Con lai họp mặt và thành lập gia đình Mỹ Việt ở Hoa Kỳ

Thanh Trúc, phóng viên đài RFA

Hơn 58.000 quân nhân Hoa Kỳ đã tử trận trong cuộc chiến Việt Nam. Hiện còn khoảng hai ngàn được coi là mất tích trong khi đang thi hành nhiệm vụ. Ít ai nhớ hay biết đích xác là đã có mấy chục ngàn trẻ mang hai giòng máu Mỹ và Việt ra đời tại Việt Nam trong thời chiến.

AmerasianGroupPicture200.jpg
Gia Đình Mỹ-Việt và Cựu Chiến Binh Hoa Kỳ. Hình của Huy Duc.>> Xem hình lớn hơn

Khi chiến tranh chấm dứt cách đây 32 năm, con lai trong xã hội Việt là những số phận bi thảm, bị cuộc đời vùi dập, thậm chí bị mẹ ruồng bỏ dưới áp lực và thành kiến trong bối cảnh đổi đời sau 1975. Năm 1987, nhờ sự ra đời của đạo luật Home Coming Act, tạm dịch là Đạo Luật Trở Về Nhà, gần ba chục ngàn con lai Mỹ cùng gia đình thân nhân được sang Hoa Kỳ định cư.

Tại mảnh đất mới nay là quê hương thứ hai, những người con lai Mỹ cảm thấy mình bị chìm dần vào lãng quên. Tại Việt Nam thì còn khoảng vài trăm con lai kẹt lại mà ngày trở về nhà cha thật mịt mờ vô định.

Thứ Bảy vừa qua (22-9-2007), một đại hội gần 200 con lai từ 38 tiểu bang trên đất Mỹ đã diễn ra tại thành phố Dallas của bang Texas

Cuộc hội ngộ trong nụ cười và nước mắt

Trong không khí cảm động đến nghẹn ngào, những ngưòi con lai, dưới sự điều khiển của trưởng ban tổ chức là anh Trần Ký, thắp lên những ngọn nến để nhớ đến người cha đã chết trận, đã qua đời tại Hoa Kỳ hoặc đã trở về nhà nhưng đang sống với gia đình riêng mà không còn nhớ hay biết gì đến giọt máu rơi họ để lại Việt Nam.

"Kính thưa cha, 32 năm qua chúng con chưa có lần nào đến đây tập trung để đốt lên cho cha những ngọn nến này. Lần đầu tiên chúng con làm nghi lễ này để tưởng nhớ tới những người cha và người chú chúng con còn sống cũng như đã qua đời. Thưa cha..."

Những giòng lệ đã chảy như suối trong ngày họp mặt, những tâm tình phản ảnh nỗi chua xót của thân phận bị lãng quên. Cũng có những niềm vui oà vỡ vì lần đầu tiên con lai trên toàn quốc Hoa Kỳ ngồi lại với nhau để thành lập một đại gia đình Mỹ Việt cho chính mình:

- Em thì đã nhập quốc tịch rồi, nhưng còn ông anh với bà chị ở nhà -tức 3 người lai- thì hai người họ không có điều kiện để thi được vì tiếng Anh thì không biết.

- Em qua đây năm 1992. Em cũng không có chữ nghĩa gì cho hung. Em bận về công việc làm. Cũng giống như anh chị em con lai tụ tập ở đây cũng không có học thức gì cho mấy cho nên tụi em không thể nào vô quốc tịch được.

- Như tụi con đa số không biết chữ nên dĩ nhiên làm sao mà thi được. Qua đây kể như là vác cái cuốc đi làm rồi, đâu có thì giờ đi học

- Em tên là Trần Công Hải ở San Diego (California). Em nhập quốc tịch cũng rất lâu rồi. May mắn là em qua đây vừa đúng 17 thì bắt đầu đi học High School rồi College.

- Em tên Minh Trí ở Seracuse (New York).

- Em là Jennifer ở Dallas (Texas).

AmerasianBanTho200.jpg
Sân khấu và Bàn Thờ tưởng niệm. Hình của Huy Duc. >> Xem hình lớn hơn

- Hồi nào giờ mình thường thấy các anh chị em bạn lai ở rải rác mọi nơi mà chưa bao giờ thấy tụ họp lại như vậy giống như một gia đình.

- Con lai mình cũng có nhiều anh chị em không biết tiếng Việt đó cô. Tiếng Anh cũng không có nên rất khó khăn để học bài để đi thi.

Ý nghĩa đại hội

Khách mời danh dự của buổi họp mặt con lai toàn quốc ngày hôm ấy là ông Nam Lộc, giám đốc Cơ Quan Từ Thiện Công Giáo Chuyên Trách Vấn đề Di Dân ở California trong hơn 30 năm qua, và bà Khúc Minh Thơ, từng tranh đấu không mệt mỏi cho cựu quân nhân Miền Nam Việt Nam được sang Mỹ định cư theo diện nhân đạo sau 1975.

Bà Khúc Minh Thơ nay được tổ chức con lai toàn quốc mời làm mẹ đỡ đầu. Giải thích ý nghĩa đại hội, ông Nam Lộc cho biết:

“Ngày hôm nay nhìn thấy các em tự đứng ra tổ chức, điều hành, lãnh đạo, và hoạt động, tôi cho đây là một bước tiến quan trọng nhất.

Tôi nghĩ rằng bước đầu của các em đang tự thành lập Ban Điều Hành Lâm Thời Trung Ương rồi sau đó có những văn phòng liên lạc ở nhiều địa phương với mục đích chính là tranh đấu cho quyền lợi di trú, quyền lợi về xã hội, quyền lợi về học vấn, quyền lợi về công việc làm, quyền lợi về luật pháp, và đồng thời cạnh đó là sự tương trợ cho những trẻ em lai còn lại ở Việt Nam.

Và thứ hai là những em lai ở bên Hoa Kỳ có những em đã không có sự hướng dẫn cho nên đi lầm đường lạc lối và bây giờ là lúc các em trưởng thành thì giúp đỡ lẫn nhau. Đó là lý do tôi có mặt ở đây ngày hôm nay.”

Thanh Trúc : Hiện tại có khoảng bao nhiêu con lai đã định cư tại Hoa Kỳ?

Ông Nam Lộc : Theo tôi được biết thì có vào khoảng ba bốn chục ngàn em, nhưng thân nhân đi theo gồm mẹ, cha kế, các anh chị em cùng mẹ khác cha cũng được chính phủ Hoa Kỳ cho đi định cư theo diện con lai, cộng lại thì có thể lên đến vài trăm ngàn.

Thanh Trúc : Sau đó thì chương trình Home Coming Act bị đột ngột ngưng lại vì thế cho nên vẫn còn một số con lai ở lại Việt Nam.

Không có gì quý hơn là sự đoàn kết. Có thể nói rằng khi mở miệng nói là con lai thì có kẻ dè biểu là tụi mất dạy, hoặc là tụi nó quậy, thành thử tôi có nói với những người đó rằng tụi nó có được ai dạy dỗ gì đâu, nhưng mà với tình thương thì mình phải dìu dắt chúng nó.

Ông Nam Lộc : Có nhiều lý do tế nhị, tuy nhiên, một cách tổng quát thì các em đa số có mẹ làm việc cho công sở hay tư sở Mỹ nên có mối liên hệ với quân nhân Hoa Kỳ hay những người làm việc cho chính phủ Hoa Kỳ.

Đa số những cuộc hôn nhân đó là không chính thức. Tôi nói như vậy chứng tỏ các em không có cơ hội nào để được giáo dục, để được huấn luyện, để được nuôi dưỡng như những đứa trẻ bình thường.

Đến khi thình lình Mỹ ban hành đạo luật Home Coming Act - Đón Trở Về Cố Hương, thì đương nhiên các em lại giống như một món quà đắc tiền.

Nhiều người ai cũng muốn dính vào để có thể dùng đó làm tấm thể thông hành để sang Hoa Kỳ, cho nên nhiều em đã nhận và vô tình phạm luật là nói dối với chính phủ Hoa Kỳ như: đây là cha tôi, đây là mẹ tôi, anh chị em tôi, v.v. mà thực sự là có sự trao dổi tiền bạc trong đó.

Đến khi chính phủ Hoa Kỳ khám phá ra có nhiều sự dối trá, gian lận cho nên họ quyết định đưa thêm tiêu chuẩn cứu xét khó khăn hơn. Đó là lý do tại sao về sau này các em bị kẹt lại khá đông. Chính sách cứu xét chương trình con lai do đó đã thay đổi rất nhiều.

Thanh Trúc : Ông có hy vọng nào cho những con lai còn kẹt lại tại Việt Nam không?

Ông Nam Lộc : Nếu có tiếng nói mạnh mẽ của các tổ chức đứng đắn và có những lý do chính đáng, tôi nghĩ rằng điều đó không khó. Thí dụ nhiều em đã có quốc tịch Hoa Kỳ sẵn sàng làm chứng, có những "affidavit" (bản khai có tuyên thệ) nói rằng tôi biết đây là những người con lai cùng xóm với tôi hay là mẹ anh cùng làm việc với mẹ tôi, v.v.

Với những chứng cớ đó thì tôi tin rằng con số còn lại chưa đến một ngàn người không là một gánh nặng cho chính phủ Hoa Kỳ lắm đâu mà bằng cớ là bài học rõ ràng là gần 2.000 người Việt tị nạn ở Phi Luật Tân, kể cả những người mà gia đình con lai đã vi phạm một số những luật lệ.

Đứng trên phương diện nhân đạo thì vấn đề các em con lai là một trong những vấn đề dễ nhận diện hơn nhờ khuôn mặt của các em.

Những khó khăn

AmerasianCeremony200.jpg
Lễ khai mạc buổi họp mặt. Hình của Huy Duc.>> Xem hình lớn hơn

Trình bày lý do vì sao bà nhận lời giúp đỡ những người con lai đang cố vận động cho bạn đồng cảnh ngộ được vào quốc tịch Hoa Kỳ, cũng như lời hứa sẽ vận động cho hàng trăm con lai còn kẹt lại Việt Nam được sang Mỹ định cư, bà Khúc Minh Thơ bày tỏ:

Bà Khúc Minh Thơ : Tôi đã theo dõi chương trình này rất lâu. Đây là những đứa con vô phước vừa chào đời là chúng nó đã khổ rồi, vì vậy mà khi chúng nó nhờ tôi xuống thì tôi sẵn sàng xuống đây gặp chúng nó.

Không có gì quý hơn là sự đoàn kết. Có thể nói rằng khi mở miệng nói là con lai thì có kẻ dè biểu là tụi mất dạy, hoặc là tụi nó quậy, thành thử tôi có nói với những người đó rằng tụi nó có được ai dạy dỗ gì đâu, nhưng mà với tình thương thì mình phải dìu dắt chúng nó.

Bây giờ tới tuổi trưởng thành mà chúng nó ngồi lại với nhau đã là một điều qua tốt rồi. Không phải là một mình tôi mà tất cả cộng đồng ở đây mong cho chúng nó có một mái ấm gia đình của riêng chúng nó để sau này con cái của chúng nó có thể ngẩng mặt lên với đời.

Được hỏi về vấn đề một số con cái của những cựu chiến binh Hoa Kỳ từng tham chiến tại Việt Nam, sang Mỹ định cư bao năm mà vẫn chưa vào được quốc tịch, ông thị trưởng Robert Cluck của thành phố Dallas nói với Thanh Trúc rằng ông đến để ủng hộ những người con lai ấy. Ông nói họ đến văn phòng của ông trước đó, kể cho ông nghe về khó khăn lớn nhất là không thể vào được quốc tịch Mỹ:

“Điều này là một sai lầm. Con lai Mỹ phải được vào quốc tịch, phải được hưởng mọi quyền lợi của một công dân Hoa Kỳ. Mọi người cần giúp họ. Dĩ nhiên Texas không phải là Washington, nhưng Texas có đại diện ở đó, vì thế tôi nghĩ sẽ phải có người của chúng tôi nói chuyện với Washington để can thiệp cho quyền lợi của các con lai này.”

Chuyện dài chưa chấm dứt

Dưới mắt ông Hubert Võ, dân biểu Texas thuộc đơn vị 149 của thành phố Houston, con lai là câu chuyện dài chưa chấm dứt:

“Trong mấy năm trước mình cũng đã làm với một số anh em để cho Quốc Hội Liên Bang thông qua đạo luật để anh chị em con lai có quyền vô công dân Mỹ một cách dễ dàng hơn. Nhưng rất tiếc kỳ rồi đã không được thông qua. Kỳ này Hubert Võ cũng như mấy anh em sẽ chuẩn bị kỹ hơn để cho đạo luật được thông qua.”

Em đã có chủ đề là "Hành trang lên đương" gồm 3 phần. Phần thứ nhất đấu tranh cho anh chị em lai còn bị kẹt ở Việt Nam. Phần thứ hai là tụi em sẽ làm nghi lễ cầu nguyện cho cha của tụi tại Bức Tường Đen. Tụi em đang chọn ngày vào mùa hè sang năm. Chương trình thứ ba là đấu tranh để được vào quốc tịch Mỹ.

Cựu chiến binh Hoa Kỳ thuộc tổ chức cựu quân nhân Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam, tự giới thiệu tên là Bill Meeks, nói rằng ông đến theo lời mời, cũng để tìm hiểu xem các em con lai này mong muốn điều gì mà tổ chức cựu chiến binh Mỹ có thể giúp họ được.

"Đây là những đứa con của lính Mỹ, của bạn đồng ngũ, với tôi, chúng mãi mãi là những đứa trẻ cho dù có đứa đã ba bốn chục tuổi đầu. Tôi thật lòng mong được hổ trợ cho chúng trong khả năng của riêng tôi và của tổ chức cựu chiến binh Mỹ ở Texas mà tôi là một thành viên." Hẳn quí vị cũng muốn biết kết quả buổi đại hội con lai toàn quốc để thành lập tổ chức có tư cách pháp nhân và pháp lý là gia đình Mỹ Việt như thế nào? Anh Trần Ký, một trong những người đứng ra kêu gọi, cho biết anh hiện là huynh trưởng trong ban chấp hành lâm thời, và một kế hoạch hành động được vạch ra sau hai ngày hội ngộ:

“Em đã có chủ đề là "Hành trang lên đương" gồm 3 phần. Phần thứ nhất đấu tranh cho anh chị em lai còn bị kẹt ở Việt Nam. Phần thứ hai là tụi em sẽ làm nghi lễ cầu nguyện cho cha của tụi tại Bức Tường Đen. Tụi em đang chọn ngày vào mùa hè sang năm. Chương trình thứ ba là đấu tranh để được vào quốc tịch Mỹ.

Rất nhiều chị em lai chỉ mới học lớp một hoặc lớp hai mà thôi, vì lý do đó mà chúng em ao ước được chính phủ Hoa Kỳ nhìn lại đạo luật đưa các con của quân đội Hoa Kỳ về lại quê cha. Tụi em mong muốn là khi tui tụi em được về quê cha thì được một đặc ân nữa là được vào quốc tịch Mỹ để xác định tụi em là con của người Mỹ.”

Nhưng có lẽ ân cần nhất là lời dặn dò nhắn nhủ của ông Nam Lộc mà hơn hai mươi năm qua từng gắn bó với hoàn cảnh bất ưng của những con lai trên đất Mỹ:

“Buổi họp mặt này phải làm được điều gì trong thực tế. Việc đầu tiên là các cháu muốn tranh đấu cho quyền lợi của người con lai thì bà Dân Biểu Zoe Lofgren đã giới thiệu dự luật cho phép con lai được tự động nhập quốc tịch hai lần trong hai kỳ họp quốc hội, nhưng mà rất tiếc là không có đủ các dân biểu hỗ trợ cho nên dự luật đó không được đem ra thảo luận tại quốc hội.

Cho nên các cháu cần phải tiếp tục liên lạc với bà Dân Biểu Zoe Lofgren ở địa phận San Jose. Phải đến đó để gặp bà...., cảm ơn bà đã có nỗ lực cho các cháu. Thứ hai là xin bà tiếp tục gối thiệu dự luật đó một lần nữa và hứa với bà rằng chính những người con lai chúng tôi tự động tranh đấu và vận động. Trách nhiệm nằm trong tay các cháu.

Các cháu phải nói với các dân biểu ở các tiểu bang các cháu cung với bà Zoe Lofgren để đưa dự luật này lên quốc hội, lúc đó các dân biểu của các tiểu bang hỗ trợ thì mớ thông qua được. Các cháu không làm thì sẽ không thể thành công được.”

Quê hương thứ hai

Cuộc vui nào rồi cũng có lúc tàn, cuộc hội ngộ trong nụ cười và nước mắt của những người con lai dù hào hứng bao nhiêu cũng phải đến lúc chấm dứt. Giấu nỗi xúc động, người con lai tên Hùng, đến từ Iowa, tâm sự:

AmerasianRobertCluck200.jpg
Thị trưởng Robert Cluck của thành phố Dallas tại buổi họp mặt. Hình của Huy Duc.>> Xem hình lớn hơn

“Chia tay trong lòng em thật xao xuyến làm sao. Mỗi người đi về mỗi thành phố khác nhau, cũng hứa sẽ gặp nhau, ôm nhau, cũng chảy nước mắt, những cảm xúc đó không thể dùng lời nói mà diễn tả được. Con lai với con lai rất là hiểu nhau, hơn ai hiểu ai hết.

Chỉ cần một cú điện thoại hỏi "Anh lai hả?", "Trắng hay đen vậy?", "Lai trắng, tôi lai đen", tự nhiên khi mà nói chuyện với nhau thì như mình đã là anh em ruột rồi. Chỉ cần nói chữ "lai" là mình hiểu được hôm xưa sống ở Việt Nam sự cực khổ, bị xã hội bỏ rơi, nay thì sự thành công của anh em lai trên toàn nước Mỹ là vinh dự cho tôi.”

Và chị Hoa, đến từ Tenessee, nói trong nghẹn ngào: "Rất là ấm cúng khi họp mặt. Em thấy đây là một mái ấm gia đình khi chúng em tụ tập nơi đây. Em đến vói quê hương thứ hai của người cha, hy vọng được gặp người cha của mình, nhưng mà (vừa khóc vừa nói) khi đến nơi đây thì em hay là các anh chị em lai cũng không thấy cha của mình là ai.

Nhưng em cũng cảm nhận được là quê hương thứ hai này cho mình cuộc sống ổn định hơn là ở quê hương thú nhứt của mình. Em nghĩ ràng các anh chị em của chúng em cũng mong được nhập quốc tịch - nơi quê hương chính thức của tụi em. Tụi em rất biết ơn các vị tổ chức chương trình này.”

Thanh Trúc vừa tường trình đến quí vị về đại hội gia đình con lai trong nổ lực thành lập lần đầu tiên một mái nhà chung cho toàn thể những người mang hai giòng máu Mỹ và Việt trên đất Hoa Kỳ.

Không phải con lai Mỹ nào cũng khó vào quốc tịch hay không được thành công ngay tại quê cha của mình. Đã có nhiều con lai chăm chỉ làm việc, học hành và tạo cho mình một địa vị vững chắc trong xã hội Mỹ.

Đó là chuyện Thanh Trúc sẽ kể cho quí vị nghe sau. Bây giờ đã đến lúc tạm biệt, xin hẹn quí vị tối thứ Năm tuần tới.

Thông tin trên mạng:

- Vận Động Quốc Tịch Cho Con Lai