Dư luận xung quanh vụ nổ bom bên cạnh tượng đài hữu nghị Việt Nam – Cambodia
2007.07.30
Nguyễn Bình, thông tín viên đài RFA
Đảng đối lập và các tổ chức dân sự tại Cambodia bày tỏ sự lo lắng sau sự kiện nổ bom bên cạnh tượng đài hữu nghị Việt Nam – Cambodia vào ngày chủ nhật, 29 tháng 7 vừa qua. Phóng viên Nguyễn Bình từ thủ đô Phnom Penh có bài tường trình về vụ việc này như sau.

Một quả bom tự chế thô sơ từ chất nổ TNT và phân urea mà các chuyên gia nhận định rằng sức công phá không đáng kể, do đó không gây thiệt hại về nhân mạn và tượng đài hữu nghị Việt nam – Cambodia tại thủ đô Phnom Penh. Tuy nhiên tiếng nổ phát ra cũng rất lớn gây hoang mang cho người dân ở thủ đô Phnom Penh vào sáng ngày 29 tháng 7 vừa qua.
Đặc biệt, vụ nổ này xảy ra sau một chuỗi sự kiện xảy ra ở miền Nam Việt Nam và Cambodia. Tại miền Nam Việt Nam, người Khmer ở An Giang và Sóc Trăng liên tục biểu tình đòi đất đai, một số nhà sư Khmer bị buộc phải hoàn tục và đưa ra tòa ở Sóc Trăng.
Còn ở Cambodia, có một nhà sư gốc Khmer Nam bộ chết một cách bí ẩn ở tỉnh Kandal sau khi tham gia biểu tình phản đối chính quyền Sóc Trăng đàn áp tôn giáo, và gần đây nhất là vụ mất tích của một nhà sư gốc Khmer Nam bộ ở tỉnh Takeo của Cambodia, mà các tổ chức nhân quyền cáo buộc rằng chính quyền Việt Nam hợp tác với Cambodia bắt vị sư này đem đi giam hoặt thủ tiêu ở Việt Nam.
Ông Thạch Setha, lãnh đạo cộng đồng Khmer Kampuchea Krom tại thủ đô Phnom Penh đang đấu tranh đòi nhân quyền cho người Khmer ở miền Nam Việt Nam cho biết chủ trương của tổ chức ông là bất bạo động. Nhưng ông cũng rất lo lắng cho cộng đồng Khmer Krom của ông, vì có thể nhân cơ hội này chính quyền Việt Nam có cớ để bắt bớ giam cầm họ.
Được biết vào tháng 11 năm 2006 vừa, cảnh sát Cambodia từng bắt giam 6 người cho rằng họ bị tình nghi có kế hoạch đánh bom khủng bố vào dịp lễ hội đua thuyền. Lúc ấy quan chức cảnh sát không tiết lộ danh tính, họ chỉ khẳng định với báo chí rằng 6 người này là người gốc Khmer Nam bộ, nhưng khi đưa ra xét xử thì không thấy có người nào là Khmer Nam bộ cả.

Sau đó có thêm 3 người gốc Khmer Nam bộ bị bắt ở Phnom Penh với cáo buộc rải truyền đơn phỉ báng thủ tướng Hun Sen, nhưng khi đưa ra tòa, đại diện cơ quan điều tra lại không đưa ra được bằng chứng để buộc tội.
Các tổ chức nhân quyền cho rằng 2 vụ án trên do nhà cầm quyền Phnom Penh và Hà Nội dàn dựng để khủng bố tinh thần người Khmer Nam bộ. Đối với vụ nổ này, ông Ou Virak, giám đốc trung tâm nhân quyền Cambodia đề nghị cơ quan chức năng điều tra một cách khách quan, đừng nên dựa vào cảm tính hay thành kiến xưa nay.
Còn ông Chan Saveth, nhân viên điều tra của tổ chức nhân quyền ADHOC nói thẳng rằng cộng đồng Khmer Krom tại Cambodia là đối tượng dễ bị hai chính phủ Việt Nam và Cambodia nghi ngờ nhất, mặt dù chủ trương của họ là phi bạo lực. Ông cho rằng cộng đồng người Khmer Krom tại đây đang đấu tranh bất bạo động đòi Hà Nội giao trả một vị sự mà họ tin rằng bị bắt cóc đưa sang Việt Nam vào cuối tháng 6 vừa qua.
Ông Sam Rainsy, chủ tịch đảng đối lập tại Cambodia lên tiếng tố cáo hành động đặt bom nói trên. Nhưng ông cũng cho biết ông nghi ngờ rằng vụ việc này do nhà cầm quyền Phnom Penh hoặc Hà Nội tự đạo diễn để có cớ khủng bố lực lượng đối lập tại Cambodia.
Nhưng cho đến nay vẫn chưa có một người nào bị bắt, và chính quyền Phnom Penh vẫn chưa tiết lộ đối tượng bị tình nghi.
Tượng đài hữu nghị Việt Nam – Cambodia được xây dựng trong thập niên 80 trong lúc quân đội Việt Nam còn chiếm đống tại Cambodia, với hình ảnh một bộ đội Việt Nam và Cambodia đứng bảo vệ một phụ và một em bé.
Có nhiều ý kiến khác nhau xung quanh tượng đài này. Những người ủng hộ đảng nhân dân đang cầm quyền hiện nay cho rằng đây là biểu tượng của tình hữu nghị và hợp tác giữa hai nước Việt Nam và Cambodia. Còn những người đối lập thì cho rằng là biểu tượng của quân đội Việt Nam xâm lược Cambodia.
Vào năm 1998, tượng đài này từng bị lực lượng biểu tình bạo động đập phá làm hư hại đáng kể, sau đó chính phủ Cambodia phải chi hàng chục ngàn đôla để tu bổ lại.
Những bài liên quan
- Phát hiện chất nổ bên cạnh tượng đài hữu nghị Việt Nam – Cambodia
- Lãnh tụ tranh đấu ở Campuchia công bố thành lập đảng Nhân quyền
- Cambodia hạn chế hoạt động đạo Tin Lành
- UNHCR cứu 15 người Thượng Việt Nam ở Cambodia
- Cambodia kêu gọi quốc tế giúp đối phó với dịch sốt xuất huyết
- HRW yêu cầu quốc tế gây áp lực để Campuchia diệt trừ tham nhũng
- Cảnh sát Thái bắt người Hồi giáo Campuchia nhập cư bất hợp pháp
- Cambodia phản đối tổ chức bảo vệ môi trường Global Witness
- Cambodia có một đài phát thanh nói về nhân quyền của người Khmer Nam Bộ