Người Việt lưu vong và nỗ lực bảo tồn Văn hoá Truyền thống

Thanh Trúc, phóng viên đài RFA

Ngày 30 tháng Tư 1975 mở ra một trang sử mới cho ngừơi Việt tị nạn từ trong nước đổ xô ra đi bằng tàu bằng thuyền mấy ngày trước và sau thời điểm đáng nhớ ấy.

Có lẽ điều hạnh phúc may mắn nhất khi đó là gia đình vợ chồng con cái cùng thân nhân anh em hầu như vượt thoát được cơn hỗn loạn đổi đời mà không thất lạc không bỏ sót bỏ mất lại người nào.

Hôm nay Thanh Trúc xin cống hiến quí vị câu chuyện điển hình về một đại gia đình gồm cha mẹ và mười hai đứa con, cộng thêm anh em con cái cùng cháu chắt của họ. Tất cả bảo nhau cùng đi chung một thuyền cùng tới chung một chổ trước khi đến Hoa Kỳ. Từ tiểu bang thứ nhất là Iowa dọn sang tiểu bang thứ nhì là California, rồi đến an cư lập nghiệp tại tiểu bang thứ ba là Texas.

Đó là đại gia đình của một ngừơi quê ở Thái Bình, miền Bắc VN, ông Nguyễn Ngọc Oanh.

Từ 25 thành viên tị nạn năm 1975 nay có trên 100 công dân Mỹ gốc Việt thành đạt năm 2007, gia đình cụ Nguyễn Ngọc Oanh vẫn sống kề cận nhau ở Texas.

Điều đáng nói là từ sự cố gắng bảo tồn truyền thống văn hoá, phát huy nền nếp gia đình, giữ gìn ngôn ngữ đất mẹ, giòng tộc họ Nguyễn đã đóng góp tích cực vào nền giáo dục nơi mảnh đất dung chứa họ.

Chưa kể là sau khi đã ổn định cuộc sống rồi, gia trưởng là ông Nguyễn Ngọc Oanh đưa con đưa cháu về lại Thái Bình, xây trường, đào giếng, giúp đỡ cho thế hệ trẻ tại quê nghèo được cơ hội ra thành phố học tập để nâng cao cuộc sống của thôn làng.

Góp phần giữ gìn văn hóa Việt Nam

Nổ lực bảo tồn văn hoá, phát huy nền nếp gia phong và giữ gìn tiếng mẹ đẻ trên đất khách là đề tài thứ nhất trong loạt bài nói về gia tộc họ Nguyễn ở Texas.

Có mặt trong chương trình Đời Sống Ngừơi Việt Khắp Nơi hôm nay là cụ ông Nguyễn Ngọc Oanh, đã 80 tuổi ngoài, cùng ba ngừơi con trai là anh Nguyễn Đức Thắng, Nguyễn Trí Dũng và Nguyễn Quốc Huy.

Ông Nguyễn Ngọc Oanh: "Trước ngày 30 tháng Tư chúng tôi đã chuẩn bị từ ngày 23, biết rằng ở lại thì con cháu cũng chẳng được học hành điều gì tốt lành cho nên thôi thì sống chết cũng bồng bế nhau đi . May mắn thuê được cái thuyền thì anh em con cái cháu chắt tuy chả được hết nhưng mà cũng gần đủ. Tất cả lúc bắt đầu đi là 25 người".

Nhắc lại kinh nghiệm của một ngừơi hai lần di cư, từ Bắc vào Nam rồi từ miền Nam chạy ra khỏi nứơc, ông Nguyễn Ngọc Oanh kể tiếp: "Như thế này tôi kinh nghiệm ở ngoài Bắc biết rằng sự sống, sự học hành cho đến việc dạy dổ bọn nhỏ rất là khó khăn . Cho nên từ miền Bắc qua miền Nam cũng phải đi trứơc ngày đình chiến . Lúc đó gia đình có 12 ngừơi, cũng cố làm sao để dạy dỗ con thì phải tiên học lễ hậu học văn , giữ cái nề nếp cổ truyền của ông cha để lại, cố làm sao phải có thì giờ để mà dạy dỗ con. Mục đích của tôi là như vậy. Thế thì khi mà từ Thủ Đức ngày 23 tháng Tư thì tôi lại xốc xếch bồng bế gia đình đi, lúc đó đã có 25 ngừơi."

Thanh Trúc: Khi gia đình chân ướt chân ráo đến Hoa Kỳ thì cuộc sống như thế nào để mà vẫn có thể giữ được ý hứơng bảo toàn gia đình cũng như dạy dỗ con cái tiên học lễ hậu học văn?

Ông Nguyễn Ngọc Oanh: "Đầu tiên thì tôi bảo là không thể nào bỏ tiếng Việt Nam được, ở nhà luôn luôn phải chỉ dạy mặc dầu đi làm thì vất vả lắm. Hai cợ chồng lúc đó chưa già, mới năm mươi thôi. Sáng ra con đưa nào đi học thì đi học, đứa nào ở nhà thì coi lẫn nhau, còn chúng tôi đi làm cho đến tối về,và tuyệt đối là tiếng Việt Nam cần phải học nhiều lắm.

Gắn bó nhờ truyền thống gia đình

Vậy làm thế nào để cả nhà có thể gắn bó được với nhau trong những ngày đầu cho tới lúc này? Anh Nguyễn Đức Thắng, thứ nam của cụ Nguyễn Ngọc Oanh, thay bố, mà anh gọi là thầy, trình bày chi tiết hơn:

“Chuyện như thế này, tất cả gia đình chúng tôi tới đầu tiên là trại tị nạn Fort Chaffee, nhưng không có một nhà thờ hay là một ai bảo trợ cùng một lúc hai mưới mấy ngừơi như vậy được. Thì gia đình chúng tôi có họp nhau lại, tất cả mọi ngừơi bảo nhau là chúng ta sẽ ở trong một tiểu bang.

Mọi ngừơi bảo nhau ở lì trong trại tị nạn thì cuối cùng chúng tôi có ông anh được bảo trợ về Iowa, ông này chỉ có một đứa con. Ông ta tới vận động với nhà thờ bên cạnh để họ bảo trợ cả gia đình tôi. Trong lúc ông chú và gia đình ba chị không được ở gần thành phố đó thì họ tìm cách ở những thành phố bên cạnh hay là cách đó một hai tiếng đồng hồ lái xe.

Gia đình tôi có truyền thống mọi người bảo ban lẫn nhau, có từ ngày xưa ở Việt Nam cơ. Từ miền Bắc di cư vào miền Nam cũng đi thành nhóm với nhau, rồi đến khi mà định cư ở Thủ Đức hay là ở Tân lập cũng đi thành một nhóm với nhau. Thì sau này khi về Iowa gia đình chúng tôi thấy con cái bắt đầu lấy vợ lấy chồng mà lấy ngừơi Mỹ thì cũng kẹt, mình không hiểu phong tục tập quán của ngừơi ta nên gia đình chúng tôi lại thêm một lần nữa, sau khi ở Iowa đúng một năm, lại bồng bế nhau về California. Đúng như thầy tôi mong ước,chị kế của tôi lập gia đình ở đó. Gia đình chúng tôi ở Orange County của California như vậy là gần hai năm.

Sau đó thầy tôi lại cảm thấy thành phố ở California đó là của dân du lịch, đời sống hỗn độn khó lòng dạy bảo con cái là bởi vì ở đó ngừơi dân tứ xứ đổ về thì khó lòng có thể kéo tất cả gia đình thành một mối được. Thầy tôi tin rằng phải có chỗ an cư mới có thể lạc nghiệp được . Thế là gia đình lại châu đầu vào với nhau và quyết định đi về tiểu bang Texas. Nếu nói về gia đình thì chúng tôi đi đến đâu cũng cùng với nhau và quyết định gì cũng cùng với nhau.”

Thưa quí vị. Orange County tức Quận Cam như tên gọi sau này vào khi gia đình ông Nguyễn Ngọc Oanh đến thì không có mấy ngừơi Việt để hợp thành một cộng đồng Mỹ gốc Việt lớn mạnh như bây giờ.

Nếu theo như lời kể thì gia đình ông Nguyễn Ngọc Oanh sống tại Iowa một năm, đến California sau đó rời nơi này vào năm 1979. Sau cùng cả nhà mấy chục ngừơi dắt díu nhau tới lập nghiệp tại Fort Worth tiểu bang Texas đến giờ là 29 năm.

Tâm sự của các thành viên

Suốt 29 năm, theo lẽ thường người cao tuổi của thế hệ thứ nhất ngày một già đi, thế hệ một rưỡi và thế hệ thứ hai trưởng thành, kẻ ra bác sĩ, ngừơi thành tiến sĩ, ngừơi làm dược sĩ. Truyền thống gia đình vẫn là trên bảo dưới nghe, chú bác cô dì cha mẹ anh em con cháu thân cận đùm bọc, lo lắng và bảo ban cùng nhau.

Ông Nguyễn Ngọc Oanh: Hai con nhỏ của tôi là cháu Huy và cháu Dũng khi ở Cali về đây thì còn nhỏ. Cái sự quyết định ra đi về Texas là ở tôi. Tôi quyết định và tôi chọn . Sau này Huy và Dũng chỉ huy lớp nhỏ cho tôi. Chúng đủ sức dạy những đứa nhỏ cho tôi. Bây giờ tôi nhường lời lại cho sự dạy dỗ anh em con cháu như thế nào?"

Dũng: Tôi là Nguyễn Trí Dũng, đang làm việc ở Arlington. Tôi có đưa cháu vừa mới bứơc vô cửa thì nó khoanh tay nó thưa đàng hoàng"chào ông chào chú". Chính cái đó dạy cho tôi biết là nhờ gia đình ở chung với nhau như vậy và nề nếp học ở nơi nhau như vậy.

Từ lớn tới nhỏ đi vào nề nếp, kể cả con của tôi năm nay đưa nhỏ nhất là 5 tuổi mỗi lần gặp ông bà cũng phải khoanh tay chào ông bà và chào các anh các chị các bác các chú hết. Những cái nề nếp đó rất là quan trọng đối với tôi và đối với con cái của tôi mai sau.

Huy: Tôi là Nguyễn Trí Huy con út trong gia đình. Lúc tôi sang Mỹ thì được có hai tuổi rưỡi, đương nhiên bố mẹ nói sao thì chúng tôi nghe làm vậy, giống như mấy anh lớn, truyền thống gia đình thầy mẹ đặt đâu thì con ngồi đó. Qua đến bên này chúng tôi vô tiểu học, trung học rồi lên đại học cũng quanh đây thôi, không đi đâu xa, biết là gần thầy mẹ , gần anh em để mà giữ được cái nề nếp.

Rồi cũng nhìn xung quanh thì thấy những ngừơi cùng lứa tuổi với mình bắt đầu quên tiếng Việt, quên nề nếp, quên cái lễ nghĩa trong gia đình thì tôi thấy buồn cho họ mà thấy sung sứơng cho chính tôi là được ở trong một gia đình mà giữ được cái nề nếp như thế vậy. Thì càng thấy như thế càng nhận xét như thế thì càng quấn quít ở bên gia đình.

Thắng: Đối với cá nhân tôi thì quả thật không phải hệ thống quân giai nhưng mà quả thật trên nói dưới nghe. Dù cho là hình thức bề ngoài, thày tôi thì tin là nó giống như đi lính vậy. Tất cả mọi ngừơi phải đi một hai ba bốn, nhưng thật ra nó tạo một cái nề nếp trong gia đình chứ không phải lấy cái sự khoanh tay của con cháu làm trọng.

Tuy nhiên từ những cái như thế đưa ra những việc như biết kính trọng ông bà, biết ngừơi nào lớn hơn mình, ngừơi nào nhỏ hơn mình, hành xử thích ứng với cương vị ngừơi cháu ngừơi con.

Thanh Trúc: Thế thì những thành viên trẻ trong gia đình, học ở đây, thấm nhuần nền văn hoá ở đây. Khi lớn lên chắc chắn xã hội này có nhiều cơ hội để ngừơi ta có thể đi xa lập nghiệp . Trong gia đình của quí vị có ngừơi nào muốn đi xa, muốn tách ra khỏi gia đình không?

Thắng: Câu này để Dũng trả lời…

Dũng: Đi xa để làm cái gì cơ chứ. Tôi năm nay 39 và em Huy 35, anh em làm chung với nhau cùng cơ sở và rất vui với nhau. Hỏi rằng đi xa để làm gì khi mà có anh em và mọi gia đình ở gần đây hết rồi?

Thanh Trúc: Nếu nghĩ như vậy thì có bảo thủ quá không?

Huy: Cái kiểu suy nghĩ đó nếu mà nói conservative thì đúng, gia đình chúng tôi rất bảo thủ, nhưng mà đồng thời có những cái mình nên phóng khoáng có những cái mình nên học hỏi tìm hiểu được những cái hay mình đem về có nghĩa là thấy cái gì hay mình đưa về không phải riêng chó chính mình mà đem về cho đại gia đình chung. Tư tưởng đó hay hơn là mình đi ra ngoài chỉ để kiếm lợi cho chính mình.

Thắng: Hay nhất là đan cử thí dụ vậy. Nếu mà nói ra ngoài thì nó có dây dưa đến vấn đề ra trường, mong mỏi mãi đến ngày ra trường, mong mỏi kiếm được công ăn việc làm. Thì em nó ra trường là về surgeon, về ngành mổ xẻ đó, nó được đề nghị việc làm với số lương hình như 300.000 thì phải. Nhưng em nó từ chối cái việc đó để mong ở cạnh gia đình mình thôi.

Chính ở nơi đó tôi nhìn thấy cái giá trị của tình anh em, của tình gia đình, một ngừơi con một ngừơi em trong gia đình nó hy sinh tất cả những cái đó để cảm thấy rằng có nhau là trọng, và cái sự bảo ban lẫn nhau trong gia đình qúi báu lắm. Con cái trong gia đình từ đó thành mẫu mực rồi.

Và đồng thời nói về truyền thống trong gia đình thì như chị biết chúng tôi có mở một cái trường học ở đây. Thì cái hay của văn hoá Việt Nam không phải chí có mình nhìn thấy hay đâu, mà chính cả bố mẹ ngừơi Mỹ họ cũng thấy hay. Thí dụ trong những ngày sinh nhật của những đứa trẻ trong trường, theo thói quen thí chúng vòi vĩnh cha mẹ mua quà, chúng tôi mang văn hoá Việt Nam dạy cho chúng nó, thì ngày sinh nhật chúng thức dậy sớm, làm một bữa điểm tâm, bưng tới giường bố mẹ và khoanh tay nói rằng con cám ơn bố mẹ đã sinh ra con.

Những điểm đó không những đánh động rất lớn và mỗi lần cha mẹ tới cám ơn tôi thì chúng tôi cảm thấy rất là hãnh diện. Những niềm hãnh diện nho nhỏ đó tạo cho gia đình càng ngày càng gần gũi nhau hơn.

Thanh Trúc: Quí thính giả vừa nghe một câu chuyện quả không có gì mới, cái mới cái lạ ở đây chính là sự gíao dục, bảo toàn và gắn bó của những con ngừơi trong một đại gia đình luôn đề cao giá trị và sự toàn vẹn của gia đình trong một xã hội vốn thiên nặng về chủ nghĩa cá nhân và nếp sống riêng tư , luôn có xung đột về văn hoá và cách sống giữa những thế hệ khác nhau trong cùng một mái nhà.

Trường học mà anh Nguyễn Đức Thắng vừa đề cập đến là một trường tư thục công giáo. Những thành viên có học vị trong gia đình họ Nguyễn đảm trách phần dạy dỗ, đa số học sinh là con em các gia đình Mỹ trong vùng. Đây là bổn phận và trách nhiệm trả ơn lại cho mảnh đất đã cưu mang cả giòng họ này 32 năm qua.

Thanh Trúc sẽ giới thiệu ngôi trường mang tên St. Ignatius College Preraratory School đến quí thính giả trong mục Đời Sống Ngừơi Việt Khắp Nơi tối thứ Năm tuần tới.