Hà Nội đánh mất thế mặc cả thuận lợi đối với Washington do chiến dịch đàn áp ở trong nước

Nguyễn Khanh, phóng viên đài RFA

Ông Pham Gia Khiêm, Phó Thủ Tướng Kiêm Bộ Trưởng Ngoại Giao Việt Nam, vừa hoàn tất chuyến viếng thăm Hoa Kỳ. Chuyến đi này được giới quan sát chính trị ở thủ đô nước Mỹ đánh giá ra sao?

Xem video clip Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm gặp gỡ các giới chức Washington. @ RFA/ Nguyen An

Ðó là câu hỏi chúng tôi đặt ra với Giáo Sư Nguyễn Mạnh Hùng, một chuyên gia về Việt Nam, hiện đang giảng dậy môn chính trị học và bang giao quốc tế ở Ðại Học George Mason. Cuộc phỏng vấn do Nguyễn Khanh thực hiện.

Bầu không khí trước chuyến đi

Nguyễn Khanh: Phó Thủ Tướng kiêm Bộ Trưởng Ngoại Giao Phạm Gia Khiêm của Việt Nam đã đến Washington và rời thủ đô Mỹ để về lại Hà Nội. Giới quan sát ở Hoa Kỳ đánh giá chuyến đi của ông Khiêm như thế nào?

Nguyễn Mạnh Hùng: Nếu nói về chuyến đi của ông Khiêm, chúng ta phải so sánh bầu không khí trước chuyến đi những gì xảy ra trước chuyến đi.

Trước chuyến đi, Phó Thủ Tướng kiêm Bộ Trưởng Ngoại Giao Phạm Gia Khiêm của Việt Nam sang thăm Mỹ trong bầu không khí trông đợi. Người ta trông đợi ở những tiến bộ mới, người ta trông đợi ở nhà lãnh đạo ngoại giao mới của Việt Nam.

Trước khi ông Khiêm sang Mỹ, đã có một loạt những diễn tiến thuận lợi cho bang giao hai nước, gồm những chuyến viếng thăm dồn dập của các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ, từ ông Rumsfeld, Ðô Ðốc Fallon đến Việt Nam hồi mùa hè 2006, phải kể cả chuyến viếng thăm của Bà Ngoại Trưởng Rice bị hủy bỏ vào giờ chót vì khủng hoảng xảy ra ở Trung Ðông.

Với tư cách Bộ Trưởng Ngoại Giao thì chỉ trong một chuyến đi, ông Khiêm đã được gặp nhiều viên chức cao cấp của Hoa Kỳ hơn tất cả những vị Bộ Trưởng Ngoại Giao Việt Nam trước đây, thì đó là dấu hiệu cho thấy bầu không khí trông đợi của phía Hoa Kỳ trước chuyến đi của ông Khiêm.

Sau đó là cuộc viếng thăm chính thức của Tổng Thống George W. Bush tại Việt Nam, rồi hoàn tất thương thuyết Việt-Mỹ dọn đường cho Việt Nam gia nhập Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới (WTO), rồi Hoa Kỳ lại rút Việt Nam ra khỏi danh sách những quốc gia cần quan tâm về vấn đề tôn giáo.

Phía Việt Nam thì cho Hoa Kỳ đưa tầu vào tìm người mất tích (POW/MIA) trên biển, và Mỹ bỏ cấm vận bán quân cụ cho Việt Nam. Ðó là những diễn tiến thuận lợi.

Thứ hai, đây là chuyến đi trình làng, chuyến đi đầu tiên của ông Khiêm sang Mỹ. Là Bộ Trưởng Ngoại Giao đồng thời cũng là Ủy Viên Bộ Chính Trị, ông Khiêm là nhà ngoại giao vai vế nhất tính từ thời ông Nguyễn Cơ Thạch và ngay cả thời ông Nguyễn Mạnh Cầm nữa.

Dĩ nhiên, người Mỹ chờ đợi để đánh giá ông Khiêm và chính sách đối ngoại của Việt Nam, vì ông Khiêm được coi là một người “nặng ký” trong hệ thống quyền lực của Việt Nam.

Vì thế Chính Phủ Hoa Kỳ đã dành cho ông Khiêm một sự tiếp đón đặc biệt, ông được gặp hầu hết các nhà hoạch định chính sách đối ngoại của Mỹ, từ Bà Ngoại Trưởng Condoleeza Rice, ông Cố Vấn An Ninh Quốc Gia Stephen Hadley, ông Thứ Trưởng Quốc Phòng Gordon England, Bà Susan Schwab, Ðại Diện Mậu Dịch Hoa Kỳ, ông Tổng Trưởng Thương Mại… và nhiều giới chức bên lập pháp.

Với tư cách Bộ Trưởng Ngoại Giao thì chỉ trong một chuyến đi, ông Khiêm đã được gặp nhiều viên chức cao cấp của Hoa Kỳ hơn tất cả những vị Bộ Trưởng Ngoại Giao Việt Nam trước đây, thì đó là dấu hiệu cho thấy bầu không khí trông đợi của phía Hoa Kỳ trước chuyến đi của ông Khiêm.

“Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”

Xem video clip cuộc họp báo tại Quốc hội Hoa Kỳ tố cáo Việt Nam đàn áp dân chủ, vi phạm nhân quyền. @ RFA/Thanh Truc

Khi ông Khiêm sang đây để thực hiện những cuộc tiếp xúc với Hoa Kỳ, thì chúng ta thấy một số sự kiện đáng tiếc đã xảy ra và đầu độc bầu không khí trông đợi ấy. Nhìn ngược lại, chúng ta thấy kể từ sau Thượng Ðỉnh APEC, không những Việt Nam bắt giữ, làm khó dễ, mà đôi khi còn hành hung những người bất đồng chính kiến, như ông Ðỗ Nam Hải, ông Nguyễn Văn Ðài, Luật Sư Lê Thị Công Nhân, Linh Mục Nguyễn Văn Lý.

Trước khi ông Khiêm đi Mỹ Việt Nam lại bắt thêm một số nữa, kể cả người không thể xếp diện bất đồng chính kiến như trường hợp cua ông Lê Quốc Quân, người vừa mới trở lại Việt Nam sau khi được nhà nước cho phép đi sang Hoa Kỳ nghiên cứu về Xã Hội Công Dân ở Mỹ.

Trong lúc ông Khiêm đang ở Hoa Kỳ thì lại xảy ra chuyện không cho đại diện Sáng Hội Rafto thăm Hòa Thượng Thích Quảng Ðộ và chuyện Phó Ðại Sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội gặp Thứ Trưởng Công An Nguyễn Văn Hưởng để phàn nàn về chuyện Việt Nam vi phạm nhân quyền. Những sự kiện này khiến Hoa Kỳ bắt buộc phải đặt vấn đề nhân quyền trong những buổi nói chuyện với ông Khiêm.

Trước khi ông Khiêm thăm Quốc Hội, nhóm Vietnam Caucus gồm một số nhà lập pháp lập ra với mục đích cổ võ cho quan hệ hai nước đã phải họp báo, công khai lên tiếng chống đối các hành động vi phạm nhân quyền ở Việt Nam.

Trong cuộc tiếp xúc với Bà Rice, Bà Ngoại Trưởng Mỹ cũng đặt vấn đề nhân quyền và một vài trường hợp những người bất đồng chính kiến đang bị giam giữ tại Việt Nam. Phát Ngôn Viên Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ cũng lên tiêng xác định vấn đề nhân quyền là vấn đề hàng đầu trong cuộc thảo luận.

Nhìn những gì trước khi ông Khiêm đi Mỹ và những gì xảy ra ở Việt Nam, chúng ta thấy dường như có chuyện trống đánh xuôi, kèn thổi ngược. Với chuyến đi nhằm mục đích tăng cường quan hệ Mỹ-Việt trong mọi cấp bậc và những đàn áp nhân quyền xảy ra ở trong nước làm cho người Mỹ ở vào thế khó xử.

Nếu giải thích nhẹ nhàng, thì chúng ta có thể coi là sự thiếu phối hợp giữa các nghành, các cơ quan trong chính phủ Việt Nam. Còn nếu cứng rắn hơn thì có Nghị Sĩ Mỹ cho rằng đó là hành động cố tình của chính quyền Việt Nam, tức là sau khi được vào WTO rồi thì Hà Nội trở mặt, không còn coi trọng dư luận quốc tế nữa.

Dù giải thích như thế nào đi chăng nữa, những sự kiện tôi vừa trình bày cũng đã đặt Hoa Kỳ vào một thế khó xử, nhất là những người trước kia từng lên tiếng, từng vận động cho bang giao hai nước.

Nhìn những gì trước khi ông Khiêm đi Mỹ và những gì xảy ra ở Việt Nam, chúng ta thấy dường như có chuyện trống đánh xuôi, kèn thổi ngược. Với chuyến đi nhằm mục đích tăng cường quan hệ Mỹ-Việt trong mọi cấp bậc và những đàn áp nhân quyền xảy ra ở trong nước làm cho người Mỹ ở vào thế khó xử.

Một số chuyên viên Hoa Kỳ còn cho rằng Hà Nội nói muốn tăng cường quan hệ với Washington, nhưng rõ ràng trong nội bộ của Việt Nam, vẫn còn một lực lượng quan trọng chống lại bang giao hai nước, và tìm cách phá đám.

Do đó, họ bi quan hơn về triển vọng quan hệ Việt-Mỹ, và theo tôi nghĩ, chính cái bầu không khí này đã làm giảm cái thế mặc cả thuận lợi của ông Khiêm đối với chính phủ Mỹ, nhất là đối với Quốc Hội Hoa Kỳ.

Thiếu kinh nghiệm trong quan hệ ngoại giao

Nguyễn Khanh: Như thế, thưa Giáo Sư, đánh giá thế nào là đánh giá đúng nhất về chuyến đi Mỹ của ông Khiêm? Thành công, thất bại, hay như thế nào?

Nguyễn Mạnh Hùng: Nhìn vào chuyến đi của ông Khiêm, chúng ta để ý thấy báo chí Việt Nam nhấn mạnh ở chỗ để tiếp tục bàn về những cam kết thương mại giữa hai nước sau chuyến viếng thăm nhằm tăng quan hệ song phương của Tổng Thống George W. Bush ở Việt Nam, và vận động Mỹ cho Việt Nam hưởng các ưu đãi về thuế quan.

Báo chí Mỹ đưa tin rất ít về chuyến viếng thăm Hoa Kỳ của ông Khiêm, trong khi các hãng thông tấn lại nhấn mạnh ở chỗ chuyến đi này để sửa soạn cho chuyến đi Washington sắp đến của Chủ Tịch Nước Việt Nam là ông Nguyễn Minh Triết.

Ðó là những mục tiêu được báo chí nói đến. Trong chuyến đi thì chỉ có một hiệp ước về hàng hải được ký kết, phía Mỹ thông đưa ra cam kết gì về ưu đãi quan thuế cho Việt Nam.

Xem video clip cuộc biểu tình trước điện Capitol Hill nhân dịp Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm đến thủ đô Washington. @ RFA/ Thanh Truc

Như thế chúng ta thấy qua việc đón tiếp ông Khiêm, phía hành pháp Hoa Kỳ bày tỏ thiện chí, coi trọng tầm quan trọng của mói quan hệ Việt-Mỹ, nhưng nhân quyền vẫn tiếp tục là vấn đề và có thể là điều mà tôi gọi là “spoiler”, tức là “yếu tố phá đám” mà Việt Nam cần phải giải quyết khéo léo, nhất là trước và trong những chuyến công du quan trọng.

Việt Nam không phải là Trung Quốc, tầm mức quan trọng về chiến lược và kinh tế đều kém xa Trung Quốc, ngược lại thì quan hệ lịch sử đặc biệt giữa Mỹ và Việt Nam, đặc biệt là sự hiện diện của những người cử tri Mỹ gốc Việt, khiến quan tâm của nội bộ Hoa Kỳ về vấn đề nhân quyền ở Việt Nam lại lớn hơn, cho nên xử lý nhân quyền mà Mỹ áp dụng với Trung Quốc chỉ có giá trị giới hạn với Việt Nam mà thôi.

Nhìn vào khung cảnh đó chúng ta có thể coi kết quả của chuyến đi này chỉ là một kết quả khiêm nhượng nhưng có thể hiểu được. Ðiều quan trọng mà tôi muốn nói là có lẽ, kinh nghiệm mà người lãnh đạo ngành ngoại giao Việt Nam rút ra được sau khi tiếp xúc và quan sát tận mắt tình hình nội bộ và cách làm việc của người Mỹ.

Nếu được đánh giá đúng, đó là những kinh nghiệm rất quý báu, để thương thuyết và chuẩn bị cho chuyến đi của ông Chủ Tịch Nước Nguyễn Minh Triết, và hoạch định đường lối ngoại giao của Việt Nam đối với Mỹ cũng như với mục tiêu vận động sự ủng hộ của cộng đồng người Mỹ gốc Việt.

Chuẩn bị cho chuyến đi sắp tới của ông Triết

Nhìn vào khung cảnh đó chúng ta có thể coi kết quả của chuyến đi này chỉ là một kết quả khiêm nhượng nhưng có thể hiểu được. Ðiều quan trọng mà tôi muốn nói là có lẽ, kinh nghiệm mà người lãnh đạo ngành ngoại giao Việt Nam rút ra được sau khi tiếp xúc và quan sát tận mắt tình hình nội bộ và cách làm việc của người Mỹ.

Nguyễn Khanh: Ông Khiêm rời Mỹ với những chuyện lùng bùng trong mối quan hệ giữa hai bên chưa thể giải quyết được, như thế, chúng ta có thể trông đợi gì ở chuyến viếng thăm của ông Nguyễn Minh Triết sẽ diễn ra vào cuối tháng Sáu, đầu tháng Bảy năm nay? Hay nói rõ hơn là phía Việt Nam phải làm gì để nâng mức quan hệ song phương với Hoa Kỳ?

Nguyễn Mạnh Hùng: Trước hết, ngày đi của ông Triết mới được trù liệu như vậy thôi, hai bên chưa xác định gì cả. Có thể ngày ông Triết sang Mỹ có thể diễn ra vào những thời điểm đã được nói đến nhưng cũng có thể dời lại, tùy thuộc vào những cuộc thảo luận sau này giữa hai phía.

Chuyến đi của một vị chủ tịch nước là một chuyến đi quan trọng lắm, nên phải chuẩn bị thật kỹ lưỡng thì mới mong sẽ đạt kết quả.

Tôi nghĩ sau chuyến đi, ông Khiêm -với tư cách là Bộ Trưởng Ngoại Giao và là người có uy thế trong Bộ Chính Trị- sẽ bàn thảo, rút ra kinh nghiệm, để trước hết đặt mục tiêu đối với Mỹ như thế nào, xem mình muốn gì với Mỹ, xem giữa mình và Hoa Kỳ có những vấn đề gì cần giải quyết, giải quyết như thế nào, để chuyến đi của ông Triết điều tiết nhịp nhàng, không có chuyện trống đánh xuôi kèn thổi ngược như chuyến đi vừa rồi của ông Khiêm.

Nguyễn Khanh: Xin cám ơn Giáo Sư Hùng.