của bà ta. Ngày hôm sau cậu Thọ về tới, cậu phát hiện ra mất chiếc xe đạp, cậu nói với em là mày lấy xe đạp cho ai, tao sẽ treo cổ mày lên cho mày chết luôn.

Khi xảy ra chuyện đó thì Long độ bảy tuổi, nghe chủ dọa giết em sợ qua trốn đi trong đêm. Từ đó Vũ Long bắt đấu cuộc sống lưu lạc, ở đợ từ chủ này đến chủ khác, bị đối xử như tôi đòi, bị đánh đập và mắng nhiếc thường xuyên:

Rất là khổ, họ đập mình, đánh mình, nhiều người đánh mà không cho mình được trả lời, họ chỉ biết là họ đánh thôi. Mình trả lời họ kêu mình hỗn láo, đồ cái thứ không cha không mẹ mất dạy, thì em ở đó thì em khổ quá.

Một lần tới ở cho hai vợ chồng một hộ chăn nuôi heo, Vũ Long đã phải nhịn đói là thường bởi vì:

Ông bắt em làm nhiều lắm, họ ăn thì mình chỉ ở đằng sau coi tắm cho heo, chừng nào họ ăn uống xong đem đồ ăn xuống đằng sau thì còn gì em ăn cái đó. Nhiều lúc đồ ăn còn thừa lại mà nhà nuôi chó rất là nhiều, bà để cho chó nhào vô ăn luôn thì em phải nhịn đói hoài.

Nhiều lúc em phải ăn cắp khoai lang em bỏ vô trong ló nấu cám heo em nướng, mùi khoai lang nướng rất thơm, bà ta nghe được bà ta đánh em, sau này đói quá em lấy củ khia lang em bỏ trong nồi cám heo em nấu chín thì không nghe mùi, em lén chui ra sau ngồi ăn thì ba không biết được.

Khi em càng ngày càng lớn thì ai nói sướng là mình đi thôi, em gặp người khác họ dụ rồi em cũng về nhà họ, cũng cực khổ, trong khoảng em bảy tuổi tới lúc em mười bốn tuổi mả em đã sống tới mấy chục gia đình như vậy, lúc đó em biết khóc, biết buồn, cảm thấy sao mình khổ quá mà còn bị đánh đập nữa.

Thực ra trong mấy chục gia đình cưu mang Long thì cũng có một nhà đối xử tốt, cho ăn cho mặc, cho đi nhà thờ mỗi ngày Chúa Nhật. Đó là nhà của một người mà Long gọi là ông ngoại

Em về tới thì ông mừng lắm, lúc đó em mới nhập khẩu vô gia đình bố mẹ em. Em với gia đình bố mẹ em làm giấy tờ đi Hoa Kỳ, đến cuối năm 1989 gia đình em được giấy báo đi phỏng vấn. Em rời Việt Nam đúng ngày 30 tháng Tư năm 90, định cư tại California, tất cà là bảy anh em với ba mẹ nữa là chín người.

Ông ngoại em nhà đất đai nhiều lúa nhiều thì em có cơm ăn, chỉ không được đi học thôi.

Thế nhưng một lần vì bị nghi oan là ăn cắp, Vũ Long bỏ đi, tiếp tục cuộc sống lang thang cho đến lúc được ông ngoại hiểu ra, đi tìm Long về nuôi nấng tử tế trở lại. Vũ Long theo ông ngoại đi lễ nhà thờ mỗi sáng Chúa Nhật. Người con gái của ông ngoại, tức người mẹ đi cùng Vũ Long sang Mỹ hiện giờ, lúc ấy có người chồng là cựu quân nhân bị tập trung cải tạo, đã nhận Vũ Long làm con nuôi.

Thì em có nhớ là ông ngoại xuống dưới Bảo Định tìm em nhiều lần, em nghe người ta kể lại. Cái lúc em mười mấy tuổi em thấy gia đình bà Diệp này hành hạ đày đọa em quá, hở chút xíu đòi đuổi, em phải khóc năn nỉ họ cho em ở lại. Sau này em tìm về ngả ba Ông Đồn là về nhà ông ngoại mà đã nuôi em.

Em về tới thì ông mừng lắm, lúc đó em mới nhập khẩu vô gia đình bố mẹ em. Em với gia đình bố mẹ em làm giấy tờ đi Hoa Kỳ, đến cuối năm 1989 gia đình em được giấy báo đi phỏng vấn. Em rời Việt Nam đúng ngày 30 tháng Tư năm 90, định cư tại California, tất cà là bảy anh em với ba mẹ nữa là chín người.

Sang Mỹ

Sang đến Mỹ, được nhiều người mách bảo, Vũ Long đi học nghề làm móng tay:

Em đi học tại một trường ở El Monte, từ nhà đi bộ đến trường học khoảng 45 phút, cũng may mắn lúc đó trong trường em học chủ là người Việt Nam, em không biết tiếng Anh thì được sự hướng dẫn của cô giáo trong trường cũng là người Việt Nam. Đi thi bằng tiếng Anh thì có người thông dịch.

Học thì vậy nhưng đi xin việc với Vũ Long thì không dể dàng tí nào, đó cũng là nguyên nhân xui khiến anh dọn qua Texas:

Em đi xin làm thì nhiều người không nhận, họ nhìn mình một cách khác biệt lắm, đi mười mấy tiệm mà không ai nhận hết.

Khi đó bạn của Vũ Long, tên Trí, rủ Long qua Florida để làm việc trong tiệm móng tay đang cần thợ. Vũ Long sang Florida một thời gian. Sau này, chủ nhân bán tiệm cho một người khác. Người chủ thứ hai này nhiều lần nhục mạ Vũ Long trước mặt khách khiến anh không chịu nỗi phải nghĩ việc. Trên đường rời Florida về lại nhà, Vũ Long ghé Texas, và ý nghĩ kiếm một tiệm móng tay để làm chủ lóe lên trong đầu anh:

Lúc đó em ở trên Arlington, thì cái chợ Hồng Kông sát bên cạnh có một tiệm tóc của người Trung Đông, em vô mướn bàn để làm. Nhưng nhận thấy cuộc sống ở thành phố Arlington không thích hợp, Vũ Long lái xe xuống thành phố Dallas, tìm thuê một tiệm làm móng tay tại nơi này: Em về em bán cái tiệm trên Arlington,khoảng một tuần sau em dọn xuống Dallas, hai ba tuần sau em khai trương cái tiệm dưới đây và ở dưới đây luôn. Năm 1995 em xuống Dallas, cái đó là tiệm thứ ba mà em làm chủ, làm cũng được lắm, rồi từ đó em bắt đầu lên thôi. Cho đến lúc này trong tay Vũ Long có mười chín tiệm làm móng tay, chưa kể tiệm thứ hai mươi đang xây với tiền vốn hơn một triệu đô la. Sau này vì thời gian em làm nhiều quá rồi em hay cố hay ráng làm thì lưng và bả vai đau em không thể ngồi làm lâu được. Bắt đầu em từ từ em mở những tiệm lớn có nhiều thợ làm cho em. Những tiệm nào hiện bây giờ gia đình em có thì em là người đứng ra mở lên rồi cho gia đình anh chị em, cho bà con làm. Trong 2008 em chuẩn bị còn năm cái nữa sẽ mở ra.

Điều đáng nói là một khi chọn được nơi vừa ý, đích thân Vũ Long tính toán, vẽ kiểu, tạo mẫu trước khi giao cho người phụ trách trang hoàng cửa hàng cho anh:

Thí dụ tiệm có một hay hai tầng lầu thì em mới tính ra rồi tự mình em vẽ luôn. Em sẽ lay out bản vẽ tay của em, bao nhiêu cái ghế bao nhiêu cái phòng, rồi làm như thế nào, bước vô cửa như thế nào, cổng như thế nào, đèn để chổ nào, tất cả những gì em cần thiết.

Đó là cách Vũ Long thiết kế những tiệm móng tay cao cấp. Hiện con số thợ trong mười mấy tiệm do anh làm chủ đã lên tới ba trăm người, hơn một phần ba là những người mang hai giòng máu Mỹ Việt, kém may mắn, không có cơ hội đến trường như hoàn cảnh Vũ Long ở Việt Nam ngày trước.

Anh Trần Ký, hiện là thành viên của Gia Đình Mỹ Việt, tổ chức qui tụ những người con lai ở Hoa Kỳ, nói rằng các tiệm chăm sóc móng tay cao cấp của Vũ Long được trang hoàng rất hiện đại: Long có một số những tiệm cao cấp và những tiệm trung bình. Những tiệm nail cao cấp của Long rất sạch sẽ chu đáo, có hai tầng lầu, ở dưới thì có spa và làm nail, ở trên giống như là có một cái ba rượu lớn vậy đó

Lan, cũng là con lai, đang làm việc trong tiệm của Vũ Long, xác nhận : Trong những tiệm mà Long làm chủ thì những đồ chưng trong tiệm rất là sang trọng, khách bước vào tiệm người ta đánh giá tiệm rất là sang. Cái kiểu cách cái model khác với những tiệm nail khác.

Dưới mắt Trần Ký và Lan, Vũ Long là người con lai có tấm lòng hào hiệp đối với bạn lai của mình:

Long có tấm lòng quảng đại, giúp đỡ cho anh em lai một cách âm thầm không có phô trương. Chỉ cần làm được cái gì cho anh em lai thì Long sẳn sàng giúp.

Long tốt tánh tốt bụng thương người. Em muốn nói Long là người chủ đối xử với nhân viên trong tiệm rất dể chịu, mọi người rất thương cái người chủ tên Long này.

Động lực nào thôi thúc Vũ Long vươn lên và trở thành triệu phú trong ngành làm móng tay mà rất nhiều kẻ đồng nghề không thực hiện được, Vũ Long tâm sự:

Lúc em còn nhỏ bị khi dể, em không có được một cơ hội, không có cha mẹ của mình hướng dẫn. Sau này em nghĩ thôi kệ trong vấn đề cuộc sống, mình phải ráng tạo cơ hội, tạo cuộc sống cho em. Dù em dốt nát không có được ăn học mà em cho họ biết rằng em làm được những gì mà xã hội này chấp nhận, em sẽ làm theo ý nguyện của em và em ráng làm, chịu khó làm .

Thực ra hoàn cảnh của Vũ Long cũng giống cuộc đời nổi trôi của bao đứa con lai khác. Điều đáng nói là một khi có tiền trong tay, thì ý chí làm việc, sự thành công và cung cách cư xử độ lượng của Vũ Long đối với gia đình bố mẹ nuôi, với anh em trong nha rồi đến anh em con lai đồng cảnh ngộ là điều khiến mọi người cảm phục.

Long có tấm lòng quảng đại, giúp đỡ cho anh em lai một cách âm thầm không có phô trương. Chỉ cần làm được cái gì cho anh em lai thì Long sẳn sàng giúp. Long tốt tánh tốt bụng thương người. Em muốn nói Long là người chủ đối xử với nhân viên trong tiệm rất dể chịu, mọi người rất thương cái người chủ tên Long này.

Giúp đỡ và làm việc từ thiện

Hồi còn ở Việt Nam, khi còn nương náu ở Cô Nhi Viện của được Chùa Kỳ Quang, Vũ Long chỉ học hết lớp Một. Rời chùa Kỳ Quang lúc bảy tuổi, Vũ Long là trẻ thất học, đi ở đợ làm trẻ giúp việc qua bao nhiều nhà chủ.

Đối với Vũ Long, cuộc sống cơ cực, người xấu người tốt, tôn giáo mà Long được học hỏi, rồi những sự lợi dụng hay những sự khinh rẻ của xã hội là yếu tố giúp Vũ Long rèn luyện và giữ được bản chất nhân hậu, khôn ngoan, biết trước biết sau của mình.

Em không làm thì làm sao em có tiền để giúp đỡ người ngoài Hiện bây giờ em đầy đủ quá rồi, nhưng em vẫn muốn làm việc, trước nhất là cho xã hội biết Long sống trong cô nhi viện Kỳ Quang cho tới lúc trưởng thành sống ngoài xã hội mà em nghèo em không có một đồng nào mà tới bây giờ em có bạc triệu, và em vẫn phải sống khiêm nhường khiêm tốn hơn.

Ngoài việc giúp đỡ bạn bè anh em lai, Vũ Long chưa bao giờ từ chối đóng góp cho những công tác từ thiện về Việt Nam. Hàng năm, mỗi dịp Tết, Vũ Long đều gởi tiền về cho cô nhi viện ở chùa Kỳ Quang, nơi đã cưu mang Long ba mươi mấy năm về trước:

Những dịp Tết ở Việt Nam em đã làm như vậy rồi, những người nuôi em dù họ chửi họ la em nhưng em nghĩ cũng nhờ được họ nuôi một ngày em sống được một ngày. Em vẫn mua qua cáp những ngày lễ tết em biếu họ bình thường như vậy.

Bây giờ cô nhi viện Kỳ Quang nơi em sống từ thưở nhỏ, năm nào em cũng gửi tiền về em cúng chùa . Mùng Ba Tết là ngày giỗ của thầy tổ nuôi tụi em. Hàng năm em vẫn gọi điện thoại ngày mùng Ba Tết về .

Vũ Long trình bày ước nguyện hàng ấp ủ là xây một ngôi chùa và một nhà thờ ở Việt Nam:

Ứơc nguyện của em là xây một ngôi chùa lớn nhất ở Saigon và một nhà thờ lớn nhất ở Việt Nam. Tại vì em là đứa con trong cô nhi viện Kỳ Quang, Trời Phật đã ban cho em sức sống, không bị tàn tật. Sau này em bước vô đạo Công Giáo, đi lễ nhà thờ được cha dạy bảo những điều tốt lành nên em trưởng thành đến ngày nay. Em ước mơ cuộc sống em phải sống làm sao để giúp đỡ cho xã hội sau này.

Câu chuyện có chí thì nên của triệu phú ngành móng tay Vũ Long, người mang hai giòng máu Mỹ Việt, đến đây là kết thúc. Thanh Trúc kính chào . Mục Đời Sống Người Việt Khắp Nơi sẽ trở lại cùng quí vị tối thứ Năm tuần tới.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.