Ðọc báo trong nước trên mạng Internet (Ngày 22-5-2004)

Tuần qua báo Việt Nam trên mạng có nhiều người truy cập như Vietnam Net, VN Express, Tuổi Trẻ Online, Thanhniên Online, Lao Động, Người Lao Động tràn ngập các bài tường thuật về kỳ họp thứ 5 của Quốc Hội đang diễn ra tại Hội Trường Ba Đình Hà Nội.

Bấm vào đây để nghe tiết mục này

Rightclick to download this audio

Các đây vài năm chẳng có người đọc báo nào, chú ý tới các phiên họp buồn chán mang tính hình thức của quốc hội một đảng ở Việt Nam. Nhưng hiện nay tình hình có biểu hiện đổi khác, do một số đại biểu Quốc Hội đưa ra các bài phát biểu gây sôi nổi dư luận cả bên trong lẫn ngoài hội trường Ba Đình. Có một số đại biểu quốc hội xuất thân thành phần trí thức, am hiểu vấn đề mình phát biểu và thẳng thắn phát biểu lột trần các bức xúc của đời sống chính trị xã hội Việt Nam, cho nên báo chí dù toàn bộ là cơ quan nhà nước quản lý, vẫn có dịp cạnh tranh nhau trong các bài tường thuật sôi động.

Một trong các tham luận được nhiều báo đăng tải nhất có thể nói tới bài phát biểu của nhà sử học Dương Trung Quốc, đại biểu quốc hội đơn vị Đồng Nai. Anh Thanh Quang sẽ trình bày chi tiết các ý kiến của ông Dương Trung Quốc.

Tất cả các báo mạng đều có đề cập tới phát biểu của nhà sử học Dương Trung Quốc, nhưng VietnamNet và ít nhất là một tờ báo mạng khác đã đăng tải nguyên văn bài phát biểu của ông. Các báo cẩn thận ghi thêm mấy dòng phi lộ rằng họ coi rằng đây là ý kiến cá nhân của nhà sử học. Vậy thì vấn đề gì khiến họ phải cẩn thận như vậy.

Với tựa đề ‘đừng ngồi trong nhà và đóng tất cả cánh cửa lại’ Việt Nam Net gọi bài phát biểu của ông Dương Trung Quốc là đầy tâm huyết với thông điệp rằng, nếu Việt Nam vẫn thoả mãn với bước đi chậm rãi, thì Việt Nam sẽ mãi mãi tụt hậu. Nhà sử học Dương Trung Quốc nhận định rằng, các báo cáo trước quốc hội của chính phủ về tình hình kinh tế xã hội, cho thấy chính phủ đã không định vị được tọa độ của Việt Nam đang ở đâu, trên một lộ trình phấn đấu gắn sự phát triển của đất nước với thế giới, đặc biệt là trong mối tương quan với quốc gia khác trong quá trình hội nhập. Nói cách khác, theo nhà sử học, phải đặt câu hỏi là Việt Nam hiện nay đang ở đâu trên thế giới này. Ông Dương Trung Quốc nhấn mạnh, rằng trong cuộc cạnh tranh này, Việt Nam lại còn phải chứng minh được tính ưu việt, tính hơn hẳn của điều gọi là kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Ông Dương Trung Quốc nhấn mạnh, đọc báo cáo của chính phủ ông thấy nó không cho người đọc hôm nay, cũng như những nhà sử học trong tương lai thấy được tọa độ, và mục tiêu cải thiện vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế vào thời điểm này. Về vấn đề Việt Nam mong muốn hội nhập mạnh mẽ với thế giới để xin gia nhập tổ chức mậu dịch thế giới WTO trong năm 2005, nhà sử học thêm rằng, ai cũng biết đàng sau cánh cửa của WTO là cả muôn vàn cơ hội nhưng cũng là muôn vàn thử thách. Và theo ông Dương Trung Quốc, cơ hội chỉ đến với ai đã được chuẩn bị kỹ càng, sẵn sàng vào cuộc, còn thách đố sẽ luôn lôi Việt Nam vào vào cuộc với tất cả sự khôn lường với những ai chưa từng đi. Ông Dương Trung Quốc nói, sau khi đọc bản báo cáo của quốc hội ông có cảm giác rằng Việt Nam chưa sẵn sàng để hội nhập lớn.

Bài phát biểu của đại biểu quốc hội Dương Trung Quốc mà VietnamNet đăng toàn văn, có phần kết luận theo đó ông mong rằng trong bản báo cáo sắp tới của chính phủ, bên cạnh những nội dung như thông lệ, chính phủ có thể nêu ra một vài vấn đề có tầm vóc lớn hơn, một vài sáng kiến có tính chất đột phá. Và nhà sử học Dương Trung Quốc kết thúc với một đề nghị, ông nói, liệu từ nay trên các phương tiện thông tin đại chúng hàng ngày bên cạnh thông báo giá vàng, giá đô la, nhiệt độ thời tiết có thêm thông số về thứ hạng nước ta trong nền kinh tế thế giới, số tiền Việt Nam đang vay nợ thì chắc chắn vì thấm nỗi nhục nghèo hèn mà người Việt Nam nuôi chí vươn lên.

Diễn đàn quốc hội Việt Nam nhiều chục năm liền chưa hề có những phát biểu thẳng thắn và mạnh mẽ như vậy. Để có thể hình dung tính cách của nhà sử học Dương Trung Quốc, chúng tôi mạn phép trích từ tư liệu lưu trữ của Ban Việt Ngữ một ít tiếng nói của ông Dương Trung Quốc, trong một lần ông trả lời đài ACTD: "Như tôi trình bày trước quốc hội, tôi là đại biểu của giới làm công tác sử học, nên những băn khoăn của tôi cũng dựa theo khía cạnh chuyên môn sử học." (audio clip)

Thưa quí thính giả điểm các bài tường thuật về kỳ họp thứ 5 tuần qua của quốc hội Việt Nam, chúng tôi thiển nghĩ phần tóm nội dung bài phát biểu của sử gia Dương Trung Quốc đã thể hiện khá rõ nét tình hình kinh tế xã hội ở Việt Nam trong giai đọan hiện nay.

Qua một nội dung khác được dư luận quan tâm không kém, báo Lao Động đưa lên mạng hôm 19/5 thông báo số 99 của văn phòng chính phủ về vấn đề tăng cường quản lý thông tin trên mạng Internet. Bản thông báo có 5 điểm nhằm ngăn chặn việc khai thác, truyền bá các thông tin xấu độc hại trên mạng Internet. Nói dài dòng như vậy nhưng nôm na là ngăn chặn cả người phát tán thông tin mà nhà nước quan niệm là xấu, lẫn người truy cập internet để xem thông tin. Những ngừơi vi phạm liên quan tới Internet độc hại có thể bị truy tố trước pháp luật.

Thưa quí thính gỉa dân số Việt Nam hiện nay 80 triệu, có khoảng 2 triệu người thường xuyên sử dụng Internet. Tuy vậy đa phần họ vào mạng qua điểm dịch vụ hay Càphê Internet. Một độc giả trung thành của báo Lao Động ở TP.HCM, xác nhận là biện pháp kiểm sóat các điểm dịch vụ Internet ở một số địa phương bắt đầu được triển khai: (audio clip)

Theo các báo, thông tin độc hại bao gồm các trang web khiêu dâm đồi trụy, các trang web chính trị của các tổ chức hoặc cá nhân chống phá chính sách của nhà nước Việt Nam, cũng như trang Web của các đài phát thanh ở nước ngoài nằm trong danh sách bị cấm.

Trong tuần các báo online còn đưa tin về sự kiện Sân Bay Cam Ranh đón chuyến bay dân sự đầu tiên hôm 19/5/2004. Theo tin này, Một máy bay A 320 của Vietnam Airlines chở 133 hành khách từ Hà Nội đã đáp xuống sân bay Cam Ranh nằm cách thành phố Nha Trang 35 km. Trong chiến tranh Việt Nam, Cam Ranh là một căn cứ hải và không quân tầm cỡ do quân đội Mỹ sử dụng. Năm 1979 Liên Sô cũ thuê và sử dụng căn cứ Cam Ranh, tuy nhiên sau khi Liên Sô sụp đổ, Công Hoà Liên Bang Nga đã chấm dứt hợp đồng thuê Vịnh Cam Ranh giữa chừng vào năm 2001.

Ngày nay chính phủ nước CHXHCN Việt Nam có dự án biến Vịnh Cam Ranh thành khu du lịch quốc tế, và việc chuyển phi trường Cam Ranh thành phi cảng dân sự nằm trong mục đích này. Hàng năm có khoảng nửa triệu du khách nghỉ mát ở Nha Trang, trong số này có 150 ngàn người nước ngoài và Việt Kiều. Phi trường Nha Trang hiện hữu có đường băng ngắn không thích hợp cho phi cơ phản lực thương mại, nên căn cứ Cam Ranh cũ được chọn để thay thế.

Việc biến Cam Ranh thành phi cảng quốc tế còn là dự án tương lai, ông Võ Anh Tú trưởng ban quản lý các phi trường thuộc Cục Hàng Không Dân Dụng trả lời đài chúng tôi như sau: (audio clip)

Thông tin sau cùng mà chúng tôi điểm trên mạng tuần qua là tin của VN Express, sau nhiều năm bảo hộ ngành miá đường vì trong nước sản xuất thừa đường với giá thành cao hơn khu vực, hôm 18/5 chính phủ quyết định cấp quota cho phép nhập khẩu một lượng đường nhất định, con số là bao nhiêu thì chưa rõ, nhằm có đủ hàng cung cấp cho thị trường tiêu dùng. Hiện nay trong số 42 nhà máy đường toàn quốc, khoảng 38 nhà máy đã đóng cửa ngừng họat động vì không có nguyên liệu, tức không mua được mía để sản xuất.

Cuộc khủng hoảng của chương trình mang tên 1 triệu tấn đường trong thập niên 1990 kéo dài hơn 10 năm, gây thiệt hại nhiều ngàn tỷ đồng nay lại tiếp tục gây tác hại ở bình diện khác, không còn thừa đường giá đắt hơn khu vực, mà nay thiếu đường cung cấp cho người tiêu thụ, khiến lại phải cấp quota nhập đường nhằm chống lại đường nhập lậu.